Thông tin chung

Tác giả: Dmitri Shostakovich.
Tác phẩm: Concerto cello số 1 giọng Mi giáng trưởng, Op. 107
Thời gian sáng tác:Năm 1959.
Công diễn lần đầu: Ngày 4/10/1959 tại Phòng hoà nhạc lớn, Nhạc viện Leningrad với Mstislav Rostropovich độc tấu dưới sự chỉ huy của Evgeny Mravinsky và Leningrad Philharmonic.
Độ dài: Khoảng 28 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nghệ sĩ cello Mstislav Rostropovich.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegretto
Chương II – Moderato
Chương III – Cadenza (attacca)
Chương IV – Allegro con moto
Thành phần dàn nhạc: Cello độc tấu, 2 flute (flute 2 kiêm piccolo), 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon (bassoon 2 kiêm contrabassoon), horn, timpani, celesta và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Chắc chắn Mstislav Rostropovich là một trong những nghệ sĩ có tác động mạnh mẽ nhất đến các nhà soạn nhạc của thế kỷ 20, góp phần mở rộng đáng kể danh mục tác phẩm dành cho cello từ Prokofiev, Britten cho đến Dutilleux hay Lutoslawski. Có đến khoảng hơn 100 bản nhạc như vậy. Là người bạn thân thiết của gia đình Shostakovich, chắc chắn Rostropovich mong muốn nhà soạn nhạc lỗi lạc này sáng tác cho một bản concerto cello. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này tỏ ra khó khăn hơn Rostropovich tưởng tượng. Rostropovich kể lại: “Một lần, khi nói chuyện với Nina Vasilyevna, người vợ quá cố của Dmitri Dmitrievich, tôi đã đặt ra đề nghị về một đơn đặt hàng: “Nina Vasilyevna, tôi nên làm gì để Dmitri Dmitrievich viết cho tôi một bản concerto cho cello?” Cô ấy trả lời: “Slava, nếu anh muốn Dmitri Dmitrievich viết một cái gì đó cho anh, công thức duy nhất tôi có thể đưa ra cho anh là thế này – đừng bao giờ hỏi hay nói chuyện với anh ấy về điều đó”. Dù rất mong muốn nhưng tất cả những gì Rostropovich có thể làm là im lặng và chờ đợi.

Cuối cùng, nguyện vọng của Rostropovich cũng đã được đền đáp. Shostakovich nhận thức rõ ý định của bạn mình. Vào tháng 7/1959, Shostakovich hoàn thành bản Concerto cello số 1 của mình để dành tặng Rostropovich. Dường như Shostakovich đã lấy cảm hứng từ Sinfonia Concertante, Op. 125 của Prokofiev, tác phẩm cũng được đề tặng cho Rostropovich và có sự tham gia của nghệ sĩ cello trong quá trình sáng tác. Cùng nhau, chúng trở thành những tác phẩm khó nhất về mặt kỹ thuật dành cho nhạc cụ này. Mặc dù vậy, sau khi được giới thiệu bản nhạc tại ngôi nhà nghỉ của Shostakovich ở Komarovo, Leningrad, Rostropovich chỉ mất 4 ngày để học thuộc nó và ngay lập tức có thể biểu diễn từ trí nhớ. Buổi công diễn chính thức tác phẩm diễn ra vào ngày 4/10/1959 tại Phòng hoà nhạc lớn, Nhạc viện Leningrad với Rostropovich độc tấu dưới sự chỉ huy của Evgeny Mravinsky và Leningrad Philharmonic. Bản concerto gồm 4 chương, tuy nhiên, chính Shostakovich đã viết lời tựa ngắn khi xuất bản: “Bản concerto bốn chương này được chia thành hai phần: chương mở đầu và sau đó là ba chương nữa được chơi không ngừng nghỉ. Cùng nhau, chúng tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh với các chủ đề và hình ảnh thống nhất”.

Phân tích

Chương I

Chương I mở đầu bằng một motif bốn nốt rất thường xuyên được Shostakovich sử dụng. Tuy nhiên, đây không phải là mật mã DSCH quen thuộc mà dường là là một biến thể của nó thì chính xác hơn với Son – Mi – Si – Si giáng với việc chênh nửa cung so với motif DSCH. Chủ đề này còn được xuất hiện trong các chương tiếp theo (ngoại trừ chương 2) tạo cho bản concerto có một cấu trúc tuần hoàn. Trong chương nhạc, các quãng, tiết tấu và hình dáng của motif bốn nốt này liên tục bị biến dạng và định hình lại một cách xuyên suốt. Shostakovich gọi chương nhạc là “cuộc diễu hành vui nhộn” nhưng bao trùm lên vẫn là một bầu không khí u ám và mỉa mai. Cello độc tấu dẫn dắt chủ đề và thường được kèn gỗ đối đáp lại. Đây là tác phẩm có biên chế dàn nhạc độc đáo, chỉ có duy nhất một horn là kèn đồng. Và horn chiếm một ví trí quan trọng trong bản concerto này. Giai điệu độc tấu đầy hoài niệm của horn cất lên, đảm nhận một chủ đề mới. Khi tiến về phía trước, dòng giai điệu của cello càng trở nên góc cạnh hơn. Ở âm vực thấp, có thể có đôi chút hài hước, giống như một bức tranh biếm hoạ nhưng ở âm vực cao, mọi thứ dường như tuyệt vọng hơn. Cũng giống như tác phẩm của Prokofiev, tiếng timpani thô bạo vang lên như một lời đe doạ.

Chương II

Chương II như một khúc hát âu sầu, tang thương. Mở đầu là một chủ đề tĩnh lặng trên bè dây mà sẽ không bao giờ chuyển giao cho cello. Horn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng khi tấu lên giai điệu của riêng mình. Cello độc tấu bắt đầu một chủ đề mới. Chương nhạc có hình thức ba đoạn ABA, được tiếp tục như một cuộc đối thoại của cello với những bè khác nhau trong dàn nhạc: clarinet, bass và dàn dây. Trong phần B, âm nhạc trở nên kích động hơn và rồi trở về với phần A, lần này được chơi bằng cả dàn nhạc. Một cuộc đối thoại thanh tao nhưng ma quái giữa cello và celesta, mang tới một hiệu ứng ám ảnh tương tự như bản Giao hưởng số 5 của Shostakovich. Tiếng timpani cuộn lên báo hiệu kết thúc chương nhạc.

Chương III

Chương III rất độc đáo và bất thường. Đây là một cadenza mở rộng, tạo điều kiện cho nghệ sĩ độc tấu có không gian biểu đạt để phát triển các ý tưởng từ hai chương trước. Cello tấu lên một giai điệu cô đơn, chậm rãi, được phát triển từ chủ đề hai của chương II, hai lần bị ngắt quãng bằng những hợp âm pizzicato. Theo thời gian, niềm đam mê ngày càng trở nên bỏng cháy hơn. Âm nhạc trở nên cuồng nhiệt. Motif bốn nốt chủ đạo quay trở lại. Cello chơi những nốt cao nhất có thể, nhịp độ và cường độ tăng dần lên, mang một bầu tâm trạng căng thẳng để tiến vào chương cuối.

Chương IV

Chương IV, một rondo mở đầu bằng một giai điệu du dương được Shostakovich thiết lập khéo léo dựa trên việc cải biến ca khúc Suliko, một ca khúc do nhạc sĩ người Gruzia Varinka Tsereteli sáng tác, rất được Stalin yêu thích. Bao trùm lên toàn bộ chương nhạc là không khí điên cuồng một cách dữ dội. Âm nhạc được đẩy đến cao trào, horn cất lên chủ đề quen thuộc mở đầu phần coda, motif bốn nốt nhạc, tạo thành một vòng tuần hoàn. Mọi thứ dường như trở nên tích cực hơn. Bản concerto kết thúc trong mạnh mẽ khi nghệ sĩ độc tấu toả sáng bằng một loạt những màn trình diễn kỹ thuật trong các thang âm và quãng tám.

Shostakovich luôn im lặng về ý nghĩa trong các sáng tác của mình. Nếu có một câu chuyện hay ý nghĩa đằng sau bản concerto thì Shostakovich cũng chưa bao giờ viết ra. Steven Isserlis gọi tác phẩm là “bi kịch”, nhưng cũng “có lẽ là bản concerto thú vị nhất trong tất cả các concerto cello”. Và có lẽ, chính điều này, cùng với những đòi hỏi khắc nghiệt về mặt kỹ thuật đã biến bản Concerto cello số 1 này của Shostakovich trở thành thách thức đối với bất kỳ nghệ sĩ nào trên thế giới.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
interlude.hk
peoriasymphony.org
redwoodsymphony.org

Bình luận Facebook