Giới thiệu

Rubini đến Calais là tên một truyện ngắn của nhà soạn nhạc kiêm cây bút phê bình thế kỉ 19 Hector Berlioz. Truyện ngắn này chính là cơ duyên dẫn tới việc ông trở thành nhà phê bình âm nhạc cho tờ Journal des Débats, nơi ông sẽ cộng tác trong hơn ba mươi năm. “Hồi ký” của ông thuật lại chi tiết chuyện này như sau:

Tôi nghĩ giờ là lúc phải giải thích làm thế nào mà mình tham gia ban biên tập tờ Journal des Débats (Thời báo Tranh luận). Từ khi ở Ý về tôi đã đăng khá nhiều bài trên các tờ Revue européenne (Tạp chí Âu châu), l’Europe littéraire (Văn chương Âu châu), Monde dramatique (Thế giới sân khấu) – các tạp chí này chỉ tồn tại một thời gian ngắn – và trên các tờ Gazette musicale (Báo âm nhạc), Correspondant (Thông tín viên) cùng vài tờ báo khác mà ngày nay đã bị lãng quên. Nhưng đó chỉ là những việc vặt vãnh và không mấy quan trọng, mang lại cho tôi rất ít thu nhập và tình trạng sống trong túng thiếu của tôi chỉ được cải thiện đôi chút.

Một hôm không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà để kiếm vài franc tôi đã viết một truyện ngắn có tên Rubini đến Calais xuất hiện trên tờ Gazette musicale. Tôi đã rất buồn khi viết nó nhưng truyện ngắn này không kém phần vui tươi hớn hở; ta biết là sự tương phản đó vẫn thường xảy ra. Vài ngày sau khi truyện được đăng, tờ Journal des Débats tái bản nó với vài dòng đầy thiện ý của ông chủ bút giới thiệu về tác giả. Tôi ngay lập tức tới cảm ơn ông Bertin, người đã đề nghị tôi viết cho mục âm nhạc trên tờ Journal des Debats. Cái ngai vàng phê bình quá đỗi đáng thèm muốn này đã thành vô chủ từ độ Castil-Blaze về hưu. Ban đầu tôi không giữ toàn bộ mục này. Thi thoảng tôi mới viết phê bình các buổi hòa nhạc và các sáng tác mới. Về sau khi mục phê bình sân khấu được giao cho tôi, Nhà hát Ý vẫn nằm dưới sự bảo trợ của ông Delécluse cho tới ngày nay còn ông J. Janin giữ quyền hưởng đêm đầu tiên đối với các vở ballet của Nhà hát Opéra. Lúc đó tôi bỏ giữ mục trên tờ Correspondant và chỉ viết phê bình trên tờ Journal des Débats còn tờ Gazette musicale cũng sẵn sàng đón nhận tôi. Hiện nay tôi gần như từ bỏ vị trí biên tập ngay cả ở tờ tuần báo này dù tại đó có những điều kiện thuận lợi dành cho mình và tôi chỉ viết cho tờ Journal des Débats khi những sự kiện xảy ra trong giới nhạc nhất thiết bắt tôi phải viết.

Nội dung

RUBINI ĐẾN CALAIS
Truyện ngắn của Hector Berlioz
Lê Ngọc Anh dịch tặng Đông Nguyên

Người ta kể một giai thoại khá độc đáo vinh danh lòng tốt cùng như trí tuệ của Rubini. Một gã người Ý nghèo khổ đáng thương nọ, một kẻ không tiền bạc, không uy tín, không giày ống (như lời Robert Macaire ) mà nói ngắn gọn là không còn biết nhờ cậy vào ai, đã nghĩ ra việc tới Luân Đôn cầu xin người ca sĩ đồng hương nổi tiếng giúp mình vượt qua cơn túng quẫn. Để làm được điều này, vấn đề là phải tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi thường xen giữa những hợp đồng biểu diễn của Rubini ở Anh và những thỏa thuận đã ký kết ở Paris nhằm nhanh chóng tổ chức một buổi hòa nhạc ở Calais khi ông đi qua đó. Rubini đồng ý với mọi điều kiện, hứa sẽ có mặt tại điểm hẹn vào ngày đã định, giục cái gã khốn khổ mà mình cứu vớt lên đường càng nhanh càng tốt để chuẩn bị mọi thứ. Gã này quả thật lại tràn đầy hi vọng, lên chương trình một buổi hòa nhạc, dán áp phích quảng cáo hươu vượn, cho in tên Rubini bằng chữ cao 6 tấc, bán vé, chải chiếc mũ mà có lẽ cả năm rồi chưa chải, sắm giày ống, phục hồi sức khỏe và tinh thần. Thế rồi vào buổi tối hòa nhạc, trước một khán phòng đầy ắp người, gã thấy cõi lòng tan nát song vẫn buộc phải ra chào khán giả bằng giọng điệu càng khiêm cung càng tốt và thông báo với họ rằng ngài Rubini chưa đến nên buổi hòa nhạc tất phải hoãn lại tám ngày. Con người đáng thương này đã khổ sở và lo sợ biết bao song rốt cuộc ca sĩ không có mặt. Gã hẳn phải biết mà không hề né tránh mọi lời chửi rủa vì một quyền lợi.

Buổi hòa nhạc lại được công bố; Rubini đã hứa sẽ đúng hẹn; mọi thứ đều ổn thỏa; thậm chí còn có nhiều khán giả hơn buổi đầu vì số vé ít ỏi sót lại đã được bán hết. Nhưng những nghệ sĩ vĩ đại như Rubini không thể đảm bảo sự đúng hẹn của mình trước một thời gian lâu đến thế; quá nhiều lợi ích ràng buộc họ để cho phép họ tự do hoàn toàn. Do đó Rubini đã buộc phải lỡ hẹn lần thứ hai. Người thụ hưởng vừa khom đến gãy lưng vừa tái xanh tái xám vì kinh hãi khi đề xuất với cử tọa lần trì hoãn thứ hai. Cho rằng mình bị lừa, công chúng không muốn nghe gã nói mà chỉ kêu gào đòi lại tiền. Phải trả họ đến đồng xu cuối cùng. May là khoản chi cho đôi giày ống trứ danh vẫn chưa kịp thanh toán; nếu không thì thủ quỹ sẽ thấy hụt mất mười bốn franc khi tính sổ. Gã người Ý sắp tự bắn vỡ sọ mình thì đấng che chở gã, vị chúa của gã, ca sĩ của gã, Rubini của gã rốt cuộc cũng đến. Gã thuật lại những rủi ro và những lời chửi rủa kinh khủng mà mình phải chịu đựng. “Sao nào! Không có thời gian để lãng phí đâu. Hãy bắt đầu lại. Lần này tôi sẽ không thể vắng mặt được bởi tôi đã ở đây rồi.”

Người thụ hưởng lon ton đi gặp giám đốc nhà hát, nhạc trưởng, nữ ca sĩ, nghệ sĩ basson và nghệ sĩ flûte; chạy tới nhà in đặt làm một tấm áp phích tuyệt vời trên đó cái tên nổi tiếng Rubini được tiếp nối bằng dòng chữ mới đến từ Luân Đôn; không quản ngại chạy tới chạy lui; triệu tập tất cả người hâm mộ; rao to với những người muốn nghe ca sĩ nổi tiếng trong các quán cà phê, trong các nhà hàng, trên bến cảng, trên đường phố rằng Rubini đã đến. Song chẳng ai tin gã mà chỉ đáp trả bằng nụ cười đầy đe dọa: “Đồ lừa đảo, đi chỗ khác mà lừa chứ bọn ta không mắc lừa mi nữa đâu.” Tuy nhiên buổi hòa nhạc vẫn mở màn; Rubini tiến ra sân khấu với tập nhạc trong tay trước một cử tọa mà than ôi! Thật khác biệt so với cử tọa mọi khi ở mọi nơi vẫn đổ xô đến nghe ông hát. Chỉ một số người mới tới không kịp biết về sự đổ bể của hai buổi hòa nhạc trước và một số ít cư dân Calais tốt bụng được trời phú cho giàu có hơn người khác về ba phẩm hạnh của người con Chúa (đức tin, hy vọng và lòng từ bi) mới hưởng ứng lời chào mời lần thứ ba từ ông bầu ngoại quốc. Rubini vẫn hát như thường lệ, nghĩa là ông hát một cách tuyệt vời và say đắm nhưng doanh thu thì ôi thôi! Két đựng tiền mới trống trải làm sao! Doanh thu không đủ bù đắp chi phí vì phải trả cho nhà in, thợ dán áp phích, các nhạc công, tiền thuê khán phòng, tiền thắp sáng và tiền cho những người nghèo khổ .

Thấy tiền cho những người nghèo khổ cùng chi phí của buổi hòa nhạc vượt quá số tiền thu được, người thụ hưởng khốn khổ tìm đến Rubini để giãi bày nỗi thất vọng của mình và chỉ cho ông một cách tuyệt vời để gỡ thế bí này. Đó là Rubini đủ giỏi giang để hát vai Bá tước Almaviva trong vở Người thợ cạo thành Seville. Mọi người dân Calais giờ đây đã được đảm bảo về sự hiện diện của ca sĩ nổi tiếng và không sợ bị lừa trong khi chờ đợi. Khán phòng sẽ đầy ắp và nhân viên thu thuế vì người nghèo sẽ chỉ có quyền lấy đi một phần mười một từ khoản doanh thu cao ngất đó thay vì một phần tư mà anh ta đã lấy từ buổi hòa nhạc, bởi vì lần này sẽ là một buổi trình diễn nhạc kịch (sự khác biệt đáng ngưỡng mộ!).

– Chúng ta hãy diễn Người thợ cạo thành Seville, tôi muốn lắm, Rubini ưu tú nói; anh hãy nhanh chóng thu xếp với giám đốc và cứ tin ở tôi.

Người thụ hưởng bất hạnh lại bắt đầu những nỗ lực mới và những chạy vạy mới… Mọi thứ đều như mong ước; ông giám đốc và các diễn viên rất vui mừng khi được biểu diễn cùng Rubini; những thu xếp sớm được tiến hành; người ta dán áp phích và vé được bán hết veo trong chớp mắt; người ta diễn tập và kết quả rất ổn; tất cả những gì còn lại cần làm là một buổi tổng duyệt cuối cùng mà Rubini đã hứa sẽ tham dự. Quả nhiên ông đã đến đó. Nhưng lại có một vấn đề khác nảy sinh: vừa mới bắt đầu khúc hát thứ nhất ông đã cắt ngang:

– Lạ chưa! Lạ chưa! Bằng tiếng Pháp! Các anh hát bằng tiếng Pháp ư? Tôi chưa bao giờ nói một từ tiếng Pháp nào; không thể được.

Còn các diễn viên người Pháp đáp lại:

– Lạ chưa! Lạ chưa! Bằng tiếng Ý ư? Ông muốn chúng tôi hát bằng tiếng Ý ư? Hoàn toàn không thể được; chúng tôi không biết ngôn ngữ này.

Thế là cái gã thụ hưởng khốn khổ vừa vò đầu bứt tóc vừa kêu gào:

– Ôi Chúa ơi! Tôi phát điên rồi, tôi phát điên vô phương cứu chữa rồi! Santa Madona! Pietà! Sono pazzo, ammazzato, morto!!! [Lạy Đức Mẹ! Xin hãy xót thương! Người ta giết tôi! Tôi chết rồi!]

Kinh ngạc trước nỗi tuyệt vọng này, Rubini bảo:

– Chả có ai phát điên cả, buổi biểu diễn sẽ diễn ra. Chúng ta hãy tiếp tục và cứ yên tâm, tôi sẽ xoay xở được.

Quả nhiên vào đêm diễn, ông trịnh trọng bước ra sân khấu và vào lúc mọi người đang tự hỏi liệu khó khăn sẽ được giải quyết như thế nào, Rubini trả lời bạn diễn người Pháp của mình: Cosa vol dir? eh!… non so troppo bene lo francese! Ah ! bene bene, adesso, capisco. [Ý anh ta là gì? A!… tôi không rành tiếng Pháp lắm! A! Giờ thì tốt rồi, tôi hiểu rồi.]

Cả khán phòng phá lên cười trước màn đối thoại khôi hài này. Và một khi đã được giải khuây bằng tràng cười khoái trá, khán giả tất phải đón nhận màn biểu diễn Thợ cạo bằng hai ngôn ngữ; vậy là vở opera tiếp tục với thành công rực rỡ và công chúng hài lòng đến độ vỗ tay không ngớt trước tài năng vô song cũng như trước sự giúp đỡ đầy trí tuệ của nghệ sĩ vĩ đại và con người ưu tú. Đừng cho rằng một ý đồ như vậy là hoàn toàn vô hại; thường thì công chúng ở các thành phố nhỏ khá thích phá rối, thậm chí còn rất bất lịch sự; công chúng Calais đã bất bình hai lần vì Rubini; do vậy rất có thể sự táo bạo của ca sĩ người Ý sẽ bị đánh giá thấp và làm bùng nổ những biểu hiện đáng tiếc của một sự uất ức hãy còn âm ỉ. Thực tế đã không hề như vậy; song sự không chắc chắn của thành công trong trường hợp này đã làm nổi bật vô cùng trong con mắt chúng ta cách xử sự cao thượng của Rubini mà chắc chắn là người đời không mấy khi nói đến vì đó là chuyện thường ngày.