Kurt Masur

“Tôi không muốn được gọi là điều kì diệu. Điều kì diệu là âm nhạc” – Kurt Masur

Kapellmeister nghĩa đen trong tiếng Đức là người phụ trách âm nhạc của một nhà nguyện. Kapellmeister là một từ thường gặp trong thời kỳ của Johann Sebastian Bach hay Joseph Haydn để chỉ những người chịu trách nhiệm giám đốc âm nhạc cho những nhà quý tộc, chuẩn bị mọi công việc theo ý muốn của họ. Đôi khi điều này thường đồng nghĩa với thiếu trí tưởng tượng và nhiệt huyết. Tất nhiên, trong môi trường âm nhạc ngày nay, khái niệm này đã trở nên lỗi thời. Nhạc trưởng của những dàn nhạc lớn phải là những người có cá tính mạnh mẽ, đầy vẻ lôi cuốn, tính hấp dẫn, sức thuyết phục và sự độc đáo. Kurt Masur khởi đầu sự nghiệp âm nhạc với vị trí Kapellmeister theo đúng nghĩa gốc của từ này và chứng minh được mình vẫn có thể thích nghi được với môi trường âm nhạc gần nửa thế kỷ sau đó. Từ nền âm nhạc khép kín của Đông Đức sau thế chiến thứ hai, ông đã vươn mình trở thành một trong những nhạc trưởng nổi tiếng nhất trên bình diện quốc tế trong thời đại của mình, sẵn sàng đương đầu với những thử thách tại hai trong số những dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới.

Kurt Masur sinh ngày 18/7/1927 tại Brieg, Hạ Silesia, Đức (ngày nay là vùng Brzeg, Ba Lan). Cha của cậu bé là một thợ điện và ông hướng con trai theo nghề của mình. Ngay từ nhỏ Kurt đã theo học một khoá về điện và thường giúp đỡ cha mình trong cửa hàng của ông. Mặc dù vậy, cha của Kurt không ngăn cản cậu bé học nhạc. Bảy tuổi, Kurt đã mày mò tự học chơi piano dưới sự khuyến khích của cha mẹ. Khi lên 10 tuổi, Kurt theo học âm nhạc một cách chính quy tại Trường Âm nhạc Quốc gia Breslau ở Wroclaw, Ba Lan ngày nay. Kurt theo học piano, organ, cello và thậm chí là cả bộ gõ. Tuy nhiên, khi 16 tuổi, một chấn thương ở gân bàn tay phải đã tước đi mong muốn trở thành một nghệ sĩ piano của Kurt và anh đã chuyển sang học chỉ huy dàn nhạc (đây cũng là lý do giải thích tại sao trong suốt sự nghiệp nhạc trưởng của mình, Masur không sử dụng đũa chỉ huy).

Năm 1944, dưới sự tổng động viên của Đức quốc xã, Masur đã phải gia nhập quân đội. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Masur tiếp tục theo học chỉ huy và sáng tác tại Leipzig Hochschule für Musik. Sự nghiệp chuyên nghiệp của Masur bắt đầu vào năm 1948 khi anh làm việc tại Halle Opera House trong vai trò người vỡ bài cho các ca sĩ opera và trợ lý nhạc trưởng. Sau đó là quãng thời gian Masur làm việc liên tục tại các dàn nhạc và nhà hát trên khắp đất nước Đông Đức. Năm 1951, anh làm nhạc trưởng của Nhà hát Thành phố Erfurt với nhiệm kỳ hai năm. Tiếp theo là sự gắn bó với Nhà hát Opera Leipzig, bắt đầu vào năm 1953, trong khi anh đồng thời là nhạc trưởng khách mời của Dresden Radio Orchestra. Năm 1955, Masur lần đầu tiên trở thành nhạc trưởng chính của một dàn nhạc khi trở thành Kapellmeister của Dresden Philharmonic. Năm 1958, anh rời khỏi cương vị này để trở thành giám đốc âm nhạc tại Mecklenburg State Theater, Schwerin. Đến những năm 1960, Masur đã gây dựng được tên tuổi của mình như là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất tại Đông Đức với nhiều tiết mục phong phú.

Năm 1960, Masur được mời làm giám đốc âm nhạc của Berlin Komische Oper. Tổng giám đốc của nhà hát là Walter Felsenstein, người mà trong quá trình cộng tác, Masur đã học được rất nhiều điều từ ông. Là một người có tư tưởng cách tân, Felsenstein là người có quan điểm sử dụng âm nhạc như một cách để nâng cao kịch tính của opera đến mức tối đa. Từ ông, Masur đã tiếp thu cách nghiên cứu các tổng phổ kỹ càng để từ đó tìm ra ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Kỹ năng này đã giúp cho Masur nắm rõ hơn được ý đồ cũng như những yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như biểu lộ cảm xúc của nhà soạn nhạc. Tuy nhiên, gắn bó quá lâu với các vở opera không phải là nguyện vọng của Masur, ông khao khát tìm kiếm sự đa dạng trong các tác phẩm khí nhạc. Điều này dẫn đến việc ông chia tay Berlin Komische Oper và trở về làm giám đốc âm nhạc của Dresden Philharmonic từ năm 1967, cương vị mà ông gắn bó cho đến năm 1972. Trước đó, năm 1966, lần đầu Masur được ra nước ngoài biểu diễn khi ông nhận được lời mời từ Venice. Ban đầu, chính quyền Đông Đức không đồng ý, nhưng dưới sự kiên quyết của Masur cũng như lo sợ vấp phải phản ứng từ phía quốc tế, cuối cùng Masur cũng được xuất ngoại.

Năm 1970, ông được vinh danh là Kapellmeister của Leipzig Gewandhaus Orchestra, một trong những dàn nhạc lâu đời và đáng kính trọng nhất trên thế giới. Leipzig là một trong những trung tâm của nhạc cổ điển trong thời kỳ vàng son nhất của nó, thành phố gắn liền với cuộc đời hoạt động âm nhạc của Bach, Georg Philipp Telemann, Felix Mendelssohn, Robert SchumannRichard Wagner, Masur sớm trở thành một nhân vật nổi tiếng của công chúng, được người dân tung hô trên đường phố mỗi khi ông xuất hiện. So sánh với những dàn nhạc khác, Leipzig Gewandhaus Orchestra là nơi duy trì danh mục biểu diễn các tác phẩm Cổ điển và Lãng mạn cốt lõi hơn bất cứ đâu. Dựa trên những nghiên cứu tổng phổ cẩn trọng và sự nghiêm khắc trong các buổi tập, Masur đã mang đến một thứ âm thanh tươi mới, sẫm màu dựa trên nền tảng một bè dây đầy đặn, rất phù hợp với những bản giao hưởng thời kỳ Lãng mạn, là trọng tâm trong danh mục biểu diễn của ông. Leipzig Hochschule für Musik là nguồn cung cấp nhạc công chủ yếu cho dàn nhạc, những nhạc công của dàn nhạc cũng đảm nhiệm vai trò thầy giáo tại đây. Bản thân Masur cũng trở thành giáo sư tại Leipzig Hochschule für Musik từ năm 1975. Điều này đã tạo dựng nét đặc trưng cho dàn nhạc mà hiếm dàn nhạc nào khác trên thế giới có được, như Masur đã từng nói: “Chúng tôi không thích lấy người ngoài, đặc biệt là đàn dây. Chúng tôi có phong cách riêng”. Trọng tâm trong danh mục biểu diễn của Masur với Leipzig Gewandhaus Orchestra là các bản giao hưởng của trường phái Đức-Áo như Ludwig van Beethoven, Franz Schubert, Mendelssohn, Johannes Brahms, Anton Bruckner hay Gustav Mahler.

Dưới sự chỉ đạo của Masur, Leipzig Gewandhaus Orchestra đã tạo được tiếng nói nổi bật trên trường quốc tế. Năm 1974, ông và dàn nhạc thực hiện chuyến lưu diễn Mỹ. Cá nhân Masur nhận được lời mời biểu diễn của Cleveland Orchestra. Từ đó, ông và dàn nhạc còn thực hiện nhiều buổi biểu diễn ở bên ngoài Đông Đức. Buổi biểu diễn đầu tiên của Masur với New York Philharmonic diễn ra vào ngày 16/1/1981 với các tác phẩm của Wagner và Richard Strauss. Uy tín của Masur tại Đông Đức ngày một nâng cao. Ông đã thuyết phục được những nhà lãnh đạo đất nước xây dựng một phòng hoà nhạc mới. Ngôi nhà lâu đời của dàn nhạc, Gewandhaus, đã bị phá hủy trong các cuộc bắn phá của quân Đồng minh. Gewandhaus mới mở cửa vào năm 1981, với chất lượng âm thanh tuyệt vời và mọi chi tiết đều được đích thân Masur giám sát.

Masur đón nhận vị thế mới của mình mà không hề khiêm tốn giả tạo, không lợi dụng sự công nhận của mọi người để mưu lợi riêng cho mình. Có lẽ ngay bản thân ông cũng không nhận ra danh vọng và tên tuổi mình có ý nghĩa thế nào đối với người dân Đông Đức. Không hề gia nhập Đảng Cộng sản nhưng Masur đã bị cuốn vào vòng xoáy chính trị. Năm 1989, Masur nhận được đề nghị giúp đỡ những nhạc công đường phố bị chính quyền ngăn cản biểu diễn vì phải được cấp giấy phép. Trước những rủi ro của các đồng nghiệp, Masur đã đứng ra tổ chức một cuộc họp tại Gewandhaus và thật không ngờ, đầy đủ các nhân vật vai vế của chính quyền Leipzig đã có mặt. Đây chính là thước đo quan trọng cho tầm ảnh hưởng của Masur. Sau cuộc họp, các chính sách đối với các nhạc công đường phố đã được nới lỏng. Một lần nữa, vai trò của Masur lại nổi bật khi vào ngày 9/10/1989, một cuộc bạo động nổ ra tại quảng trường Karl Max, Leipzig. Các nhân viên cảnh sát được vũ trang đã sẵn sàng trấn áp người biểu tình. Leipzig đã mời các bên vào Gewandhaus nói chuyện. Ông thu âm một thông điệp, được truyền đi trên sóng phát thanh, đề nghị bất bạo động. Cả hai bên đều tôn trọng lời nói của ông và điều này đã góp phần vào một cuộc cách mạng hoà bình diễn ra trên toàn quốc. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vài tuần sau đó, đi kèm với sự thay đổi chính trị mạnh mẽ, nhiều người dân Leipzig đã mong muốn Masur trở thành người lãnh đạo đầu tiên của một nước Đức thống nhất. Tuy nhiên, ngay lập tức ông đã lên tiếng bác bỏ khả năng này: “Tôi là một nhạc sĩ, không phải chính trị gia. Tuyên ngôn của tôi là trong âm nhạc”.

Sự hỗn loạn tại nước Đức khi đó không ngăn cản Masur theo kịp dòng chảy âm nhạc thế giới. New York Philharmonic sau nhiều năm dưới sự chỉ đạo của Zubin Mehta đã trở thành một dàn nhạc thiếu sinh khí, rệu rã và mất đoàn kết đã tuyên bố Masur sẽ trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo, thay thế cho Mehta. Đây thực sự là một cú sốc đối với rất nhiều người. Tài năng về chuyên môn của Masur là điều không phải bàn cãi, nhưng để trở thành nhạc trưởng chính của một trong những dàn nhạc lớn nhất thế giới đòi hỏi nhiều hơn thế. Dưới con mắt của thế giới phương Tây, Masur nổi tiếng với sự chuyên quyền độc đoán tại Leipzig Gewandhaus Orchestra, ông kiểm soát không chỉ các vấn đề về âm nhạc mà còn mọi thứ khác, kể cả nhân sự của phòng gửi đồ, một điều khó chấp nhận với một cơ chế dân chủ hơn ở New York Philharmonic. Bên cạnh đó, danh mục biểu diễn của Masur quá truyền thống, không có nhiều sự đột phá, tất nhiên là một phần do hoàn cảnh đặc thù của Đông Đức thời bấy giờ, không phù hợp với một dàn nhạc mang tính quốc tế cao như New York Philharmonic. Donal Henahan đã viết trên The New York Times sau khi tin bổ nhiệm được công bố vào năm 1990: “Trừ khi ông ấy giấu một vài ý tưởng đáng ngạc nhiên trong tay áo của mình, nếu không thì Leipzig-trên-sông-Huston sẽ trở thành một thị trấn buồn tẻ hơn cả Mehtaville”. Trên thực tế, Masur không phải cái tên đầu tiên mà dàn nhạc liên hệ. Gần hai năm trời họ đã cố gắng thuyết phục Bernard Haitink, Colin Davis và Claudio Abbado nhưng đều không thành công. Và cuối cùng Masur là người được lựa chọn, dựa trên sự tôn trọng của các nhạc công đối với ông qua các buổi biểu diễn với tư cách nhạc trưởng khách mời, kiến thức sâu sắc về các tác phẩm Đức-Áo, nền tảng bắt buộc đối với bất cứ dàn nhạc nào trên thế giới và một sự trung thành, tận tâm với ý đồ của các nhà soạn nhạc và hơn cả, ban lãnh đạo nghĩ rằng sự độc tài của Masur là cần thiết đối với sự xuống cấp về kỷ luật của dàn nhạc. Năm 1999, trong một cuộc phỏng vấn, Masur kể lại: “Tôi nhớ khi tôi hỏi một người trong hội đồng dàn nhạc là tại sao lại chọn tôi. Anh ấy trả lời “Vì anh không sợ dàn nhạc””.

Mặc dù nhiệm kỳ của Masur với New York Philharmonic được ấn định bắt đầu vào năm 1991 nhưng trên thực tế, dường nó đã sớm diễn ra từ ngày 10/12/1990 khi Masur thay thế cho Leonard Bernstein qua đời trước đó để chỉ huy oratorio Elijah của Mendelssohn. Nhiệm kỳ chính thức của Masur bắt đầu vào ngày 11/9/1991 với các tác phẩm của John Adams, Aaron Copland và Giao hưởng số 7 của Bruckner. Một khởi đầu cho những ngạc nhiên, ngay cả đối với chính những người trong cuộc. Trong 11 năm gắn bó với New York Philharmonic, Masur đã mang lại cho khán giả rất nhiều điều đáng nhớ. Ông mang về hợp đồng ghi âm mới với hãng Teldec, tiếp tục chương trình ghi âm với đài phát thanh từ lâu đã trở thành thương hiệu của New York Philharmonic cũng như quyết tâm cải thiện âm thanh khá kém cỏi của Avery Fisher Hall, ngôi nhà của dàn nhạc. Tất cả những điều này góp phần mở rộng lượng khán giả theo dõi các chương trình hoà nhạc, điều khiến không khí của New York Philharmonic trở nên thoải mái hơn. Những lời chê bai khẩu vị cũ kỹ của Masur cũng bị dập tắt khi ông cho ra mắt hơn 40 tác phẩm mới của những tác giả như Hans Werner Henze, John Corigliano, Thomas Adès, Sofia Gubaidulina, Giya Kancheli hay Christopher Rouse.

Để có thể đảm đương tốt công việc tại New York Philharmonic, Masur đã rời khỏi vị trí của mình tại Leipzig Gewandhaus Orchestra vào năm 1996. Masur đã lao động thực sự vất vả để có được thành quả như vậy đối với dàn nhạc. Ông đã thuê một lượng lớn các kỹ sư từ châu Âu để chỉnh sửa âm thanh của phòng hoà nhạc và đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ. Masur cũng tuyển một vài thành viên mới cho dàn nhạc, đổi chỗ ngồi của bè viola và cello. Những chiếc ghế nâng được dùng để cho các nhạc công ngồi, giúp họ nghe thấy nhau và khán giả nghe thấy họ. Phong cách độc tài có thể khiến các nhạc công đối đầu với nhạc trưởng cuối cùng không diễn ra. Masur cho biết: “Hoàn toàn không đúng khi cho rằng tôi đã phá vỡ sự chống cự của dàn nhạc. Tôi không phải là nhạc trưởng của miền Tây hoang dã. Chắc chắn dàn nhạc mong đợi ai đó sẽ tạo ra một sự thúc đẩy cho họ theo những hướng nhất định, nhưng tôi đã thuyết phục họ, đó là tất cả. Ai sợ tôi là người đó không biết tôi”. American Record Guide đã nhận xét về sự thay đổi của dàn nhạc: “Không ai có thể thực sự chinh phục được Philharmonic, dù sao thì đó cũng là dàn nhạc của New York. Nhưng Masur đã góp phần vào sự thuần hoá nó. Dù người ta nghĩ gì về Kurt Masur, thì không có nghi ngờ gì về việc ông đã khôi phục New York Philharmonic thành một trong những dàn nhạc lớn của thế giới. Sau lớp bùn của thời Mehta, âm thanh của Masur như con suối trong lành trên đỉnh núi. Sự khác biệt thật đáng ngạc nhiên. Người ta có thể nghe dàn nhạc chơi một bản giao hưởng của Schumann hoặc Brahms mà không phải cau mày. Người ta thậm chí có thể thấy trước một St. Matthew Passion hay Giao hưởng số 9 của Beethoven không chỉ với sự đảm bảo hoàn toàn mà còn là một cơ hội thưởng thức thực sự”. Các nhạc công nhận thấy rõ uy quyền của Masur và chọn cách hợp tác. Warren Deck, nhạc công tuba cho biết Masur không mất nhiều thời gian để mọi người biết ai là ông chủ: “Ông ấy cần phải cho mọi người biết: “Tôi là đàn ông, tôi là người phụ trách, bạn sẽ làm những gì tôi yêu cầu”. Và nếu bạn không làm điều đó ngay lập tức, nó thật là xấu xí”. Thành quả là những điều tốt đẹp mà ai cũng nhận ra. Joseph Robinson, oboe chính của dàn nhạc nhận xét: “Mối quan tâm đó làm cho cuộc phiêu lưu âm nhạc cùng nhau của chúng tôi trở nên bổ ích hơn với hầu hết những người tôi đã từng làm việc cùng.”

Masur là người khó tính với các nhạc công và thậm chí là cả khán giả. Đã có lần trong buổi biểu diễn bản Giao hưởng số 5 của Dmitri Shostakovich tại Avery Fisher Hall, ông ngừng chỉ huy, tức giận vì những tiếng ho của khán giả. Một trong những “giờ phút tuyệt vời nhất của ông và là món quà cho thành phố” như lời nhận xét của The Times là khi Masur chỉ huy New York Philharmonic biểu diễn bản German Requiem của Brahms vào ngày 20/9/2001 trong đêm nhạc được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Mỹ, tưởng nhớ các nạn nhân của thảm hoạ ngày 11/9: “Niềm tin không hề nao núng của Kurt Masur vào sức mạnh của âm nhạc trong việc đưa ra những tuyên bố lớn và thúc đẩy việc chữa lành các vết thương”. Mặc dù vậy, với cá tính mạnh mẽ, những xung đột là không thể tránh khỏi. Trong quá trình làm việc, Masur đã có mâu thuẫn với Deborah Borda, giám đốc điều hành của dàn nhạc, dẫn đến việc ông không được gia hạn hợp đồng sau năm 2002, nhường lại vị trí cho Lorin Maazel, điều mà ông không hề mong muốn. Sau khi rời dàn nhạc, Masur được trao tặng danh hiệu Giám đốc âm nhạc danh dự, mới được đặt ra để dành riêng cho ông. Masur vẫn tiếp tục cộng tác cùng New York Philharmonic những năm sau đó.

Từ năm 2000, Masur trở thành nhạc trưởng chính thức của London Philharmonic, cương vị mà ông nắm giữ đến năm 2007. Trong nhiệm kỳ của mình tại đây, Masur đã vực dậy tiếng tăm của dàn nhạc, vốn đang trên đà suy giảm sau 4 năm không có nhạc trưởng chính thức. Việc ông rút lui, để lại cương vị này cho Vladimir Jurowski đã được nhà phê bình Richard S Ginell miêu tả: “đã kế thừa một London Philharmonic trong hình dáng kỹ thuật tuyệt vời, có lẽ được hình thành dưới sự chế tác tinh xảo của Masur”. Từ năm 2002, Masur đảm nhận thêm cương vị giám đốc âm nhạc của Orchestre National de France. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của mình, ngày 18/7/2007, Masur đã chỉ huy Giao hưởng số 7 của Bruckner tại Proms, London với dàn nhạc là thành viên của cả London Philharmonic và Orchestre National de France. Ngoài ra, ông còn được Israel Philharmonic phong tặng danh hiệu Nhạc trưởng danh dự trọn đời.

Năm 2012, sau hàng loạt những chương trình biểu diễn bị huỷ bỏ, Masur thông báo rằng mình đã bị mắc bệnh Parkinson. Trước đó, trong một buổi hoà nhạc tại Paris, ông đã ngã gục xuống bục chỉ huy. Buổi hoà nhạc cuối cùng ông thực hiện với New York diễn ra vào ngày 17/11/2012 với các bản giao hưởng số 3 và 4 của Brahms. Masur qua đời ở tuổi 88 vào ngày 19/12/2015 tại Greenwich, Connecticut, Mỹ. Đám tang ông diễn ra tại nhà thờ St. Thomas, Leipzig với sự tham gia của Leipzig Gewandhaus Orchestra. Masur được chôn cất tại nghĩa trang Südfriedhof, Leipzig. Một trong những nhạc trưởng cuối cùng của trường phái cũ đã ra đi nhưng tín điều âm nhạc và sứ mệnh của một người nhạc trưởng mà Masur luôn phụng sự vẫn in đậm trong những người yêu nhạc, đặc biệt là khán giả của Leipzig Gewandhaus Orchestra và New York Philharmonic, như nhà phê bình âm nhạc Hilary Finch nhận xét: “Masur cảm thấy có trách nhiệm mang đến cho khán giả thông điệp thực sự của nhà soạn nhạc. Vì điều này, nó lấy cảm hứng từ nhạc trưởng và cả tinh thần, trí tưởng tượng của dàn nhạc”. Trong cuộc đời mình, khi trả lời phỏng vấn, ông luôn né tránh những câu hỏi liên quan đến bản thân mà hướng sang âm nhạc. Alan Gilbert, nhạc trưởng chính thức của New York Philharmonic tại thời điểm Masur qua đời đã nói về ông: “Những năm Masur làm việc tại New York Philharmonic đại diện cho một trong những kỷ nguyên vàng của dàn nhạc, trong đó việc tạo ra âm nhạc được truyền bằng sự cam kết và tận tâm – với niềm tin vào sức mạnh của âm nhạc để mang nhân loại đến gần nhau hơn. Các khía cạnh đạo đức và luân lý mà ông mang đến trong phần chỉ huy của mình vẫn còn có thể cảm nhận được trong cách chơi của các nhạc công và tôi, cùng với khán giả của New York Philharmonic, phải cảm ơn ông ấy rất nhiều. Tôi sẽ luôn biết ơn sự hỗ trợ mà Masur đã dành cho tôi từ rất lâu trước đây khi tôi còn là một sinh viên. Tôi sẽ nhớ ông rất nhiều.”

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
npr.org
nytimes.com
theguardian.com
musicianguide.com