Thông tin chung
Tác giả: César Franck.
Tác phẩm: Giao hưởng giọng Rê thứ
Thời gian sáng tác:Từ mùa hè năm 1887 và hoàn thành vào ngày 22/8/1888.
Công diễn lần đầu: Ngày 17/2/1889 tại Nhạc viện Paris dưới sự chỉ huy của Jules Garcin.
Độ dài: Khoảng 37 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho Henri Duparc, học trò của Franck.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Lento; Allegro ma non troppo
Chương II – Allegretto
Chương III – Finale: Allegro non troppo
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, English horn, 2 clarinet, bass clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 cornet, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, harp và dàn dây.
Hoàn cảnh sáng tác
Là một người Bỉ, Franck sinh ra tại vùng nói tiếng Pháp và dành phần lớn sự nghiệp của mình tại Paris. Trong hầu hết cuộc đời mình, Franck được biết đến nhiều hơn với tư cách là một nghệ sĩ organ thay vì một nhà soạn nhạc. Các tác phẩm của ông trong suốt những năm tháng tuổi trẻ không có nhiều điểm đáng chú ý, chủ yếu dành cho piano, organ hay một số tác phẩm thính phòng. Dường như bản thân Franck cũng không nghiêm túc với công việc sáng tác của mình. Chỉ đến khi sau khi kết thúc Cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871), tổ chức Société nationale de musique (Hiệp hội âm nhạc quốc gia) được thành lập (Franck là một trong những thành viên sáng lập) nhằm mục đích quảng bá âm nhạc Pháp và tạo điều kiện cho các nhà soạn nhạc trình bày tác phẩm của họ trước công chúng thì Franck mới dành nhiều thời gian cho việc sáng tác và tập trung vào những bản nhạc có quy mô lớn hơn. Đây chính là giai đoạn thăng hoa nhất trong cuộc đời sáng tác của nhà soạn nhạc.
Âm nhạc Pháp, với sự quan tâm đến màu sắc và sự cân bằng, hoàn toàn trái ngược với truyền thống giao hưởng Đức-Áo, vốn nhấn mạnh vào cấu trúc âm nhạc và thể hiện sự kịch tính. Chính vì sự khác biệt trong phong cách này mà không có quá nhiều bản giao hưởng nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Pháp. Tuy nhiên, trong năm 1887, có ba bản giao hưởng quan trọng của Pháp đồng thời ra đời. Đó là bản Giao hưởng số 3 “Organ” của Saint-Saëns, bản giọng Son thứ của Lalo và Symphonie sur un chant montagnard français (Bản giao hưởng trên một điệu ca vùng núi Pháp) của Vincent d’Indy, học trò của Franck. Dường như chính điều này đã thôi thúc Franck cố gắng hoàn thiện bản giao hưởng giọng Rê thứ của mình, tác phẩm đồ sộ nhất trong danh nhạc sáng tác của nhà soạn nhạc. Cũng trong giai đoạn này, Franck dành sự quan tâm đặc biệt cho âm nhạc của Wagner. Dù rằng bản thân còn mâu thuẫn trong việc tiếp cận các sáng tác của Wagner nhưng Franck luôn kiên định trong việc đánh giá của mình, không hề bị ảnh hưởng từ các xu thế dân tộc chủ nghĩa. Ông ngưỡng mộ âm nhạc của bậc thầy người Đức. Bản giao hưởng giọng Rê thứ của Franck đã được đề tặng Duparc, học trò của ông, người đã thúc giục thầy giáo mình quan tâm hơn nữa đến các vở opera của Wagner.
Bắt đầu vào mùa hè năm 1887, Franck đã hoàn thành bản giao hưởng của mình vào tháng 8/1888. Giống như bậc tiền bối Berlioz, Franck rời bỏ hình thức giao hưởng bốn chương như thông thường mà kết hợp hai chương giữa (là chương chậm và scherzo) làm một, để tác phẩm của mình có hình dáng ba chương độc đáo. Cũng tương tự như bản Giao hưởng “Organ” của Saint-Saëns, Franck đã sử dụng các hình thức tuần hoàn với các chất liệu âm nhạc được tái sử dụng từ những chương trước đó, chúng không bị giới hạn trong các chương riêng lẻ mà sẽ được nghe xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, điều mà chính Franck đã từng thực hiện trước đó trong Trio piano số 1 giọng Pha thăng thứ.
Phân tích
Chương I
Tuân thủ các nguyên tắc cổ điển của một cấu trúc giao hưởng, Franck mở đầu chương I bản giao hưởng bằng một phần giới thiệu chậm rãi, mang một không khí bí hiểm và u tối. Nó bộc lộ sự tôn kính của Franck đối với âm nhạc Đức, mà cụ thể là chương cuối cùng của bản Tứ tấu dây số 16 của Beethoven. Franck đã hỏi lại câu hỏi mà Beethoven đã viết trong tổng phổ Muß es sein? (Phải vậy không?), điều mà Liszt đã thực hiện trước đó trong phần mở đầu Les Préludes của mình. Chính chủ đề bốn ô nhịp này sẽ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm và trở thành trung tâm của bản giao hưởng. Chương nhạc có hình thức sonata-allegro nhưng toàn bộ phần giới thiệu được lặp lại. Âm nhạc mở ra với những biến điệu liên tục, gợi nhắc lại những màn ứng biến trên organ đầy điêu luyện. Trong phần phát triển, âm nhạc trở nên tràn đầy sức sống. Đây là chương nhạc dài nhất trong toàn bộ tác phẩm, Franck đã chú trọng trong việc thay đổi giọng điệu của từng câu nhạc, đẩy chúng lên đến cao trào ở gần cuối chương nhưng sự buồn thảm của phần mở đầu không dễ bị lãng quên. Nó đã trở lại trong phần tái hiện và khép lại chương nhạc với chủ đề chính của toàn bộ bản giao hưởng.
Chương II
Chương II mở đầu bằng âm thanh nhẹ nhàng của dàn dây chơi pizzicato và harp. English horn nổi lên với một giai điệu độc tấu đẹp lung linh. Franck đã xây dựng một kết cấu mỏng, tạo không gian để English horn thể hiện, điều chưa từng xuất hiện trước đó trong lịch sử các bản giao hưởng. Một bầu không khí đầy ám ảnh bao trùm. Chương nhạc là sự kết hợp tinh tế giữa chương chậm và chương scherzo của một bản giao hưởng tiêu chuẩn. Như chính nhà soạn nhạc đã lưu ý một cách đầy tự hào, mỗi nhịp của phần mở đầu andante tương đương với một ô nhịp đầy đủ của phần scherzo sau đó, vì vậy chúng sẽ chồng lên nhau một cách độc đáo khi mỗi nhịp đã được phát triển. Sau hai phần Trio, phần scherzo sôi động là trung tâm của chương nhạc. Chủ đề chính được nhắc lại một lần nữa và rồi chương nhạc kết thúc trong lặng lẽ.
Chương III
Chương III thay vì di chuyển qua rất nhiều giọng khác nhau như hai chương đầu tiên, hiếm khi đi chệch khỏi Rê trưởng. Theo như nhận xét của nhà âm nhạc học John Manduell, nhà sáng lập và hiệu trưởng của Royal Northern College of Music, chương nhạc được xây dựng dựa trên “một trong những giai điệu thực sự vui vẻ và không phức tạp nhất mà Franck từng viết”. Tính tuần hoàn của bản giao hưởng được thể hiện khi giai điệu của English horn được tái hiện ở dạng nguyên thuỷ và sau đó là sự hoán vị. Giai điệu này được Franck sử dụng làm điểm khởi đầu cho một quá trình hồi tưởng lại toàn bộ bản giao hưởng một cách tinh tế, vì nó và cả các giai điệu khác từ các chương trước đó được quay trở lại xuyên suốt chương cuối này. Như Franck cho biết: “Chương cuối lấy lại tất cả các chủ đề, như trong bản Giao hưởng số 9 của Beethoven. Tuy nhiên, chúng không trở lại dưới dạng trích dẫn; tôi đã trau chuốt và giao cho chúng vai trò của các nhân tố mới”. Chương nhạc tràn ngập không khí vui tươi với sự tăng cường của 2 cornet. Ngay trước khi kết thúc tác phẩm, chủ đề chính của chương I mang chúng ta đến một vòng tròn tuần hoàn đầy đủ. Sau giây phút tĩnh tại. bản giao hưởng kết thúc trong sự hân hoan tưng bừng.
Như nhiều tác phẩm khác của Franck, màn ra mắt bản giao hưởng này là một thất bại. Trước đó, nhạc trưởng danh tiếng Charles Lamoureux từ chối đưa tác phẩm này vào trong chuỗi chương trình của mình. Cuối cùng Franck đã phải giao phó bản giao hưởng cho dàn nhạc sinh viên của Nhạc viện Paris. D’Indy tường thuật: “Những người tham dự không thể hiểu được phần đầu cũng như phần cuối của tác phẩm và các nhà quản lý âm nhạc cũng có quan điểm tương tự”. Một giáo sư tại nhạc viện đã chê bai: “Đó, một bản giao hưởng? Nhưng thưa ngài thân mến, có ai đã từng nghe nói đến việc viết English horn trong một bản giao hưởng chưa? Chỉ cần nhắc đến một bản giao hưởng của Haydn hoặc Beethoven giới thiệu English horn. Đó, bạn thấy đấy – âm nhạc của Franck của bạn có thể là bất cứ thứ gì bạn muốn, nhưng chắc chắn nó sẽ không bao giờ là một bản giao hưởng!” (vị giáo sư này đã nhầm lẫn, English horn đã từng xuất hiện trước đó trong bản Giao hưởng số 22 “Philosopher” của Haydn”. Việc đưa cornet vào tác phẩm cũng bị nhận xét là quá trắng trợn. Gounod cũng không dành cho bản giao hưởng sự thiện cảm, ông đã đòi “ban hành một loại sắc lệnh của Giáo hoàng để có hiệu lực rằng bản giao hưởng này là sự khẳng định về sự kém cỏi đã bị đẩy đến độ dài giáo điều”. Le Figaro là thiểu số trong việc đánh giá cao tác phẩm của Franck: “Tác phẩm mới của ngài César Franck là một bản nhạc rất quan trọng và được phát triển bằng nguồn lực nghệ thuật mạnh mẽ của người nhạc sĩ uyên bác; nhưng nó dày đặc và chặt chẽ đến mức chúng ta không thể nắm bắt hết mọi khía cạnh và cảm nhận được tác dụng của nó”. Trước đại đa số những lời chỉ trích, Franck thản nhiên đón nhận và cho biết: “Ồ, nghe hay đấy, đúng như tôi nghĩ”. Nguyên nhân lớn dẫn đến việc bản giao hưởng không được đón nhận tại nước Pháp là bởi vì đây là một tác phẩm đầy tham vọng trong việc kết hợp giữa truyền thống Pháp và Đức. Một hành động như vậy luôn gây lên sự tranh cãi mạnh mẽ về mặt chính trị và thẩm mĩ – bất cứ điều gì gần gũi với nước Đức đều được coi là không yêu nước trong bối cảnh hậu cuộc chiến tranh Pháp-Phổ.
Bên ngoài nước Pháp, bản giao hưởng được đón nhận tích cực hơn nhiều. Đặc biệt là tại nước Mĩ, nơi tác phẩm được đón nhận nhiệt tình không kém những bản giao hưởng của Beethoven hay Tchaikovsky trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20. Ngày nay, tuy rằng bản giao hưởng của Franck không còn chiếm vị trí chủ chốt tại những phòng hoà nhạc danh giá nhưng vẫn thường xuyên được biểu diễn và được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà soạn nhạc.
Ngọc Tú tổng hợp
Nguồn:
theguardian.com
thelistenersclub.com
classicalexburns.com
music.allpurposeguru.com
Bình luận Facebook