CHƯƠNG VIII – KHỞI ĐẦU TẠI NHÀ HÁT

 

Trở về Paris, tôi sống cùng gia đình vợ trong một căn hộ xinh xắn với ánh sáng được khéo sắp đặt để làm vui con mắt và phấn chấn đầu óc. Ambroise Thomas báo với tôi rằng, theo yêu cầu của thầy, các giám đốc Ritt và de Lewen tại Nhà hát Opéra-Comique muốn giao cho tôi soạn một tác phẩm một màn. Đó là Bà bác dâu [La Grand’Tante], opéra comique với libretto của Jules Adenis và Charles Grandvallet.

Đây là niềm hạnh phúc ngất ngây khiến tôi choáng ngợp hoàn toàn. Ngày nay tôi cảm thấy tiếc nuối vì đã không thể đưa vào tác phẩm này tất cả những gì mình mong muốn thời điểm đó.

Các buổi diễn tập bắt đầu vào năm tiếp theo.

Tôi tự hào biết bao khi lần đầu nhận được những tấm vé xem diễn tập tác phẩm của chính mình và được ngồi ở đúng vị trí này, trên sân khấu lừng lẫy này, nơi mà Boïeldieu, Herold, thầy Auber, Ambroise Thomas, Victor Massé, Gounod, Meyerbeer từng ngồi!…

Tôi sắp biết tới những gian truân của một tác giả sân khấu. Nhưng tôi đã rất hạnh phúc!

Tác phẩm đầu tay chính là huân chương danh dự đầu tiên! Là tình yêu đầu tiên!

Tôi đã có tất cả ngoại trừ huân chương.

Dàn diễn viên ban đầu gồm Marie Roze với tất cả sắc đẹp trẻ trung lộng lẫy và tài năng; Victor Capoul được công chúng mến mộ, và cô ca sĩ kiêm diễn viên hóm hỉnh Girard, người tạo nên mỹ vị của Nhà hát Opéra-Comique.

Chúng tôi đã sẵn sàng lên sân khấu thì bảng phân vai bị xáo trộn. Marie Roze bị nẫng mất và được thay bằng một cô gái mười bảy tuổi mới vào nghề, Marie Heilbronn, người nghệ sĩ mà mười bảy năm sau tôi sẽ giao phó vai Manon.

Trong buổi tổng duyệt đầu tiên cùng dàn nhạc, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa, tôi quá bận rộn nghe cái này cái nọ và tất cả những âm vang từ tác phẩm. Tuy nhiêu điều đó không ngăn cản tôi nói với mọi người rằng tôi hoàn toàn hài lòng và hạnh phúc.

Tôi đã có can đảm tham dự buổi công diễn lần đầu trong hậu trường, cái hậu trường khiến tôi nhớ đến Tuổi thơ của Chúa Kitô của Berlioz mà tôi đã đi xem trộm.

Đêm diễn ấy vừa cảm động vừa hài hước!

Suốt buổi chiều tôi ở trong trạng thái kích động bồn chồn.

Tôi dừng lại trước mỗi tấm áp phích để nhìn những dòng chữ hấp dẫn và đầy hứa hẹn này:

Công diễn lần đầu “Bà bác dâu”
Opéra-comique 1 màn.

Tôi nóng lòng chờ đọc tên các tác giả. Những chữ này chỉ xuất hiện trên áp phích công bố đêm diễn thứ hai.

Chúng tôi đóng vai trò người mở màn cho thành công lớn tại thời điểm này, vở Hành trình đến Trung Hoa [Voyage en Chine] của Labiche và François Bazin.

Tôi từng là học trò của Bazin tại Nhạc viện trong một thời gian ngắn. Các cuộc viễn du giỏi giang và hiển hách của ông ở những xứ sở thần tiên đã không loại trừ được hình thức giảng dạy nặng nề và ít thân thiện của ông mà tôi nhớ là đã phải khổ sở khi theo học, vì tôi đã bỏ lớp hòa âm của ông một tháng sau khi nhập học. Tôi vào lớp của Henri Reber ở Học viện. Đó là một nhạc sĩ thanh tao và tinh tế, thuộc hàng bậc thầy của thế kỉ mười tám. Âm nhạc của ông tỏa ngát hương hoài niệm.

Vào một ngày thứ Sáu đẹp trời của tháng Tư, lúc bảy giờ rưỡi tối, tấm màn sân khấu Nhà hát Opéra-Comique được kéo lên. Tôi đang ở hậu trường cùng người bạn quý mến Jules Adenis. Tim tôi đập hồi hộp vì lo lắng trước tác động của điều huyền bí mà lần đầu tiên tôi sắp hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn, như thể hiến dâng cho một đức chúa vô danh. Ngày nay tôi thấy chuyện này hơi trẻ con!

Vở diễn vừa bắt đầu thì chúng tôi nghe thấy một tràng cười lớn rộ lên từ khán phòng. “Nghe kìa, bạn tôi ơi, khởi đầu tuyệt biết bao! Khán giả đang vui thích!”, Adenis bảo tôi.

Đúng là khán giả vui thích thật, nhưng đây là những gì đã xảy ra:

Cảnh diễn ra tại Brittany vào một đêm giông bão. Cô Girard mới hát xong một khúc nguyện cầu và đang hướng mặt về phía khán giả thì Capoul vừa bước vào vừa thốt lên những lời sau:

Xứ sở gì thế này! Thật hoang vu!… Chả có ma nào cả!

khi nom thấy cô Girard từ đằng sau, anh kêu lên:

Cuối cùng… cũng có một khuôn mặt!…

Vừa được thốt ra, câu cảm thán này này liền lảm rộ lên tràng cười mà chúng tôi đã nghe thấy… Tuy nhiên, vở diễn vẫn tiếp tục mà không xảy ra thêm sự cố nào.

Khán giả yêu cầu được nghe lại khúc hát Những cô gái thành Rochelle [Les filles de la Rochelle] của cô Girard.

Khán giả hoan hô tán thưởng Capoul và nhiệt liệt chào mừng cô gái trẻ mới vào nghề Heilbronn.

Khi vở opéra kết thúc trong tiếng vỗ tay thiện cảm, viên trợ lý đạo diễn tiến ra công bố tên các tác giả. Đúng lúc đó, một con mèo chạy vụt qua sân khấu; việc này khiến khán giả lại phá lên cười to đến mức họ không nghe thấy tên các tác giả.

Đó là một ngày không may mắn. Hai sự cố trong cùng một đêm diễn có thể dẫn đến nỗi sợ tác phẩm sẽ thất bại! Tuy nhiên chuyện này đã không xảy ra và báo chí tỏ ra thực sự khoan dung; nó đã co móng vuốt vào đệm nhung khi đánh giá chúng tôi.

Thi sĩ lớn kiêm nhà phê bình lỗi lạc Théophile Gautier đã sẵn lòng rót vào tác phẩm một chút tài năng lấp lánh của mình, điều minh chứng cho lòng nhân từ hiển nhiên của ông.

Bà bác dâu được diễn cùng một đêm với Hành trình đến Trung Hoa, một thành công lớn về mặt tài chính và tôi đã sống qua mười bốn đêm diễn. Tôi đang hết sức vui thích. Tôi vẫn chưa nhận ra rằng mười bốn buổi diễn là chưa hề đáng kể.

Tổng phổ dàn nhạc viết tay (chưa kịp in) đã biến mất trong trận hỏa hoạn tại Nhà hát Opéra-Comique năm 1887. Đó chẳng phải là một mất mát lớn đối với âm nhạc, nhưng ngày nay lẽ ra tôi đã rất vui nếu sở hữu bằng chứng này về những bước đi đầu tiên của mình trong sự nghiệp. Các con thân yêu ơi, cha chắc rằng nó sẽ khiến các con quan tâm.

Vào giai đoạn đó, tôi đang dạy nhạc ở Versailles trong một gia đình mà hiện tôi vẫn còn gắn bó. Một hôm khi đang đi đến đó, tôi bất ngờ gặp một cơn mưa nặng hạt. Cơn mưa này hẳn là một điều may với tôi khi chứng thực câu ngạn ngữ “trong cái rủi có cái may”. Tôi đang trú mưa trong nhà ga và kiên nhẫn chờ trời tạnh thì chợt thấy Pasdeloup ở ngay cạnh mình và cũng đang buộc phải chờ mưa tạnh.

Ông chưa bao giờ nói chuyện với tôi. Việc cùng đợi ở nhà ga trong thời tiết xấu là một nguyên cớ thật dễ dàng và tự nhiên cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Khi ông hỏi liệu trong những tác phẩm tôi viết ở Rome có tác phẩm nào cho dàn nhạc không, tôi đáp rằng có một tổ khúc cho dàn nhạc gồm năm phần (tôi viết tổ khúc này ở Venise năm 1865); ông đột ngột yêu cầu tôi gửi tổng phổ cho ông. Tôi đã gửi ngay trong tuần.

Tôi vô cùng vui mừng được vinh danh Pasdeloup. Ông không chỉ hào phóng giúp tôi trong dịp này mà còn là thiên tài sáng tạo của những buổi hòa nhạc đại chúng đầu tiên đã hỗ trợ đắc lực đến thế để âm nhạc được biết đến và đảm bảo chiến thắng của nó bên ngoài nhà hát.

Trên phố Martyrs vào một ngày mưa (cứ mưa suốt thôi, hẳn là Paris chứ không phải Ý!), tôi gặp một trong những đồng nghiệp của mình, nghệ sĩ violoncelle trong dàn nhạc Pasdeloup. Trong lúc tán gẫu, anh bảo tôi: “Sáng nay chúng tôi vỡ bài mới là một tổ khúc cho dàn nhạc rất xuất sắc. Chúng tôi muốn biết tên tác giả nhưng không thấy đề trên phân phổ”.

Nghe vậy tôi nhảy dựng lên. Tôi hết sức hào hứng. Trước hết, đó là nhạc của tôi hay của ai khác?

– Trong tổ khúc này, tôi háo hức hỏi người đối thoại, có một fugue, một hành khúc, một dạ khúc à?
– Chính xác, anh trả lời.
– Thế thì là tổ khúc tôi viết đấy, tôi bảo.

Tôi lao về phố Laffitte và như một gã điên, tôi leo lên tầng năm để kể cho vợ và mẹ vợ tôi về vận may của mình.

Pasdeloup không hề báo trước cho tôi.

Tôi đọc thấy tổ khúc dành cho dàn nhạc đầu tiên của mình trên tờ áp phích chương trình hôm sau nữa, tức là hôm Chủ nhật.

Làm gì đây để được nghe tác phẩm tôi đã viết?

Tôi mua cho mình một vé hạng ba và nghe tác phẩm của mình giữa một đám đông chật cứng thường thấy vào Chủ nhật hàng tuần ở những vị trí này, nơi người ta phải đứng.

Khúc nhạc nào cũng được đón nhận thực sự nồng nhiệt.

Khi khúc nhạc cuối cùng vừa kết thúc, một gã đứng gần tôi huýt sáo hai lần. Tuy nhiên lần nào cũng bị khán giả phản đối bằng cách vỗ tay càng nồng nhiệt hơn. Vậy nên kẻ phá đám không đạt được mục đích của mình.

Tôi về đến nhà trong trạng thái run rẩy toàn thân. Gia đình tôi, cũng đã có mặt ở Rạp xiếc Napoléon, đến tìm tôi gần như ngay lập tức.

Nếu người nhà tôi đã vui mừng trước thành công của tôi thì họ còn hài lòng hơn nữa khi được nghe tác phẩm này. Người ta sẽ chẳng còn nghĩ đến kẻ huýt sáo lạc lõng kia nữa nếu ngày hôm sau, trên trang nhất tờ Le Figaro, Albert Wolf không dành một bài dài, mang tính gây hấn hết mức, để chỉ trích tôi tàn tệ. Ngòi bút hóm hỉnh xuất sắc và đầy châm biếm của ông khiến độc giả rất thích thú. Anh bạn Théodore Dubois của tôi, tuổi nghề cũng trẻ như tôi, đã có lòng can đảm tuyệt vời để đáp trả Albert Wolf dù có nguy cơ mất việc.

Anh đã gửi đi một lá thư đúng mực về mọi mặt, xuất phát từ trái tim lớn lao và cao thượng đang đập trong mình.

Về phần mình, Reyer an ủi tôi về bài viết trên tờ Le Figaro bằng những lời lẽ lý thú và sắc sảo: “Cứ để ông ta nói. Người thông minh cũng như kẻ ngu đần đều có thể nhầm lẫn!”

Về phần Albert Wolf, tôi phải thành thật nói rằng ông rất hối hận về những gì mình đã viết khi không có chủ ý gì khác ngoài việc mua vui cho độc giả và chẳng ngờ rằng mình có thể đồng thời giết chết tương lai của một nhạc sĩ trẻ. Sau này ông trở thành người bạn nhiệt thành nhất của tôi.

Hoàng đế Napoléon III tổ chức ba cuộc thi. Tôi không đợi đến ngày hôm sau để quyết định tham gia.

Vì vậy tôi dự thi viét cantate Prométhée, opéra-comique Florentin và opéra Chiếc cốc của Vua Thulé [La Coupe du Roi de Thulé].

Tôi chẳng giành được gì.

Saint-Saëns được giải với Prométhée, Charles Lenepveu được trao vòng nguyệt quế với Florentin, tôi chỉ đứng thứ ba, và bằng Chiếc cốc của Vua Thulé, Diaz giành vị trí thứ nhất. Tác phẩm được biểu diễn tại Nhà hát Opéra trong điều kiện dàn dựng tuyệt vời.

Saint-Saëns biết chuyện tôi dự thi và biết tác phẩm của tôi có chất lượng ngang ngửa tác phẩm của Diaz, người chiến thắng. Ngay sau khi có quyết định, anh tiếp cận tôi và bảo: “Trong tổng phổ anh viết có nhiều cái hay và cái đẹp đến mức tôi vừa viết thư hỏi Weimar xem họ có thể biểu diễn tác phẩm của anh ở đó hay không!”

Chỉ những vĩ nhân mới hành động như vậy!

Tuy nhiên sự thể lại được sắp đặt theo cách khác, và hàng nghìn trang nhạc này, trong suốt ba mươi năm, là một nguồn mà từ đó tôi trích ra nhiều đoạn cho các tác phẩm tiếp theo của mình.

Tôi đã thất bại nhưng không chán nản.

Ambroise Thomas, thiên tài tốt bụng thường trực của đời tôi, đã giới thiệu tôi với Michel Carré, một trong những cộng tác viên của thầy trong các vở MignonHamlet.

Tác giả mà những tấm áp phích liên tục vinh danh thành công này đã giao cho tôi một kịch bản ba màn lôi cuốn tuyệt vời có nhan đề Médusa.

Tôi đã soạn nhạc cho kịch bản đó suốt mùa hè và mùa đông năm 1869, và mùa xuân năm 1870. Vào ngày 12 tháng 7 cùng năm khi tác phẩm đã hoàn tất được vài hôm, Michel Carré hẹn gặp tôi tại sân Nhà hát Opéra ở phố Druot. Ông định nói với giám đốc Émile Perrin rằng tác phẩm này phải được dàn dựng và rằng ông sẽ rất hài lòng.

Émile Perrin đã vắng mặt.

Tôi chia tay Michel Carré, người vừa ôm hôn tôi nồng nhiệt vừa bảo: “Tạm biệt! Hẹn gặp lại trên sân khấu Nhà hát Opéra.”

Tối hôm đó tôi trở về nơi chúng tôi sống ở Fontainebleau.

Tôi sắp được hạnh phúc…

Nhưng tương lai quá tốt đẹp!

Sáng hôm sau báo chí đăng tin Pháp tuyên chiến với Đức và tôi không gặp lại Michel Carré lần nào nữa. Ông qua đời vài tháng sau cuộc hội kiến cảm động có vẻ mang tính quyết định với tôi đó.

Tạm biệt những dự định tốt đẹp đến thế ở Weimar! Tạm biệt những hy vọng của tôi ở Nhà hát Opéra! Tạm biệt, tạm biệt cả những hy vọng của chính tôi nữa!

Chiến tranh, chiến tranh với tất cả những cảnh ghê rợn và khiếp đảm của nó chính là thứ sẽ làm đất Pháp của chúng ta đổ máu!

Tôi lên đường.

Tôi sẽ chỉ tiếp tục hồi ức từ sau cái Năm Kinh hoàng đó. Tôi không muốn sống lại những giờ phút tàn khốc như vậy; các con thân yêu ơi, cha muốn tránh cho các con những câu chuyện bi thảm.

Jules Massenet (trích Hồi ức của tôi)
na9 dịch