Là cha đẻ của nền âm nhạc cổ điển Nga, xuất phát điểm của Glinka khá khác biệt so với nhiều nhạc sĩ khác. Sinh ra trong một gia đình giàu có, ông có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc dân gian và những tác phẩm đương thời do chính dàn nhạc riêng của người bác ruột biểu diễn. Được hưởng một sự giáo dục đầy đủ từ nhỏ, hơn thế nữa Glinka còn có điều kiện đi khắp châu Âu để tiếp xúc với những tinh hoa của nhiều trường phái âm nhạc khác nhau như Đức, Ý, Áo… Chính vì vậy, tài năng của Glinka được phát hiện và bồi dưỡng từ rất sớm. Trong bối cảnh nền âm nhạc nước Nga thời kỳ đó còn quá non trẻ, niềm khát khao sáng tác ra những tác phẩm mang phong cách Nga, tạo lập nên một trường phái âm nhạc cổ điển Nga hùng mạnh có thể sánh ngang với các nền âm nhạc khác đã giúp ông trở thành một con người vĩ đại. Nhiều nhạc sĩ sau này như Tchaikovsky, Balakirev, Mussorgsky, Rimsky-Korsakov… đều chịu sự ảnh hưởng của Glinka và coi ông là bậc tiền bối đáng kính trọng. Âm nhạc của Glinka luôn tràn đầy những giai điệu của dân ca Nga, đầy ắp sự dung dị và trìu mến. Các tác phẩm của ông nếu không là những vũ khúc rộn ràng, vui vẻ thì cũng là các bản romance đầy trữ tình sâu lắng.
Sinh ngày 1 tháng 6 năm 1804, tại Novospasskoye gần Smolensk, Belarus, từ nhỏ Glinka đã được tiếp xúc với một kho tàng khổng lồ các bài dân ca Nga qua tiếng hát của những người nông dân trong trang trại của gia đình. Tỏ ra có năng khiếu âm nhạc từ rất sớm, 10 tuổi cậu bé đã nhận ra được âm thanh và cao độ của nhiều nhạc cụ trong dàn nhạc đồng thời chơi được cả violin và flute.
Năm 1816, cậu bé đi học tại Tsarskoe Selo trong một trường chỉ dành cho con em các gia đình quyền quí. Tại đây Glinka gặp Pushkin (hơn Glinka 5 tuổi) và đã nảy sinh một tình bạn đẹp đẽ giữa hai người. Glinka là người hiểu rõ hơn ai hết giá trị các tác phẩm của Pushkin và chính Pushkin đã khuyến khích và ủng hộ Glinka rất nhiều trong con đường hoạt động nghệ thuật.
Năm 1818, Glinka được gia đình cho học nhạc tại Saint Petersburg. Tại đây ông được tiếp xúc với John Field, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng người Ireland thời kỳ đó. Cũng trong thời gian này, các vở opera của Mozart, Rossini đã thực sự cuốn hút ông và ý tưởng sáng tác một vở opera đầu tiên cho nền âm nhạc Nga đã được Glinka ấp ủ. Trong các mùa hè chàng trai thường đến chơi violin trong dàn nhạc của người bác.
Trong những năm 1820, Glinka sáng tác rất nhiều bài hát cũng như các bản romance và bắt đầu trở nên nổi tiếng.
Vốn sinh ra đã có thể trạng yếu đuối, vào năm 1830 theo yêu cầu của bác sĩ Glinka có chuyến du lịch đến một số nước Tây Âu, nơi có khí hậu ấm áp hơn để chữa bệnh. Nơi dừng chân đầu tiên là Đức, rồi sau đó là Thuỵ Sĩ và Ý. Thông thạo 6 ngoại ngữ cùng với bản tính thân thiện và tinh thần ham học hỏi, ông có thể kết giao bạn bè ở bất kỳ đâu. Glinka ở lại Milan rất lâu vì tại đây ông được tiếp xúc với rất nhiều ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng như Donizetti hay Bellini cũng như xem buổi trình diễn đầu tiên các vở opera Anna Bolena và La Sonnambula. Năm 1833, Glinka qua Áo và gặp Joseph Lanner và Johann Strauss. Tuy nhiên Glinka phải nhanh chóng trở về Nga vì cái chết đột ngột của người cha.
Cả mùa đông năm 1834, Glinka sống ở St.Petersburg. Tại đây Glinka đã gặp Mariya Petrovna và hai người cưới nhau một năm sau đó. Thời gian này Glinka đang bế tắc trong việc tìm kiếm nội dung cho vở opera cho đến khi ông gặp nhà thơ Vasili Zhukovsky. Chính Zhukovsky đã gợi ý cho Glinka câu chuyện về người anh hùng Ivan Susanin, một người nông dân thế kỷ 17 đã hy sinh thân mình để cứu Sa hoàng thoát khỏi bọn quân Ba Lan xâm lược. Và vào ngày 27 tháng 11 năm 1836 vở opera đầu tiên của nền âm nhạc cổ điển Nga Life for the Tsar (chúng ta thường quen với tên gọi Ivan Susanin) được công diễn tại Nhà hát lớn St.Petersburg (nay đã không còn tồn tại) trong sự hân hoan chào đón của tất cả công chúng yêu nhạc. Ngay chính bản thân Glinka cũng không thể ngờ thành công lại rực rỡ đến thế, trong bức thư gửi cho mẹ ngay sau buổi biểu diễn ông viết: “Đêm hôm trước mọi ước mơ của con đã trở thành hiện thực, vở opera được tất cả mọi người đón nhận”.
Sa hoàng Nicolai đệ Nhất đến xem một buổi tập và có mặt trong buổi công diễn đã tỏ ra rất thích thú và tặng cho Glinka một chiếc nhẫn quý mà sau này Glinka cho vợ đeo.
Ngay sau cột mốc lịch sử này, Glinka được mời làm nhạc trưởng cho dàn hợp xướng nhà thờ Hoàng gia với những đãi ngộ vô cùng ưu ái. Với lòng nhiệt tình cháy bỏng của tuổi trẻ, Glinka bắt tay vào viết vở opera thứ hai trong khi đi thăm một dàn hợp xướng tại Ukraine. Lần này nội dung là dựa theo tác phẩm nổi tiếng Ruslan và Lyudmila của Pushkin. Glinka hy vọng được chính tác giả viết phần lời cho vở opera nhưng rất tiếc Pushkin đã qua đời trong một cuộc đấu súng vào ngày 10 tháng 2 năm 1837. Vì vậy phải mất đến 5 năm vở opera mới được hoàn thành.
Vào năm 1839, cuộc sống riêng tư của Glinka có nhiều xáo trộn. Ông chia tay với vợ và cũng rời bỏ cương vị nhạc trưởng dàn hợp xướng nhà thờ Hoàng gia. Cuộc gặp gỡ cô gái trẻ Yekaterina Kern là nguồn cảm hứng để Glinka sáng tác bản Valse-Fantasie cho Piano. Những giai điệu trong sáng, tươi mát xen kẽ với những khoảnh khắc u sầu là những tiền đề cho âm nhạc trong các vở ballet của Tchaikovsky sau này. Glinka chuyển soạn tác phẩm này cho dàn nhạc vào năm 1856 sau khi bản phối đầu tiên năm 1845 bị mất tại Paris.
Tháng 3 năm 1841, Glinka hoàn thành phần âm nhạc gồm 1 overture, 4 entracte và 3 bài hát cho vở kịch Price Cholmsky của Nesto Kukolnik.
Đúng 6 năm sau ngày ra mắt Ivan Susanin, ngày 27 tháng 11 năm 1842, Ruslan và Lyudmila đã trình diễn buổi đầu tiên. Vở opera đã được rất nhiều nhạc sĩ khen ngợi trong đó có Liszt (trong một buổi biểu diễn tại St.Petersburg, Liszt đã ngẫu hứng phóng tác ngay một biến tấu dựa trên chủ đề “hành khúc Chernamor” để tặng khán giả) nhưng việc dàn dựng và công diễn tác phẩm này lúc đầu gặp rất nhiều trở ngại. Nhiều người phản đối cho rằng nội dung của Ruslan và Lyudmila quá lộn xộn và bắt khán giả phải tưởng tượng quá nhiều. Tuy nhiên ngày nay Ruslan và Lyudmila đã trở thành một tác phẩm thường xuyên được các nhà hát opera nổi tiếng đưa vào danh mục biểu diễn. Đặc biệt bản overture tràn ngập không khí lễ hội, vui tươi luôn được vang lên ở khắp nơi trên thế giới như là một tác phẩm độc lập.
Năm 1844, Glinka lại tiếp tục cuộc du lịch châu Âu của mình. Lần này điểm đến là Pháp. Tại Paris, ông làm quen và trở thành bạn của Berlioz. Trong 10 tháng trời, Glinka học hỏi được rất nhiều ý tưởng của nhà soạn nhạc Pháp vĩ đại và từ đó về sau âm nhạc của Glinka trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn.
Một năm sau Glinka đến Tây Ban Nha. Sự khác biệt về văn hoá, phong tục ngôn ngữ cùng với một nền âm nhạc dân gian vô cùng phong phú khiến ông tỏ ra rất thích thú. Chính nơi đây là nguồn cảm hứng dể Glinka sáng tác hai bản overture “Jota Aragonesa” (1845) và “Summer Night in Madrid” (1851).
Bản nhạc Kamarinskaya ra đời năm 1848 tại Warsaw chính là những xúc cảm trào dâng của Glinka về mảnh đất quê hương. Tác phẩm mang đậm dấu ấn của các bản dân ca Nga đầy sự trong sáng và hứng khởi. Kamarinskaya có sức lôi cuốn mạnh mẽ đến nỗi Tchaikovsky phải thốt lên: “Mọi tác phẩm âm nhạc cổ điển của Nga đều xuất phát từ Kamarinskaya”.
Mùa xuân năm 1856, Glinka thực hiện chuyến du lịch cuối cùng của mình đến Berlin. Thời gian này trong ông vẫn đầy ắp ý tưởng sáng tác nhưng sức khoẻ suy sụp đã ngăn cản ông thực hiện chúng. Ngày 15 tháng 1 năm 1857, gia đình nhận được bức thư của Glinka: “Vào ngày 9 tháng 1, vở Ivan Susanin của tôi được biểu diễn tại cung điện của đức vua. Tôi được mời và tôi là người Nga đầu tiên có được vinh dự đó… Bệnh cúm của tôi rất nặng, thời tiết thì rất đáng sợ, toàn sương mù và tuyết…” Glinka qua đời ngày 15 tháng 2 năm 1857 và theo ước nguyện thi thể ông được đưa về quê hương Nga yêu dấu. Glinka được chôn tại nghĩa trang Alexander Nevsky. Nước Nga đã mất đi một người con xuất chúng.
Tại hai bên tường của phòng hoà nhạc Nhạc viện Tchaikovsky ở Moscow có hai dãy ảnh của các nhạc sĩ vĩ đại. Đứng đầu một bên là Peter Ilyich Tchaikovsky và bên còn lại chính là ảnh của Mikhail Glinka. Một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp vô cùng to lớn của ông đối với nền âm nhạc cổ điển Nga.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp