Thông tin chung

Tác phẩm: Les nuits d’été (Những đêm hè), Op. 7
Âm nhạc: Hector Berlioz
Lời thơ: Théophile Gautier (1811-1872).
Thời gian sáng tác: Năm 1841 với phần đệm piano. Berlioz đã hoàn thành phần phối khí cho dàn nhạc vào năm 1856.
Độ dài: Khoảng 31 phút.
Đề tặng: Phiên bản giọng hát với piano được đề tặng cho nhà soạn nhạc, nhà thơ Louise Bertin (1805-1877). Với phiên bản dàn nhạc, ông đã tặng mỗi ca sĩ một bài hát: Louise Wolf (“Villanelle”), Anna Bockholtz-Falconi (“Le spectre de la rose”), Hans von Milde (“Sur les lagunes”), Madeleine Nottès (“Absence”), Friedrich Caspari (“Au cimetière”) và Rosa von Milde (“L’île inconnue”).
Tác phẩm gồm 6 ca khúc:
1- Villanelle
2 – Le spectre de la rose (Hồn ma của đoá hồng)
3 – Sur les lagunes: Lamento (Trên đầm phá: Lời than khóc)
4 – Absence (Sự thiếu vắng)
5 – Au cimetière: Clair de lune (Trong nghĩa trang: Ánh trăng)
6 – L’île inconnue (Hòn đảo vô danh)
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 3 horn, harp và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Đối với một người vổn nổi tiếng trong việc viết rất nhiều về các tác phẩm của chính mình cũng như của người khác, thật ngạc nhiên khi hầu như Berlioz không nhắc đến tập bài hát Les nuits d’été. Ông không đề cập gì đến nó trong hồi ký cũng như trong các bức thư. Chúng cũng không được biểu diễn, ngoại trừ “Le spectre de la rose” và “Absence” trong các buổi hoà nhạc của Berlioz. Hoàn toàn không tin về việc nhà soạn nhạc sáng tác nó nhân dịp gì hay cho một cá nhân cụ thể nào. Không giống như những sáng tác nổi tiếng và đặc trưng nhất của Berlioz, đây là những bản nhạc riêng tư, thậm chí là của cá nhân và ông dường như miễn cưỡng đưa nó ra mắt công chúng.

Berlioz bắt đầu sáng tác bài hát đầu tiên trong tập ca khúc này “Villanelle” vào tháng 3/1840 dựa trên lời thơ của Théophile Gautier, một người bạn của ông. Họ chỉ sống cách nhau vài dãy phố. Gautier cũng là người rất hâm mộ nhạc của Berlioz, chính ông là người đã mệnh danh nhà văn Victor Hugo, họa sĩ Eugène Delacroix và Berlioz là “Bộ ba của chủ nghĩa lãng mạn Pháp”. Dần dần, trong vài tháng tiếp theo, Berlioz tiếp tục sáng tác thêm 5 bài hát nữa để hoàn thành tập liên khúc với 6 bài hát. Toàn bộ phần lời được Berlioz lấy trong tập thơ La comédie de la mort (Hài kịch của cái chết) của Gautier được xuất bản vào năm 1838.

Cái tên Les nuits d’été (Những đêm hè) là do Berlioz đặt và không rõ nguyên nhân tại sao ông lại chọn nó. Toàn bộ nội dung của các bài hát là về sự khao khát tình yêu, đau khổ và chia ly. Ngoài ra, bài hát đầu tiên “Villanelle” là miêu tả về mùa xuân thay vì mùa hè. Trong một nghiên cứu năm 1989, nhà âm nhạc học Dallas Kern Holoman cho rằng tiêu đề này xuất phát từ tình yêu của Berlioz đối với các tác phẩm của Shakespeare nói chung và vở kịch Giấc mộng đêm hè nói riêng.

Phiên bản đầu tiên của Les nuits d’été được hoàn thành vào năm 1841 dưới hình thức bài hát dành cho giọng tenor hoặc mezzo-soprano với phần đệm piano. Sau đó, Berlioz đã thực hiện các chuyển soạn dành cho baritone, contralto và soprano. Ngày nay, phiên bản piano ít được biểu diễn phiên bản dàn nhạc mà ông đã thực hiện từ năm 1843 đến năm 1856. Có thể chúng ta ít để ý đến, nhưng Berlioz là tác giả của hơn 50 ca khúc, trong đó có 20 bài với phần đệm là dàn nhạc nhưng chỉ có duy nhất 6 bài hát phổ thơ Gautier được gộp chung thành tập bài hát. Nhưng đây không phải là một tập liên khúc như An die ferne Geliebte của Beethoven, Winterreise của Schubert, hay Dichterliebe của Schumann (sáng tác vào năm Berlioz bắt đầu Les Nuits d’été), với một sợi dây tự sự và một cốt truyện mạch lạc, liên tục được gắn kết mạnh mẽ thông qua âm nhạc. Thay vào đó, chúng được liên kết với nhau bằng một tâm trạng chung, chia sẻ về cùng một chủ đề. Vì vậy, có thể nói, quyết định của Berlioz sắp xếp chúng thành một bộ tại thời điểm đó là điều bất ngờ. Với tầm nhìn của một người có xu hướng cách tân, ông đã tạo ra một hình thức mới, tập bài hát với dàn nhạc, không được chú ý trong một khoảng thời gian dài cho đến khi Mahler khiến nó nổi bật vào nửa thế kỷ sau.

Ngày 23/2/1843, người tình của Berlioz khi ấy, Marie Recio đã hát “Absence” tại Leipzig. Đây là lần công diễn chính thức đầu tiên một phần trong tập Les nuits d’été của ông và mãi đến tận năm 1856, một phần khác mới được biểu diễn khi Anna Bockholtz-Falconi hát “Le Spectre de la rose”. Nhà xuất bản Jakob Rieter-Biedermann có mặt trong buổi hoà nhạc đã tỏ ra rất hứng thú với tác phẩm và đề nghị Berlioz cho xuất bản nó. Cuối năm 1856, ấn phẩm ra đời với sự đề tặng của Berlioz, mỗi bài hát cho một ca sĩ nổi tiếng ở Đức thời điểm đó. So với phiên bản piano, các bài hát thứ hai và ba được hạ xuống các giọng thấp hơn. Trong phiên bản dàn nhạc, Berlioz đã chỉ định cụ thể từng loại giọng cho mỗi bài hát, cụ thể: tenor hoặc soprano cho “Villanelle”, tenor cho “Le spectre de la rose”, baritone (hoặc contralto hay mezzo-soprano) cho “Sur les lagunes”, mezzo-soprano hoặc tenor cho “Absence”, tenor cho “Au cimetière” và mezzo-soprano hoặc tenor cho “L’île inconnue”. Mặc dù vậy, ngày nay, tập bài hát thường được biểu diễn bằng một ca sĩ duy nhất, chủ yếu là soprano hoặc mezzo-soprano. Với soprano, các bài hát thứ hai và ba được đưa về giọng gốc ban đầu, còn nếu là mezzo-soprano thì các bài hát khác sẽ được dịch giọng xuống, mặc dù vậy có thể ảnh hưởng tới sự tươi vui trong bài hát đầu tiên “Villanelle”.

Tóm tắt nội dung

Villanelle

Bài hát mở đầu “Villanelle” ở giọng La trưởng có giai điệu đơn giản nhưng cuốn hút, quyến rũ với một cuộc dạo chơi trong rừng khi mùa xuân đến. Phần đệm tươi vui với bè dây chơi ở hình thức đối âm. Tiếng kèn gỗ ríu rít, bassoon độc tấu một giai điệu vui nhộn, nghịch ngợm. Mặc dù vậy, trong không khí vui vẻ này, vẫn gợn đâu đó những bóng tối lướt qua âm nhạc, che phủ bề mặt ngây thơ của nó.

Le spectre de la rose

Trong bài hát thứ hai “Le spectre de la rose” ở giọng Si trưởng, bóng ma của đoá hồng nhớ lại cái đêm mà nó được ghim trên váy của một người phụ nữ xinh đẹp tại vũ hội. Hoa hồng không hối tiếc về cái chết của mình mà còn tự hào rằng “Tất cả các vị vua sẽ ghen tị” vì “trên ngực em có ngôi mộ của tôi”. Âm nhạc phức tạp hơn bài đầu tiên, bắt đầu với một giai điệu buồn bã trên cello độc tấu với flute và clarinet phụ hoạ, trên nền violin và viola chơi tắt tiếng. Sau đó được biến đổi thành một đoạn recitative rồi bay vút lên trong một cao trào cảm động với những nốt láy lung linh trên dàn dây và tiếng harp thanh lịch trong lần xuất hiện duy nhất của mình trong toàn bộ tác phẩm, để giới thiệu về thiên đường.

Sur les lagunes: Lamento

Bài hát thứ ba Sur les lagunes: Lamento ở giọng Pha thứ (giọng thứ duy nhất trong tập) là một điệp khúc thê lương, giống như một tiếng kêu của sự tuyệt vọng. Người thuỷ thủ đau buồn cho người yêu đã mất của mình. Bè đệm lặp đi lặp lại, miêu tả hình ảnh con thuyền nhấp nhô trên những ngọn sóng. Bài hát như một câu hỏi không có lời giải đáp, kết thúc ở âm át, tạo nên một cảm giác bâng khuâng.

Absence

Bài hát thứ tư “Absence” ở giọng Pha thăng trưởng, có hình thức 3 đoạn. Dường như ca khúc này dựa trên chất liệu âm nhạc trước đó đã được Berlioz đưa vào bản cantata Erigone dang dở. Bài hát miêu tả một nỗi oan ức, van xin sự trở về của người yêu.

Au cimetière: Clair de lune

Bài hát thứ năm “Au cimetière: Clair de lune” ở giọng Rê trưởng lại là một lời than thở nữa và cũng có hình thức 3 đoạn. Chàng trai u uất bên ngôi mộ. Giọng hát dường như nghẹn lại, bị đóng băng trong một phạm vi hẹp với nhiều nốt lặp lại. Dàn dây chơi tắt tiếng với những giai điệu ma quái trên violin và viola trong khi tiếng flute tê tái, thê lương vang lên. Giống như bài hát thứ hai “Le spectre de la rose”, âm nhạc mang một màu sắc ám ảnh đầy dụ hoặc.

L’île inconnue

Bài hát cuối cùng “L’île inconnue” ở giọng Pha trưởng. Bầu không khí ngột ngạt và u uất của những phần trên đột ngột bị xua tan bằng những âm thanh tươi sáng và nhịp điệu đằm thắm trong phần cuối này. Bài hát cuối cùng quay lại tâm trạng của bài hát đầu tiên, như một sự giải toả. Chàng thuỷ thủ lái một con thuyền trên đại dương rộng mở bên người yêu của mình. Cô gái muốn đến bến bờ chung thuỷ và dù rằng không ai biết ở đâu nhưng phải luôn luôn tìm kiếm. Và điều quan trọng nhất, họ đã ra khơi cùng nhau.

Trình diễn L’île inconnue như một tổng thể

Những bài thơ của Gautier nhìn nhận tình yêu từ những góc độ khác nhau, nhưng sự mất mát của tình yêu bao trùm tất cả. Khi được trình diễn thành một tổng thể, các bài hát sẽ truyền tải sự mất mát này một cách mạnh mẽ hơn, không chỉ là những sáng tác riêng lẻ với những nỗi sầu muộn, mà còn là một quan niệm mạch lạc xuyên suốt, một điều mà sự khao khát “luôn luôn” của bài hát đầu tiên “Villanelle” trở thành điều không thể đạt được trong bài hát cuối cùng “L’île inconnue”. Tập ca khúc trở nên đối xứng khi 4 bài hát với không khí u buồn, thê lương được kẹp giữa 2 bài hát tươi vui và lạc quan hơn, tạo thành một chu kỳ cảm xúc ngay cả khi không có một cốt truyện cụ thể nào.

Toàn bộ Les nuits d’été chưa bao giờ được biểu diễn trong suốt cuộc đời Berlioz và hầu như bị lãng quên trong thế kỷ 19 và chỉ được biểu diễn thường xuyên trong thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành một những tác phẩm được yêu thích nhất của Berlioz.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp