London Philharmonic Orchestra (Dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn, viết tắt là LPO), một trong những dàn nhạc danh tiếng của Vương quốc Anh, đóng trụ sở tại Royal Festival Hall. Đồng thời, LPO cũng là dàn nhạc chơi chính trong Glyndebourne Festival Opera (một liên hoan opera thường niên tổ chức tại Glyndebourne từ năm 1934 và nổi tiếng nhất với opera của Mozart). Ngoài ra LPO cũng thường biểu diễn hòa nhạc tại Congress Theatre, Eastbourne và Brighton Dome.
Thời kỳ đầu
Dàn nhạc được Sir Thomas Beecham thành lập năm 1932, buổi hòa nhạc đầu tiên được tổ chức ngày 7 tháng 10 năm1932 tại Queen’s Hall (đây là sảnh hòa nhạc cổ điển tại trung tâm Luân Đôn, tồn tại từ năm 1893 đến khi bị thiêu hủy năm 1941). Đồng sáng lập LPO còn có nhạc trưởng Malcolm Sargent. Trong những năm đầu sau ngày thành lập, dàn nhạc được dẫn dắt bởi Paul Beard và David McCallum, ngoài ra phải kể đến các nghệ sĩ bè trưởng, các nghệ sĩ góp phần giúp định hình phong cách, dẫn dắt lối chơi của dàn nhạc như Anthony Pini, Reginald Kell (clarinet), Léon Goossens (oboe), Gwydion Brooke (bassoon), Geoffrey Gilbert (flute), Bernard Walton và James Bradshaw.
Một trong những buổi hòa nhạc đáng nhớ thời kỳ này là vào tháng 11 năm 1932, Yehudi Menuhin khi đó 16 tuổi chơi các concerto của Bach và Mozart dưới sự chỉ huy của Beecham, và đặc biệt là Concerto giọng Si thứ của Elgar do chính tác giả chỉ huy.
Trong những năm 1930, LPO đưa hình ảnh ra thế giới qua những mùa diễn opera tại Royal Opera House, Covent Garden, Beecham đóng vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Beecham đã có nhiều bản thu âm thành công cùng dàn nhạc cho hãng Columbia Records, trong đó đáng kể là Giao hưởng số 2 của Johannes Brahms thu âm năm 1939.
Chiến tranh và hậu chiến
Năm 1939 trong bối cảnh chiến tranh leo thang, dàn nhạc mất dần các nguồn tài trợ và phải tự tổ chức hoạt động. Các thành viên ngồi bàn bạc với nhau để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến việc duy trì dàn nhạc. Trong suốt giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2, LOP có những chuyến lưu diễn đặc biệt đến nhiều nơi trên đất Anh, những địa điểm mà thông thường dàn nhạc hiếm khi hiện diện. Trong trận bom tháng 5 năm 1941, nhiều nhạc cụ đã bị hủy hoại cùng với cả Queen’s Hall. Yêu cầu giúp đỡ được gửi đi trên đài BBC và thu được phản hồi tích cực từ dân chúng. Kết quả là những nhạc cụ do mọi người đóng góp đã giúp dàn nhạc khôi phục và tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian sớm hơn dự tính.
Sau chiến tranh, Beecham quay trở lại chỉ huy LPO trong 18 tháng. Nhưng sau đó rời bỏ dàn nhạc và thành lập dàn nhạc mới lấy tên là Royal Philharmonic Orchestra (RPO). Những nhạc trưởng khách mời trong giai đoạn này gồm Victor de Sabata, Bruno Walter, Sergiu Celibidache và Wilhelm Furtwängler. Trong 2 năm 1949/1950 LPO đã trình diễn 248 buổi hòa nhạc; con số này lớn hơn rất nhiều so với 103 buổi biểu diễn của LSO (London Symphony Orchestra) và 32 buổi của Philharmonia và RPO mỗi dàn.
Sau giai đoạn không có nhạc trưởng chính, đến năm 1947 nhạc trưởng người Hà Lan Eduard van Beinum chính thức được mời nắm giữ cương vị này. Vào giai đoạn đó, công dân nước ngoài chỉ được phép làm việc tại Anh quốc 6 tháng mỗi năm. Vì vậy trong thời gian Beinum vắng mặt, dàn nhạc nằm dưới sự chỉ huy luân phiên của các nhạc trưởng khách mời. Năm 1950 sức khỏe của Beinum buộc ông phải xin thôi việc tại dàn nhạc. Giám đốc điều hành Thomas Russell đã mời Sir Adrian Boult vào vị trí này vừa lúc ông thôi cộng tác với BBC Symphony Orchestra (Dàn nhạc giao hưởng đài BBC). Cũng trong năm 1947, London Philharmonic Choir (Hợp xướng của dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn) được thành lập.
Trong giai đoạn 1949-1952, dàn nhạc phải trải qua cuộc khủng hoảng do giám đốc điều hành Russel (người đã lãnh đạo LPO vượt qua thời kì chiến tranh khó khăn) gặp áp lực trong thời kì diễn ra chiến tranh lạnh giữa Mỹ- Liên Xô bởi niềm tin của ông vào chủ nghĩa Cộng sản. Hội đồng thành phố Luân Đôn (LCC- London County Council) quyết định không chọn LPO biểu diễn ở Đại sảnh Lễ hội Hoàng gia (Royal Festival Hall) mới được khánh thành nữa; cuối cùng dàn nhạc đã bỏ phiếu tán thành cách chức Russell.
Năm 1956, LPO có chuyến lưu diễn tại Liên bang Xô viết dưới sự quản lý của Boult. Thời gian tiếp theo Boult không giữ vai trò chỉ huy chính thức nhưng vẫn cộng tác chặt chẽ với dàn nhạc và quay trở lại trong vai trò quản lý – trở thành giám đốc dàn nhạc năm 1965. Hầu hết các bản thu âm stereo với hãng đĩa EMI của ông được thực hiện cùng với LPO.
Cuối những năm 50, dàn nhạc cộng tác thêm với các nhạc trưởng Contantin Silvestri và Joseft Krips. Đây là giai đoạn tài chính đi xuống tồi tệ, buộc phải bãi bỏ hợp đồng dài hạn với phần lớn các nhạc công kèm theo đó là sự ra đi của những khoản phụ cấp lễ tết, trợ cấp khi ốm đau và khi về già. Thay vào đó là trở lại hình thức trả lương theo thỏa thuận tùy hoàn cảnh cụ thể.
Năm 1958 dàn nhạc thuyết phục được William Steinberg làm nhạc trưởng chính. Ông là một nhạc trưởng tầm cỡ đã đóng góp nhiều trong việc khôi phục lại vị trí dẫn đầu của LOP trong đời sống âm nhạc Anh quốc, xác lập nên những tiêu chuẩn đẳng cấp mà từ đó đến giờ dàn nhạc luôn giữ vững.
Thập niên 60 và 70
Năm 1962 dàn nhạc lần đầu tiên đi lưu diễn ở Ấn Độ, Úc và vùng Viễn Đông, với hai nhạc trưởng là Sir Malcom Sargent và John Pritchard. Năm 1962 Pritchard được chỉ định làm nhạc trưởng chính của LPO. Ông đồng thời cũng là đạo diễn âm nhạc cho Glyndebourne Festival và sự gặp gỡ này đã giúp LPO thay thế RPO trở thành dàn nhạc giao hưởng chơi trong Glyndebourne Festival từ năm 1964.
Năm 1967 vị trí chỉ huy dàn nhạc được giao cho Bernard Haitink. Ông gắn bó với dàn nhạc trong 12 năm và đã mang lại sự ổn định mà dàn nhạc vốn thiểu kể từ sự ra đi của Beecham năm 1939.
Trong suốt giai đoạn này, dàn nhạc đã tổ chức các buổi biểu diễn gây quỹ bằng việc mời những nghệ sĩ nổi tiếng không thuộc dòng nhạc cổ điển xuất hiện trong chương trình như Danny Kate, Duke Ellington, Jack Benny, ca sĩ Tony Bennet, nhạc sĩ nhạc jazz John Dankworth.
Trong những năm 70, dàn nhạc đi biểu diễn ở Mỹ, Trung Quốc, các nước Tây Âu, Nga và sau đó còn trở lại Mỹ biểu diễn lần thứ 2. Dàn nhạc đã mời các nhạc trưởng Erich Leinsdorf, Carlo Maria Giulini và Sir Georg Solti cộng tác. Riêng Sir Georg Solti sau này đã trở thành nhạc trưởng chính vào năm 1979.
Những năm 80 và 90
Năm 1982, dàn nhạc tổ chức lễ kỉ niệm 50 thành lập. Nhân dịp này, một cuốn sách về những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng làm việc với dàn nhạc trong 50 năm qua được xuất bản. Ngoài những nghệ sĩ được đề cập ở trên thì dàn nhạc còn có sự hợp tác với các nhạc trưởng Daniel Barenboim, Leonard Bernstein, Eugen Jochum, Erich Kleiber, Serge Koussevitzky, Pierre Monteux, André Previn và Leopold Stokowski; các nghệ sĩ độc tấu Janet Baker, Dennis Brain, Alfred Brendel, Roberto Carnevale, Pablo Casals, Aldo Ciccolini, Clifford Curzon, Victoria de los Angeles, Jacqueline du Pré, Kirsten Flagstad, Beniamino Gigli, Emil Gilels, Jascha Heifetz, Wilhelm Kempff, Fritz Kreisler, Arturo Benedetti Michelangeli, David Oistrakh, Luciano Pavarotti, Maurizio Pollini, Leontyne Price, Arthur Rubinstein, Elisabeth Schumann, Rudolf Serkin, Joan Sutherland, Richard Tauber và Eva Turner.
Từ 1983 đến 1987, Klaus Tennstedt làm nhạc trưởng chính của LPO. Sau khi Tennstedt rút lui vì sức khỏe yếu, dàn nhạc đã hoạt động mà không có nhạc trưởng chính suốt 3 năm. Đến năm 1990 nhạc trưởng Franz Welser Most đảm nhiệm vai trò này. Trong thời kỳ chỉ huy , Welser Most bị đặt biệt danh “Frankly tồi hơn tất cả” (“Frankly Worse than Most”) và chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Welser- Most cũng có hợp đồng thu âm cùng LPO với hãng EMI Classics. Tuy nhiên, sự thay đổi ban lãnh đạo, khủng hoảng tài chính cùng những mâu thuẫn chính trị ở Southbank Center (khu liên hợp các công trình biểu diễn nghệ thuật bên bờ Nam sông Theme, giữa Hội đồng thành phố và cầu Waterloo) đã tạo nên không khí làm việc căng thẳng cho dàn nhạc. Welser- Most mãn nhiệm năm 1996.
Ngày nay
Sau khi Welser- Most ra đi, LPO lại không có nhạc trưởng chính trong 4 năm, cho đến khi Kurt Masur được chỉ định năm 2000. Ông đảm nhiệm vị trí này đến năm 2007. Tháng 12 năm 2001, Valadimir Jurowski lần đầu tiên chỉ huy LPO với tư cách nhạc trưởng khách mời và nhận được nhiều lời khen ngợi. Sau đó ông trở thành nhạc trưởng thường xuyên từ năm 2003. Chính ông đã chỉ huy LPO trong buổi hòa nhạc khai trương Đại sảnh Lễ hội Hoàng gia (Royal Festival Hall) mới được nâng cấp tháng 6 năm 2007. Tháng 11 năm 2007, Yannick Nezet- Seguin được mời làm nhạc trưởng cộng tác chính. Ông vẫn tiếp tục công việc này trong năm 2008-2009.
Người đảm nhận vai trò giám đốc điều hành và chỉ đạo nghệ thuật của LPO hiện nay là Timothy Walker. LPO đã bắt đầu phát hành đĩa CD dưới nhãn mác riêng của dàn nhạc.
Các nhạc trưởng chính qua các thời kỳ:
1932-1939 Sir Thomas Beecham
1947-1950 Eduard van Beinum
1950-1957 Sir Adrian Boult
1958-1960 William Steinberg
1962-1966 Sir John Pritchard
1967-1979 Bernard Haitink
1979-1983 Sir Georg Solti
1983-1987 Klaus Tennstedt
1990-1996 Franz Welser-Möst
2000-2007 Kurt Masur
2007- nay Vladimir Jurowski
Đặng Quang Dũng (nhaccodien.info)
Bình luận Facebook