New York Philharmonic là một trong những dàn nhạc nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới có trụ sở tại New York, Mỹ. Là một thành viên của nhóm Big Five (nhóm 5 dàn nhạc hàng đầu nước Mỹ, cùng với Philadelphia Orchestra, Boston Symphony Orchestra, Chicago Symphony Orchestra và Cleveland Orchestra), New York Philharmonic được thành lập năm 1842 và từ đó đến nay đã thực hiện tổng cộng hơn 15.000 buổi hoà nhạc trên khắp thế giới.
Nhạc trưởng người Mỹ Ureli Corelli Hill dưới sự giúp đỡ của nhà soạn nhạc người Ireland William Vincent Wallace đã thành lập New York Philharmonic với mục đích ban đầu nhằm “phát triển khí nhạc”. Buổi hoà nhạc đầu tiên của dàn nhạc diễn ra vào ngày 7/12/1842 tại Apollo Rooms, Broadway dưới sự thưởng thức của khoảng 600 khán giả. Ureli Corelli Hill đã chỉ huy bản Giao hưởng số 5 của Beethoven trong khi hai nhạc trưởng khác, Henry Timm và Denis Etienne đảm nhiệm phần còn lại với overture Oberon của Weber, Quintet của Hummel và một số trích đoạn từ các vở opera với sự cộng tác của các danh ca hàng đầu nước Mỹ, một chương trình tổng hợp điển hình của thời kỳ này. Tổng cộng chương trình kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Hill sinh ra trong một gia đình âm nhạc. Ông từng có hai năm theo học tại Đức với nhà soạn nhạc Louis Spohr. Sau khi trở thành nhạc trưởng chính của New York Philharmonic ông từng gửi thư mời biểu diễn tới Spohr và Mendelssohn, cả hai đều từ chối nhưng đã gửi thư cảm ơn. Ban đầu dàn nhạc hoạt động trên nguyên tắc bình đẳng, các nhạc công sẽ bỏ phiếu xem ai sẽ trở thành nhạc công, biểu diễn tác phẩm nào hay ai là nhạc trưởng. Vào cuối mùa diễn, mọi người sẽ chia nhau số tiền lãi thu được. Trong thời kỳ đầu của dàn nhạc, từ năm 1842-1849, bên cạnh Hill, Timm và Etienne, công việc giám đốc âm nhạc còn được chia sẻ với William Alpers, George Loder, Louis Wiegers và Alfred Boucher.
Chỉ sau 16 buổi biểu diễn trước công chúng và chưa đầy 4 năm, New York Philharmonic đã tổ chức một buổi hoà nhạc với mục đích quyên góp tiền nhằm xây dựng một phòng hoà nhạc mới. Ngày 20/5/1846, buổi hoà nhạc đã diễn ra với trọng tâm là lần đầu tiên công diễn trên nước Mỹ bản Giao hưởng số 9 của Beethoven do Loder chỉ huy. Khoảng 400 nhạc công và ca sĩ đã tham gia chương trình này. Phần hợp xướng được hát bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, buổi gây quỹ đã không thành công như dự kiến.
Trong 7 mùa diễn đầu điên có 7 nhạc trưởng luân phiên đảm nhiệm công việc giám đốc âm nhạc. Điều này đã thay đổi vào năm 1849 khi Theodore Eisfeld được chỉ định là nhạc trưởng duy nhất đảm nhiệm cương vị này. Eisfeld sinh ra tại Đức và từng là kapellmeister tại Court Theatre, Wiesbaden. Năm 1848 ông đến Mỹ và sau đó trở thành nhạc trưởng chính thức của New York Philharmonic. Trong nhiệm kỳ của Eisfeld, quy chế làm việc của dàn nhạc đã thay đổi. Quyền quyết định về âm nhạc tập trung vào một mình Eisfeld. Nếu trong thời kỳ đầu của dàn nhạc phản ánh nền tảng quốc tế của các nhạc trưởng thì đến thời của Eisfeld, ông tập trung chủ yếu vào tác phẩm của các nhà soạn nhạc Đức. Ông đảm nhiệm cương vị này cho đến năm 1855 (mùa diễn 1854-1855 có Henry Timm là đồng nhạc trưởng), tuy nhiên ông còn tiếp tục quay trở lại với vị trí giám đốc âm nhạc của dàn nhạc trong các mùa diễn 1856-1858 và 1859-1865.
Thay thế cho Eisfeld trong mùa diễn 1855-1856, nhạc trưởng Carl Bergmann với xuất phát điểm là một nghệ sĩ cello đã tới Mỹ vào năm 1849. Ông bắt đầu cương vị nhạc trưởng của mình tại New York Philharmonic thay thế cho Eisfeld tạm nghỉ vì sức khoẻ không đảm bảo vào ngày 21/4/1855 trong một chương trình lần đầu tiên công diễn overture Tannhäuser của Wagner. Theodore Thomas, người sau này cũng sẽ trở thành giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic, nhớ lại màn trình diễn trong cuốn tự truyện của mình: “làm rung chuyển cả xương khô và khiến bụi bay lên”. Sự thành công của buổi biểu diễn, với sự công nhận của cả các nhạc công, khán giả và nhà phê bình đã khiến ban giám đốc của dàn nhạc đã ngay lập tức mời ông trở thành giám đốc âm nhạc cho mùa diễn tiếp theo. Bergmann đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của dàn nhạc. Ông là người đã định hình New York Philharmonic thành một dàn nhạc tuyệt vời và là người truyền bá tích cực cho âm nhạc “hiện đại”. Ông tích cực biểu diễn các tác phẩm đương thời của những nhà soạn nhạc như Wagner, Liszt, Berlioz, Schumann, Brahms và Tchaikovsky. Sau khi Eisfeld trở lại trong mùa diễn sau đó, ông và Eisfeld đã thay phiên nhau là giám đốc dàn nhạc cho đến khi hai người trở thành đồng nhạc trưởng trong các mùa diễn 1859-1865. Và sau khi Eisfeld rời dàn nhạc, ông trở thành giám đốc duy nhất của New York Philharmonic cho đến khi ông qua đời vào năm 1876.
Sau khi Bergmann chia tay dàn nhạc, Leopold Damrosch trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo của New York Philharmonic. Ban đầu vị nhạc trưởng nguyên là một bác sĩ này không phải là sự lựa chọn đầu tiên. Ban giám đốc muốn Theodore Thomas là người thay thế. Tuy nhiên Thomas lúc này chưa đồng ý chia tay dàn nhạc Theodore Thomas Orchestra mà ông là người sáng lập vào năm 1874. Damrosch từng được chính Liszt mời làm nhạc công violin trong dàn nhạc Ducal. Damrosch đã thiết lập một chương trình khá nặng với khán giả New York thời đó như các trích đoạn trong opera của Wagner, Berlioz… Những chương trình như vậy khiến người nghe hoảng sợ và tìm đến dàn nhạc của Thomas. Doanh thu bán vé sụt giảm mạnh và Damrosch đã phải nhường chỗ cho Thomas chỉ sau duy nhất một mùa diễn.
Theodore Thomas là một tài năng nổi trội trong giới âm nhạc Mỹ thời bấy giờ. Từng là một thần đồng violin và có dàn nhạc của riêng mình. Khi nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho New York Philharmonic vào năm 1877, Thomas đã có kinh nghiệm gần 2 thập kỷ chỉ huy dàn nhạc. Thomas cai trị dàn nhạc với quyền lực tuyệt đối và mang đến những kết quả tuyệt vời, dàn nhạc thể hiện sự vĩ đại vượt trội cả về mặt tài chính lẫn nghệ thuật. New York Philharmonic có thể trả các khoản chi phí rất cao để mời những ngôi sang hàng đầu thời kỳ đó biểu diễn như Lilli Lehmann và Lillian Nordica. Đóng góp lớn nhất của Thomas là ông đã nâng được thẩm mĩ thưởng thức của khán giả Mỹ. Ông đã kết hợp khéo léo khi đưa vào chương trình các tác phẩm đã thành danh của những bậc thầy trước đó với những tác phẩm được sáng tác sau này .Trong triều đại của mình, Beethoven và Wagner được chơi thường xuyên nhất, tiếp theo là Schumann, Schubert, Mozart, Rubinstein, Brahms, Bach, Liszt, Berlioz, Dvorák và Weber. Ông đảm nhận cương vị này cho đến năm 1891 (có gián đoạn trong mùa diễn 1878-1879 với Adolf Neuendorff thay thế). Sau khi rời New York Philharmonic, ông là một trong những người sáng lập Chicago Symphony Orchestra.
Adolf Neuendorff đảm nhiệm cương vị giám đốc âm nhạc của New York Philarmonic thay thế cho Thomas trong một mùa diễn duy nhất 1878-1879. Trong năm này, cùng với dàn nhạc ông đã chỉ huy lần đầu tại Mỹ bản Giao hưởng số 2 của Brahms cũng như Francesca da Rimini của Tchaikovsky.
Con trai của Leopold Damrosch, Walter Damrosch là một nhạc trưởng trẻ tài năng và cũng nối tiếp cha mình trở thành giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic trong mùa diễn 1902-1903. Walter chính là người đưa ra ý tưởng với Andrew Carnegie về việc xây dựng một phòng hoà nhạc cho các dàn nhạc và dàn hợp xướng của New York. Carnegie đã ủng hộ và Carnegie Hall được hoàn thành vào năm 1891. Carnegie Hall đã trở thành ngôi nhà của New York Philharmonic cho đến năm 1962.
Anton Seidl là giám đốc âm nhạc tiếp theo của New York Philharmonic. Ông từng theo học tại Leipzig và là trợ lý của Wagner trong buổi biểu diễn trọn bộ Der Ring des Nibelungen của nhà soạn nhạc tại Bayreuth. Seidl là một nhạc trưởng tài năng, người có thể khiến “dàn nhạc hát và thở dài, thì thầm, hân hoan, nỉ non và đe doạ, bão tố, thịnh nộ và choáng ngợp”. Seidl được coi là một trong những nhạc trưởng trình diễn Wagner tuyệt vời nhất trong thời đại mình. Ngoài ra, ông cũng được ngưỡng mộ khi chỉ huy các tác phẩm của Beethoven, Berlioz và Liszt. Seidl chính là nhạc trưởng chỉ huy New York Philharmonic buổi công diễn ra mắt bản Giao hưởng số 9 của Dvorák trên phạm vi toàn thế giới vào ngày 18/12/1893. Dưới sự chỉ đạo của Seidl, New York Philharmonic còn giành được nhiều thành công hơn về mặt tài chính và nghệ thuật so với giai đoạn của Thomas. Seidl cũng chính là nhạc trưởng đầu tiên yêu cầu làm các tờ giới thiệu chương trình cho khán giả, với sự tham gia của nhà phê bình âm nhạc Henry Krehbiel. Seidl qua đời vì ngộ độc thức ăn vào năm 1898 ở tuổi 47 khi đang là nhạc trưởng chính của cả New York Philharmonic và Metropolitan Opera.
Emil Paur, người đang là nhạc trưởng chính của Boston Symphony Orchestra là giám đốc âm nhạc tiếp theo của New York Philharmonic. Tuy nhiên, 4 mùa diễn của dàn nhạc dưới thời của ông là 4 năm doanh thu sụt giảm, mặc dù lượng vé lẻ bán ra tăng nhưng số lượng đăng ký trước giảm đáng kể. Nguyên nhân chính được cho là phong cách bảo thủ của ông không phù hợp với New York Philharmonic đang trong giai đoạn thăng hoa rực rỡ cùng Seidl.
Walter Damrosch được bầu làm nhạc trưởng tiếp theo của dàn nhạc với số phiếu vượt trội so với Paur, 46 và 13. Nguyên nhân được cho là Hội đồng quản trị dàn nhạc muốn tận dụng mối quan hệ tốt đẹp của Damrosch với Carnegie. Tuy nhiên, thật không may, mùa diễn duy nhất của Damrosch cũng diễn ra tệ hại như cha của ông một phần tư thế kỷ trước. Mặc dù vậy, dấu ấn tốt đẹp của Damrosch là đưa ra một quyết sách dẫn đến thay đổi tương lai tài chính của dàn nhạc. Trong bối cảnh doanh thu từ những người đặt vé trước sụt giảm và sự cạnh tranh gia tăng từ những dàn nhạc khác, cái mà dàn nhạc cần là một quỹ thường trực cho dàn nhạc. Điều này dẫn đến sự ra đời của Quỹ bảo hiểm dàn nhạc. Chính Damrosch là nhạc trưởng trong buổi hoà nhạc công diễn lần đầu bản Concerto piano số 3 của Rachmaninov với tác giả đảm nhiệm phần độc tấu vào ngày 28/11/1909.
Trong 3 mùa diễn tiếp theo, từ 1903-1906, dàn nhạc không có giám đốc âm nhạc thường trực mà chỉ thuê một số nhạc trưởng khách mời như Victor Herbert, Édouard Colonne, Willem Mengelberg, Fritz Steinbach, Richard Strauss, Felix Weingartner và Henry Wood.
Nhạc trưởng người Nga Vasily Safonov, người từng là giám đốc nhạc viện Moscow đã được mời làm giám đốc âm nhạc duy nhất của New York Philharmonic từ mùa diễn 1906-1907. Phong cách biểu diễn bốc lửa của ông, thường chỉ huy không có đũa, được cả nhạc công và khán giả yêu thích, đặc biệt trong các tác phẩm của Dvorák và Tchaikovsky. Safonov đã mang đến những nét đặc sắc riêng và nguồn năng lượng mới cho dàn nhạc. Nhiều buổi hoà nhạc đã được bổ sung vào lịch diễn cố định và doanh thu tăng lên, chỉ giảm dần vào mùa diễn thứ 3 và cũng là cuối cùng của Safonov. Sức hấp dẫn đến từ một nhạc trưởng tài năng là không đủ đề bù đắp cho những thiếu sót về mặt tổ chức đã hạn chế sự phát triển của dàn nhạc thời điểm này.
Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng danh tiếng Gustav Mahler trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc. Nhiệm kỳ của ông trùng khớp với sự tái cơ cấu lớn trong cấu trúc của công ty quản lý dàn nhạc. Một số nhà bảo trợ giàu có sẵn sàng đóng vai trò là người bảo lãnh cho quỹ của dàn nhạc. Việc ủng hộ này góp phần trả đủ lương cho các nhạc công và nhạc trưởng vì họ đã cống hiến hết mình trong ít nhất 23 tuần/năm. Ban lãnh đạo đã tăng gấp đôi số buổi hoà nhạc và Mahler đã đưa dàn nhạc đến với những đỉnh cao lớn. Lần đầu tiên, New York Philharmonic có những chuyến lưu diễn đến những thành phố khác. Mặc dù những chuyến đi không dài nhưng đã tạo được tác động văn hoá tích cực tới khán giả ở những thành phố như Springfield và Providence. Không giống như Boston Symphony Orchestra thường di chuyển với nhân số dàn nhạc bị cắt giảm, Mahler từ chối thoả hiệp và kiên quyết yêu cầu toàn bộ 92 thành viên dàn nhạc tham gia các chuyến lưu diễn. Mahler đã thay đổi concertmaster mới, đổi một số người chơi kèn gỗ và kèn đồng, điều chỉnh sự cân bằng giữa các nhạc cụ. Việc định hình lại dàn nhạc là tất cả những gì Mahler mong muốn. Krehbiel đánh giá cao Mahler cả với tư cách nhà soạn nhạc và nhạc trưởng, đặc biệt trong các tác phẩm của Beethoven và Schubert. Tuy nhiên, trong mùa diễn thứ hai của Mahler, ban lãnh đạo đã lập ra một uỷ ban gồm 6 thành viên để giám sát việc lựa chọn tác phẩm biểu diễn. Trong hoàn cảnh đó, một trận chiến ý chí là không thể tránh khỏi. Sự qua đời của Mahler vào năm 1911 đã mang đến một giải pháp bất ngờ và bi thảm cho họ.
Nhạc trưởng người Czech Josef Stransky là người kế nhiệm Mahler. Ông sở hữu một danh mục biểu diễn lớn nhất so với các người tiền nhiệm. Khán giả đã được nghe một lượng đáng kể Wagner, Liszt và Dvorák, cũng như Bach, Haydn, Mozart và Beethoven. Nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các chương trình của ông chuyển sang hướng sang các nhà soạn nhạc Anh, Nga và Pháp. Stransky cũng chỉ huy rất nhiều các sáng tác của những nhà soạn nhạc Mỹ như George Chadwick, Arthur Foote, Edward MacDowell, John Knowles Paine và John Philip Sousa. Stransky cũng không có ác cảm với âm nhạc “đương đại”: ông trình diễn Respighi, Sibelius và Mahler và chỉ huy buổi ra mắt tại Mỹ tác phẩm Pelleas und Melisande của Schoenberg. Ông chính là nhạc trưởng đầu tiên biểu diễn một chương trình hoà nhạc dành cho những người trẻ tuổi vào tháng 1/1914 và thực hiện bản thu âm đầu tiên của dàn nhạc (cho Columbia Records) vào năm 1917. Từ đó đến nay, dàn nhạc đã thực hiện hơn 2.000 bản thu âm. Năm 1920, dàn nhạc đã bổ nhiệm Henry Hadley làm “nhạc trưởng phụ”, người được giao nhiệm vụ cụ thể Mỹ hoá dàn nhạc, mỗi một chương trình do Hadley chỉ huy phải có một tác phẩm của một nhà soạn nhạc Mỹ. Năm 1921, New York Philharmonic tiếp nhận New York’s National Symphony Orchestra, đồng thời cũng giữ lại luôn nhạc trưởng của dàn nhạc này Mengelberg. Mengelberg đã được mời để trở thành đồng nhạc trưởng chính của dàn nhạc trong mùa diễn 1922-1923. Kết thúc mùa diễn này Stransky từ chức giám đốc dàn nhạc.
Nhạc trưởng người Hà Lan Willem Mengelberg trở thành nhạc trưởng chính duy nhất của dàn nhạc sau đó. Ông được biết đến là một người cầu toàn, luôn yêu cầu tỉ mỉ đối với dàn nhạc mặc dù các nhạc công luôn phàn nàn về cách đưa ra các chỉ dẫn của ông. Dưới thời của Mengelberg, dàn nhạc đã tiến hành nhiều bản thu âm cho RCA Victor. Các buổi biểu diễn của ông cùng New York Philharmonic được thực hiện một cách chính xác đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, khi đảm nhận cương vị giám đốc âm nhạc tại New York Philharmonic, ông cũng giữ vị trí tương tự tại Concertgetbouw Orchestra nên ông chỉ biểu diễn trong khoảng một nửa mùa diễn, nửa còn lại được giao cho những nhạc trưởng khách mời như Igor Stravinsky, Wilhelm Furtwängler, Arturo Toscanini, Thomas Beecham và Fritz Reiner. Năm 1922, nghệ sĩ harp Stephanie Goldner (vợ của nhạc trưởng Eugene Ormandy) trở thành nữ nhạc công đầu tiên trong dàn nhạc và là người duy nhất trong hơn 10 năm. Từ năm 1924, các buổi hoà nhạc dành cho những người trẻ tuổi được mở rộng, do nhạc trưởng Ernest Schelling đảm nhận, thực hiện khoảng 15 buổi/mùa và trở thành nguyên mẫu cho các chương trình tương tự diễn ra phổ biến trên khắp nước Mỹ. Năm 1928, dàn nhạc Symphony Society của Walter Damrosch được sáp nhập vào New York Philharmonic vì Damrosch không cạnh tranh được với những nhạc trưởng ngôi sao như Willem Mengelberg hay Arturo Toscanini. Việc hợp nhất này đã tạo cho New York Philharmonic một nguồn lực về tài chính cũng như âm nhạc dồi dào. Khi đó, chủ tịch Clarence Mackay đã tuyên bố: “Với nguồn lực được thống nhất này, chúng tôi có thể xây dựng dàn nhạc vĩ đại nhất đất nước này nếu không muốn nói là trên thế giới”. Trong nhiệm kỳ của mình, Mengelberg cũng tích cực biểu diễn nhiều buổi hoà nhạc ngoài trời với giá vé rẻ cho công chúng vào mùa hè tại sân vận động Lewisohn, thượng Manhattan.
Từ năm 1928, nhạc trưởng người Ý Arturo Toscanini được bổ nhiệm làm đồng giám đốc âm nhạc, chia sẻ bục chỉ huy với Mengelberg. Tuy nhiên, 2 nhạc trưởng tài ba này xung khắc với nhau về cách diễn giải âm nhạc cũng như các kỹ thuật dàn dựng tác phẩm, gây nên sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ dàn nhạc dẫn đến việc Mengelberg chia tay dàn nhạc vào năm 1930, Toscanini trở thành nhạc trưởng chính duy nhất của New York Philharmonic. Dưới sự điều hành của Toscanini, vào năm 1931, New York Philharmonic trở thành dàn nhạc đầu tiên cung cấp các chương trình phát thanh trực tiếp thường xuyên trên CBS từ bờ Đông đến bờ Tây các buổi hoà nhạc, được thực hiện định kỳ vào chiều Chủ nhật hàng tuần. Với hợp đồng này, CBS đã trả cho New York Philharmonic 15.000 đô la/mùa. Chương trình được thực hiện liên tục trong 38 năm. Dàn nhạc đạt được danh tiếng chưa từng có và Toscanini cũng được tưởng thưởng xứng đáng mức lương đáng kể là 110.000 đô la mỗi năm. Toscanini đã dẫn dắt dàn nhạc thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại châu Âu, làm tăng danh tiếng quốc tế cho New York Philharmonic. Trong nhiệm kỳ của ông, New York Philharmonic đã biểu diễn hơn 30 buổi ra mắt tác phẩm mới trên phạm vi toàn thế giới và hơn 40 buổi ra mắt ở Mỹ (bao gồm Boléro của Ravel năm 1929). Toscanini từ chức vào năm 1936 nhưng vẫn cộng tác chặt chẽ cùng dàn nhạc với tư cách nhạc trưởng khách mời.
Sau sự ra đi của Toscanini, dàn nhạc đã nỗ lực mời Wilhelm Furtwängler là người thay thế nhưng đã bị từ chối do những sức ép từ phía Đức Quốc xã nên nhạc trưởng người Anh John Barbirolli đã trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo. Những diễn giải đầy màu sắc và thơ mộng của Barbirolli nhận được sự kính trọng của các nhạc công và những khán giả sành sỏi, nhưng phong thái quý tộc Anh của ông trái ngược với sự rực rỡ, mạnh mẽ của Toscanini, nên công chúng New York đã chậm rãi hơn trong việc đón nhận ông. Hơn thế nữa, việc mang cái mác “người thứ hai” đã đeo đẳng ông trong suốt những năm tháng làm việc cùng New York Philharmonic. Barbirolli đã giới thiệu đến khán giả nhiều tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc người Anh và người Mỹ, bao gồm các buổi ra mắt thế giới bản Concerto violin và Sinfonia da Requiem của Britten. Tuy nhiên, những tiết mục cốt lõi của ông là các giao hưởng cuối thời kỳ Lãng mạn, đặc biệt là Vaughan Williams, Elgar và Sibelius. Barbirolli chấm dứt nhiệm kỳ của mình với New York Philharmonic vào năm 1941. Ngày 25/7/1938 đánh dấu một sự kiện lịch sử khi Antonia Brico trở thành nữ nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy New York Philharmonic.
Dàn nhạc đã liên hệ với Bruno Walter, mời ông trở thành giám đốc âm nhạc nhưng đã bị từ chối với lý do tuổi của ông đã cao (67 tuổi). Cuối cùng, vào năm 1943, New York Philharmonic tuyên bố nhạc trưởng người Ba Lan Artur Rodziński là người kế nhiệm tiếp theo. Là người rất có kinh nghiệm làm việc với những dàn nhạc Mỹ (trước đó nhiều năm ông làm nhạc trưởng chính tại Los Angeles Philharmonic và Cleveland Orchestra), Rodziński là người yêu thích những âm thanh trong trẻo, tinh tế và dàn nhạc đã phản ánh được tinh thần này của ông. Ngay khi đảm nhiệm cương vị giám đốc dàn nhạc, ông đã sa thải 14 nghệ sĩ, bao gồm cả concertmaster, dẫn đến sự đối đầu căng thẳng trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của ông với người quản lý dàn nhạc Arthur Judson, nhưng kết quả là đã tạo ra một dàn nhạc với những âm thanh tươi mới và chói sáng. Rodziński rất ưa thích âm nhạc của những nhạc sĩ Mỹ, kể cả nhạc đại chúng và thường xuyên biểu diễn cùng dàn nhạc, đáng kể có vở nhạc kịch Show Boat của Jerome Kern, một tác phẩm vốn dành cho sân khấu Broadway. Trong nhiệm kỳ của Rodziński, ngân sách của New York Philharmonic lần đầu tiên vượt con số một triệu đô la. Chính Rodziński là người có tuyên bố lịch sử khi ông yêu cầu bổ sung những nhạc công nữ vào dàn nhạc, điều chưa từng có tiền lệ. Theo quan điểm của ông phụ nữ sẽ là: “nguồn bổ sung tuyệt vời nhất cho bất kỳ dàn nhạc hạng nhất nào”. Với những xung đột không thể hoà giải, không chịu nhượng bộ, Rodziński đã chia tay dàn nhạc vào năm 1947, một câu chuyện khá tốn giấy mực của báo chí thời bấy giờ.
Một lần nữa New York Philharmonic lại tiếp cận Bruno Walter, lần này nhạc trưởng đồng ý nhưng chức danh được giảm xuống thành “cố vấn âm nhạc” và ông cũng chỉ làm việc đến năm 1949. Sau đó, dàn nhạc bổ nhiệm 2 nhạc trưởng làm đồng giám đốc âm nhạc là Leopold Stokowski và Dmitri Mitropoulos. Stokowski lừng danh với việc tạo ra âm thanh tuyệt vời của Philadelphia Orchestra chỉ cộng tác với dàn nhạc trong một mùa diễn và nhường lại vị trí cho Mitropoulos làm giám đốc âm nhạc duy nhất từ năm 1951. Dưới đũa chỉ huy của Mitropoulos, New York Philharmonic đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tới Nam Mỹ và châu Âu trong đó có hành trình đáng nhớ tới Athens năm 1955, quê hương mà ông chưa trở về từ năm 1938. Người dân Athens tỏ ra quá phấn khích, hàng nghìn người đã cắm trại suốt đêm trước phòng vé. Ông là người đầy nhiệt huyết với những tác phẩm đương đại, đã trình diễn ra mắt trên phạm vi toàn thế giới hơn 50 tác phẩm mới. Mitropoulos cũng là nhạc trưởng đầu tiên giới thiệu bản giao hưởng số 6 của Mahler tới khán giả Mỹ cũng như nhiều tác phẩm quan trọng của Schoenberg, Prokofiev và Shostakovich. Mitropoulos cũng thêm vào danh mục biểu diễn của dàn nhạc nhiều tác phẩm thanh nhạc và opera hoàn chỉnh mà ông tin rằng sẽ đem lại hào hứng cho khán giả: “Những người có đôi mắt không bị phân tâm và đôi tai có thể tập trung vào những gì họ nghe mà không có sự tranh giành hoặc xung đột”. Để có cơ hội tiếp cận thêm nhiều khán giả và nâng cao doanh thu của dàn nhạc, Mitropoulos và New York Philharmonic đã biểu diễn tại Nhà hát Roxy trong 2 tuần của mùa diễn 1950-1951, chơi một số tác phẩm ngắn trước khi công chiếu các bộ phim và được ủng hộ nhiệt liệt. Họ đã có một lượng khán giả lên đến 205.000 nghìn người, tương đương 100 buổi biểu diễn tại Carnegie Hall. Cùng nhau, họ thực hiện hàng loạt các bản thu âm cho Columbia Records.
Nhạc trưởng huyền thoại Leonard Bernstein nổi tiếng với buổi chỉ huy đầu tiên với New York Philharmonic vào ngày 14/11/1943 khi được thông báo thay thế Bruno Walter từ chối biểu diễn chỉ vài giờ trước khi mở màn đã trở thành nhạc trưởng đầu tiên sinh ra và được đào tạo ở Mỹ làm giám đốc âm nhạc cho dàn nhạc vào năm 1958. Mối liên kết của Bernstein với dàn nhạc kéo dài 47 năm, 1.244 buổi hòa nhạc và hơn 200 bản ghi âm. Trong một chương trình sau khi ông qua đời, Dàn nhạc tưởng nhớ tới ông: “11 năm của ông với tư cách là giám đốc âm nhạc của chúng tôi (1958-1969) và 21 năm với tư cách là nhạc trưởng danh dự là những giai đoạn chói sáng trong lịch sử của dàn nhạc. Bernstein sẽ được nhớ đến với thiên tài, khả năng lãnh đạo, chủ nghĩa nhân đạo, khả năng truyền tình yêu âm nhạc của mình cho người trẻ và người già, sự cống hiến của ông cho dàn nhạc, sự phục vụ của ông đối với các nhạc công trẻ, và tính cách khó quên, sôi nổi và chu đáo của ông. Chúng tôi biết ơn vì di sản của ông”. Các bản thu âm của Bernstein với New York Philharmonic sau này được Sony Classical tập hợp thành một tuyển tập “Thế kỷ Bernstein”. Năm 1959, dàn nhạc thực hiện chuyến lưu diễn tại Liên Xô. Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Mahler, Bernstein và dàn nhạc đã lần đầu tiên thu âm 8/9 bản giao hưởng của nhà soạn nhạc (bản số 8 được ông thực hiện cùng London Symphony Orchestra). Cũng trong nhiệm kỳ của ông, dàn nhạc đã chuyển trụ sở từ Carnegie Hall tới phòng hoà nhạc mới Philharmonic Hall tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln với 2.738 ghế ngồi. Sau này, phòng hoà nhạc được đổi tên thành Avery Fisher Hall vào năm 1975 và David Geffen Hall vào năm 2015, theo tên của những nhà hảo tâm đã tài trợ cho dàn nhạc những khoản tiền lớn.
Sau khi Bernstein chia tay dàn nhạc để tập trung vào các hoạt động tại châu Âu, New York Philharmonic đã bổ nhiệm George Szell làm cố vấn âm nhạc trong mùa diễn 1969-1970 trước khi bổ nhiệm nhạc trưởng người Pháp Pierre Boulez làm giám đốc âm nhạc từ năm 1971. Cũng giống như Bernstein, Boulez cũng là một nhà soạn nhạc và ông hăng hái trong việc biểu diễn các chương trình hoà nhạc kết hợp giữa tác phẩm kinh điển và sáng tác đương đại.
Zubin Mehta thay thế Boulez làm giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic vào năm 1978. Ông nắm giữ cương vị này trong 13 năm – chỉ huy hơn 1.000 buổi biểu diễn – là quãng thời gian dài nhất trong toàn bộ lịch sử dàn nhạc. Trong suốt sự nghiệp, Mehta đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ với âm nhạc đương đại. Trong nhiệm kỳ của ông, 52 tác phẩm mới đã được trình diễn lần đầu tiên với 30 tác phẩm do Mehta đích thân chỉ huy, bao gồm các sáng tác của Reich, Schuman, Menotti, Druckman, Zwilich, Corigliano và Del Tredici. Ông cũng tạo điều kiện cho những thành viên của dàn nhạc biểu diễn độc tấu, trong đó có những tác phẩm được dàn nhạc đặt hàng sáng tác dành riêng cho họ. Năm 1980, Mehta và New York Philharmonic thực hiện một chuyến lưu diễn dài ngày tại châu Âu, kỷ niệm 50 năm ngày Toscanini cùng dàn nhạc xuất hiện lần đầu tại châu lục này.
Kurt Masur trở thành giám đốc âm nhạc của dàn nhạc vào năm 1991. Việc bổ nhiệm ông mang lại nhiều ngạc nhiên nhưng đó là một sự lựa chọn đúng đắn. Concertmaster của dàn nhạc khi đó là Glenn Dicterow đã nhận xét: “Việc gắn bó với Masur là một tín hiệu rõ ràng rằng dàn nhạc đã đến lúc phải đổi mới. Cần phải có một cá tính lớn để đoàn kết 105 con người trên sân khấu – để khiến mọi người có cảm hứng như ông ấy – đó là một công việc khá khó khăn. Ông đầy rẫy khắt khe và mạnh mẽ và với sự dữ dội trong tính cách của ông, tôi nghĩ hầu hết chúng tôi đã thay đổi”. Năm 1998, lần đầu tiên New York Philharmonic và Masur tới biểu diễn tại Trung Quốc. Sự hợp tác chặt chẽ và và gắn kết của Masur và dàn nhạc được ghi nhận bằng chất lượng các buổi biểu diễn có tinh thần nghệ thuật rất cao. Tuy nhiên, ông có mâu thuẫn rất lớn với giám đốc điều hành của dàn nhạc Deborah Borda và dẫn tới việc ông không được gia hạn hợp đồng vào năm 2002, điều mà ông không hề mong muốn. Mặc dù vậy, Masur đã được dàn nhạc phong tặng danh hiệu Giám đốc âm nhạc danh dự, mới được đặt ra để dành riêng cho ông.
Thay thế cho Masur là nhạc trưởng người Mỹ Lorin Maazel, thần đồng thuở nào đã chỉ huy lần đầu cùng dàn nhạc khi mới chỉ là một cậu bé 12 tuổi vào ngày 5/8/1942. Trong nhiệm kỳ của mình, Maazel cùng New York Philharmonic đã có chuyến lưu diễn lịch sử tới Bắc Triều Tiên vào ngày 26/2/2008, đánh dấu việc lần đầu tiên một dàn nhạc Mỹ xuất hiện tại đất nước này kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, một sự kiện văn hoá quan trọng. Năm 2006, New York Philharmonic là dàn nhạc đầu tiên tại Mỹ cho phép tải các buổi hoà nhạc của mình trên mạng.
Sau khi Maazel rời New York Philharmonic để chuyển tới Munich Philharmonic, nhạc trưởng sinh ra tại New York Alain Gilbert được thông báo là giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc. Danh tiếng của Gilbert được tạo dựng bằng phần lớn các tác phẩm đương đại và với việc bổ nhiệm ông, New York Philharmonic hướng tới sự thay đổi mang tính cách tân so với những người tiền nhiệm tương đối bảo thủ như Mehta, Masur và Maazel. Trong tháng 10/2009, Gilbert và New York Philharmonic đã thực hiện chuyến lưu diễn tới châu Á, trong đó có lần đầu tiên ra mắt khán giả Hà Nội và Abu Dhabi. Ngày 5/5/2010 đánh dấu buổi hoà nhạc lần thứ 15.000 của New York Philharmonic, một cột mốc mà chưa một dàn nhạc nào đạt tới được. Nhạc trưởng trong đêm diễn đáng nhớ này là Valery Gergiev. Ngày 21/9/2016, New York Philharmonic, dàn nhạc của Mỹ có nhiều người theo dõi nhất trên facebook đã lần đầu thực hiện truyền hình trực tiếp chương trình biểu diễn của mình trên nền tảng này và đã thu hút được hơn 1 triệu người xem.
Nhạc trưởng người Hà Lan Jaap van Zweden được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc, thay thế cho Gilbert chuyển tới NDR Elbphilharmonie Orchestra. Dấu ấn trong những năm đầu tiên của ông tại dàn nhạc là đặt hàng 19 tác phẩm của 19 nhà soạn nhạc nữ nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của Tu chính án 19 trong mùa diễn 2019-2020. Zweden đã chỉ huy ra mắt các tác phẩm của Nina Young, Tania León và Ellen Reid.
Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn: nyhil.org
Bình luận Facebook