“Mỗi một con nguời đều có một trách nhiệm không ngừng nghỉ làphải biến bạo lực, đau khổ thành tình thương; biến sự thô lỗ thành lịch sự;biến sự xấu xa thành vẻ đẹp thuần khiết; biến sự thờ ơ thành sự quan tâm, chia sẻ; biến bất đồng, tranh cãi thành hoà thuận, đoàn kết. Chỉ cónhư vậy chúng ta mới lại tìm thấy những giấc mơ của trẻ thơ về một thực tại đầy những sáng tạo được tái sinh bởi cái chết – kẻ đầy tớ của cuộc sống và về cuộc sống – kẻ đầy tớ của tình yêu.” – Yehudi Menuhin

 Được mệnh danh là “nghệ sĩ violin của thế kỉ 20”, “thần đồng của những thần đồng”, cuộc đời của Yehudi Menuhin là một chuỗi những tháng ngày khổ luyện gian nan nhưng đầy thành công và vinh quang chói lọi.

Yehudi Menuhin sinh ngày 22 tháng 4 năm 1916 tại New York. Bố mẹ ông là những người Do Thái di cư từ Nga sang mảnh đất hứa Hoa Kì. Với tố chất thiên tài được bộc lộ từ rất sớm, Yehudi đã bắt đầu những bài học violin của mình từ năm 3 tuổi dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ violin Sigmund Anker. Chỉ 4 năm sau, khi cậu đuợc 7 tuổi, Menuhin đã có buổi biểu diễn đầu tiên với dàn nhạc danh giá San Francisco Symphony Orchestra, đánh dấu sự ra đời của một thiên tài mới. Trong buổi hoà nhạc đó, cậu bé đã trình diễn tác phẩm Symphonie Espagnole của Edouard Lalo với một sự tự chủ và điêu luyện đến kinh ngạc, làm sửng sốt tất cả người nghe có mặt trong khán phòng. Ngay sau buổi biễu diễn đó Yehudi bắt đâu theo học nguời thây đầu tiên của mình: Louis Persinger – concertmaster của San Francissco Symphony Orchestra, học trò của nghệ sĩ violin huyền thoại Eugene Ysaye và cũng là thầy của Isaac Stern – cũng là một nghệ sĩ violin tài năng hiếm có. Chỉ một năm sau, Menuhin có buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên trong sự nghiệp của mình tại New York; lúc đó cậu mới tám tuổi.

 Đến năm 11 tuổi, cậu có buổi biểu diễn độc tấu lịch sử tại phòng hoà nhạc danh giá bậc nhất thế giới Carnegie Hall, với tư cách là một trong những nghệ sĩ trẻ tuổi nhất từng trình tấu tại đây.Trong cùng năm đó, 1927, Menuhin bắt đầu sự nghiệp quốc tể của mình với hai buổi hoà nhạc vô cùng thành công tại Paris và Brussels. Không dừng lại ở đó chỉ hai năm sau, khi vừa tròn 13 tuổi cậu lại tiếp tục có hai buổi biểu diễn thành công rực rỡ tại hai trung tâm âm nhạc thuộc loại lớn nhất thế giới: Berlin và London. Sau buổi biểu diễn tại Berlin năm 1927, Albert Einstein đã ra phía sau sân khấu để nói với cậu bé Menuhin: “Ngày hôm nay. Yehudi, cậu lại một lần nữa chứng minh cho tôi thấy rằng, luôn có Chúa ở trên thiên đường” (New York Times). Chưa đầy 20 tuổi nhưng Menuhin đã được biết đến trên toàn châu Âu, cái nôi của âm nhạc cổ điển, như một nghệ sĩ bậc thầy (virtuoso) của cây đàn violin.
 Cuộc đời âm nhạc của ông bước sang một trang mới khi ông gặp người thầy thứ hai của mình: nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin người Romania George Enesco tại Paris. Với một tài năng hiếm có, một phong thái phóng khoáng như dân du mục, Enesco khiến cậu bé thần đồng Menuhin cảm thấy mình thật nhỏ bé. Qua Enesco ông được tiếp cận một nền văn hóa mới, những âm thanh mới của xứ sở Hungary, Romania giàu truyền thống khác với những giai điệu Do Thái Hassidic mà cha ông vẫn hát cho ông nghe từ thuở ấu thơ. Có một điểm chung giữa Enesco và Persinger là cả hai đều theo trường phái violin Franco – Belgian. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách của Menuhin sau này nhưng trên thực tế ông đã tự sáng tạo ra cho mình một phong cách riêng, độc đáo, khác biệt, mới mẻ như chính quê hương ông vậy: nước Mĩ, một thế giới mới.
 Menuhin bắt đầu công việc thu âm từ khi ông còn rất trẻ, năm 1928, khi chỉ mới 12 tuổi ông đã có đĩa đơn đầu tiên của mình với hãng đĩa danh tiếng EMI Classics và nhạc trưởng, người thầy Georges Enesco. Bản thu bao gồm Symphonie Espagnole của Lalo, Poème của Ernest Chausson và Violin concerto số 3 của Camille Saint-Saens. Trong vòng 40 năm, hâu hết Menuhin đều thực hiên các bản thu âm với cô em gái của mình, nghệ sĩ piano Hephzibah Menuhin. Khi bà mất vào năm 1981, Menuhin đã nói với tờ New York Times: “Chúng tôi không cần phải trao đổi nhiều, âm nhạc được cất lên một cách tự nhiên cứ như thể chúng tôi là một con người vậy”. Mặc dù có một sự nghiệp lẫy lừng và tồn tại rất lâu, nhưng Menuhin lại không phải là một nghệ sĩ có quá nhiều bản thu âm. Các đĩa nhạc của ông, cũng như sự nghiệp của Menuhin có thể chia ra theo 3 thời kì mà các cột mốc được đánh dấu bằng cuộc đại chiến thề giới lần thứ 2 (1939 – 1945): trước, trong và sau chiến tranh.
 Truớc chiến tranh, cả thế giới coi ông như một thần đồng kiệt xuất, người sau này có thể trở thành một nghệ sĩ vĩ đại. Vào năm 1934 ông bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới đầu tiên của mình, đi qua 63 thành phố, 13 quốc gia và thực hiện hơn 100 buổi biểu diễn. Sau chuyến lưu diễn này, gia đình ông quay lại sinh sống tại Carlifornia, tại đây ông đã dành 2 năm không xuất hiện trước công chúng để học hỏi và khám phá bản thân. Chính trong khoảng thời gian này, Menuhin đã nhận ra điểm yếu của mình khi ông thiếu những bài luyện tập kĩ thuật hà khắc trong thời gian học tập trước đó. Khi trở lại sân khấu biểu diễn vào năm 1937, giới phê bình đã nhận thấy sự trưởng thành cũng như sự thăng tiến vượt bậc về mặt kĩ thuật của ông. Ông thường sử dụng các bản tổng phổ nguyên gốc chứ không dựa vào những phiên bản đã được chỉnh sửa của một số nghệ sĩ violin nổi tiếng khác. Menuhin còn làm người nghe ngạc nhiên khi ông biểu diễn những tác phẩm không thật sự nổi tiếng hoặc đã bị lãng quên như violin concerto của Edward Elgar, một violin concerto bị thất lạc của Robert Schumann, và một số tác phẩm khác của Bela Bartok, George Enesco, Ernest Bloch, William Walton và một số nhà soạn nhạc của thế kỉ 20.
 Trong quãng thời gian trước chiến tranh này, các bản thu âm của Menuhin mang tính tìm tòi thử nghiệm khi ông thu âm rất nhiều các tiểu phẩm hay một vài chương của các bản concerto của rất nhiều tác giả, trong đó có thể kể đến: Edouard Lalo, George Enesco, Camille Saint-Saens, Sergei Prokofiev, Maurice Ravel, Johann Sebastian Bach, Pablo de Sarasate, Antonio Bazzini, Fritz Kreisler…
 Thập niên 40 là một quãng thời gian tang thương, đau khổ cho toàn thể nhân loại và Menuhin cũng không phải là một ngoại lệ. Chiến tranh nổ ra, không quản ngại những nguy hiểm khó khăn, Menuhin vẫn thực hiện hơn 500 buổi hoà nhạc cho binh lính Mĩ và quân đồng minh mà phần lớn các buổi biểu diễn đều diễn ra trong khu vực đang có chiến tranh. Ông tin rằng âm nhạc có thể nâng đỡ con người vượt qua những thời khắc đen tối nhất, giúp họ có niềm tin và sức mạnh để chấm dứt cuộc chiến tranh đầy đau thương và phi nghĩa này.
 Năm 1945, cuộc chiến kết thúc, Menuhin bắt đầu thực hiện những buổi biểu diễn trên khắp thế giới nhằm xoa dịu những nỗi đau, giúp con người có thể xích lại gần nhau hơn. Nhưng hành động cao cả đó của ông cũng mang lại cho Menuhin không ít những rắc rối. Năm 1947, chỉ 2 năm sau cuộc chiến, ông quay trở lại nước Đức và thực hiện một buổi hoà nhạc với dàn nhạc Berlin Philharmonic dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Đức Wilhelm Furtwangler. Hành động mang tính hoà giải này của ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Do Thái, những người mới phải trải qua những năm tháng khủng khiếp của cuộc diệt chủng tàn bạo do Hitler thực hiện. Nhận thấy sức mạnh lớn lao của âm nhạc, Menuhin quyết định tham gia rất nhiều hoạt động xã hội nhằm giúp hàn gắn thế giới đổ nát sau chiến tranh. Dưới ảnh hưởng của ông, Mĩ và Liên bang Xôviết đã tham dự vào một chương trình trao đổi văn hóa năm 1955, thời kì mà cuộc chiến tranh lạnh vẫn đang diễn ra. Menuhin cũng trở thành người bạn vô cùng thân thiết của David Oistrakh – cánh chim đầu đàn của các nghệ sĩ violin Xôviết. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi đóng góp cho nền hoà bình thế giới, Menuhin đã nhận được vô số những huân chương trong đó phải kể đến Legion d’Honneur của nước Pháp; Great Order of Merit, Highest honour của Đức; Ordre Leopold và the Ordre de la Couronne của Bỉ… Năm 1965, ông được nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hiệp sĩ và đến năm 1987 là Order of Merit.
 Thời kì sau chiến tranh chính là khoảng thời gian mà Menhuhin đạt đến độ hoàn thiện về mọi mặt. Các thu âm của ông trong thời kì này có thể nói là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông mà phần lớn trong số chúng được đánh giá là đầy sáng tạo, mới lạ và không hể có sự lặp lại. Từ những sonata và partita kinh điển của Bach, những concerto “bắt buộc” của Felix Mendelssohn, Ludwig van Beethoven, Wolfgang Amadeus Mozart, Johannes Brahms, Max Bruch… cho đến những tác phẩm của Bartok, tất cả đều được ông “làm lại” với một phong cách đặc trưng đầy tự chủ.
 Trong khoảng thời gian giữa hai thập niên 50 và 60 của thế kỉ 20, Menuhin bắt đầu tỏ rõ sự hứng thú với công việc nhạc trưởng, một cương vị còn rất mới mẻ đối với ông. Nhưng chỉ đến cuối những thập năm 60, ông đã chỉ huy hầu hết tất cả các dàn nhạc danh tiếng trên thế giới và kèm theo cả việc thu âm. Từ năm 1976, ông ngày càng ít biểu diễn với cây đàn violin mà thay vào đó là chiếc đũa chỉ huy. Những năm của thập niên 90, căn bệnh điếc một phần khiến Menuhin không thể biểu diễn với cây đàn violin nhưng điều đó không ngăn cản ông tiếp tục công việc chỉ huy.
 Một mối quan tâm khác của Menhuhin là việc phát hiện, đào tạo các nghệ sĩ trẻ. Trong một cuộc phỏng vấn với “U.S news and World Report”, ông nói: “Tôi đã cố làm cho những nghệ sĩ trẻ cảm thấy họ là một phần của một thế giới đầy yêu thương mà ở đó mọi nơi, mọi người đều được sợi dây âm nhạc kết nối”. Menuhin sáng lập ra trường nhạc Yehudi Menuhin School for Music tại Stoke d’Abernon, nước Anh năm 1963. Trường chú trọng đào tạo những học sinh lứa tuổi từ 8 đến 14; Menuhin cũng tham gia trực tiếp giảng dạy tại trường. Ngôi trường này đã sản sinh ra những tên tuổi lớn cho nền âm nhạc đương đại như Nigel Kennedy, Csaba Erdely, Paul Coletti…
 Như rất nhiều nhà phê bình từng nhận xét, tiếng đàn cũng như phong cách của Menuhin là duy nhất trong lịch sử. Câu nói nổi tiếng của Menuhin trong khoảng thời gian trước chiến tranh là: “Tôi muốn tổng hợp sự duyên dáng của Fritz Kreisler, sự sâu lắng của Mischa Elman (“cây đàn biết nói”) và kỹ thuật của Jascha Heifetz”. Xét về mặt lí thuyết, đây có thể coi là một tham vọng tương đối viển vông, nhất là khi Menuhin có những hạn chế nhất định về mặt kĩ thuật. Heifetz đến Mĩ vào năm 1917, 1 năm sau ngày Menuhin ra đời. Từ thởi điểm đó đến trước chiến tranh, cả thế giới đặc biệt là nước Mĩ đều ngã mũ thán phục Heifetz bởi tài năng và kĩ thuật đạt đến độ siêu đẳng của ông. Chính vì thế những nền tảng giáo dục đầu tiên của Menuhin cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ xu hướng sùng bái Heifetz đó. Nhưng chẳng bao lâu sau, bước ra khỏi cái bóng của Heifetz, Menuhin cùng với Nathan Milstein và David Oistrakh đã ngự trên đỉnh cao của thế giới âm nhạc cổ điển. Menuhin không còn chỉ là cậu bé thần đồng kiệt xuất thuở nào, ông đã trở thành một nghệ sĩ violin mà cả thế giới ngưỡng mộ và nước Mĩ thì tự hào. Nhưng sự thật thì Menuhin vào thời điểm đó vẫn chưa thể hoàn thiện mình. Ông vấp phải những khó khăn với những thiếu sót về mặt kĩ thuật để có thể tiến đến trình độ của Heifetz. Chương fugue từ trong bản sonata dành cho violin độc tấu, Sz 117 của Bartok, thu âm năm 1947, được Menuhin chơi với một tốc độ chậm rãi, bảo thủ, rụt rè và thiếu đi những nét tinh tế và sự tự tin cần thiết. Điều này khiến ai cũng nhận ra rằng ông vẫn đang vật lộn với thực tại của chính bản thân.
 Nhưng mọi thứ dường như đã thay đổi khi ông gặp nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Đức Furtwängler. Đã từng học hỏi hai mùa hè với nghệ sĩ violin người Đức Adolf Bush, Menuhin đã tự trang bị cho mình những hiểu biết quan trọng về nền văn hoá Đức, cộng với thói quen tìm tòi học hỏi, Menuhin đã biết cách hoà nhập nhanh chóng với cách lí giải âm nhạc mang đậm tính triết học của Furtwängler. Nhưng trải nghiệm mới mẻ đó cộng với ý chí mạnh mẽ muốn chiến thắng bản thân, Menuhin đã hoàn toàn lột xác khi ông biểu diễn violin concerto của Brahms với dàn nhạc Lucerne Festival Orchestra. Người ta thấy một Menuhin đầy tự tin, đắm mình trong từng nốt của bản nhạc và thực hiện những thử nghiệm đầy mạo hiểm. Kết quả là ông đã thành công rực rỡ khi phiên bản này trở thành một trong những phiên bản nổi tiếng nhất, xuất sắc nhất của bản concerto kinh điển. Từ giây phút đó, Menuhin đã biết cách thể hiện tất cả những gì tinh túy nhất của ông theo một phong cách rất mới mẻ và tràn đầy nhựa sống. Một Menuhin với cánh tay trái giương cao đầy kiêu hãnh, bám lấy từng nốt với những đầu ngón tay và luôn rung chúng ở giữa lằn ranh của sự chuẩn xác và sai lầm, một lằn ranh mà ông rất ít khi bước qua. Menuhin đã sáng tạo ra một phong cách cho riêng mình, tạo nên những âm thanh nóng bỏng và rạo rực sức sống, một điều hoàn toàn đối lập với Oistrakh, người luôn nổi tiếng với âm thanh sâu lắng và trầm ấm.
 Từ nền tảng vững chắc đó, không có gì là không thể đối với Menuhin. Tại mọi khán phòng, mỗi khi Menuhin bắt đầu chơi, người nghe lại cảm thấy một thế giới mới được mở ra trước mắt họ. Một thế giới có lúc trầm ấm, sâu lắng có lúc vui tươi rộn rã, có lúc sôi nổi rạo rực. Tất cả được tạo ra từ chính con người ấy, Yehudi Menuhin, ông đứng đó đẹp đẽ như một pho tượng cổ Hy Lạp, xa cách mà gần gũi, đem đến cho người nghe những âm thanh tuyệt vời nhất. Như Itzahk Perlman từng nói: “Đó là một trong những âm thanh đặc biệt nhất tôi từng nghe thấy trong đời, âm thanh đó là duy nhất như một dấu vân tay của Menuhin, hoàn toàn khác biệt, nó đi thẳng vào tim bạn như thể không hề có rào cản và khiến bạn rung động theo từng nốt của bản nhạc”. Tiếng đàn của Menuhin là sự đúc kết của những điều tinh túy nhất: kĩ thuật siêu đẳng của Heifetz, sử ủy mị duyên dáng của Kreisler, sự quyền uy và chính xác của Oistrakh, sự giàu cảm xúc của Milstein. Có thể nói ở một khía cạnh nào đó tham vọng thời trẻ của Menuhin đã trở thành hiện thực. Điều đó đã khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến. Như lời nghệ sĩ violin người Pháp Ivry Giltis từng nói: “Heifetz là một vị thánh, Menuhin cũng vậy, thậm chí ông còn ở gần với khái niệm đó hơn bởi đơn giản, ông là một thiên thần lạc lối xuống trần gian”.
 Ngày 12 tháng 3 năm 1999, Menuhin qua đời sau một cơn đau tim tại Berlin. Cái chết của ông khép lại một thời kì đầy biến động và giàu cảm xúc của nền âm nhạc cổ điển. Có thể coi ông là một trong những người cuối cùng trong số những nghệ sĩ violin huyền thoại của thế kỉ 20. Họ là Jascha Heifetz, Mischa Elman, Fritz Kreisler, Nathan Milstein, Leonid Kogan, David Oistrakh, Isaac Stern… những con người vĩ đại đã viết nên một chương không thể quên trong lịch sử của cây đàn violin – “nhạc cụ của quỷ”. Và khi Yehudi Menuhin mất đi, lịch sử đã sang trang…
Lê Như Việt (nhaccodien.info) tổng hợp