London Symphony Orchestra là dàn nhạc giao hưởng có trụ sở tại London. Được thành lập vào năm 1904, đây là dàn nhạc lâu đời nhất tại London và là dàn nhạc đầu tiên thuộc sở hữu của chính những nhạc công. Không chỉ là một trong những dàn nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới, London Symphony Orchestra còn nằm trong số những dàn nhạc đầu tiên tiến hành thu âm và biểu diễn nhạc phim. Ngày nay, London Symphony Orchestra được ghi nhận là dàn nhạc có nhiều bản thu âm nhất trong lịch sử âm nhạc. Đây cũng là dàn nhạc đầu tiên có một chuỗi các chương trình truyền hình của riêng mình. Kể từ năm 1982, London Symphony Orchestra có ngôi nhà của mình tại Barbican Hall, Barbican Theatre, một phòng hoà nhạc có sức chứa 1.943 chỗ, chia sẻ cùng BBC Symphony Orchestra.
Đầu thế kỷ 20, tại London có một số dàn nhạc như Covent Garden, Philharmonic Society hay Queen’s Hall, nhưng đây đều không phải các dàn nhạc đúng nghĩa với các nhạc công thường trực. Tại thời điểm này, chúng đều hoạt động theo một nguyên tắc: Khi dàn nhạc mời một nhạc công, nếu như có một dàn nhạc khác trả công cao hơn, nhạc công đó có quyền chuyển sang chơi cho dàn nhạc đó và giới thiệu một nhạc công khác thay thế mình. Năm 1904, giám đốc của Queen’s Hall, Robert Newman và nhạc trưởng chính Henry Wood đã không cho phép tình trạng này được tiếp tục diễn ra vì không đảm bảo chất lượng cho một buổi hoà nhạc. Phản đối quyết định này, một số nhạc công đã bàn bạc với nhau và quyết định thành lập dàn nhạc riêng cho mình. Những người nhiệt tình nhất là ba nhạc công horn (Adolf Borsdorf, Thomas Busby, Henri van der Meerschen) và nhạc công trumpet John Solomon. Họ đã đứng ra kêu gọi và thu hút được nhiều nhạc công khác. Cùng nhau họ đã sáng lập ra London Symphony Orchestra. Dàn nhạc hoạt động trên nguyên tắc: Các nhạc công không được trả tiền sau buổi diễn mà lợi nhuận thu được sẽ được chi trả vào cuối mùa diễn. Một uỷ ban quản lý dàn nhạc được lập ra với 4 thành viên ban đầu cùng Alfred Hobday (viola) và Fred James (bassoon).
Buổi biểu diễn đầu tiên của London Symphony Orchestra được thực hiện vào ngày 9/6/1904 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng Hans Richter. Ông cũng được bổ nhiệm làm nhạc trưởng chính đầu tiên của dàn nhạc. Chương trình được thực hiện tại Queen’s Hall. Mặc dù bị phản đối nhưng Newman và Wood không tỏ ra ác cảm với dàn nhạc và vẫn cho phép họ được biểu diễn tại đây. Buổi hoà nhạc gồm các tác phẩm của Bach, Mozart, Wagner, Elgar, Liszt và Giao hưởng số 5 của Beethoven. Trong những năm đầu tiên, Richter thực hiện khoảng 4-5 buổi hoà nhạc trong một mùa diễn, công việc mà ông gắn bó đến năm 1911. Bên cạnh Richter, dàn nhạc cũng mời một số nhạc trưởng khách mời như Artur Nikisch, Fritz Steinbach, Edouard Colonne và Edward Elgar. Chính Elgar là nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy dàn nhạc trong chuyến lưu diễn đầu tiên bên ngoài London vào năm 1905. Ernest Newman đã nhận xét về dàn nhạc trên tờ The Manchester Guardian: “Bộ đồng và bộ gỗ có chất lượng ngoại hạng tuy nhiên dàn nhạc, mặc dù rất tốt nhưng không có được chất liệu và màu sắc như Hallé Orchestra”. Năm 1906, London Symphony Orchestra là dàn nhạc Anh đầu tiên có chuyến lưu diễn quốc tế khi biểu diễn tại Paris. Ngày 10/11/1910, dưới sự chỉ huy của Elgar, Fritz Kreisler và London Symphony Orchestra đã công diễn ra mắt bản Concerto violin của Elgar. Với những vấn đề về thị lực, Richter đã giã từ sự nghiệp chỉ huy vào năm 1911 và nhường lại vị trí cho Elgar.
Edward Elgar, lúc này đã nổi tiếng thế giới với tư cách một nhà soạn nhạc, đảm nhiệm vị trí nhạc trưởng chính của dàn nhạc chỉ trong một mùa diễn. Với tư cách nhạc trưởng, những buổi biểu diễn của ông tỏ ra không đủ sức hút dẫn đến việc doanh thu của London Symphony Orchestra giảm sút. Nikisch đã thay thế ông vào năm 1912.
Dưới sự lãnh đạo của Artur Nikisch, London Symphony Orchestra là dàn nhạc đầu tiên của Anh được mời đến biểu diễn tại Mỹ vào năm 1912. Ban đầu họ đã đặt chỗ trên tàu Titanic. Dàn nhạc gồm 99 nhạc công nam và một nhạc công nữ, Miriam Timothy chơi harp đã bị thay đổi lịch trình vào phút cuối và họ đã chuyển sang tàu Baltic. Họ đã biểu diễn tại gần 20 thành phố trên nước Mỹ, vất vả nhưng giành được nhiều lời khen ngợi về chất lượng biểu diễn của dàn nhạc. Tuy nhiên, là đất nước từ lâu đã có được những dàn nhạc cố định, việc London Symphony Orchestra vẫn áp dụng việc thay thế thành viên đã bị báo chí Mỹ mỉa mai: “Lập trường táo bạo của London Symphony Orchestra trong việc duy trì quyền thiêng liêng cho việc cử người thay thế”. Năm 1913, Nikisch và dàn nhạc đã thực hiện bản thu âm đầu tiên. Tháng 8/1914, cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Mặc dù các buổi hoà nhạc của London Symphony Orchestra vẫn được tiếp tục nhưng bị ảnh hưởng đáng kể khi một số nhạc công và nhạc trưởng nước ngoài không thể đến Anh, kể cả chính bản thân Nikisch. Sau đó, một số nhạc công của dàn nhạc phải nhập ngũ.
Chiến tranh đã ảnh hưởng lên đời sống âm nhạc tại London nói chung và London Symphony Orchestra nói riêng. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra yêu cầu hạn chế biểu diễn các tác phẩm âm nhạc Đức, đặc biệt là Brahms. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, dàn nhạc đã phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của Thomas Beecham. Beecham đã đảm nhiệm cương vị nhạc trưởng của dàn nhạc trong một mùa diễn. Năm 1917, ban quản lý dàn nhạc thống nhất sẽ tạm dừng biểu diễn cho đến khi chiến tranh kết thúc do những khó khăn về mặt tài chính.
Sau khi hoà bình lập lại, năm 1919, London Symphony Orchestra đã mời Albert Coates làm nhạc trưởng chính với 3 nguyên nhân chính: Coates là học trò của Nikisch, có nhiều mối quan hệ và biểu diễn không lấy tiền. Nhiệm kỳ của Coates với dàn nhạc đã diễn ra không được suôn sẻ. Đêm diễn mở màn có sự tham gia của Elgar chỉ huy bản Concerto cello của chính ông. Coates bị cáo buộc trong lúc tập luyện đã chiếm quá nhiều thời gian của Elgar, khiến vợ của Elgar phải thốt lên: “Một kẻ ích kỷ tàn bạo”. Mặc dù vậy, nhiệm kỳ của Coates vẫn được kéo dài đến năm 1922 và được đánh giá là “đã thổi sức sống và năng lượng mới vào cho dàn nhạc”.
Sau khi chia tay với Coates, London Symphony Orchestra thực thi chính sách không sử dụng nhạc trưởng chính mà thu hút nhiều nhạc trưởng khách mời. Đã có nhiều tên tuổi lớn cộng tác với dàn nhạc trong thời gian này như Otto Klemperer, Bruno Walter, Wilhelm Furtwängler và Serge Koussevitzky hay những nghệ sĩ biểu diễn tên tuổi như Sergei Rachmaninov, Artur Schnabel hay Yehudi Menuhin. Doanh thu dàn nhạc tăng một cách đáng kể, dàn nhạc đang ở trong thời kỳ hoàng kim của mình. Trong các năm 1927-1929, Furtwängler cùng Berlin Philharmonic đã thực hiện nhiều buổi hoà nhạc tại London. Từ đó, London Symphony Orchestra cũng như một số dàn nhạc khác tại London đã thấy được sự chênh lệch trình độ của mình so với dàn nhạc hàng đầu thế giới là như thế nào. Rõ ràng London Symphony Orchestra không hề chơi kém đi mà đơn giản là họ không bắt kịp sự thăng tiến mạnh mẽ của những dàn nhạc hàng đầu thế giới. Để nâng cao tiêu chuẩn của mình, dàn nhạc đã mời Willem Mengelberg, một trong những nhạc trưởng hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Mengelberg chỉ nhận lời với điều kiện London Symphony Orchestra phải bãi bỏ chế độ cho phép người chơi thay thế và năm 1929, London Symphony Orchestra trở thành một dàn nhạc cố định với 75 nhạc công thường trực, mỗi nhạc công phải đảm bảo một số lượng buổi biểu diễn cố định trong một mùa diễn với một hợp đồng kéo dài ba năm. Mengelberg đã đến với dàn nhạc vào năm 1930 nhưng chỉ gắn bó với London Symphony Orchestra trong một mùa diễn và nhận được những lời phê bình tích cực về việc cải thiện phong cách biểu diễn của dàn nhạc. Lúc này, uy tín của London Symphony Orchestra bị giảm sút một cách đáng kể, một số dàn nhạc mới được thành lập như BBC Symphony Orchestra hay London Philharmonic có chất lượng rất cao và cạnh tranh gay gắt, họ mất các hợp đồng biểu diễn tại Covent Garden, Royal Philharmonic Society và Courtauld-Sargent.
Trong nỗ lực lấy lại vị thế cho dàn nhạc, London Symphony Orchestra đã mời nhạc trưởng người Anh Hamilton Harty, lúc này đang là nhạc trưởng chính của Hallé Orchestra. Harty đã nhận lời và mang theo 8 thành viên của Hallé Orchestra trong một nỗ lực tái thiết dàn nhạc. Trình độ của dàn nhạc đã được các nhà phê bình công nhận là đã được nâng lên đáng kể: “Có khả năng vượt qua thách thức của những bản nhạc đương đại khắt khe nhất”. Tuy nhiên, Harty cũng giống như người tiền nhiệm Elgar, không có khả năng thu hút phòng vé dẫn đến doanh thu của dàn nhạc không được cải thiện. Ông đã chia tay London Symphony Orchestra vào năm 1935. Tháng 3/1935, London Symphony Orchestra đã tạo ra một dấu ấn quan trọng trong lịch sử âm nhạc cổ điển cũng như ngành công nghiệp sản xuất phim khi dàn nhạc đã biểu diễn âm nhạc của nhà soạn nhạc Arthur Bliss dành cho bộ phim Things to Come. Lần đầu tiên, âm nhạc cho điện ảnh, trước đây được coi là một loại hình nghệ thuật thấp kém, đã thu hút được sự chú ý của các học giả và những người đam mê nhạc cổ điển, các nhà phê bình âm nhạc cũng như công chúng điện ảnh và âm nhạc. London Symphony Orchestra sau này đã trở thành một trong những dàn nhạc biểu diễn và thu âm nhạc phim hàng đầu thế giới.
Sau khi chia tay Harty, London Symphony Orchestra đã không bổ nhiệm nhạc trưởng chính cho 15 năm sau đó mà lên một kế hoạch tham vọng với các nhạc trưởng khách mời như Walter, Leopold Stokowski, Erich Kleiber và George Szell. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và kế hoạch của dàn nhạc gần như bị phá sản. Mặc dù nhu cầu nghe nhạc của người dân London vẫn rất lớn nhưng hơn 60 nhạc công của dàn nhạc đã phải nhập ngũ dẫn đến họ phải bổ sung những nhạc công trình độ yếu kém để thay thế cũng như việc ủng hộ tài chính từ những cá nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Cố gắng bám trụ lấy nguyên tắc ban đầu của mình là không làm công ăn lương mà vẫn chia sẻ lợi nhuận có được từ biểu diễn, London Symphony Orchestra đã từ chối khoản trợ cấp từ phía Hội đồng Khuyến khích Âm nhạc và Nghệ thuật – một cơ quan của Chính phủ được thành lập với mục đích duy trì đời sống âm nhạc tại Anh. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, London Symphony Orchestra tiếp tục vấp phải cuộc cạnh tranh dữ dội, không chỉ từ phía BBC Symphony Orchestra hay London Philharmonic mà còn từ các dàn nhạc mới thành lập như Royal Philharmonic và Philharmonia Orchestra. Để có thể tồn tại, họ đã phải thực hiện hàng trăm buổi hoà nhạc trên khắp nước Anh với những nhạc trưởng kém tên tuổi. Cuối cùng họ cũng phải chấp nhận điều kiện từ phía Chính phủ, thay đổi chính sách của mình để được nhận trợ cấp.
Năm 1950, nhạc trưởng người Áo Josef Krips đã chấp nhận lời mời được London Symphony Orchestra đưa ra từ năm 1948 để trở thành nhạc trưởng chính tiếp theo của dàn nhạc. Trước đó, ông hoạt động chủ yếu với Vienna Philharmonic và Vienna State Opera. Ngay trong mùa diễn đầu tiên, Krips đã khôi phục lại doanh thu phòng vé cho dàn nhạc với những buổi biểu diễn trọn bộ các giao hưởng và concerto piano của Beethoven, với sự cộng tác của Wilhelm Kempff và Claudio Arrau, cùng với đó là uy tín cũng như trình độ biểu diễn của dàn nhạc. Cùng Krips, dàn nhạc đã có được hợp đồng thu âm cùng hãng Decca và có được số lượng bản thu âm đáng kể. Tuy nhiên, London Symphony Orchestra thất bại trong việc giành lấy phòng hoà nhạc Royal Festival Hall mới được xây dựng là trụ sở của mình, họ phải nhường lại cho London Philharmonic và Philharmonia Orchestra. Krips gắn bó với dàn nhạc cho đến năm 1954.
Năm 1955, nội bộ dàn nhạc xảy ra mâu thuẫn lớn. Một số nhạc công, chủ yếu là các bè trưởng cho rằng tương lai của dàn nhạc nên tập trung vào biểu diễn nhạc phim, một công việc đầy hứa hẹn vào thời điểm đó chứ không phải là các buổi hoà nhạc vốn đã bị cạnh tranh rất gay gắt. Ngoài ra, họ cũng đề nghị dàn nhạc cho phép họ biểu diễn bên ngoài với tư cách cá nhân trong trường hợp xung đột về lịch biểu diễn. Ban giám đốc đã chối dẫn đến việc nhiều nhạc công đã từ chức để thành lập ra dàn nhạc mới Sinfonia of London. Điều này dẫn đến việc London Symphony Orchestra bắt buộc phải trẻ hoá dàn nhạc, với độ tuổi trung bình khoảng 30. Trong 15 năm sau khi xảy ra sự kiện này, dàn nhạc chỉ thu âm 6 bản nhạc phim so với hơn 70 phim trong giai đoạn trước đó. Năm 1956, London Symphony Orchestra thực hiện chuyến công diễn đầu tiên tại Nam Phi khi tham gia liên hoan Johannesburg. Tại đây, giám đốc của liên hoan Ernest Fleischmann đã thu hút được sự chú ý của dàn nhạc với sự năng động và chuyên nghiệp của mình. London Symphony Orchestra đã mời Fleischmann trở thành tổng thư ký của dàn nhạc vào năm 1959. Ông trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của dàn nhạc, những vị trí này trước đó đều do nhạc công của London Symphony Orchestra kiêm nhiệm.
Trong nỗ lực nâng cao danh tiếng và uy tín cho dàn nhạc, Fleischmann đã cố gắng mời các nhạc trưởng danh tiếng tới cộng tác cùng London Symphony Orchestra. Có thể kể đến Stokowski, Klemperer, Jascha Horenstein và Pierre Monteux hay một số người trẻ tuổi hơn như George Solti và Colin Davis. Cuối cùng, năm 1961, Monteux đã đồng ý trở thành nhạc trưởng chính tiếp theo của dàn nhạc. Mặc dù đã ở tuổi 86, Monteux đã đề nghị và được chấp thuận một hợp đồng lên tới 25 năm, kèm theo điểu khoản gia hạn thêm 25 năm nữa. Monteux đã thực sự thay đổi dàn nhạc. Nhạc trưởng Neville Marriner, lúc này là nghệ sĩ violin của dàn nhạc đã cho biết Monteux đã giúp họ: “trông giống như một dàn nhạc quốc tế… mở ra một chân trời rộng mở”. Một hội đồng tín thác được thành lập vào năm 1963 với nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các quỹ nhằm ổn định và phát huy tài chính cho dàn nhạc. Hội đồng bao gồm Benjamin Britten, Robert Mayer, Jack Lyons và 5 thành viên Hội đồng quản trị của London Symphony Orchestra. Năm 1963, Monteux cùng dàn nhạc biểu diễn The Rite of spring của Stravinsky nhân kỷ niệm 50 năm ra mắt tác phẩm (mà cũng do chính Monteux chỉ huy) tại Royal Albert Hall với sự có mặt của nhà soạn nhạc. Năm 1964, lần đầu tiên London Symphony Orchestra thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới tại các nước Israel, Thổ Nhĩ Kì, Iran, Ấn Độ, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Sau khi Monteux qua đời vào năm 1964, năm 1965, London Symphony Orchestra bổ nhiệm nhạc trưởng người Hungary István Kertész làm nhạc trưởng chính tiếp theo. Cũng trong năm này, kế hoạch xây dựng một ngôi nhà mới cho dàn nhạc tại Barbican Centre lần đầu được xúc tiến. Cùng với dàn nhạc, Kertész đã thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của Dvořák cho hãng Decca. Năm 1966, lần đầu tiên Leonard Bernstein chỉ huy London Symphony Orchestra, mở đầu cho một sự hợp tác thành công kéo dài nhiều năm sau đó. Hướng theo sự thành công của Philharmonia Chorus, được Philharmonia Orchestra thành lập vào năm 1957, London Symphony Orchestra cũng quyết tâm có được một dàn hợp xướng cho riêng mình. Năm 1966, London Symphony Chorus được thành lập với John Alldis là giám đốc. Ban đầu dàn hợp xướng là sự kết hợp giữa những người nghiệp dư và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau đó xuất hiện những tranh chấp về sự cân bằng giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp dẫn đến việc chỉ còn những thành viên nghiệp dư tham gia dàn hợp xướng. Ngày nay, London Symphony Chorus trở thành một tổ chức độc lập gồm khoảng 150 thành viên, không chỉ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với London Symphony Orchestra mà còn cả với những dàn nhạc khác trong nước và quốc tế. Trong những năm 1967 và 1968, cả Fleischmann và Kertész đều bị chỉ trích vì muốn thâu tóm mọi công việc của dàn nhạc dẫn đến việc cả hai đều phải ra đi.
Với việc Kertész không được gia hạn hợp đồng, London Symphony Orchestra đã mời nhạc trưởng người Mỹ André Previn là người thay thế. Previn đã nắm giữ cương vị này từ năm 1968-1979 và trở thành nhạc trưởng chính lâu nhất của dàn nhạc. Dưới nhiệm kỳ của Previn, London Symphony Orchestra đã được coi là dàn nhạc xuất sắc nhất London. Cùng với dàn nhạc, năm 1971, Previn thực hiện chuyến lưu diễn tới Liên Xô cũng như hợp tác cùng BBC giới thiệu một chuỗi các chương trình truyền hình mang tên Đêm nhạc André Previn với mục đích mang âm nhạc cổ điển và London Symphony Orchestra tiếp cận một lượng khán giả mới. Chương trình đã thu hút được lượng người xem đáng kinh ngạc. Năm 1973, dưới sự chỉ huy của Previn, Seiji Ozawa và Karl Böhm, London Symphony Orchestra trở thành dàn nhạc Anh đầu tiên được mời biểu diễn trong liên hoan Salzburg. Một trong những vấn đề lớn nhất đối với London Symphony Orchestra trong nhiều năm từng bị Bernstein phàn nàn là thiếu một cơ sở diễn tập tốt đã được khắc phục vào năm 1975, khi cùng với London Philharmonic mua và sửa chữa lại nhà thờ Holy Trinity, Southwark để làm nơi diễn tập cho dàn nhạc và đổi tên thành Henry Wood Hall. Với sự nổi tiếng của mình và dàn nhạc nhờ chương trình Đêm nhạc André Previn, ông đã thực hiện nhiều chương trình hoà nhạc với những tác phẩm hiện đại, ít được biểu diễn và thu hút một lượng khán giả khiêm tốn. Điều này đã khiến Previn vấp phải nhiều chỉ trích khi bị coi là “nhạc trưởng hạng nhất cho những tác phẩm hạng hai”. Năm 1977, dàn nhạc thu âm nhạc dành cho bộ phim Star Wars mang đến một thành công to lớn cả về mặt nghệ thuật lẫn kinh tế.
Sau khi Previn chia tay dàn nhạc vào năm 1979, ngay lập tức Claudio Abbado được thông báo sẽ là nhạc trưởng chính của London Symphony Orchestra. Về mặt âm nhạc, Abbado thực sự là một đối trọng với Previn khi ông trung thành với truyền thống Đức-Áo. Mặc dù luôn được công nhận là một trong nhạc trưởng tài ba nhất thế hệ nhưng đôi khi Abbado bị phàn nàn rằng ông quá xa cách với các nhạc công và không áp đặt được kỷ luật lên dàn nhạc. Bên cạnh đó, Abbado cũng bị chỉ trích khi ít thực hiện ghi âm cùng dàn nhạc mà thường xuyên làm công việc này với Boston Symphony Orchestra, Chicago Symphony Orchestra hay Vienna Philharmonic. Năm 1982, Barbican Centre khánh thành, lần đầu tiên London Symphony Orchestra có được một trụ sở chính thức. Năm 1985, lễ hội chương trình Mahler, Vienna và liên hoan Thế kỷ 20 do Abbado tổ chức đã đạt được thành công to lớn dự báo một định dạng mới của chuỗi các buổi hoà nhạc theo chủ đề của dàn nhạc sau này. Năm 1988, một dự án táo bạo mang tên London Symphony Orchestra Discovery đi vào hoạt động với mục đích “mọi người thuộc mọi lứa tuổi, từ đứa trẻ sơ sinh tới những sinh viên hay người trưởng thành đều có một cơ hội tham gia vào việc tạo ra âm nhạc”. Cho đến năm 2020, đã có hơn 60.000 người hàng năm được hưởng lợi từ chính sách giáo dục này.
Tháng 8/1988, nhạc trưởng người Mỹ Michael Tilson Thomas được thông báo sẽ là người tiếp theo đảm nhận cương vị nhạc trưởng chính của London Symphony Orchestra. Năm 1990, cùng với Bernstein, Thomas đã đưa dàn nhạc đi lưu diễn tại Nhật Bản và tổ chức Lễ hội âm nhạc Thái Bình Dương ở Sapporo. Cùng với dàn nhạc, Thomas đã thực hiện nhiều bản thu âm với hãng Columbia (nay là Sony Classical). Sau khi chia tay với dàn nhạc vào năm 1995, Thomas trở thành nhạc trưởng khách mời chính.
Năm 1995 cùng với việc khai trương website của dàn nhạc, London Symphony Orchestra thông báo Colin Davis được bổ nhiệm làm nhạc trưởng chính tiếp theo của dàn nhạc. Davis lần đầu chỉ huy dàn nhạc từ năm 1959 và từng được kỳ vọng là người thay thế Monteux vào năm 1964. Cùng với dàn nhạc, Davis đã thực hiện nhiều dự án âm nhạc, trong đó hoành tráng và tham vọng nhất phải kể đến liên hoan “Berlioz Odyssey” vào năm 1999, trong đó tất cả các tác phẩm lớn của Berlioz đều được trình diễn. Năm 2000, dàn nhạc ra mắt hãng đĩa của riêng mình LSO Live. Năm 2003, London Symphony Orchestra khánh thành London Symphony Orchestra St Luke, một trung tâm giáo dục âm nhạc của dàn nhạc. Ngày 9/6/2004, một chương trình biểu diễn trang trọng được diễn ra kỷ niệm 100 năm thành lập dàn nhạc với sự tham gia của nữ hoàng Anh. Năm 2006, Daniel Harding được bổ nhiệm làm nhạc trưởng khách mời chính bên cạnh Thomas.
Năm 2007 nhạc trưởng Valery Gergiev trở thành nhạc trưởng chính tiếp theo của London Symphony Orchestra. Chuỗi hoà nhạc đầu tiên của Gergiev với dàn nhạc là trọn bộ các bản giao hưởng của Mahler và đã bán hết vé tại Barbican Hall. Sau đó, năm 2008, Gergiev đã thực hiện một loạt chương trình bao gồm 16 tác phẩm của Prokofiev trong 41 buổi hoà nhạc tại 14 quốc gia trên thế giới.
Với việc Gergiev chia tay dàn nhạc để tới đảm nhận cương vị tại Munich Philharmonic vào năm 2015, London Symphony Orchestra đã thông báo Simon Rattle làm nhạc trưởng tiếp theo của dàn nhạc và Gianandrea Noseda trở thành nhạc trưởng khách mời chính và François-Xavier Roth sẽ thay thế vị trí của Harding. Ngày 4/3/2017, London Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Elim Chan đã lần đầu tiên biểu diễn tại Hà Nội trong một chương trình hoà nhạc ngoài trời. Tháng 3/2021, London Symphony Orchestra thông báo Rattle sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2024 và nhạc trưởng Antonio Pappano sẽ là người thay thế.
Qua hơn một trăm năm thành lập, London Symphony Orchestra vẫn luôn là một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới. Năm 2008, tạp chí Gramophone đã tổ chức một cuộc bình chọn các dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới, London Symphony Orchestra được xếp hạng 4 và là dàn nhạc duy nhất ở Anh có tên trong danh sách. Với những nhà chuyên môn, London Symphony Orchestra là một dàn nhạc đầy cá tính, mang nhiều cái tôi của các nhạc công, một phần nguyên nhân dẫn đến việc không có một nhạc trưởng nào gắn bó quá lâu với dàn nhạc. Nhưng bên cạnh đó, London Symphony Orchestra vẫn luôn thu hút được những nhạc trưởng danh giá nhất và cùng nhau cống hiến hết mình cho những buổi hoà nhạc chân thực nhất.
Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn: lso.co.uk
Bình luận Facebook