michael rabin violinist
“Nghệ sĩ violin thiên tài của ngày mai, đã được trang bị tất cả những gì cần thiết để trở thành một nghệ sĩ vĩ đại” – Dimitri Mitropoulos
Thần đồng âm nhạc lớn lên được bao quanh với những tầm nhìn về tương lai. Người thì giành được những vinh quang rực rỡ, có được một sư nghiệp viên mãn nhưng cũng có những người, mang theo mình những kỳ vọng lớn lao nhưng rồi tan biến và rồi gục ngã ở thời khắc quyết định. Trong số các nghệ sĩ violin, chúng ta cũng có thể bắt gặp các thái cực đối nghịch như vậy. Yehudi Menuhin, “thần đồng của các thần đồng” đã trở nên rất nổi tiếng và được kính trọng trong suốt cuộc đời còn Michael Rabin, với xuất phát điểm không hề kém cạnh, nhận được vô vàn lời ngợi khen và tung hô như là một trong những thần đồng xuất sắc nhất thế giới, tài năng violin đầu tiên sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại Mỹ nhưng rồi cuộc đời lại kết thúc trong bi kịch. Ông không có được một tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác. Và khi lớn lên, Rabin gặp khó khăn trong những vấn đề về giao tiếp, sống khép mình và phải sử dụng thuốc an thần liên tục để ổn định. Rabin đã bị suy nhược thần kinh và qua đời ở tuổi 35 để lại bao tiếc thương cho những người từng đặt trọn tình yêu và niềm tin vào ông. Cuộc đời Rabin là một cảnh báo cho cha mẹ của các nghệ sĩ trẻ, những người đôi khi vì quá ham muốn đưa con mình lên đỉnh Olympus của nghệ thuật mà tước đi tuổi thơ của chúng và quên việc trang bị những kiến thức tối thiểu cho một hành trang bước vào đời.

Lớn lên như một thần đồng

Michael Rabin sinh ngày 2/5/1936 tại Upper West Side, New York trong một gia đình âm nhạc gốc Do Thái. Cha của cậu, ông George là nghệ sĩ bè violin 1 của New York Philharmonic còn mẹ, bà Jeanne Seid, sinh ra ở Nga, là một nghệ sĩ piano tài năng. Bà từng theo học với Edwin Hughes tại Juilliard Institute of Musical Art và là giảng viên cho khoa dự bị tại đây. Nổi danh là thần đồng ngay từ khi còn rất nhỏ, có giai thoại rằng bé Michael dù chỉ một tuổi đã có thể đánh nhịp chính xác với chiếc thìa được ngậm trong miệng của mình. Ngay khi có thể bò, cậu bé cố gắng trườn tới sát cây đàn piano, chăm chú lắng nghe bố mẹ chơi sonata hàng giờ liền và khi có bạn bè của họ đến là các tam tấu, tứ tấu. Khi lên 3 tuổi, Michael đã chứng minh mình có cao độ hoàn hảo khi chơi lại chính xác trên piano bất cứ âm thanh nào mình nghe được. Cậu bé đã khiến mẹ mình kinh ngạc khi nhớ chính xác thời điểm giở trang nhạc trong bản violin sonata của César Franck.
Nhận thấy con trai mình có một năng khiếu âm nhạc đặc biệt khác người, bà Jeanne đã bắt đầu dạy piano cho Michael khi cậu lên 5 tuổi. Tuy nhiên, ngay sau đó, trong một lần đến nhà một bác sĩ, cũng là nghệ sĩ violin nghiệp dư. Cậu nhìn thấy một mô hình chiếc đàn violin và bắt đầu chơi đùa với nó. Mọi nỗ lực nhằm tách cậu khỏi cây đàn chỉ khiến Michael bật khóc và vị bác sĩ đã tặng món quà đó cho cậu bé. Ông George đã bắt đầu dạy violin cho con trai mình. Tuy nhiên, chỉ sau 4 buổi học, ông nhận ra rằng tài năng của cậu bé vượt xa những gì mình phán đoán và bản thân không đủ các kỹ năng để tiếp tục dạy học cho Rabin. George đã tìm kiếm những lời khuyên từ bên ngoài. Jascha Heifetz đề nghị hãy tìm đến với Ivan Galamian, một nghệ sĩ, giảng viên violin tài năng người Armenia, người mới chuyển đến sinh sống tại New York từ Paris. Michael đã chơi một chương trong một concerto của Antonio Vivaldi và Galamian đã thốt lên “không có điểm yếu, không bao giờ” nhưng ông chưa thể dạy cậu ngay mà bố trí cho Michael học với trợ lý của mình 3 buổi/1 tuần tại trụ sở chính, gần hồ Placid. Vào cuối mùa hè, Galamian đã trực tiếp dạy Michael, ban đầu là những buổi học tư và sau đó là tại Juilliard. Galamian sau này cũng là thầy giáo của những nghệ sĩ violin xuất sắc khác như Erick Friedman, Kyung-Wha Chung, Pinchas Zukerman hay Itzhak Perlman.
Michael tiếp tục theo học với Galamian cho đến khi cậu 12 tuổi, đồng thời cũng theo học văn hoá với các gia sư. Cậu ngừng theo học trường công và vui đùa với bạn ngay khi lên 10 tuổi vì mẹ Michael muốn con mình dồn toàn bộ thời gian vào việc chơi đàn, hậu quả là mối quan hệ của cậu với những đứa trẻ khác bị hạn chế nghiêm trọng. Em gái của Rabin kể với Anthony Feinstein, tác giả cuốn sách Michael Rabin: Nghệ sĩ violin bậc thầy của Mỹ: “Những ngày này, nó có thể được gọi là lạm dụng trẻ em. Anh ấy có thể bị đánh nếu đôi khi chơi một nốt nhạc không đúng giai điệu. Hoặc mẹ sẽ bắt anh ấy chơi một đoạn 100 lần”. Bà Jeanne đã mất đứa con trai đầu lòng, anh của Michael vì bị sốt phát ban, người từng thể hiện mình là một nghệ sĩ piano đầy hứa hẹn. Có lẽ chính vì vậy, bà càng quyết tâm dìu dắt đứa con trai thứ hai của mình trở thành một nghệ sĩ tài năng. Feinstein đã viết về bà: “Tính cách của bà ấy đòi hỏi sự phục tùng và lòng biết ơn. Bà không chấp nhận các ý kiến bất đồng và thể hiện sự tàn nhẫn khi thực thi ý muốn của mình. Yêu cầu của bà rất rõ ràng: Không ngừng theo đuổi sự xuất sắc, nỗ lực hướng tới sự hoàn hảo, hi vọng đạt được thông qua những giờ luyện tập âm nhạc miệt mài đến kiệt sức”. Được chiều chuộng và nâng niu từ nhỏ, giờ đây Michael phải đương đầu với cú sốc ở tuổi thiếu niên. Rõ ràng, cậu bé thần đồng không bao giờ thực sự tận hưởng một tuổi thơ bình thường, dù chỉ là một chút.

Bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp

Năm 1947, khi chỉ mới hơn 10 tuổi, Michael đã có buổi biểu diễn đầu tiên khi cậu chơi violin concerto số 5 của Henri Vieuxtemps, một tác phẩm không hề dễ dàng cùng Havana Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Artur Rodziński. Ross Parmenter, nhà phê bình của New York Times đã lưu ý mọi người: “Cậu bé đã là một nghệ sĩ tài năng. Không chỉ có sự khéo léo về kỹ thuật và nền tảng đảm bảo, mà cậu bé chơi với sự duyên dáng thực sự với vẻ đẹp của giai điệu. Cậu bé sẽ rất đáng xem”. Tài năng của cậu đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của những nghệ sĩ violin hàng đầu lúc bấy giờ và Michael có nhiều cơ hội để tiếp xúc và nhận được sự khuyến khích từ họ. Trong một lần gặp gỡ với Mischa Elman, Michael đã thể hiện mong muốn: “Thưa ngài, khi cháu lớn lên, cháu muốn có thể chơi violin giống như Heifetz”. Năm 1949, Michael giành chiến thắng trong cuộc thi Edgar Stillman Kelley lần thứ 10 được National Federation of Music Clubs tổ chức định kỳ hàng năm trước 31 thí sinh khác. Tháng 4/1950, cùng với Léon Barzin và National Orchestral Association, Michael đã biểu diễn violin concerto số 1 của Henryk Wieniawski trong lần ra mắt đầu tiên của mình tại Carnegie Hall. New York Times đã bình luận: “Trong vài khoảnh khắc mở đầu, nghệ sĩ violin rõ ràng là rất đĩnh đạc, nhận thức được các vấn đề âm nhạc và hoàn toàn có khả năng giải quyết chúng. Tiếng đàn của cậu mạnh mẽ nhưng ngọt ngào, đầy màu sắc và cậu chơi đàn với niềm say mê. Điều đáng mừng là cậu ấy vẫn tiếp tục như vậy và khán giả đã dành cho cậu sự hoan nghênh nhiệt liệt”. George Szell đã ngả mũ kính phục: “Tài năng violin vĩ đại nhất đã gây được sự chú ý của tôi trong suốt hai hoặc ba thập kỷ qua”. Chỉ ít lâu sâu Michael đã có được bản thu âm đầu tiên của mình với Columbia Masterworks trong 11 caprice của Niccolò Paganini.
Ngày 9/5/1951, Rabin lần đầu tiên biểu diễn cùng New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của Dimitri Mitropoulos trong violin concerto số 1 của Paganini, tác phẩm đòi hỏi những thách thức thật sự về mặt kỹ thuật. Trong tay một nghệ sĩ tầm thường, đó là một bản nhạc lê thê dài gần 40 phút. Nhưng Rabin đã biết hát, phong cách chơi đàn của anh thường được ví với nghệ thuật bel canto. Anh đã chơi tác phẩm của Paganini như thể nó bao gồm các aria, recitative và các đoạn hợp xướng. Sau đêm diễn, New York Times đã giật tít cho bài báo của mình: “Hãy nghe Rabin và biết rằng Chúa đã không quên cây đàn violin”. Ngày 18/12/1951, Rabin lần đầu biểu diễn cùng Boston Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Ernest Ansermet trong violin concerto của Felix Mendelssohn. Rabin đã ký hợp đồng thu âm với EMI. Tại đây, anh đã lưu giữ toàn bộ những ký ức của mình cho thế hệ sau, thể hiện tất cả những tinh hoa trong nghệ thuật trình diễn của mình. Một trong những đĩa nhạc được đánh giá cao nhất của Rabin là trọn bộ 24 caprice của Paganini. Trong bản thu âm của mình được thực hiện vào năm 1972, Perlman đã cho biết: “Tôi muốn dành tặng album này để tưởng nhớ đến người bạn và đồng nghiệp thân yêu, Michael Rabin. Trong quá trình chuẩn bị thu âm, ảnh hưởng của anh ấy là nguồn cảm hứng không ngừng nghỉ đối với tôi”. Ngày 13/12/1954, ở tuổi 18, Rabin lần đầu tiên biểu diễn tại Anh trong một chương trình hoà nhạc ở Royal Albert Hall, London với violin concerto của Peter Ilyich Tchaikovsky cùng BBC Symphony Orchestra.

Sa sút về tinh thần

Trong thập niên 50, Rabin liên tục biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới, ở khắp các thành phố lớn ở Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Nam Phi và Úc. Anh thường biểu diễn trên cây đàn Guarnerius del Gesù “Kubelik” được chế tác vào năm 1735. Bất ngờ, từ năm 1959, anh không bao giờ thu âm nữa và không đưa ra một lời giải thích cho hành động của mình. Tuy nhiên, Rabin vẫn tiếp tục sự nghiệp biểu diễn và chắc chắn rằng nghệ thuật trình diễn của anh chưa hề bị suy giảm. Vào đầu những năm 1960, đã có những tin đồn về việc Rabin có những dấu hiệu bất thường về cảm xúc và sau đó là sử dụng ma túy dẫn đến nghiện. Trong Rabin ẩn chứa và phát triển những nỗi sợ hãi rõ rệt, tại một buổi biểu diễn tại Carnegie Hall, anh đột nhiên mất thăng bằng và ngã về phía trước, dấu hiệu của sự không ổn định về thần kinh.
Rabin dần dần giảm bớt tần suất xuất hiện trên sân khấu, thậm chí phải ngừng toàn bộ lịch diễn trong vòng 7 tháng, xa lánh gia đình và bạn bè, trở thành một người sống ẩn dật. Và khi sự lo lắng và cảm giác cô đơn ngày càng gia tăng, ông ngày càng phụ thuộc vào thuốc an thần. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, Rabin nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian khó khăn và buồn bã. Tôi gọi đó là thời kỳ u buồn của mình”. Rabin cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng của mình không chỉ phát sinh từ quá trình nuôi dưỡng của gia đình mà chủ yếu đến từ cách ông được nhìn nhận về mặt nghệ thuật trong những năm tháng khó khăn hậu thần đồng đó: “Khi bạn không còn là thần đồng nữa, bạn vẫn phải tiếp tục vì bạn vẫn được mong đợi. Nhưng sau đó bạn phải được định hình hoặc rời đi. Trong những năm, từ 16 đến 26 tuổi, những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc bắt đầu xé toạc bạn ra. Họ nói: “Anh không phải nghệ sĩ trưởng thành. Anh luôn luôn chơi Paganini quá nhanh và ồn ào, anh quá trẻ để chơi Beethoven và Brahms” Và khi lớn hơn thế, bạn bắt đầu chơi Beethoven và Brahms thì họ lại nói: “Anh nên chơi Paganini”. Rõ ràng khi còn là một đứa trẻ, khán giả chỉ đòi hỏi những màn trình diễn mang tính phô trương. Họ muốn chứng kiến những điều gần như không thể, những ngón tay di chuyển lên xuống với một tốc độ chóng mặt, những quãng tám điên cuồng. Và rồi khi đứa trẻ đó lớn lên, những nhà phê bình đòi hỏi một thứ nghệ thuật của trí óc hơn là những kỹ thuật điêu luyện trống rỗng. Rõ ràng Rabin hoàn toàn chưa được trang bị đầy đủ cho một cuộc sống như vậy.
Rabin đã tham gia những buổi trị liệu với mục đích trở lại với âm nhạc. Ông đã chơi 21 buổi hoà nhạc trong mùa diễn 1963-64 và gần 60 buổi hoà nhạc trong mùa diễn sau đó. Các buổi trị liệu rõ ràng đã phát huy tác dụng. Nhưng tình trạng sức khỏe của ông tiếp tục là chủ đề cho những lời đàm tiếu trong thế giới âm nhạc. Những người quản lý dàn nhạc, những người tổ chức buổi hoà nhạc, tin rằng Rabin không ổn định hoặc nghiện ma túy, đã tránh dành chỗ cho ông. Về mặt âm nhạc, ông vẫn đang ở phong độ đỉnh cao và cuộc sống cá nhân của dường như đang ổn định. Rabin nói với những người bạn thân rằng sau khi tán tỉnh nhiều phụ nữ, cuối cùng ông đã yêu thực sự. Nhưng khi mọi thứ có xu hướng trở nên tốt đẹp thì Rabin bất ngờ bị phát hiện đã chết trong căn hộ của mình ở New York vào ngày 19/1/1972. Bạn gái của Rabin, ca sĩ June LeBell là người đầu tiên chứng kiến sau khi nhiều lần gọi điện mà ông không nghe máy. Nguyên nhân cái chết là do ngã, dẫn tới nứt hộp sọ và chấn thương sọ não. Cú ngã hoàn toàn không được bảo vệ, không có bất kỳ phản ứng nào kháng cự lại từ Rabin, như một người say rượu. Barbiturat, một loại thuốc được hoạt động để ức chế hệ thần kinh trung ương được tìm thấy, có tác dụng an thần nhưng cũng có thể dẫn đến tử vong nếu sử dụng quá liều và có thể gây nghiện. Tuy nhiên, liều lượng trong máu ông là không đủ để dẫn tới cái chết, nguyên nhân tự tử được loại bỏ. Cuối cùng, kết luận được đưa ra là Rabin trượt chân dưới ảnh hưởng của thuốc an thần và đập đầu xuống đất. Cái chết thực sự bi thảm cho một tài năng hiếm có.
Nathan Milstein, David Oistrakh hay Isaac Stern rõ ràng là những nghệ sĩ chín chắn hơn Rabin. Nhưng họ có một thứ xa xỉ mà Rabin không bao giờ sở hữu, đó là thời gian. Những nghệ sĩ vĩ đại trưởng thành dần dần theo năm tháng, cùng với đó là bản lĩnh sân khấu, một cái tôi vững vàng để có thể chống chọi lại những phản ứng tiêu cực hoặc thái quá từ phía khán giả, nhà phê bình, đồng nghiệp và những cám dỗ khác của cuộc sống. Rất tiếc, sự “ép chín” quá sớm từ phía gia đình đã tước đi ở Rabin tất cả những kinh nghiệm cần thiết và quý báu đó. Ngoài khả năng biểu diễn violin, ông hầu như không còn bất kỳ cái gì khác. Tất cả những điều đó đã tước đi sinh mạng của một thiên tài tuyệt vời từ khi còn quá trẻ. Thật đáng tiếc, vì nếu như được giáo dục chu đáo, rèn luyện cho ông một tinh thần vững vàng, bản lĩnh hơn, Rabin thực sự có đầy đủ tiềm năng để trở thành một trong những tên tuổi lừng lẫy nhất của thế kỷ 20.
Ngọc Tú
Nguồn: