Thông tin chung

Tác giả: Carl Maria von Weber.
Tác phẩm: Concerto clarinet số 1 giọng Pha thứ, Op. 73 (J. 114)
Thời gian sáng tác: Tháng 4-5/1811.
Công diễn lần đầu: Tại Munich vào ngày 13/6/1811 với nghệ sĩ độc tấu Heinrich Bärmann.
Độ dài: Khoảng 22 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nghệ sĩ clarinet Heinrich Bärmann.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro (Pha thứ)
Chương II – Adagio ma non troppo (Đô trưởng trưởng)
Chương III – Rondo: Allegretto (Pha trưởng)
Thành phần dàn nhạc: Clarinet độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 bassoon, 3 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Tình bạn gắn bó giữa Mozart và nghệ sĩ clarinet tài ba Anton Stadler đã góp phần tạo ra các tác phẩm xuất sắc dành cho nhạc cụ này. Điều tương tự cũng xảy ra với Weber và nghệ sĩ clarinet Heinrich Bärmann của Dàn nhạc hoàng gia Munich. Trong chuyến lưu diễn tại châu Âu bắt đầu vào tháng 3/1811, Weber đã kết bạn với Bärmann và dành tặng nghệ sĩ bản concertino clarinet, Op. 26 (J. 109) của mình. Tác phẩm này đã chiếm được cảm tình của Vua Maximilian I xứ Bavaria và ông đã đặt hàng nhà soạn nhạc sáng tác 2 concerto clarinet. Trong tháng 4 và 5/1811, Weber đã hoàn thành đề nghị này.

Kể từ thời kỳ của Mozart và Stadler, nhạc cụ clarinet đã có nhiều bước cải tiến đáng kể. Ngoài những cải tiến trên bản thân nhạc cụ về phím bấm hay miệng của nhạc cụ cho phép chơi các nốt nhạc nhanh nhẹn và linh hoạt hơn, đặc biệt nhất phải kể đến kỹ thuật thổi kèn đã thay đổi với việc dùng môi dưới để thổi vào dăm kèn thay vì môi trên như trước đó. Một trong những người đầu tiên cải tiến phương pháp này chính là Bärmann. Sinh thời, Bärmann nổi tiếng với khả năng tạo ra những giai điệu có khả năng biểu cảm cao, sang trọng và có được “dải cường độ tuyệt vời”. Bärmann được gọi là “Rubini của clarinet” vì ông sánh ngang với giọng nam cao vĩ đại người Ý về vẻ đẹp, sự phong phú và tầm ảnh hưởng. Phong cách chơi sáng tạo của ông được miêu tả là “sự pha trộn giữa sự rực rỡ của người Pháp và sự sung mãn của người Đức với tông màu tối hơn”. Nhiều nhà soạn nhạc như Franz Danzi, Peter von Lindpaintner, Felix Mendelssohn và Giacomo Meyerbeer đã sáng những tác phẩm dành cho clarinet đề để tặng ông. Tuy nhiên, chỉ có Weber với những tác phẩm của mình mới có thể khai thác được toàn bộ “sự đồng nhất thú vị trong toàn bộ quãng âm từ cao xuống thấp” trong nghệ thuật trình tấu của Bärmann. Ông đã dành tặng 5 bản nhạc viết cho clarinet của mình cho Bärmann là bản concertino, 2 concerto, quintet và biến tấu Sylvana.

Weber đã sáng tác bản Concerto clarinet số 1 rất nhanh, trong đó ông chỉ mất một ngày để viết và phối khí cho chương I! Tác phẩm được công diễn lần đầu tại Munich vào ngày 13/6/1811 với Bärmann độc tấu. Theo nhật ký của nhà soạn nhạc, Bärmann “đã chơi một cách tuyệt vời” và tác phẩm được chào đón bằng “tràng pháo tay cuồng nhiệt”. Tuy nhiên, Weber chỉ đưa nó cho nhà xuất bản Schlesinger ở Berlin vào năm 1822 và điều này lý giải số Op lớn đến như vậy của tác phẩm. Trong bản concerto, tính cá nhân trong thế giới âm thanh của dàn nhạc được kết hợp độc đáo với những đoạn kịch tính và đầy tính kỹ thuật của clarinet.

Phân tích

Chương I

Mặc dù chương I có các chủ đề tương phản, phần phát triển và phần tái hiện nhưng về mặt hình thức nó không hoàn toàn là một sonata. Dàn nhạc và nghệ sĩ độc tấu, mỗi người có một chủ đề riêng biệt. Bè cello chiếm lĩnh chủ đề một, được dựa trên hợp âm ba nốt giọng Pha thứ, chuyển động lên và xuống, bùng nổ trong các hợp âm tutti của cả dàn nhạc. Sau những cơn sóng mãnh liệt, clarinet độc tấu bước vào chủ đề hai sâu lắng được ghi chú “con duolo” (buồn bã). Chủ đề mở đầu quay trở lại, nhưng lần này ở giọng Rê giáng trưởng với sự tô điểm đến từ clarinet. Những nốt chùm ba trên clarinet hoa mỹ báo hiệu chuyển sang phần phát triển. Tuy nhiên, sau buổi công diễn ra mắt, Bärmann cảm thấy cẩn phải có thêm không gian cho nghệ sĩ độc tấu thể hiện mình nên ông đã tự viết một cadenza để tạo thêm hương vị cho tác phẩm. Và rồi, âm nhạc trở về theo đúng hình thức truyền thống, một phần phát triển kết hợp lại các chủ đề trước đó và phần tái hiện ngắn gọn với sự xuất hiện trở lại của hợp âm 3 nốt mở đầu và những nốt chạy lấp lánh của clarinet. Chương nhạc lắng lại và kết thúc trong sự trầm ngâm.

Chương II

Chương II là một minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển của Weber sau này thành một nhà soạn nhạc opera đại tài, chương nhạc mở ra như thể là một vở opera với sự xuất hiện của clarinet độc tấu như một ca sĩ trữ tình, thể hiện một aria đẹp, sâu lắng như những tiếng thở dài. Giai điệu này được lặp lại và phát triển trên một bè đệm nhẹ nhàng nhấp nhô như những cơn sóng. Chỉ ít năm sau, tên tuổi Weber sẽ chói sáng với những vở opera như Der Freischütz, Euryanthe và Oberon. Giữa chương nhạc là một phần trio như một bản chorale đầy tinh tế giữa clarinet độc tấu và horn. Những chất liệu âm nhạc ban đầu được khôi phục trở lại sau một đoạn dừng ngắn khép lại chương nhạc.

Chương III

Chương III là một khúc rondo vui nhộn có tính chất khiêu vũ ở nhịp 2/4 với những giai điệu trên clarinet độc tấu đầy hứng khởi. Chương nhạc sống động có nhiều khoảng không gian dành cho nghệ sĩ độc tấu thể hiện trình độ biểu diễn điêu luyện của mình. Rõ ràng, Weber và Bärmann đã có sự ăn ý trong việc thiết kế âm nhạc để thể hiện khả năng độc đáo của Bärmann và khám phá những cải tiến về mặt kỹ thuật của nhạc cụ, nhắm vào âm vực cao của clarinet. Chương nhạc khép lại trong sự lạc quan sôi nổi ở giọng Pha trưởng.

Bản concerto này đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Weber, thể hiện sự nhạy cảm trong âm nhạc trước rất lâu khi ông thành danh với tư cách nhà soạn nhạc của những vở opera xuất sắc. Sự nhấn mạnh vào màu sắc của dàn nhạc, đạt được bằng cách thông qua sự nổi bật có chủ ý từ bên trong kết cấu của âm nhạc, không chỉ làm nổi bật cách xử lý sáng tạo và tiên phong các thành phần của dàn nhạc mà còn tăng cường đáng kể và làm nổi bật sự biểu hiện kịch tính tổng thể. Những phẩm chất này được Berlioz, Wagner và Mahler ngưỡng mộ. Cùng với bản concerto của Mozart, hai bản concerto của Weber luôn là những tác phẩm quan trọng trong danh mục biểu diễn của clarinet.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
chandos.net
interlude.hk
theportobelloorchestra.co.uk