“Âm thanh của Philadelphia Orchestra: Đó là tôi!” – Eugene Ormandy

Trong lịch sử các dàn nhạc giao hưởng tại Mỹ, sự gắn bó 44 năm của Eugene Ormandy với Philadelphia Orchestra trên cương vị giám đốc âm nhạc (2 năm đầu tiên là đồng giám đốc) đến nay vẫn là một kỷ lục. Nhìn rộng ra trên phạm vi toàn thế giới, đây cũng là một trường hợp hiếm có mà chúng ta chỉ có thể bắt gặp một vài ví dụ có thời gian lâu hơn như Willem Mengelberg với Concertgebouw Orchestra, Evgeny Mravinsky với Leningrad Philharmonic (nay là Saint Petersburg Philharmonic) (cùng 50 năm) hay Ernest Ansermet tại Orchestre de la Suisse Romande (49 năm). Trong nhiệm kỳ của mình với Philadelphia Orchestra, Ormandy đã phát triển dàn nhạc dựa trên nền tảng mà Leopold Stokowski đã xây dựng trong những năm trước đó. Âm thanh của dàn nhạc (được gọi là Philadelphia sound) ngày càng được trau chuốt và đạt đến sự hoàn mỹ. Philadelphia Orchestra và Ormandy đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Sinh ra và lớn lên tại Hungary nhưng sự nghiệp của Ormandy chỉ thực sự bắt đầu tại New York, như ông đã từng tuyên bố: “Tôi sinh ra ở New York khi 22 tuổi”. Dù rằng cũng có khá nhiều lời chỉ trích đối với phong cách chỉ huy của ông, cho rằng ông quá chú trọng đến âm thanh “rực rỡ, sang trọng và gắn kết” của dàn nhạc mà thiếu đi sự diễn giải sâu sắc ý đồ thực sự của các nhà soạn nhạc nhưng không thể phủ nhận được thành tựu mà Ormandy đã đạt được thông qua các buổi biểu diễn và bản thu âm của ông.

Eugene Ormandy sinh ngày 18/11/1899 tại Budapest với tên khai sinh là Jenő Blau trong một gia đình Do Thái. Cậu là con trai của ông Benjamin Blau, một nha sĩ kiêm nghệ sĩ vĩ cầm nghiệp dư và bà Rozália Berger. Được cha dạy cho những bài học violin đầu tiên khi mới lên 3 tuổi với một cây đàn cỡ 1/8, Jenő đã tỏ rõ năng khiếu của mình. 5 tuổi cậu được nhận vào học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hungary. 7 tuổi, Jenő được nhận vào lớp của giáo sư Jenő Hubay, người từng là học trò của Joseph Joachim, bạn của Henri Vieuxtemps và cũng là thầy của Joseph Szigeti. Jenő cũng theo học piano và sáng tác tại đây. Cậu tốt nghiệp nhạc viện khi mới 14 tuổi và nhanh chóng trở thành concertmaster và nghệ sĩ độc tấu của Blüthner Orchestra, Berlin và cùng với dàn nhạc thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại châu Âu. Năm 17 tuổi, Jenő lần đầu thử sức mình trong vai trò chỉ huy dàn nhạc cùng với Blüthner Orchestra.

Được dụ dỗ đến Mỹ từ hai người tổ chức hoà nhạc ở Vienna với lời mời chào 30.000 đô la cho 300 buổi biểu diễn, năm 1921, chàng trai trẻ 22 tuổi đã đến New York, hi vọng vào một tương lai xán lạn. Tuy nhiên, anh không nhận được bất cứ thứ gì, hai người kia đã biến mất không một chút dấu vết. Tháng 12/1921, lang thang tại một đất nước xa lạ, gần như không còn một xu dính túi, cuối cùng Jenő cũng may mắn tìm được công việc tại Capitol Theater với mức lương 60 đô la/1 tuần. Tình cờ, Jenő gặp một ca sĩ opera người Hungary mà anh quen trước đó. Người bạn này đã đưa Jenő tới gặp một người đồng hương khác, Erno Rapee, đang làm công việc chỉ huy dàn nhạc tại Capitol Theatre. Capitol Theatre là một rạp chiếu phim câm và dàn nhạc tại đây chủ yếu biểu diễn nhạc phim, những bản nhạc cổ điển rút gọn, thậm chí có cả jazz và swing để phục vụ cho thị hiếu của số đông khán giả. Jenő đã biểu diễn bản Violin sonata số 9 “Kreutzer” của Ludwig van Beethoven để Rapee kiểm tra trình độ. Rappe quá ngạc nhiên: “Cậu không thuộc về nơi đây. Chỗ của cậu là ở Carnegie Hall” và đã nhận Jenő vào làm việc. Khởi đầu tại đây với ghế ngồi cuối cùng của bè violin, chỉ trong vòng một tuần lễ, Jenő đã được ngồi vào ghế concertmaster. Trong vòng hai năm rưỡi, anh gắn bó với công việc này, 4 buổi diễn/1 ngày, 7 ngày/1 tuần. Tại đây, anh đã gặp Stephanie “Steffy” Goldner, một cô gái Do Thái đến từ Vienna, người chơi harp trong dàn nhạc. Họ kết hôn với nhau vào ngày 8/8/1922. Ngay sau đó, Goldner trở thành thành viên của New York Philharmonic và là người phụ nữ đầu tiên thực hiện được điều này. Họ có với nhau hai người con nhưng đều mất sớm vì chứng rối loạn máu. Năm 1922, anh đổi tên thành Eugene Ormandy với Eugene là từ tiếng Anh tương đương của Jenő còn nguồn gốc của Ormandy thì đến nay vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục.

Tháng 9/1924, cuối cùng thì công việc chỉ huy dàn nhạc cũng mở ra với Ormandy. Khi đến nhà hát vào lúc 1h45 để chuẩn bị cho buổi hoà nhạc lúc 2h chiều, quản lý nhà hát thông báo “Roxy (Roxy Rothafel, phụ trách dàn nhạc) nói rằng cậu sẽ chỉ huy”. Và anh đã làm như vậy, với phiên bản rút gọn bản giao hưởng số 4 của Peter Ilyich Tchaikovsky. Trong thời gian này, Ormandy thường xuyên theo dõi những buổi tập luyện của Arturo Toscanini (thần tượng của Ormandy) với New York Philharmonic. Kể từ đó, Ormandy thường xuyên được chỉ huy dàn nhạc thay vì chơi violin. Trong một buổi chỉ huy cho vũ công Isadora Duncan tại Carnegie Hall, Ormandy đã thu hút được sự chú ý của Arthur Judson, một trong những ông bầu nhạc cổ điển quyền lực nhất nước Mỹ lúc bấy giờ, người chịu trách nhiệm quản lý cả hai dàn nhạc New York Philharmonic và Philadelphia Orchestra và cũng là người sáng lập Columbia Broadcasting System, công ty truyền thông và phát thanh lớn của Mỹ. Judson đã thốt lên: “Tôi đến để xem một vũ công và thay vào đó tôi nghe một nhạc trưởng”. Judson đã trở thành người đại diện cho Ormandy và khuyên anh nghỉ việc tại Capitol Theater sau 7 năm gắn bó.

Dưới sự dẫn dắt của Judson, Ormandy đã có được những buổi ra mắt tại New York Philharmonic trong chuỗi hoà nhạc tại sân vận động Lewisohn và Philadelphia Orchestra với buổi hoà nhạc mùa hè Robin Hood Dell vào đầu những năm 1930, những chương trình đã làm bệ phóng cho tài năng của Ormandy. Tháng 10/1931, một sự kiện quan trọng đã xảy ra với sự nghiệp của Ormandy. Toscanini và Stokowski đã đồng ý hoán đổi vị trí của hai người trong một số buổi hoà nhạc của New York Philharmonic và Philadelphia Orchestra. Tuy nhiên, Toscanini đã gặp vấn đề về sức khoẻ đến nỗi không thể thực hiện được chương trình của mình tại Philadelphia Orchestra. Một số nhạc trưởng khác cũng từ chối thay thế và Judson đành phải nói với Ormandy: “Gene, có một chỗ trống ở Philadelphia trong tuần này nhưng có thể đó là vụ tự sát đối với anh”. Quả thật như vậy, thay thế Toscanini trên bục chỉ huy của Stokowski quả thật là một sự mạo hiểm quá lớn với một chàng trẻ ít được biết đến như Ormandy. Tuy nhiên, Ormandy đã nhận lời. Ông nhớ lại: “Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy sẽ không đổ lỗi cho tôi nếu tôi từ chối. Nhưng tôi đã nắm lấy nó. Tôi có thể đạt được mọi thứ và không có gì để mất. Tôi đã rất căng thẳng”. Buổi biểu diễn đã thành công, được đón nhận nồng nhiệt và là tiền đề để Ormandy thay thế Stokowski sáu năm sau đó. Nó cũng mang đến một cơ hội ngay lập tức cho Ormandy. Một đại diện của Minneapolis Symphony Orchestra (Minnesota Orchestra ngày nay) là khán giả của đêm diễn rất ấn tượng với tài năng của Ormandy, đã mời ông trở thành nhạc trưởng của dàn nhạc. Ormandy đã nắm bắt ngay lấy cơ hội này.

Mặc dù Minneapolis Symphony Orchestra không phải là một dàn nhạc quá xuất sắc nhưng nó lại tỏ ra đặc biệt phù hợp với Ormandy vào giai đoạn này. Với dàn nhạc, Ormandy có thể thoải mái thể hiện khả năng khám phá âm nhạc của mình, tích luỹ thêm kinh nghiệm và mở rộng danh mục biểu diễn. Hơn nữa, Minneapolis Symphony Orchestra với nguồn tài chính dồi dào, đã cung cấp những điều kiện hào phóng bất thường cho hãng thu âm RCA, biến Ormandy và dàn nhạc thành sự kết hợp thường xuyên nhất trong các đĩa nhạc. Họ đã thu âm đầu tiên tại Mỹ bản giao hưởng số 7 của Anton Bruckner, Verklärte Nacht của Arnold Schoenberg và vở opera Háry János của Zoltán Kodály. Danh tiếng của Ormandy ngày càng được củng cố và nổi bật. Sau khi có một số bất đồng với ban giám đốc dàn nhạc, Stokowski trở nên ít gắn bó hơn với Philadelphia Orchestra từ năm 1935. Dàn nhạc đã nhớ lại người nhạc trưởng trẻ tuổi và mời Ormandy quay lại cộng tác với Philadelphia Orchestra. Năm 1936, Ormandy chia tay Minneapolis Symphony Orchestra và trở thành đồng nhạc trưởng tại Philadelphia Orchestra. Năm 1938, Ormandy chính thức trở thành giám đốc âm nhạc duy nhất của dàn nhạc mặc dù hầu như ông đã thực hiện công việc này từ năm 1936. Buổi biểu diễn đầu tiên của Ormandy trên cương vị mới diễn ra vào ngày 9/10/1936 và một sự gắn kết lâu dài và hiệu quả bậc nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển Mỹ đã chính thức bắt đầu.

“Philadelphia sound” là một sắc thái âm nhạc đặc trưng của Philadelphia Orchestra với nền tảng là sự hoa mĩ, cường độ và khắt khe trong từng câu nhạc được Stokowski tạo ra. Ormandy đã nâng nó lên một tầm cao mới bằng cách thêm vào đó sự trau chuốt và chính xác hơn nữa. Ormandy đã cẩn thận chỉ ra rằng, Philadelphia sound chỉ tồn tại khi ông chỉ huy. Ông cho biết: “Khi Toscanini đến đây với tư cách khách mời, dàn nhạc bắt đầu vang lên như Toscanini sau 10 phút. Và điều tương tự cũng bắt đầu đúng với bất kỳ nhạc trưởng vĩ đại nào. Âm thanh của tôi là như vậy bởi vì tôi là một nghệ sĩ violin. Bất kỳ nhạc trưởng nào cũng phản ánh nhạc cụ anh ta chơi. Toscanini luôn chơi cello khi ông chỉ huy. Koussevitzky là double bass. Stokowski là organ. Những nhạc trưởng là nghệ sĩ piano luôn có nhịp mạnh hơn, sắc nét hơn và điều này có thể được nghe thấy trong dàn nhạc của họ”. Nhạc trưởng Kenneth Woods nói về âm thanh của dàn nhạc và Ormandy: “Philadelphia Orchestra của Ormandy là đối thủ thực sự duy nhất với Berlin Philharmonic của Karajan về vẻ đẹp âm thanh trong thập niên 50-70 nhưng cũng là một dàn nhạc chặt chẽ và linh hoạt hơn”. Tuy nhiên, dù ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Ormandy vẫn bị chỉ trích là hời hợt, thiếu sâu sắc về diễn giải. Toscanini nhận xét về Ormandy: “Một nhạc trưởng lý tưởng của Johann Strauss”. Còn nhà phê bình âm nhạc Harold C. Schonberg trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1967 đã công bố: “Có một sự miễn cưỡng hiếm hoi trong giới âm nhạc khi thừa nhận ông vào hàng ngũ những nhạc trưởng vĩ đại”. Schonberg cũng bảo vệ Ormandy: “Ormandy không chỉ huy với tính cách cá nhân tràn ngập như Furtwängler, hoặc với sự dữ tợn và trong sáng của Toscanini hay với kiến thức phong phú và chủ nghĩa cổ điển của Szell, nhưng ông đã khắc ra được một khu vực cho chính mình và trong đó ông ấy an toàn, một người làm việc hoàn hảo và một thông dịch viên nhạy cảm. Và đó là một lĩnh vực cần nhiều thứ hơn những bản waltz của Strauss”. Sự trớ trêu này bắt nguồn từ âm thanh phong phú mà Philadelphia Orchestra đã tạo ra. Bản thân Stokowski là một nhạc trường có thói quen sửa chữa tổng phổ theo ý mình. Và đến Ormandy, ông quá chú trọng đến âm thanh của dàn nhạc mà đôi khi thờ ơ và bỏ qua những chỉ dẫn của những nhà soạn nhạc.

Danh mục biểu diễn của Ormandy tập trung chủ yếu vào thời kỳ cuối Lãng mạn và đầu thế kỷ 20. Dàn nhạc càng đồ sộ thì thế mạnh của Ormandy càng được phát huy. Ông đạt đến đỉnh cao trong những tác phẩm hậu Lãng mạn, như của Richard Strauss và Sergei Rachmaninov hay các tác phẩm dành cho dàn nhạc của Claude Debussy và Maurice Ravel. Ormandy cũng là nhạc trưởng hiếm hoi khi đó hay biểu diễn các bản giao hưởng của Gustav Mahler. Ormandy ít khi chỉ huy Joseph Haydn và Wolfgang Amadeus Mozart đồng thời tiếp cận Beethoven một cách khá thận trọng. Dù không bỏ qua nhưng Ormandy biểu diễn những tác phẩm đương đại ít hơn hẳn người tiền nhiệm Stokowski của mình. Ormandy có một tình bạn rất thân thiết với Rachmaninov. Tác phẩm Symphonic Dances của nhà soạn nhạc đã được dành tặng cho Ormandy và Philadelphia Orchestra. Ormandy cũng rất chú trọng đến những nhà soạn nhạc Nga đương thời như người bạn của ông, nghệ sĩ cello Mstislav Rostropovich cho biết: “Eugene Ormandy là một trong những nhân vật mở ra một kỷ nguyên mới trong âm nhạc. Tôi tự hào khi biết và học hỏi từ ông ấy. Tôi đặc biệt cảm động vì sự kết nối của ông với âm nhạc Nga. Ông ấy đã lần đầu giới thiệu tại Mỹ những tác phẩm của Prokofiev và Shostakovich. Bản thu âm đầu tiên của tôi tại Mỹ là cùng với Ormandy trong một tác phẩm của Shostakovich. Tôi đặc biệt biết ơn từ trái tim người Nga của mình về tình bạn và mối quan hệ âm nhạc của ông ấy với Rachmaninov. Tôi không thể tưởng tượng lịch sử âm nhạc Mỹ mà không có Eugene Ormandy và hơn 40 năm cuộc đời ông ấy đã cống hiến cho Philadelphia Orchestra”. Ormandy là một trong những nhạc trưởng thu âm rất nhiều. Theo một thống kê, chỉ tính riêng với Philadelphia Orchestra, Ormandy đã thực hiện 585 đĩa nhạc, chủ yếu là với Columbia records.

Dưới sự dẫn dắt của Ormandy, Philadelphia Orchestra đã trở thành một trong những dàn nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới. Kể từ sau chuyến xuất ngoại đầu tiên tới vương quốc Anh vào năm 1949, Philadelphia Orchestra và Ormandy đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó đặc biệt đáng chú ý là chuyến biểu diễn đầu tiên tại châu Âu vào năm 1955 kết hợp với chuyến viếng thăm Jean Sibelius tại nhà riêng của nhà soạn nhạc vĩ đại; lần biểu diễn tại Liên Xô vào năm 1958 và là dàn nhạc đầu tiên của Mỹ biểu diễn tại Trung Quốc vào năm 1973. Với Philadelphia Orchestra, Ormandy đã tạo ra một bầu không khí gia đình trong dàn nhạc, có lẽ một phần đến từ việc Ormandy thiếu vắng những đứa trẻ trong cuộc sống riêng tư. Ormandy thường đề cập đến các nhạc công của dàn nhạc: “Những cậu con trai và những cô con gái, những đứa trẻ của tôi và gia đình của tôi. Tôi chỉ may mắn đứng ở trung tâm và chỉ cho họ cách chơi”. Ông thường hỗ trợ họ bằng cách cho vay không lấy lãi để họ có thể mua được những nhạc cụ tốt hơn. Ngoài ra, “Thái hậu”, như cách họ gọi Gretel, người vợ thứ hai của Ormandy thường xuyên an ủi họ mỗi khi họ bị ông quở trách. Riccado Muti, người kế vị Ormandy tại Philadelphia Orchestra cho biết: “Ormandy đã biến Philadelphia Orchestra thành một dàn nhạc nổi tiếng thế giới nhưng ông cũng biến nó thành một gia đình”.

Ormandy giã từ cương vị giám đốc âm nhạc của Philadelphia Orchestra vào năm 1980 sau 44 năm, nhường lại vị trí cho Muti. Tuy nhiên, ông vẫn cộng tác với dàn nhạc trên cương vị nhạc trưởng khách mời cho đến khi qua đời. Buổi biểu diễn cuối cùng của ông với Philadelphia Orchestra diễn ra vào ngày 10/1/1984 tại Carnegie Hall. Ormandy qua đời tại nhà riêng ở Philadelphia vào ngày 12/3/1985 vì bệnh viêm phổi ở tuổi 85. Muti xót thương: “Sự qua đời của Ormandy là một khoảnh khắc rất khó khăn. Maestro Ormandy có tầm nhìn về dàn nhạc này. Tầm nhìn mở rộng từ những người trẻ tuổi và sinh viên đến toàn bộ thành phố Philadelphia. Dàn nhạc đã phục vụ đời sống văn hóa, để trở thành vĩ đại nhất và được yêu thích nhất, đóng góp cho thế giới thông qua việc tạo ra âm nhạc”. Sau khi ông qua đời, Quốc hội Mỹ và tổng thống Ronald Reegan đã tuyên bố ngày 18/11 (ngày sinh của ông) là Ngày tri ân Ormandy.

Ormandy luôn tự hào với âm thanh mà mình tạo ra. Ông cho rằng nếu một dàn nhạc khác muốn mời ông chỉ huy họ là vì họ muốn có được âm thanh của Ormandy: “Tôi thà có một dàn nhạc hạng B sẵn sàng khi tôi ra chỉ huy với tư cách là nhạc trưởng khách mời hơn là một nhóm nhạc Hạng A không sẵn sàng”. Bên cạnh việc gắn bó với Philadelphia, Ormandy cũng cộng tác với những dàn nhạc và nhà hát opera khác nhưng ông không thuộc nhóm nhạc trưởng thường xuyên di chuyển giữa các lục địa, giữa dàn nhạc này và nhà hát kia một cách liên tục. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1976, Ormandy tỏ rõ sự coi thường với những nhạc trưởng như vậy: “Các nhạc trưởng hiện nay nắm giữ 2, 3 hoặc 4 cương vị. Ở khắp nơi. Họ phải đi từ nơi này đến nơi khác một cách nhanh nhất có thể… và cuối cùng, họ đạt được những gì? Họ không có những đứa con của riêng họ, những đứa con âm nhạc”. Nhiệm kỳ của Ormandy và Philadelphia Orchestra là “lịch sử cả về độ dài và chất lượng” như nhà phê bình âm nhạc Daniel Cariaga đã viết trên Los Angeles Times và tính nghệ thuật trong các buổi hoà nhạc của ông khi đã ngoài 80 tuổi cũng không hề suy giảm, vẫn có được sự tinh tế và đồng nhất của âm sắc mà ít nhạc trưởng nào có thể đạt được. Với vóc dáng nhỏ bé (chỉ cao khoảng 1m65) nhưng những gì mà Ormandy tạo ra thực sự đồ sộ và đáng kinh ngạc. Stokowski đã đưa Philadelphia Orchestra lên bản đồ âm nhạc thế giới và Ormandy đã giữ nó ở lại đó và khiến nó trở nên nổi tiếng hơn nữa. Ông đã sống cùng Philadelphia Orchestra với một tình yêu trọn đời và tình yêu đó sẽ luôn được nhớ tới và trân trọng.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
latimes.com
nytimes.com
washingtonpost.com