Mily Balakirev

Tại Saint Petersburg, Nga vào giữa thế kỷ 19 xuất hiện một nhóm nhà soạn nhạc, những người đã tụ họp cùng nhau vì cùng chung một tâm huyết và hoài bão: tạo ra một phong cách âm nhạc cổ điển Nga riêng biệt. Họ được biết đến với tên gọi “Hùng mạnh” hay “Năm người” – một trong những nhóm nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển thế giới. Họ gồm: César Cui, Modest Mussorgsky, Nikolai Rimsky-Korsakov, Alexander Borodin và người thủ lĩnh của nhóm: Mily Balakirev. Mặc dù trước họ có những nhà soạn nhạc như Mikhail Glinka và Alexander Dargomyzhsky chú trọng đến việc tạo lập một trường phái âm nhạc Nga với những nét đặc trưng riêng biệt, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong âm nhạc, nhưng chính nhóm “Hùng mạnh” là đại diện cho những nỗ lực tập trung đầu tiên với định hướng và đường lối cụ thể, rõ ràng. Được các luồng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Nga thúc đẩy, nhóm “đã tìm cách nắm bắt các yếu tố của cuộc sống nông thôn Nga, để xây dựng nên lòng tự hào dân tộc và ngăn chặn các lý tưởng phương Tây ngấm vào văn hóa của mình”. Balakirev với tư cách người sáng lập và thủ lĩnh của nhóm, không còn nghi ngờ gì nữa, là một trong những người có vai trò và tiếng nói quan trọng nhất. Tiếp thu sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian và những tinh tuý của các hình thức âm nhạc cổ điển của châu Âu từ Glinka, Balakirev đã nỗ lực phát triển các sáng tác nhằm thể hiện cảm xúc dân tộc một cách công khai nhất. Bên cạnh những tác phẩm của riêng mình, một trong những đóng góp không thể không nhắc tới của ông là việc Balakirev đã truyền niềm tin về tư tưởng âm nhạc của mình tới những người xung quanh, tạo ra nền tảng cho suy nghĩ và tư duy của họ, không chỉ tới các thành viên khác trong nhóm “Hùng mạnh” mà đến cả Peter Ilyich Tchaikovsky cũng như những nhà soạn nhạc thế hệ sau. Ông không ngừng nỗ lực khuyến khích những sáng tác của họ. Mặc dù không để lại quá nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng những đóng góp của ông đối với nền âm nhạc cổ điển Nga và thế giới là vô cùng đáng kể.

Balakirev – cậu học trò tài năng

Mily Balakirev sinh ngày 2/1/1837 (21/12/1836 theo lịch Nga) tại Nizhny Novgorod, một thành phố nằm trên bờ sông Volga. Cha của cậu, ông Alexey là một quan chức chính phủ còn mẹ cậu, Elizaveta chính là người dạy Mily những bài học piano đầu tiên khi cậu bé mới chỉ lên 4 tuổi. Mily đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm, cậu bé có thể ngay lập tức chơi lại những giai điệu vừa nghe trên piano, chính điều này đã khiến gia đình quyết tâm cho cậu bé theo đuổi âm nhạc một cách nghiêm túc. Khi lên 10 tuổi, Mily được gửi đến Moscow để theo học piano với thầy giáo danh tiếng Alexander Dubuque. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 buổi học, vì điều kiện kinh tế gia đình sa sút, cậu bé phải quay về nhà. Mily tiếp tục được theo học âm nhạc với Karl Eisrich, nhạc trưởng tại nhà hát địa phương. Tại đây, cậu bé lần đầu được tiếp xúc với âm nhạc của Frédéric Chopin và Glinka. Eisrich cũng giới thiệu cậu học trò tài năng của mình với Alexander Ulybyshev, một địa chủ giàu có tại địa phương, người cũng là một nhạc sĩ nghiệp dư, từng viết một cuốn tiểu sử về Wolfgang Amadeus Mozart và sở hữu một dàn nhạc và thư viện âm nhạc đồ sộ. Mily được thoải mái sử dụng thư viện này, trong đó rất nhiều tài liệu và tổng phổ của các nhà soạn nhạc. Ulybyshev thường xuyên tổ chức các bữa tiệc với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, nhà văn, diễn viên nổi tiếng. Chính điều này đã góp phần định hình nên tính cách và quan điểm sống của Balakirev sau này. Cũng tại đây, cậu bé Mily đã có những buổi biểu diễn đầu tiên dưới tư cách một nghệ sĩ piano và sau đó là chỉ huy dàn nhạc của Ulybyshev. Ở tuổi 15, Mily đã có những sáng tác đầu tay của mình, chương I septet dành cho flute, clarinet, piano và dàn dây và Grande Fantasie dựa trên giai điệu dân ca Nga dành cho piano và dàn nhạc.

Balakirev – sinh viên khoa Toán

Mặc dù rất gắn bó với âm nhạc nhưng vào năm 1853, ở tuổi 16, chàng thanh niên Balakirev cảm thấy mình cần có một công việc “nghiêm túc” hơn nên đã quyết định vào học tại khoa Toán học của đại học Kazan. Anh sống ở Kazan trong hai năm, kiếm tiền học đại học bằng cách dạy piano. Balakirev cũng biểu diễn trong các buổi hòa nhạc và bắt đầu tạo dựng được tên tuổi của mình với tư cách là một nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc. Tác phẩm đáng chú ý của Balakirev trong thời gian này là Fantasie cho piano trên chủ đề từ vở opera Ivan Susanin (hay Cuộc đời vì Sa hoàng) của Glinka. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau Balakirev nhận ra rằng mình không thích toán học và vào cuối năm 1855, anh chuyển đến Saint Petersburg, quyết tâm dành toàn bộ phần đời còn lại của mình để cống hiến cho âm nhạc.
Balakirev và Glinka

Tại Saint Petersburg, Ulybyshev đã giới thiệu cho Balakirev gặp gỡ với Glinka, người được coi là sáng lập nên nền âm nhạc cổ điển Nga. Mặc dù Glinka đã chỉ ra cho thấy kiến thức sáng tác của Balakriev còn nhiều khiếm khuyết nhưng nhà soạn nhạc vẫn đánh giá cao chàng trai trẻ, ông như nhìn thấy phần nào hình bóng của mình phản chiếu trong Balakirev. Tháng 4/1856, trước khi ra nước ngoài, Glinka tặng lại Balakirev 2 giai điệu mà ông đã ghi chép lại trước đó trong chuyến du lịch tới Tây Ban Nha. Một giai điệu sau đó đã được Balakirev đưa vào tác phẩm Overture trên chủ đề hành khúc Tây Ban Nha, Op. 6 (1857) và giai điệu khác được sử dụng trong Serenade Tây Ban Nha cho piano (1902). Nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới âm nhạc Saint Petersburg bằng tài năng piano của mình, Balakirev thường xuyên được mời biểu diễn tại nhà của những vị quý tộc và hoàng gia. Bên cạnh đó anh cũng dạy piano và xuất bản được một số tác phẩm của mình. Balakirev còn chuyển soạn một số ca khúc của Glinka cho piano độc tấu, “Chim sơn ca” (The lark) là một trong những bản tiêu biểu.

Balakirev và nhóm “Hùng mạnh”

Sự qua đời của Glinka vào năm 1857 và Ulybyshev một năm sau đó đã khiến Balakirev mất đi người đỡ đầu. Nhưng dư âm của cuộc gặp gỡ với Glinka vẫn vang vọng trong ông. Một niềm đam mê về chủ nghĩa dân tộc Nga đã được nhen nhóm lên trong Balakirev. Ông khẳng định nước Nga phải có một trường phải âm nhạc riêng biệt, không chịu ảnh hưởng từ các nước Tây và Nam Âu. Balakirev đã gặp gỡ những người có cùng quan điểm và họ sẽ hỗ trợ ông vì mục tiêu này như Dargomyzhsky, Cui, Mussorgsky hay nhà phê bình âm nhạc Vladimir Stasov. Trong những năm 1861-1862, Balakirev tiếp tục gặp gỡ Rimsky-Korsakov và Alexander Borodin. Dargomyzhsky đã đóng vai trò làm cố vấn và Stasov đã gọi nhóm 5 người bọn họ là “Hùng mạnh”, những con người có chung khát khao và hi vọng vào một nền âm nhạc Nga độc lập, giàu cá tính và độc lập. Theo bước chân Glinka, phương tiện chính để thể hiện tính cách Nga trong âm nhạc của họ là sử dụng âm nhạc và câu chuyện dân gian cũng như những sự kiện lịch sử của đất nước làm chủ đề chính trong âm nhạc của mình. Balakirev là người tiên phong. Ông đã đi dọc sông Volga và cả vùng Caucasus để ghi chép lại giai điệu dân gian mà sau này ông sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm của mình. Chính trong hành trình này, Balakirev đã tìm kiếm được chất liệu cho bản thơ giao hưởng Tamara và tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của mình Islamey: Một Fantasie phương Đông.

Điểm chung của cả 5 nhà soạn nhạc này là họ đều không được đào tạo âm nhạc một cách chính quy. Tại Nga khi đó các nhạc viện đều chưa được thành lập. Bản thân Balakirev cũng phản đối việc đào tạo một cách học thuật, cho rằng nó cản trở sự sáng tạo trong âm nhạc. Mặc dù vậy, dưới sự bảo trợ của Sa hoàng Nicholas, vào năm 1862, cùng với Gavriil Lomakin, Balakirev đã thành lập Trường Âm nhạc Tự do ở Saint Petersburg và miễn toàn bộ học phí cho học sinh. Trường thường xuyên tổ chức các buổi hoà nhạc giới thiệu các tác phẩm của Hector Berlioz, Robert Schumann, Franz Liszt – những người khi đó còn ít được biến đến tại Nga, và của chính nhóm Hùng mạnh. Mặc dù đã trở nên vô cùng nổi tiếng và được coi là lá cờ đầu của nền âm nhạc cổ điển Nga lúc bấy giờ nhưng trên thực tế, Balakirev chỉ được tôn trọng ở khả năng biểu diễn piano chứ ông chưa có những sáng tác lớn xuất sắc. Những nhận xét của Glinka trước đây về kiến thức sáng tác của Balakriev còn nhiều khiếm khuyết không được nhà soạn nhạc coi trọng và khắc phục. Mặc dù đã có một gia tài tác phẩm khá lớn, Balakirev luôn gặp phải khó khăn khi sáng tác những bản nhạc có quy mô đồ sộ. Ông đã bắt tay vào bản giao hưởng đầu tiên của mình vào năm 1864 nhưng không thể hoàn thành nó cho đến hơn ba thập kỷ sau. Sau bản Concerto piano số 1 (1857), Balakirev cũng phác thảo một bản số 2 nhưng không thể hoàn thành trong suốt cuộc đời mình.

Mặc dù không phải người lớn tuổi nhất nhưng lại là người nổi tiếng và có kinh nghiệm nhất trong nhóm vào thời điểm đó, Balakirev luôn hướng dẫn và truyền cảm hứng cho những người bạn của mình. Chính Balakirev là người gợi ý và truyền cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác hai trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông: Overture-Fantasy Romeo and Juliet và Giao hưởng Manfred, Op. 58. Tuy nhiên, đối với nhóm “Hùng mạnh”, bản thân Balakirev muốn phong cách sáng tác của những nhà soạn nhạc khác với trùng khớp với mình nên ông luôn đưa ra những đề nghị sửa đổi khiến cho âm nhạc cuối cùng trở thành của chính ông chứ không phải của họ nữa. Balakirev từng chỉ trích thậm tệ thơ giao hưởng Night on Bald Mountain của Mussorgsky, góp phần khiến tác phẩm chưa bao giờ được biểu diễn trong suốt của đời của nhà soạn nhạc này, mặc dù ngày nay nó được coi là một tuyệt tác. Ban đầu, họ còn lắng nghe Balakirev nhưng khi họ trưởng thành hơn, vào đầu những năm 1870, họ muốn được làm việc một cách độc lập và không còn quá chú ý đế những ý kiến của ông nữa. Là một người có bản tính không khoan nhượng, Balakirev không thể chấp nhận điều này và đã tách khỏi nhóm. Hiệp hội âm nhạc Nga, mà Balakirev là người tham gia tích cực, cũng phản đối với cách làm việc của ông, từ chối tiếp tục cộng tác. Cộng thêm với việc cha ông qua đời, dồn áp lực tài chính của gia đình lên ông, đã khiến Balakirev bị trầm cảm và suy nhược thần kinh nặng nề trong khoảng thời gian này. Thậm chí đã có tin đồn rằng Balakirev từng có ý định tự tử nhưng đã tìm kiếm được sự an ủi trong nhà thờ đạo Chính thống Nga. Cuối cùng, Balakirev đã quyết định rời xa âm nhạc. Tháng 7/1872, ông trở thành nhân viên đường sắt trên tuyến đường tới Warsaw. Đã có nhiều lời mời ông biểu diễn và giảng dạy tại nhạc viện nhưng Balakirev đều từ chối.

Một con người khác

Năm 1876, Balakirev dần dần quay trở lại với âm nhạc, nhưng ông đã trở thành một con người khác. Ông sáng tác một cách cô lập, nhận thức được rằng những nhà soạn nhạc đương thời coi phong cách của ông là cổ hủ và lỗi thời. Chính điều này đã ảnh hưởng lên thủ pháp sáng tác của Balakirev, các tác phẩm mới của ông trưởng thành và quy củ hơn, nhưng chúng thiếu đi nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ. Ngoài việc quay trở lại với những tổng phổ còn dang dở, Balakirev cũng bắt tay vào những tác phẩm mới như bản giao hưởng số 2 và một số tiểu phẩm dành cho piano. Balakirev cũng trở thành giám đốc của trường Âm nhạc tự do mà ông là người sáng lập. Mặc dù đã quay trở lại với đời sống âm nhạc của nước Nga nhưng Balakirev không thực sự tái hoà nhập vào nó, ông dường như xa lánh với mọi người hơn. Nhà âm nhạc Richard Taruskin giải thích nguyên nhân của tình trạng này là Balakirev không cảm thấy thoải mái trong một môi trường mà ông không phải là trung tâm. Balakirev qua đời vào ngày 29/5/1910 (16/5/1910 theo lịch Nga). Ông được chôn cất ở nghĩa trang Tikhvin tại Tu viện Aleksandr Nevsky, Saint Petersburg rất gần Glinka, Stasov và những thành viên khác của nhóm “Hùng mạnh”. Ông chưa bao giờ kết hôn và không có một người con nào.

Các sáng tác của Balakirev

Balakirev đã để lại một số lượng lớn các sáng tác, phần nhiều trong số đó là dành cho piano độc tấu, nhưng ngày nay chúng hiếm khi được trình diễn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Islamey. Trái ngược hoàn toàn với thói quen thông thường của Balakirev là phải mất nhiều năm để hoàn thành một tác phẩm, Islamey chỉ được sáng tác trong vòng một tháng từ tháng 8-9/1869 và được ông chỉnh sửa vào năm 1902. Lấy cảm hứng từ chuyến đi Caucasus vào năm 1860, Islamey trở thành một tác phẩm piano có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử âm nhạc Nga vì dưới bàn tay của Liszt, nó là tác phẩm nhạc Nga đầu tiên được biết đến trên toàn châu Âu. Là một tác phẩm đầy thách thức về mặt kỹ thuật, bản thân Balakirev, vốn là một nghệ sĩ piano tài năng, cũng thừa nhận rằng trong bản nhạc có những đoạn khiến ông “không thể xoay xở được”. Islamey cũng tạo ảnh hưởng lên các thế hệ nhà soạn nhạc đi sau. Trong Price Igor của Borodin và Scheherazade của Rimsky-Korsakov đều lấy chất liệu âm nhạc từ Islamey, còn Maurice Ravel thì sáng tác Gaspard de la nuit với mục đích tạo ra một tác phẩm “khó hơn Islamey của Balakirev”. Có hai phiên bản dành cho dàn nhạc của Islamey do Alfredo Casella và Sergei Lyapunov chuyển soạn, đã mở rộng phạm vi tiếp cận của tác phẩm. Bên cạnh đó, thơ giao hưởng Tamara cũng là một sáng tác đáng chú ý.

Đánh giá phê bình

Nhiều nhà phê bình âm nhạc đánh giá rằng chính việc kéo dài quá trình sáng tác của Balakirev đã khiến các tác phẩm của ông không được đón nhận. Chúng sẽ giành được nhiều thành công nếu như được biểu diễn vào các năm 1860 hay 1870 thay vì kéo dài ra những năm sau đó. Bởi vì phong cách của chúng đã bị tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác vượt qua và bỏ lại phía sau. Việc hoàn thiện những ý tưởng có từ hàng thập niên trước đó đã cướp đi sự tươi mới và nguồn cảm hứng của tác phẩm, khiến chúng trở thành “những dư âm của quá khứ”. Nhưng bất chấp những khiếm khuyết đó, dấu ấn của Balakirev với tư cách một nghệ sĩ piano, nhạc trưởng và đặc biệt là người lãnh đạo một phong trào mới, người truyền bá tư tưởng để hình thành nên một nền âm nhạc cổ điển Nga hùng mạnh là rất đậm nét, không thể phủ nhận và xứng đáng được tôn vinh và trân trọng. Ý tưởng và tuyên ngôn âm nhạc của ông về chủ nghĩa dân tộc đã được những nhà soạn nhạc đương thời và thế hệ đi sau, không chỉ riêng trong nước Nga, gìn giữ và phát huy, tạo nên một trường phái với sức ảnh hưởng to lớn lên nền âm nhạc cổ điển châu Âu cuối thế kỷ 19 với vô vàn những tên tuổi xuất sắc, tạo nên một sức sống mới với nguồn cảm hứng bất tận.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
musopus.net
russiapedia.rt.com