Liszt là nhạc sĩ có rất nhiều thành công trong cuộc sống nhưng ông lại viết rất nhiều tác phẩm về ác quỷ. Hãy cùng Bernstein tìm hiểu và phân tích tác phẩm Giao hưởng Faust của Liszt dựa theo tác phẩm cùng tên của Goethe
Biên soạn do Leonard Bernstein
Được phát lần đầu trên đài CBS ngày 13/02/1972
Biên dịch: Ngọc Hà
Một trích đoạn thật hoành tráng mà tôi tin rằng có lẽ rất ít cháu biết về nó. của một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất mọi thời đại: Franz Liszt. Không những vậy, nó còn nằm trong tác phẩm nổi tiếng nhất: Bản giao hưởng Faust. Và đương nhiên, lí do mà các cháu không hay biết đến tác phẩm này rất hiếm khi được trình diễn. Vậy thì, mọi người biết được bao nhiêu về âm nhạc của Liszt?
Thực tế có lẽ là chỉ một số ít, chủ yếu là những giai điệu gắn liền với tuổi thơ. Chẳng hạn như giai điệu này…
…thì ai cũng hay biết, là “Liebestraum”.
Hoặc bản concerto piano ở giọng Mi giáng trưởng …
hay một vài giai điệu được ưa thích từ “Hungarian Rhapsodies”, như là…
rồi thì tất nhiên là còn…
…giai điệu mà các cháu không mấy xa lạ trong các bộ phim hoạt hình, v.v…
Hay như là…
Còn hàng triệu những giai điệu nữa. Hẳn là các cháu cũng thấy rằng chúng hầu hết được viết cho piano. Điều này là lẽ tự nhiên vì sinh thời, Liszt là một nghệ sĩ piano xuất chúng, và như cách nói của một số người thì còn là “mọi thời đại”. Nhưng thực tế là ông cũng từng viết rất nhiều tác phẩm không dành cho piano; từ những bài hát, các tác phẩm hợp xướng, các bản giao hưởng, thơ giao hưởng, không trừ một thứ gì cả.
Hầu hết mọi người không biết tới đơn giản vì chúng không mấy khi được biểu diễn. Nên có một câu hỏi thú vị được đặt ra là: Tại sao lại như vậy? Nhất là khi Liszt là nhạc sĩ tiếng tăm nhất thời bấy giờ, khoảng một thế kỉ trước, với một ảnh hưởng sâu sắc tới các nhà soạn nhạc khác, đặc biệt là Wagner, và cả Debussy nữa, những người có các tác phẩm được biểu diễn thường xuyên. Vậy tại sao Liszt lại không được như thế? Để có thể phần nào đấy trả lời câu hỏi này, dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic, dưới sự chỉ huy mới đầy tài năng của Pierre Boulez đang tái hiện các tác phẩm của Liszt xuyên suốt các chương trình của mùa này. Và một trong những đóng góp của tôi cho cuộc khảo sát này chính là tác phẩm mà tôi tin là một kiệt tác thực thụ của Liszt: “Bản giao hưởng Faust”. Tôi nghĩ hầu hết các nhạc sĩ sẽ đồng ý rằng bản giao hưởng Faust là một trong những tác phẩm bất hủ ở tại thời kì Lãng Mạn.
Tôi muốn các cháu có thể thưởng thức một vài phần của bản giao hưởng xuất sắc này hôm nay, không chỉ bởi vì âm nhạc của nó thú vị ra sao, mà còn bởi vì bằng một cách hay ho nào đó nó có thể làm sáng tỏ câu hỏi nan giải này về bản thân Liszt; một câu hỏi kép về việc tại sao các tác phẩm này của ông lại không được mấy ai quan tâm. Còn điều thứ hai là tại sao Liszt không được coi là thực sự thuộc về những thánh đường âm nhạc đỉnh cao sánh vai cùng với Beethoven và các bằng hữu khác Vậy nên tôi hi vọng khi kết thúc chương trình, chúng ta có thể tìm thấy một vài manh mối.
Okay, chúng ta bắt đầu từng thứ một trước nhé. Để có thể hiểu được bản giao hưởng Faust của Liszt, chúng ta cần biết Faust là ai, hay là cái gì Vào khoảng mấy trăm năm, trước thời đại của Liszt, có một chuỗi những câu chuyện li kì xoay quanh nhân vật tiến sĩ Faust, một thầy phù thủy già đầy bí ẩn đã vòng quanh châu Âu để tôi luyện vô số phép thần thông của mình: Các cháu biết đấy, chẳng hạn như chuyện gọi hồn rồi biến hóa mọi đồ vật bình thường thành vàng . Những phép biến hóa đại loại vậy. Những năm tháng đó, khi các hình thức mê tín dị đoan hoành hành, con người ta rất dễ tin tưởng vào bất kì thứ kì, đặc biệt là những người có học thức uyên thâm. Họ còn thường được coi là pháp sư. Và vị tiến sĩ Faust trong truyền thuyết này được ví với sự uyên bác mà người ta có thể đạt tới. Vậy nên như một lẽ tự nhiên, những giai thoại về nhân vật li kì này đã nắm bắt được trí tưởng tượng của những người mà nhận định trong vô thức rằng vị tiến sĩ Faust chắc hẳn đã có được những yêu thuật bằng cách liên minh với ác quỷ, hay Satan, hoặc Mephistopheles, và bất kì một cái tên nào tương tự. Nói cách khác, hẳn là Faust đã có một cuộc thương lượng với yêu ma mà qua đó đánh đổi tâm hồn bất tử của mình để sở hữu toàn bộ tri thức cùng sức mạnh cho một cuộc đời trần thế của những khoái lạc nhất định. Đó là một thỏa thuận đơn giản: trao đi lời hứa hẹn mơ hồ về thiên đường để đổi lấy niềm vui thực sự ở trần gian. Câu chuyện thần thoại từ ngàn đời vẫn được duy trì cho tới ngày hôm nay. Chúng ta vẫn thường hay thề độc như vậy. Các cháu đã bao giờ từng rất mong muốn một điều gì đó đến mức thốt lên rằng, “Ôi tôi đã sẵn sàng hiến dâng mọi thứ, kể cả tâm hồn này miễn là điều đó xảy ra” Đó chính là kiểu nói lời thề độc mà không hướng tới một người nghe cụ thể nào cả. Nhưng đó là giai thoại chính về nhân vật Faust, mà sau cùng còn được thể hiện xuất sắc trong văn học qua những áng thơ kịch nổi tiếng của Goethe. Đánh vần là G-O-E-T-H-E; và làm ơn đừng nói là các cháu chưa bao giờ nghe về cái tên này nhé bởi khi tôi đi vào kể lể chi tiết về Goethe thì chúng ta sẽ không còn thời gian cho Liszt và âm nhạc của ông nữa. Phải nói rằng Goethe… Goethe đương nhiên là một thi sĩ vĩ đại của ngôn ngữ Đức. Tôi sẽ chỉ nói bấy nhiêu thôi. Nhưng vở kịch về Faust của Goethe là một trong những công trình lớn của văn học, với câu chuyện thần bí về thỏa thuận của Faust với ác quỷ, chiến thắng cuối cùng trước thế lực yêu ma, và sự đánh đổi trong tình yêu. Goethe đã dành cả cuộc đời mình để viết kiệt tác này. Ông bắt đầu cầm bút ở những năm tháng trẻ trung của tuổi 20 và duy trì không liên tục cho tới ngày tận thế vào năm 1832. Điều khiến chúng ta luôn nhấn mạnh về Franz Liszt, là bởi vì Liszt, vào năm 1832, cũng là một chàng trai trẻ 20 tuổi và sau này mang hình tượng Faust của Goeth bên mình suốt phần đời còn lại. Liszt say mê nó, và luôn mang theo bên cạnh Kinh thánh. Và bằng một cách nào đó ông còn thấy đồng cảm với nhân vật Faust; bị hình tượng đó cuốn hút hoàn toàn, cho tới khi nó “bùng nổ” trong đời sống âm nhạc thông qua bản giao hưởng Faust. Và khi này mới là lúc mọi thứ thực sự trở nên hay ho bởi thực sự mà nói thì Liszt cũng là một kiểu Faust. Không phải với hình ảnh tên phù thủy lang băm già khụ như trong các truyền thuyết, mà là Faust qua ngòi bút của Goethe, một nhân vật mới lạ và khác biệt. Một Faust cá tính mà phức tạp; một chàng trai nghị lực, táo bạo, không ngừng ham học hỏi, người phải hiểu, làm và trải nghiệm mọi thứ.
Và Liszt cũng từng như vậy, theo cách của riêng mình; ông dường như đã làm được mọi thứ, và làm nó với một thành công vang dội. Khi mới 9 tuổi ông đã khiến công chúng phải trầm trồ tại chính quê nhà Hungary của mình. Chỉ một năm sau đó, danh tiếng của ông đã đến tận Vienna, nơi Liszt để lại dấu ấn mạnh mẽ khiến Beethoven phải thán phục bằng một nụ hôn trước công chúng. Và khi Liszt chưa hề hay biết gì thì ông đã trở thành “cơn sốt” ở cả Luân Đôn và Paris cũng như là “đứa con cưng” trong giới nhạc cổ điển. Tiếng đàn của Liszt khiến người đàn ông chững chạc đến mấy cũng không cầm được nước mắt và người phụ nữ thất thần. Chính là vậy đấy. Rồi người ta bắt đầu đồn đoán, nửa thật nửa đùa, rằng có một điều gì đó khá tinh quái, lẫn ma mị ở đây, một sợi dây liên hệ nhất định giữa ông và ác quỷ. Nếu không thì, làm sao để có thể giải thích được những sức mạnh Faust vi diệu của ông? Thêm vào đó, ông còn tự nắm chắc định mệnh của mình . Ví dụ tiêu biểu là khi vẫn là một thanh niên trẻ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, vì cảm thấy đã chơi piano đủ rồi nên ông quyết định thôi biểu diễn độc tấu để dành thời gian sáng tác và chỉ huy và tình yêu của đời mình. Còn vô vàn những giai thoại khác cũng vang dội không kém.
Liszt còn có con dù chưa từng kết hôn, và trên cả điều đó, điều đáng kinh ngạc hơn cả, ông còn nhận được những cương vị nhỏ mà linh thiêng tại Rome, trở thành một tụ viện trưởng về sau này. Có thể nói tóm gọn lại rằng: Liszt có tất cả mọi thứ. Một mặt, Liszt là người đàn ông tốt bụng, tử tế và mộ đạo nổi tiếng với những nghĩa cử từ thiện và sự hào phóng dành cho những nhà soạn nhạc khác, luôn cổ vũ cho các tác phẩm của họ. Ông cũng thường xuyên tham gia giảng dạy. Khi thấy yêu quý học trò nào, ông còn không lấy học phí. Liszt chính là con người kiểu vậy đó. Mặt khác, ông cũng là người của công chúng, sôi nổi, dí dỏm, cuốn hút, trứ danh, và tài ba bất tận. Nhưng cái này cũng nói lên điều gì? Không ai có thể có hết mọi thứ được! Ấy vậy mà Liszt lại có vẻ làm được điều đó, dù chắc chắn là cũng có một giới hạn nhất định. Và hãy thử xem liệu chúng ta có thể tìm thấy nó trong âm nhạc của ông không, ngay trong chính bản giao hưởng Faust này.
Tác phẩm gồm 3 chương, nhưng không kể quá nhiều về câu chuyện của Faust như cách ba nhân vật chính được khắc họa chân dung trong tác phẩm của Goethe. Thực tế, Liszt đã gọi nó là “Bản giao hưởng Faust qua ba bức tranh nhân cách sau Goethe”.
Chương đầu tiên hay bức tranh đầu được dành riêng cho chỉ mình Faust, vừa là học giả và là nhà giáo, đã dành nhiều năm tháng cày cuốc học tất cả mọi thứ có thể, kiếm tìm lẽ sống đích thực ở đời nhưng vẫn chẳng thấy đâu; nghĩ rằng chắc hẳn còn tồn tại một loại kiến thức nào khác, một thứ… …bí mật thần kì nào đó không có trong sách vở; một phương thức giúp cuộc sống trở nên thú vị và ý nghĩa, tràn đầy đam mê và hứng khởi, thành tựu, vẻ đẹp tình yêu, và hào quang. Không phải nghe khá giống với bản thân Liszt hay sao? Bật mí như vậy!
Được rồi, giờ hãy lắng nghe cách mà Liszt bắt đầu lột tả nhà triết học Faust đã sang tuổi xế chiều mang trong mình bao suy tư.
Các cháu có nghe ra sự tuyệt vọng và hoài nghi trong câu chủ đề mở đầu đó không? Và các cháu có biết tại sao không? Nó không có giọng chủ đạo. Các cháu thấy không, đó là 12 nốt nhạc của cung chromatic. Tôi hi vọng các cháu hiểu điều này có ý nghĩa gì.
Tất cả 12 nốt nhạc đó được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 3 nốt. 12 nốt nhạc khác nhau.
Nói cách khác, Liszt, người mở đường táo bạo, lãng mạn đến mức thái quá đã viết âm nhạc phi điệu tính đầu tiên, một thế kỉ trước khi âm nhạc phi điệu tính trở thành một lựa chọn để viết về. Nào giờ hãy nghe lại vòng hòa âm 12 giọng mang tính lịch sử này và thử xem liệu các cháu có nghe ra sự tuyệt vọng đến tột độ xen lẫn hoài nghi khi giai điệu đi xuống. Các cháu nhìn ra không nào?
Và khi này câu chủ đề đầy “hoài nghi” dâng lên một nỗi khao khát. Đó là khát vọng về một tình yêu, và thật thần kì làm sao khi nó trở thành chủ đề thứ hai về Faust:
Và như các cháu đang thấy đây, ngay phần mở đầu Liszt cho chúng ta thấy hai chủ đề của Faust trong một câu, góp phần lột tả trọn vẹn hình tượng một vị học giả già, đã cặm cụi đèn sách nhiều năm nhưng luôn khao khát được yêu.
Các cháu hiểu chứ? Đột nhiên, Faust “bật dậy” trong trạng thái mất kiên nhẫn và hoảng loạn vì “tức nước vỡ bờ”! Chúng ta nghe được câu chủ đề “hoài nghi” đang “mở đường” từ bộ kèn đồng, không còn não nề nữa, mà thay vào đó là hung hăng và tuyệt tận.
Đó là Liszt ở giai đoạn đỉnh cao: Sâu sắc, nhiệt huyết, bùng nổ. Cũng ngay lúc này, Faust đã sẵn sàng hành động. Anh ta đã hạ quyết tâm làm một điều gì đó cho chính cuộc đời mình, thậm chí ngay cả khi nó có nghĩa là liên minh với phe ác quỷ. Phần còn lại của chương sẽ phác họa viễn cảnh cuộc sống của Faust một khi quyết liều tới cùng. Toàn bộ tác phẩm được phát triển dựa vào hai chủ đề mà chúng ta vừa nghe, cộng với ba chủ đề Faust tựa như ba điều ước mà anh ta được ban tặng vậy: Điều đầu tiên là đam mê thời niên thiếu, mà ông luôn khát khao, kế tiếp là giấc mơ tình yêu, một tình yêu lí tưởng đến thuần khiết, và cuối cùng là chủ đề về người anh hùng Faust trở lại trong vinh quang. Ngay sau đây là chủ đề đầu tiên trong ba chủ đề, chủ đề của “đam mê”. Đó chính là “đam mê” mà tôi đã nói!
Trực tiếp đối nghịch với điều này là chủ đề về tình yêu lí tưởng.
Cái đẹp ở ngay trước mắt, phải không nào? Nhưng ẩn sâu trong đó còn là một phép ảo thuật khác thường, nhưng nếu nghe kĩ, các cháu sẽ thấy phần nhạc này đơn giản là một đoạn chuyển hóa của chủ đề “khao khát” thân thuộc chúng ta đã nghe từ trước. Các cháu nhớ chứ?
Các cháu nhớ ra chưa? Nhưng “vị phù thủy” Liszt đã bắt lấy giai điệu “khao khát” đó, cùng với những hòa âm không chắc chắn và nhịp điệu ngập ngừng của nó, chuyển hóa qua một vài tiểu xảo âm nhạc, trở thành một giai điệu gãy gọn, ngọt ngào, và tươi sáng:
Cứ như là úm ba la ra một chú thỏ từ chiếc mũ thần vậy. Nói cách khác, Liszt, bằng phép biến hóa, đã biến mong mỏi của Faust thành hiện thực ngay trước mắt chúng ta. Và cứ thế tiến tới chủ đề cuối cùng của Faust, điều ước viển vông của người anh hùng trong chiến thắng vẻ vang.
Anh hùng hào kiệt. Và khi này các cháu đã quy tụ đầy đủ các yếu tố cần có để vẽ nên chân dung Faust: sự hoài nghi, nỗi mong mỏi, những giấc mơ cháy bỏng của tình yêu và chiến thắng. Nhưng những chủ đề này mới chỉ là các yếu tố để phác thảo Faust một cách thô sơ, chứ chưa phải bức chân dung hoàn chỉnh. Liszt tô vẽ bức tranh tổng thể bằng cách chuyển thể mọi yếu tố và chủ đề đã kể như cái cách chủ đề “mong mỏi” mà chúng ta nghe hóa thành chủ đề “tình yêu”. Rồi chuyển thể còn có thể hiểu là kết hợp một chủ đề này với một thứ khác mà nhờ đó ta thấy được sự đa chiều của chúng trong các mối quan hệ khác nhau. Chẳng hạn như, ở phần sau của chương này có một khoảnh khắc khi mà chủ đề tình yêu cháy bỏng, trở nên nặng nề và tức tối… …được truyền tải bởi Liszt đối lập với chủ đề “anh hùng ca”, mà cơn phẫn nộ đang đạt đến cực đỉnh.
Các cháu à, đó là phép ẩn dụ cho nếp nhăn mới trên chiếc trán của ông lão Faust đấy.
Tác phẩm giờ đã là một bức chân dung hoàn chỉnh, chứ không chỉ dừng lại ở một bản thảo nữa. Chúng ta bắt đầu hiểu về Faust như một người đàn ông, chứ không còn là cái tên của một cuốn sách truyện nào đó.
Một người đàn ông không bao giờ biết thỏa mãn trong quá trình tìm kiếm lẽ sống cuộc đời. Được rồi, tôi nghĩ rằng các cháu đã sẵn sàng muốn nghe đôi phần của chương này một cách liền mạch, để cảm nhận một số đoạn biến chuyển, dù có thể chỉ trong chớp nhoáng, và qua đó hình dung cũng như thấu hiểu hình tượng Faust thần thoại như thể một ai đó mà các cháu đã qua thân thuộc trong cuộc sống của mình.
Chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ? À phải rồi, chúng ta đã bỏ lại Faust trong phòng làm việc của anh ta, chìm đắm trong điệu funk mang phong cách Liszt, quyết tâm từ bỏ niềm tin vào Chúa và công vận tất cả các phép tà thuật để triệu tập ác quỷ, lực lượng duy nhất mà Faust tin rằng có thể biến những hiện thực hóa điều ước của mình, dù cho có phải trả giá bằng chính linh hồn mình. Như các cháu cùng biết, điều này thật sự xảy ra. Con quỷ Mephistopheles xuất hiện trong dáng vẻ trơ tráo, u uất cùng nét trơ trêu và chế giễu đầy vênh váo, rồi giấy trắng mực đen, hai năm rõ mười. Mephisto trở thành người hầu của Faust suốt đời, đáp ứng mọi thứ hắn ước ao: tuổi trẻ, tình yêu, sức mạnh, lẫn công ăn việc làm. Nhưng một khi hiệu lực đi đến hồi kết vai trò giữa họ sẽ bị hoán đổi, và Faust phải làm nô lệ cho ác quỷ tới trọn kiếp. Gieo nhân nào thì gặt quả đấy thôi. Thế mà hóa ra lại có một cái kết vô cùng viên mãn. Nhưng ở tại thời điểm hạnh phúc vẫn còn xa tận chân trời, ác quỷ còn bận rộn với nhiệm vụ đầu tiên, tạo ra bên cạnh Faust một cô gái hoàn hảo: ngây thơ, trong trắng, với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. Và thông qua ma lực của ác quỷ Faust sẽ có được cô gái này, giành được trái tim rồi hủy hoại cuộc đời cô ấy. Người con gái này tên là Margaret, hay Gretchen, là cái tên thường được nhắc tới nhiều hơn, và Liszt dành trọn cả chương thứ hai để khắc họa chân dung người con gái này. Đó là một trong những tác phẩm duyên dáng nhất của Liszt, dịu dàng, tươi mới, và cực kì lãng mạn. Nhưng cũng bởi vì Gretchen là một cô gái hết sức đơn thuần và nhiệt thành, mà không mang bất kì nét suy tư tinh tế như Faust, nên âm nhạc của cô cũng đơn giản theo. Quả thực là không có quá nhiều khía cạnh nào khác ở nhân vật này để lột tả. Bởi vậy, Gretchen có một câu chủ đề thực sự quan trọng; một giai điệu đầy âu yếm, dạt dào trong vẻ đẹp không thể lãng quên.
Nó mới thật đẹp làm sao? Đó là Gretchen đang yêu, cô gái nhỏ mới thật tội nghiệp làm sao. Hãy cư xử tử tế với Gretchen và để cô gái đó được sống trong trạng thái hạnh phúc này, bởi giờ là lúc chào đón sự xuất hiện đầy choáng ngợp của “người mà ai cũng biết là ai”: Chính là tên ác quỷ, người được Liszt chọn để miêu tả trong chương thứ ba và chương cuối hoàn toàn khác biệt. Con quỷ Mephistopheles xuất hiện trong ánh lửa bập bùng với lưu huỳnh; trêu ngươi, mỉa mai, ma cô, vô cùng hiểm ác, nhưng lại hay ho hơn nhiều so với hình tượng Faust hay Gretchen. Nói vậy nhưng không phải tôi đang đi so bì các nhân vật với nhau hay cố tung hô con ác quỷ này cho thật ấn tượng hay hấp dẫn. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bằng một cách kì lạ nào đó, và nếu chỉ nghe mỗi âm nhạc, Liszt cho thấy ông thích ác quỷ này. Nó thể hiện tất cả những gì tuyệt vời nhất ở ông, trí tưởng tượng không giới hạn, cùng khả năng sáng tác và phối khí xuất chúng. Và có lẽ điều ấn tượng nhất về chương “Mephistopheles” này là không có một chủ đề hoàn toàn mới nào trong đó cả, nếu các cháu không thèm tính tới hình tượng yêu quái nhỏ này… …mà bản thân nó cũng chẳng đến một chủ đề nữa. Bởi vậy mới nói, cả chương này không có gì ngoài một sự chuyển đổi lớn của những chủ đề trong Faust mà chúng ta đã nghe ở chương đầu, tất cả chúng thay đổi, đánh lạc hướng rồi biến tướng thành âm nhạc của ác quỷ. Các cháu nhớ cái giai điệu tràn đầy khao khát đó chứ? Giờ đến đây thì nó được chuyển thể thành trò tinh quái yêu ma. Các cháu thấy không? Giai điệu tương tự. Đột nhiên nó lại trở thành…
Và các cháu nhớ câu chủ đề hoài nghi ở 12 tông giọng chứ? Đến đây, một lần nữa bị “satan hóa” và chế nhại theo. Hãy dỏng đôi tai để lắng nghe thấy sự mỉa mai man rợ ở phía họ kèn gỗ.
Có một câu chuyện đang được kể cho chúng ta. Có một nhân vật Faust, điều này thì khỏi phải bàn rồi, mang số mệnh do ác quỷ định đoạt. Rồi ở một khoảnh khắc nọ khi sự im lặng xảy đến đột ngột, giai điệu trong veo đại diện cho chủ đề của Gretchen xuất hiện lại lần nữa… như thể đang cố gắng giành lại Faust từ tay yêu ma. Nhưng nỗ lực đó lại chẳng thể diễn ra được lâu, bởi một giây sau đó lại dội lại tiếng cười mỉa mai trống rỗng của Ma Vương dưới 18 tầng địa ngục.
Mọi thứ dần tuyệt vọng hơn bao giờ hết, nhưng tất nhiên là đến cuối cùng thì, khi đến cuối cùng Faust của Goethe, tình yêu chiến thắng ác quỷ. Linh hồn của Gretchen được cứu vớt bởi một lòng chân thành hướng về Chúa. Thậm chí Faust cuối cùng cũng được tái sinh ở thiên đàng bởi những thiên thần âm nhạc, được giải thoát bởi tình cảm trong sáng của một người phụ nữ thuần khiết và bởi sức mạnh thiên đàng mà sau cùng thì đều tốt đẹp hơn và nhân từ hơn những gì thuộc về yêu ma. Tất nhiên là Liszt đã không dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho cái kết hạnh phúc này; nó xảy đến tương đối đột ngột và ngắn một cách bất ngờ. Những gì xảy ra là: Ngay trước phần kết thúc mọi thứ đều lắng đọng lại xuống một chút, tất cả cơn cuồng nộ quỷ quái đều kiềm lại, chủ đề Gretchen lẻn lỏi vào đâu đây, lan tỏa ánh sáng và lòng trắc ẩn, có đâu đây khoảng 12 ô nhịp xây dựng đoạn nhạc chiến thắng của Faust hết sức công phu, và bản giao hưởng kết thúc, chỉ vậy thôi. Nhưng cái kết này nói thế nào cũng không phải một sự cứu thế thông thường. đặc biệt là với một bản giao hưởng đầy tính triết lí thế này. Đừng tưởng rằng Liszt không nhận thấy điều đó nhé, bởi một vài năm sau khi đã hoàn thành tác phẩm này, ông thêm vào một cái kết mới dài hơn và cũng mang màu sắc tôn giáo hơn nữa với một organ, một đoạn điệp khúc và một giọng nam cao đơn ca những lời hát cuối cùng đầy bí ẩn của Goethe. Nhưng đó hiển nhiên là dòng suy ngẫm sau đó. Điều mà Liszt thực sự quan tâm trong chương cuối này là nhân vật ác quỷ già cỗi kia. Và vì nghĩ đến nó, ông đã viết một khối lượng không hề tầm thường các tác phẩm âm nhạc quỷ quái. Bên cạnh Bản Giao hưởng Faust, ông còn viết bản giao hưởng Dante, tác phẩm viết nhiều về địa ngục và những khung cảnh rùng rợn; Liszt còn có một tác phẩm tên “Totentanz”, một vũ khúc tử thần; một tác phẩm tên “Malediction”, which means “the curse”; ông cũng viết bốn điệu Waltz Mephisto khác nhau, lẫn một điệu Polka Mephisto! Liszt thực sự đã phát cuồng Mephisto! Điều này cũng đưa chúng ta quay lại câu hỏi đặt ra ở mở đầu: Làm thế nào mà Liszt đã có được mọi thứ; danh tiếng, vinh quang, phụ nữ, và vô vàn những điều khác? Rốt cuộc thì Liszt là một nhạc sĩ hay một phù thủy vậy? Phải chăng chuỗi tràng hạt giống thầy tu của ông thuộc về một vị phù thủy nào đó? Rất nhiều người đã nghĩ vậy. Thậm chí cả những người quen biết Liszt ở thời đại ông cũng có ấn tượng về Liszt như một vị phù thủy, pháp sư Merlin, hơn là một tu sĩ. Phải chăng, bằng một thước đo nào đó, Liszt chính là phiên bản đời thực của Faust? Mà nếu nói như vậy thì lẽ nào Liszt cũng có liên hệ với những thế lực quỷ thần? Và nếu đúng thế thì nội dung giao dịch giữa họ là gì? Dù sao chúng tôi cũng không thế chứng minh chắc chắn được rằng linh hồn của Liszt đã hóa kiếp lên thiên đường hay xuống địa ngục sau khi ông qua đời. Nhưng biết đâu đó có thể là số mệnh đã định sẵn tên tuổi của Liszt ở lại trong lịch sử cho tới tận ngày hôm nay được biết tới như một nhà soạn nhạc đa tài đến khó tin? “Ôi, đúng thế, chính là Liszt đấy! “, ai ai cũng thốt lên như vậy. “Một hình mẫu lí tưởng, một nghệ sĩ bậc thầy, đỉnh cao” . . . Tất cả mọi thứ đều tốt đẹp. Nhưng bản thân ông lại chẳng mấy khi được nhắc tới khi nói về Mozart, Bach hay Wagner. Ông chỉ đơn giản là Franz Liszt, một vị phù thủy cao tay.
Tuy nhiên, cũng đủ thần kì là, Bản Giao hưởng Faust này là một kiệt tác đã được công nhận. Một số người còn gọi nó là kiệt tác của cả thời kì Lãng Mạn. Liệu có phải rằng Liszt, cũng giống như Faust, thực sự đã chiến thắng được ác quỷ? Ngây bây giờ, chúng ta hãy cùng thưởng thức chương cuối của tác phẩm, và tự mình đưa ra câu trả lời. Và nhân vật yêu ma sẽ xuất hiện, trong luồng khói mờ ảo cùng từng tia chớp nhoáng!
Bình luận Facebook