Giới thiệu

1813

NƠI HỘI NGỘ TÌNH YÊU ÂM NHẠC CỔ ĐIỂN

“Tôi có cảm tưởng rằng âm nhạc, trước tiên phải là những rung động trong tâm hồn,  rồi sau đó mới là sự lên tiếng của lý trí.”

Maurice Ravel

 Thời đại của thông tin trên internet, cả thế giới trong tay bạn bởi bạn có thể tìm kiếm hàng triệu triệu điều kỳ thú chỉ bằng một vài động tác click chuột đơn giản. Với nhạc cổ điển cũng vậy, chỉ cần vào Google gõ từ classical music là bạn có thể lang thang vào hàng trăm ngàn trang web nhạc cổ điển  để tra cứu, tìm hiểu, tất nhiên các trang web này hoàn toàn sử dụng tiếng nước ngoài. Thuận tiện với người giỏi ngoại ngữ nhưng không phải bất cứ ai giỏi ngoại ngữ cũng có thể dễ dàng “đột nhập” vào thế giới nhạc cổ điển với hàng loạt những thuật ngữ chuyên ngành không dễ hiểu, kiểu như “symphony”, “opera”, “concerto”, “sonata”… Chính vì những điều đó mà chúng tôi – một nhóm những người trẻ tuổi có chung tình yêu với nhạc cổ điển đã nảy ra ý định thành lập một website về nhạc cổ điển bằng tiếng Việt đầu tiên tại địa chỉ classicalvietnam.info (địa chỉ dự phòng là: nhaccodien.info và sau này  dùng đồng thời 3 tên miền là: nhaccodien.info ; nhaccodien.vn và nhaccodien.info.vn) với mong muốn thật đơn giản là phổ biến sâu rộng nhạc cổ điển với người Việt Nam.

 Ngay từ khi website nhạc cổ điển bằng tiếng Việt còn trong trứng nước, đã có nhiều ý kiến phản đối bởi họ nghi ngờ vào khả năng thành công. Lâu nay, khái niệm Nhạc cổ điển ở Việt Nam thường được gắn liền với cái mác bác học, hàn lâm nên một bộ phận không nhỏ những người nghe nhạc ở Việt Nam luôn có những định kiến về Nhạc cổ điển, coi đó là một cái gì đó trừu tượng, khó hiểu và xa lạ. Thế nhưng với chúng tôi, những khó khăn ban đầu lại là yếu tố đem lại những quyết tâm và niềm tin vào điều mà mình đã chọn. Xuất phát từ nhiều ngành nghề, có người vẫn còn là học sinh, sinh viên, có người đã đi làm và cũng từ nhiều miền đất, trong và ngoài nước, nhưng cùng có chung niềm đam mê nhạc cổ điển, ban đầu chúng tôi đã gặp nhau trên một số diễn đàn (forum) về Nhạc cổ điển. Và một trong những diễn đàn có đông thành viên nhất là diễn đàn Nhạc cổ điển tại địa chỉ www.ttvnol.com/ncd.ttvn. Tham gia diễn đàn này, những cá nhân đơn lẻ đã bất ngờ tìm thấy ở người khác sự đồng cảm và chia sẻ. Thành viên nào cũng thích thú khi được trao đổi, tán gẫu với nhau về niềm đam mê của mình, dù chỉ bằng những cái nickname (biệt danh) ngộ nghĩnh mà chưa từng gặp mặt. Thế rồi, từ những buổi online trên diễn đàn ảo, những buổi offline thú vị và hấp dẫn, nghiêm túc nhưng không kém phần trẻ trung với nhiều chủ đề phong phú như “Kỷ niệm 250 ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Mozart”, “Khuynh hướng dân tộc trong nhạc cổ điển”, “Tìm hiểu về cây đàn violin”… đã được tổ chức với sự tham gia đầy hào hứng của các nickname ấy. Qua các cuộc gặp gỡ, các thành viên đã phát hiện ra rằng có không ít người muốn đến với Nhạc cổ điển nhưng họ không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Tuy nhiên nhược điểm của diễn đàn là các chủ đề (topic) quá vụn vặt, không kiểm soát được tất cả những thông tin đưa lên dẫn đến những hiểu biết sai lệch và rõ ràng không phải là một nơi lí tưởng cho những người mới bắt đầu. Thêm vào đó, sự “tự ái” của những thành viên đầy nhiệt tình về việc chưa có một trang web nhạc cổ điển bằng tiếng Việt cho người Việt Nam đã là nguyên cớ của việc hình thành trang web.

Khi bắt tay vào công việc, các thành viên mới cảm nhận được sức ép của công việc bởi những hạn chế về kĩ thuật và nhân lực. Các thành viên đều có công việc riêng của mình, hơn nữa, phần lớn chúng tôi đều chỉ là dân tay ngang, không phải ai cũng có may mắn được đào tạo về âm nhạc. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là việc tìm kiếm, thu thập, phân loại, sắp xếp, viết và biên tập bài vở cho trang web. “Kho” thông tin trên internet là vô tận nhưng không phải thông tin nào lấy từ đó cũng có thể tải xuống “xài” được nên không dễ dàng để có được những kiến thức chính xác và hữu ích. Dẫu vậy thì điều thuận lợi cơ bản của chúng tôi là lòng nhiệt tình vô hạn và đa số các thành viên đều có thể đọc hiểu và dịch tương đối tốt các tài liệu bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga. Với sự nghiêm túc, các thành viên đã cố gắng phân chia công việc sao cho rạch ròi và khoa học. Apomethe chịu trách nhiệm khắc phục các sự cố về kĩ thuật, Yoda vẽ giao diện, ttdungquantum phụ trách việc chèn ảnh vào bài viết, TuMinhTran chủ yếu làm về phần khí nhạc, còn thanh nhạc là phần việc của Yes_Iam_here và phucphan, và tất nhiên là có người làm công việc biên tập lần cuối để đưa bài viết lên trang chủ, đây là công việc của na9 và cobeo. Ngoài ra còn có những thành viên khác viết bài về những lĩnh vực mà mình yêu thích… Mỗi khi có những vướng mắc phát sinh, các thành viên đều ngồi lại với nhau để nhanh chóng có được giải pháp tối ưu để khắc phục trên nguyên tắc bình đẳng, thân thiện và đa số.

 Công việc đã bắt đầu như thế với phương châm “kiến tha lâu đầy tổ”. Rõ ràng rằng với một khối lượng công việc khổng lồ như vậy, hoàn thành trong một sớm một chiều là một việc không tưởng, nhưng các thành viên đều cố gắng cập nhật bài viết một cách thường xuyên… Sau thời gian chuẩn bị ban đầu, TRANG THÔNG TIN ÂM NHẠC CỔ ĐIỂN đã được xây dựng với nhiều mục riêng biệt như Lịch sử phát triển, Nhà soạn nhạc, Nghệ sĩ, Tổ chức, Nhạc cụ và giọng hát, Thuật ngữ và thể loại… nhằm giới thiệu cho bạn đọc Tiến trình hình thành và phát triển của nhạc cổ điển qua các giai đoạn, những đặc trưng cơ bản của từng thời kì; Cuộc đời và thành tựu của những nhà soạn nhạc vĩ đại; Những thông tin cụ thể về các nghệ sĩ – những người trực tiếp đưa âm nhạc đến với công chúng; Giới thiệu về những dàn nhạc nổi tiếng, Về các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng và các loại giọng hát trọng thanh nhạc cổ điển; Về đặc trưng và lịch sử phát triển của từng thể loại tác phẩm trong âm nhạc cổ điển… Hào hứng với công việc của mình, thành viên nào cũng hy vọng và mong mỏi rằng nếu có ai lướt vào trang web này, họ sẽ tìm thấy ở đây những điều hữu ích và quan trọng hơn, giúp người đọc cảm thấy âm nhạc cổ điển không phải là cái gì quá cao siêu, xa vời. Những tác phẩm của Mozart tràn đầy sức sống tuổi trẻ, Liszt phóng túng cuồng nhiệt, Chopin mơ mộng, lãng mạn, Beethoven rực lửa, lạc quan… hóa ra đều gần gũi và bắt nguồn từ cuộc sống, từ những cảm xúc chân thành nhất của con người.

 Các thành viên của Bút nhóm nhaccodien.info đều biết rằng mình đang làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhìn ra các trang web tương tự của nước ngoài thì hầu hết đứng đằng sau là một tổ chức xã hội, một nhạc viện, một nhà hát hay một dàn nhạc với đông đảo thành viên, còn với chúng tôi thì đơn giản chỉ là lòng đam mê và tình yêu. Con đường phía trước còn rất dài nhưng các thành viên sẽ đi hết con đường đó bởi tình yêu âm nhạc cổ điển sẽ còn cháy mãi trong trái tim chúng tôi.

Hà Nội, ngày 9 tháng 5 năm 2006

Bút nhóm nhaccodien.info