Cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa thỏa thuận được gì với nhà xuất bản âm nhạc Schlesinger. Không tài nào thuyết phục nổi ông ta xuất bản các ca khúc tiếng Pháp nho nhỏ của tôi. Tuy nhiên để làm gì đó khiến bản thân được biết đến theo hướng này, tôi quyết định bỏ tiền túi thuê ông ta in “Hai anh lính phóng lựu” [Les Deux Grenadiers] của tôi. Họa sĩ Kietz đã in li-tô một trang tiêu đề tuyệt đẹp cho ấn phẩm. Schlesinger kết thúc bằng việc tính cho tôi khoản nợ 50 franc chi phí sản xuất. Câu chuyện xuất bản này kỳ lạ từ đầu chí cuối; tác phẩm mang tên Schlesinger và bởi tôi chịu mọi phí tổn nên doanh thu đương nhiên sẽ thuộc về tôi. Sau đó tôi được nhà xuất bản thông báo rằng không bán được một bản nào. Khi tôi đã tạo được tiếng tăm nhanh chóng ở Dresden nhờ vở Rienzi, nhà xuất bản Schott ở Mainz, người hầu như chỉ chuyên các tác phẩm được dịch từ tiếng Pháp, nghĩ rằng nên cho ra mắt ấn phẩm tiếng Đức của “Hai anh lính phóng lựu”. Dưới bản dịch ca từ tiếng Pháp ông ta cho in bài thơ gốc tiếng Đức của Heine; nhưng vì bản dịch tiếng Pháp được diễn đạt rất tự do, khác hẳn về nhịp điệu so với bản gốc, lời thơ của Heine chênh lệch so với phần nhạc của tôi đến nỗi tôi nổi đóa vì tác phẩm của mình bị xúc phạm và nghĩ rằng cần phải phản đối ấn phẩm hoàn toàn không bản quyền của Schott. Khi ấy Schott dọa sẽ kiện tôi tội phỉ báng vì ông ta nói rằng, theo thỏa thuận ông ta có được, ấn phẩm của ông ta không phải là xuất bản lần đầu (Nachdruck) mà là tái bản (Abdruck). Để tránh phiền toái thêm nữa, tôi buộc phải gửi lời xin lỗi ông ta vì sự khác biệt ông ta đã vạch ra mà tôi chẳng hiểu.

Năm 1848, khi tôi hỏi người kế nhiệm Schlesinger ở Paris (ông Brandus) về số phận tiểu phẩm của mình, ông ta cho tôi hay một ấn phẩm mới đã được xuất bản nhưng không chịu giải đáp bất kỳ thắc mắc nào về quyền lợi của tôi. Vì không quan tâm đến việc mua một bản bằng tiền của mình nên ngày đó tôi đã phải từ bỏ quyền sở hữu. Ở một mức độ nào đó trong những năm về sau, những người hưởng lợi khác từ các giao dịch tương tự liên quan đến việc xuất bản tác phẩm của tôi sẽ xuất hiện đúng lúc.

Vấn đề lúc này là bồi thường cho Schlesinger số tiền 50 franc đã thỏa thuận và ông ta đề nghị tôi thực hiện bằng cách viết bài cho tờ Gazette Musicale của ông ta.

Vì tôi không đủ tinh thông Pháp ngữ cho mục đích văn chương, bài viết của tôi phải được dịch ra và một nửa thù lao phải thuộc về người dịch. Tuy nhiên tôi tự an ủi bằng ý nghĩ rằng mình vẫn nhận được 60 franc cho mỗi trang. Chẳng bao lâu sau khi trình diện trước nhà xuất bản đang giận dữ để đòi thanh toán, tôi mới vỡ lẽ một trang nghĩa là gì. Nó được đo bằng một chiếc thước sắt gớm ghiếc có đánh số các vạch kẻ cột báo; chiếc thước này được đặt vào bài viết và sau khi cẩn thận chừa ra các khoảng trống dành cho tên bài và tên tác giả, người ta tính tổng số vạch. Sau quy trình này thì cái tôi cứ tưởng là một trang té ra chỉ là nửa trang…

Đổi lại cái công việc tỉ mỉ và hầu như không bao giờ kết thúc là chỉnh sửa tổng phổ opera của Donizetti, tôi đã xoay được 300 franc từ Schlesinger vì ông ta không thể kiếm được ai khác làm việc này. Bên cạnh đó, tôi phải tìm thời gian để chép các phân phổ dàn nhạc khúc overture Faust của mình, tác phẩm mà tôi vẫn mong được nghe ở Nhạc viện; và như một cách chống lại cơn trầm cảm do cái công việc nhục nhã này gây ra [Wagner rất ghét opera Ý nhưng vẫn phải nhận chuyển soạn Donizetti để sinh nhai – ND], tôi đã viết một truyện ngắn có tên “Eine Pilgerfahrt zu Beethoven” [Một chuyến hành hương tới Beethoven], xuất hiện trên tờ Gazette Musicale với nhan đề “Une Visite à Beethoven”. Schlesinger thẳng thắn nói với tôi rằng tác phẩm nhỏ này gây xúc động mạnh và được tán thưởng rất rõ ràng; quả thực nó đã được đăng lại, từng phần hay toàn bộ, trên rất nhiều tờ báo.

Ông ta thuyết phục tôi viết thêm vài tác phẩm cùng loại; và trong phần tiếp theo mang tên “Das Ende eines Musikers in Paris” [Un Musicien etranger à Paris – Một nhạc sĩ nước ngoài ở Paris], tôi đã tự báo thù cho tất cả những bất hạnh mà mình đã phải chịu đựng. Schlesinger không hoàn toàn hài lòng với tác phẩm này như với nỗ lực đầu tiên của tôi nhưng tác phẩm đã nhận được những dấu hiệu tán thưởng cảm động từ người trợ lý nghèo của ông ta; trong khi Heinrich Heine ca ngợi nó bằng câu “Hoffmann sẽ không có khả năng viết một truyện như vậy.” Ngay cả Berlioz cũng cảm động và nói về nó một cách rất thiện cảm trong một bài viết trên tờ Journal des Debats. Ông cũng tỏ dấu hiệu đồng cảm với tôi dù chỉ trong một cuộc trò chuyện sau sự xuất hiện của một bài báo âm nhạc nữa của tôi có nhan đề “Ueber die Ouverture” (Về các khúc overture), chủ yếu là vì tôi đã minh họa nguyên tắc của mình bằng cách chỉ ra khúc overture vở Iphigénie en Aulide của Gluck như một hình mẫu cho các sáng tác thuộc thứ hạng này.

Được khích lệ bởi những dấu hiệu đồng cảm này, tôi thấy lo lắng khi trở nên thân quen hơn với Berlioz. Trước đây tôi từng được giới thiệu với ông tại văn phòng của Schlesinger, nơi chúng tôi thi thoảng vẫn gặp nhau. Tôi đã đưa cho ông một bản “Hai anh lính phóng lựu” nhưng chẳng bao giờ biết được ông thực sự nghĩ gì về nó ngoài chuyện ông chỉ có thể gảy guitar đôi chút chứ không thể tự mình chơi piano âm nhạc tôi sáng tác. Mùa đông trước đó tôi thường nghe các tác phẩm khí nhạc lớn của ông do chính ông chỉ huy và chúng đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất. Trong mùa đông ấy (1839-40), ông chỉ huy ba buổi biểu diễn bản giao hưởng Roméo và Juliette [Roméo et Juliette] ông mới viết và tôi đã có mặt tại một trong ba buổi đó.

Toàn bộ tác phẩm này chắc chắn là một thế giới hoàn toàn mới mẻ với tôi và tôi khao khát đạt được chút hiểu biết khách quan về nó. Ban đầu, sự hoành tráng và thành thạo của lối diễn tấu dàn nhạc khiến tôi gần như choáng ngợp. Nó vượt ra ngoài mọi hình dung của tôi. Sự táo bạo ngoài sức tưởng tượng, sự chính xác cao độ mà những kết hợp liều lĩnh nhất – gần như hữu hình trong sự rõ ràng của chúng – đã gây ấn tượng với tôi và đẩy lùi một cách vô cùng tàn bạo những quan niệm của chính tôi về tính thi ca của âm nhạc vào những tầng sâu thẳm của tâm hồn. Tôi chỉ đơn giản là lắng nghe những thứ cho đến lúc đó mình chưa bao giờ mơ tới và những thứ tôi cảm thấy mình phải cố gắng nhận ra. Đúng là tôi đã tìm thấy nhiều chỗ rỗng và nông trong Roméo và Juliette của ông, một tác phẩm bị mất mát nhiều do độ dài và hình thức kết hợp; thấy thế tôi càng đau đớn hơn khi mặt khác tôi lại cảm thấy bị khuất phục bởi nhiều đoạn nhạc thực sự mê hồn đã vượt qua mọi sự khó chịu của mình.

Cùng mùa đông ấy, Berlioz biểu diễn Symfonie FantastiqueHarold en Italie. Tôi cũng rất ấn tượng trước các tác phẩm này; ở tác phẩm thứ nhất, thể loại tranh âm nhạc được đan dệt vào giao hưởng nghe đặc biệt thú vị, trong khi Harold làm tôi thích thú ở hầu hết mọi khía cạnh.

Tuy nhiên, chính tác phẩm mới nhất của bậc thầy tuyệt vời này, bản Giao hưởng lớn Tang lễ và Chiến thắng [Grande Symphonie Funebre et Triomphale], được sáng tác một cách tài khéo nhất cho các ban nhạc quân nhạc đông đảo vào mùa hè năm 1840 dành cho lễ tưởng niệm những anh hùng cách mạng Tháng Bảy và do ông chỉ huy dưới cây cột ở Quảng trường Bastille mới là tác phẩm rốt cuộc đã thuyết phục tôi hoàn toàn về sự vĩ đại và tài năng của người nghệ sĩ vô song này.

Nhưng trong khi ngưỡng mộ thiên tài có bút pháp sáng tác hết sức độc đáo này, tôi không bao giờ có thể rũ bỏ một cảm giác âu lo rất riêng nào đó. Các tác phẩm của ông để lại trong tôi một cảm giác lạ lùng nào đó, một điều gì đó mà tôi cảm thấy mình không bao giờ có thể quen được, và tôi thường bối rối trước một thực tế lạ lùng là, mặc dù bị mê hoặc bởi các sáng tác của ông, tôi đồng thời bị chúng làm cho mệt mỏi và khó chịu. Mãi sau này, tôi mới thành công trong việc nắm bắt và giải quyết rõ ràng vấn đề này, điều mà trong nhiều năm đã tác động lên tôi như một bùa chú gây đớn đau đến thế.

Có một thực tế là vào thời gian ấy tôi cảm thấy mình gần giống một cậu học trò nhỏ bên cạnh Berlioz. Do vậy tôi thực sự bối rối khi Schlesinger, quyết tâm tận dụng thành công của truyện ngắn tôi viết, bảo tôi rằng ông ta rất muốn dàn dựng một số sáng tác cho dàn nhạc của tôi tại một buổi hòa nhạc do chủ bút tờ Gazette Musicale tổ chức. Tôi nhận ra mình không có sẵn tác phẩm nào phù hợp cho một dịp như vậy. Tôi không hoàn toàn tin tưởng vào khúc overture Faust vì cái kết như gió thoảng của nó mà tôi cho rằng chỉ có thể được đánh giá cao bởi những khán giả đã quen thuộc với bút pháp sáng tác của tôi. Hơn nữa, khi biết rằng mình chỉ có được một dàn nhạc hạng hai – Valentino từ Sòng bạc phố St. Honore – và hơn nữa chỉ có thể diễn tập một buổi, tôi phải chọn giữa việc từ chối hẳn hay thực hiện một thử nghiệm nữa với khúc overture Columbus, tác phẩm được sáng tác trong những ngày đầu tôi ở Magdeburg. Và tôi đã chọn cách thứ hai.

Richard Wagner (trích tự truyện Đời tôi)
Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch

Nguồn: wagneropera.net