Thông tin chung

Âm nhạc: Amilcare Ponchielli.
Libretto: Arrigo Boito. Được dựa trên vở kịch Angelo, tyran de Padoue (Angelo, bạo chúa xứ Padua) của Victor Hugo sáng tác năm 1835.
Thời gian sáng tác: Năm 1875. Ponchielli còn sửa chữa tác phẩm thêm hai lần nữa. Phiên bản cuối cùng được hoàn thành vào năm 1879.
Công diễn lần đầu: Ngày 8/4/1876 tại La Scala. Nhạc trưởng là Franco Faccio.
Độ dài: Khoảng 2h30 phút.
Nhân vật/Loại giọng:
La Gioconda: Soprano
Enzo: Tenor
Laura: Mezzo-soprano
Barnaba: Baritone
Alvise: Bass
La Cieca: Contralto
Zuŕne: Bass
Isčpo: Tenor
Steersman: Bass
Ca sĩ: Bass
Ca sĩ: Bass
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 4 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, bass drum, cymbals, tam-tam, glockenspiel, triangle, 2 harp và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác La Gioconda

Năm 1835, Victor Hugo cho xuất bản vở kịch Angelo, Bạo chúa xứ Padua với bối cảnh ở miền bắc nước Ý. Tác phẩm không thực sự nổi tiếng nhưng lại là nguồn cảm hứng để nhiều nhà soạn nhạc sáng tác nên các vở opera của mình. Ta có thể kể đến Saverio Mercadante (Il giuramento, 1837), Antonio Carlos Gomes (Fosca, 1874) và César Cui (Angelo, 1876). Tuy nhiên, đây đều là các tác phẩm có giá trị nghệ thuật không cao và đã bị chìm vào quên lãng. Chỉ đến khi Ponchielli công diễn vở opera La Gioconda vào ngày 8/4/1876 tại La Scala, chúng ta mới có thể bắt gặp một phiên bản chuyển thể xuất sắc, làm lu mờ tác phẩm gốc. Đây cũng là tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc đời sáng tác của Ponchielli.

La Gioconda là một trong những vở opera tiêu biểu cho thể loại Grande opera của Ý, dùng để chỉ những vở opera đồ sộ, có thời lượng dài, sử dụng nhiều ballet, tương đương với Grand-Opéra của Pháp. Tác giả kịch bản là nhà soạn nhạc, người viết libretto nổi tiếng Arrigo Boito. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, ông lấy bút danh là Tobia Gorrio. La Gioconda có thể dịch là Người phụ nữ hạnh phúc. Tuy nhiên, vì điều này không thể truyền tải hết được ý nghĩa mỉa mai của ngôn ngữ gốc nên tên tiếng Ý thường được sử dụng. Mỗi một màn trong vở opera đều được tác giả đặt tiêu đề.

Tóm tắt nội dung

Venice, thế kỷ 17.

Màn I: Cái miệng của sư tử

Sân của Dinh tổng trấn.
Người dân Venice đang liên hoan trong lễ hội hoá trang trước Mùa chay và quan tâm đến cuộc đua thuyền (“Feste e pane”) thì Barnaba, một người do thám của toà án dị giáo, than vãn vì mối tình đơn phương của mình với cô ca sĩ xinh đẹp Gioconda. Người yêu của Gioconda là Enzo, một nhà quý tộc nhưng đã bị chính quyền Venice trục xuất. Khi cô xuất hiện cùng Cieca, người mẹ bị mù của mình (Duet “Figlia, che reggi il tremulo”), Barnaba cố gắng bày tỏ tình yêu của mình một cách thô bạo. Sợ hãi, Gioconda chạy đi, để lại mẹ mình ngồi lại bên cửa nhà thờ. Lúc này, mọi người trở về sau khi cuộc đua thuyền kết thúc, trong đó có cả Gioconda và Zuŕne, người thua cuộc. Để trả thù, Barnaba nói với Zuŕne và những người dân rằng Cieca là phù thuỷ, sử dụng sức mạnh xấu xa để khiến Zuŕne thất bại. Đám đông giận dữ, kéo La Cieca đi. La Gioconda và Enzo, lúc này đã cải trang thành một thuyền trưởng, cùng với những thuỷ thủ của anh cố gắng can thiệp nhưng bất lực. Đúng lúc này, Alvise, người đứng đầu toà án dị giáo và vợ mình Laura xuất hiện, nghiêm khắc ra lệnh chấm dứt cuộc bạo động. Đám đông đành phải rời đi. Để cảm ơn, Cieca đã tặng Laura một chuỗi tràng hạt (“Voce di donna o di angelo”). Những người khác rời đi cho lễ cầu nguyện buổi tối, chỉ còn lại Barnaba và Enzo. Barnaba nhận ra Enzo, người đã từng đính hôn với Laura trước khi cô kết hôn với Alvise. Enzo cho biết lần này anh trở về là để đón Laura. Với mục đích chứng minh sự không chung thuỷ của Enzo với Gioconda, Barnaba hứa rằng anh sẽ sắp xếp để Laura lên tàu của Enzo vào tối nay. Enzo vui mừng khôn xiết trước viễn cảnh gặp lại người yêu cũ dù anh biết rằng Barnaba đang cố gài bẫy Gioconda. Khi Enzo rời đi, Barnaba viết một lá thư gửi Isčpo, thư ký của Alvise, tiết lộ về sự không chung thuỷ của Laura và kế hoạch bỏ trốn của đôi tình nhân, thả vào miệng sư tử – nơi được dùng để tố cáo người khác với toà án dị giáo một cách bí mật (“O monumento”). Những người dân trở lại, ca hát và nhảy múa (“La Furlana”). Gioconda tình cờ chứng kiến toàn bộ sự việc, tuyệt vọng vì sự phản bội của Enzo trong khi Cieca tìm cách an ủi cô.

Màn II: Chuỗi tràng hạt

Tàu của Enzo.
Barnaba cải trang thành ngư dân, xuất hiện trên tàu của Enzo (“Ah! Pescator, affonda l’esca”). Những người thuỷ thủ xuất hiện, hát một khúc barcarolle (“Pescator, affonda l’esca”). Sau khi Barnaba rời đi, Enzo xuất hiện. Anh đang chờ đợi Laura và nghĩ về vẻ đẹp huyền bí của bầu trời và biển cả (“Cielo e mar”). Barnaba đưa Laura lên tàu và rồi lại biến mất còn Laura cầu nguyện Đức Mẹ (“Stella del marinar”). Trong lúc đó, Gioconda cũng đã lên được tàu, cô đối đầu với Laura (Duet: “L’amo come il fulgor”). Gioconda rút dao định đâm Laura thì chợt nhìn thấy chuỗi tràng hạt trên tay Laura. Cô nhận ra đây chính là người đã cứu mẹ mình. Để trả ơn, Gioconda cảnh báo cô Alvise đang trên đường truy đuổi và giúp Laura trốn thoát. Khi Enzo trở lại, Gioconda giải thích với anh rằng Barnaba đã lừa dối anh và thúc giục Enzo đi cùng mình. Lúc này, đại bác đã được Alvise bắn về phía tàu của Enzo. Enzo khẳng định lại tình yêu của mình với Laura, phóng hoả đốt tàu và nhảy xuống đầm phá.

Màn III: Ca ‘d’Oro – Ngôi nhà Vàng

Cung điện của Alvise.
Laura đã bị bắt lại, Alvise quyết định trả thù và khôi phục lại danh dự bằng cách tử hình vợ mình (“Sì, morir ella de!”). Laura bước vào, Alvise ra lệnh cho cô phải uống lọ thuốc độc và bỏ đi. Gioconda xuất hiện, cô quyết tâm cứu Laura. Cô đưa cho Laura lọ thuốc mà Enzo đã đưa cô trước đó. Ai uống vào sẽ chìm vào một giấc ngủ và trông có vẻ như đã chết.

Alvise tổ chức một màn ballet (“Điệu nhảy thời gian”) để giải trí cho những vị khách của mình. Cieca cũng có mặt trong lâu đài, tuyên bố mình cầu nguyện cho người chết. Một tiếng chuông nguyện vang lên, Barnaba nói với Enzo, người cũng cải trang để có thể đột nhập toà lâu đài rằng Laura đã chết. Các vị khách rùng mình sợ hãi (“D’un vampiro fatal l’ala fredda passo”). Giận dữ, Enzo tháo bỏ lớp nguỵ trang của mình và Alvise đã bắt giam anh ta. Gioconda tình nguyện hiến dâng bản thân cho Barnaba để đổi lấy việc anh cứu Enzo. Barnaba nhận lời những giữ Cieca làm con tin (“Gia ti vedo immota e smorta”). Alvise cho mang thi thể của vợ mình ra trước sự sững sờ của các vị khách.

Màn IV: Kênh đào Orfano

Một đống đổ nát trên đảo Giudecca.
Những người bạn của Gioconda bế Laura đang ngủ say vào nhà của ca sĩ đường phố trên đảo Giudecca. Còn lại một mình, Gioconda bị giằng xé giữa cảm giác tuyệt vọng và sự trả thù và có ý định tự sát (“Suicidio!”). Enzo lao vào, không hiểu tại sao mình lại được thả tự do. Anh ta cáo buộc Gioconda đã đánh cắp xác chết của Laura và định đâm cô trước khi giọng nói của Laura ở bên trong vang lên. Gioconda giải thích những gì cô ấy đã làm (“Che vedo la! Il rosario!”). Xúc động sâu sắc trước sự hy sinh của cô, Enzo và Laura cảm ơn Gioconda trước khi chạy trốn (“Sulle tue mani l’anima tutta stempriamo in pianto”). Ngay khi Gioconda còn lại một mình, Barnaba xuất hiện và đòi phần thưởng của hắn. Lấy lý do mình cần trang điểm, cô lại gần chiếc bàn, cầm lấy con dao và tự sát. Giận dữ, Barnaba hét lên rằng đêm qua Cieca đã xúc phạm mình và hắn đã giết chết bà. Gioconda đã chết và không thể nghe thấy những gì Barnaba nói. Barnaba lao đi trong điên cuồng.

La Gioconda là vở opera nổi tiếng nhất tại Ý trong khoảng thời gian giữa hai vở Aida (1871) và Otello (1887) của Verdi. Thậm chí Ponchielli còn được kỳ vọng là sẽ thay thế Verdi trở thành nhà soạn nhạc opera tài ba nhất nước Ý.Đây là vở opera hiếm hoi có vai diễn dành cho cả 6 loại giọng hát chính. Vở opera có nhiều trích đoạn hấp dẫn như các aria “Cielo e mar” dành cho tenor hay “Suicidio!” của soprano. “Điệu nhảy thời gian”, đoạn kết trong màn III tác phẩm là một vở ballet ngắn, thời lượng khoảng 10 phút, miêu tả các giờ trong ngày thông qua những điệu nhảy cũng là một trích đoạn vô cùng nổi tiếng. Mặc dù La Gioconda đã giành được những thành công vang dội nhưng bản thân Ponchielli vẫn chưa hài lòng với tác phẩm. Ông còn sửa chữa vở opera thêm hai lần nữa. Phiên bản cuối cùng và cũng là phiên bản chúng ta thường được nghe nhất hiện nay công diễn lần đầu vào ngày 28/3/1880 cũng tại La Scala.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) dịch

Nguồn:
metopera.org
operatoday.com

Bình luận Facebook

Facebook Comments