“Tôi có lẽ sẽ không bao giờ tiếp cận được đông đảo công chúng nếu tôi không đóng phim. Ít nhất, tôi đã thu hút được rất nhiều người đến xem opera.” – Risë Stevens

Trong những năm 1940 và 1950, Risë Stevens là một trong những ngôi sao sáng nhất của Metropolitan Opera. Và điều càng gây được sự chú ý là việc bà chỉ là một mezzo-soprano trong khi ánh hào quang thường tập trung nhiều vào các tenor hay soprano. Xuất thân khiêm tốn, bà đã được rất ngưỡng mộ khi có những nỗ lực tuyệt vời trong việc phổ biến opera tới mọi người dân. Stevens được biết đến rộng rãi không chỉ trên sân khấu opera hay qua những bản thu âm mà còn ở những lần xuất hiện trên sóng phát thanh, truyền hình và cả những bộ phim điện ảnh của Hollywood. Sau khi từ giã sân khấu, Stevens đã có sự nghiệp thứ hai nổi bật với tư cách là nhà quản lý nghệ thuật của Metropolitan Opera và là chủ tịch của Mannes College of music, New York. Luôn tự vạch ra con đường của riêng mình, Stevens đã từ chối cơ hội sớm hát tại Metropolitan Opera khi bà cảm thấy mình cần học thêm ở châu Âu. Luôn tôn trọng khán giả ở mức cao nhất, Stevens chỉ biểu diễn khi mình cảm thấy thực sự sẵn sàng. Sở hữu giọng hát ấm áp, đầy đặn, mượt mà như nhung, đa dạng về sắc thái biểu cảm và là một diễn viên xuất thần trên sân khấu, bà có một danh mục biểu diễn rộng lớn nhưng Stevens luôn được nhớ tới như là một trong những Carmen xuất sắc nhất trong lịch sử opera. Bà đã hát 124 lần vai diễn này, chỉ tính riêng tại Metropolitan Opera. Stevens là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho lớp ca sĩ đầu tiên sinh ra tại Mỹ và gây dựng được danh tiếng như là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời opera quốc tế.

Risë Gus Steenberg sinh ngày 11/6/1913 tại Bronx, New York trong một gia đình có người cha gốc Na Uy, Christian Carl Steenberg, là nhân viên quảng cáo và nghiện rượu nặng. Mẹ cô, Sarah là người Do Thái. Bà đã sớm nhận ra tài năng thanh nhạc của con gái mình và là người quản lý chăm chỉ cho sự nghiệp thời trẻ của cô. Risë có một người em trai, Lewis “Bud”, đã qua đời trong thế chiến thứ hai. Cái tên Na Uy Risë của cô bé rất khó phát âm nên “ở trường học, tôi được gọi bằng mọi thứ, trừ Risë. Tôi đã phải tranh luận với các giáo viên. Tôi cần cho biết tên tôi được phát âm như thế nào”, Stevens sau này vui vẻ nhớ lại. 10 tuổi, Risë được mẹ dẫn đến thử giọng cho chương trình ca nhạc thiếu nhi “The Children’s Hour” được phát sóng mỗi sáng Chủ nhật trên đài phát thanh địa phương WJZ, cô bé đã được nhận. Người dẫn chương trình là Milton Cross, (sau này trở nên nổi tiếng với tư cách là phát ngôn viên cho các buổi phát thanh chiều thứ bảy của Metropolitan Opera). Risë đã kiếm được 1 đô la/1 tuần và học được một số trích đoạn opera mặc dù cô không biết đó là cái gì: “Nó chưa bao giờ được chỉ ra cho tôi. Tôi không biết chút gì về opera nhưng tôi đã hát nó”, Stevens kể lại.

Khi Risë 14 tuổi, gia đình cô chuyển tới Jackson Heights, Queens. Đến năm 18 tuổi, cô vẫn thường xuyên xuất hiện thậm chí là trong vai chính tại Little Theater Opera Company, một đoàn tạp kỹ ở Brooklyn (sau đó được biết đến với cái tên New York Opéra-Comique). Lúc này, cô đã lấy nghệ danh Risë Stevens. Cha cô tuy không thích con mình đứng trên sân khấu nhưng tôn trọng quyết định của con gái và gia đình luôn ở bên nếu như nhà hát đối xử với cô không tốt. Trong một đêm diễn, vị khán giả Anna Schoen-René, giảng viên thanh nhạc khá nổi tiếng của Juilliard School đã nhận thấy tiềm năng của cô gái trẻ và bắt đầu dạy Risë những bài học tư và sắp xếp để cô theo học theo diện có học bổng tại ngôi trường của mình, bắt đầu từ mùa thu năm 1933. Mùa hè trước khi học bổng có hiệu lực, Risë trợ giúp gia đình bằng cách làm người mẫu áo khoác lông thú tại khu may mặc Manhattan và hát trên chương trình phát thanh “Palmolive Beauty Box Theater”. Risë đã học tại Juilliard School cùng Schoen-René trong hai năm rưỡi. Mặc dù trước đó Risë được coi là một contralto nhưng Schoen-René đã phát hiện ra mezzo-soprano mới chính là chất giọng thực sự của cô và đã làm sáng nó lên. Mùa hè năm 1935, Schoen-René đã tài trợ cho cô học trò cưng của mình tới Mozarteum, Salzburg, Áo. Tại đây, Risë trau dồi các bài học thanh nhạc với soprano Marie Gutheil-Schoder và sau đó tại Vienna với Herbert Graf.

Trở về Metropolitan Opera, Stevens tham gia buổi thử giọng Metropolitan Opera Auditions of the Air đầu tiên vào mùa đông năm 1935. Đây là một cuộc thi được tổ chức hàng năm nhằm tìm kiếm, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của các ca sĩ opera trẻ. Người chiến thắng được trao giải thưởng bằng tiền mặt và mời ký hợp đồng biểu diễn một năm các chương trình trên sóng phát thanh cùng Metropolitan Opera. Tuy nhiên, Stevens đã không giành được giải thưởng. Mặc dù vài tháng sau đó nhà hát đã mời cô tham gia vai Orfeo (Orfeo ed Euridice, Christoph Willibald Gluck) nhưng Stevens đã từ chối. Cô nhận ra rằng mình vẫn chưa sẵn sàng và quay lại châu Âu để nâng cao các kỹ năng. Năm 1936, Stevens có được vai diễn đầu tiên của mình trong Mignon (Mignon, Ambroise Thomas) tại New German Theatre, Prague. Cô gắn với nhà hát này cho đến năm 1938 đồng thời cũng đã có được một số lần xuất hiện tại Vienna State Opera, trong đó đáng chú ý có Octavian (Der Rosenkavalier, Richard Strauss). Nhà phê bình Herbert F. Peyser đã mô tả trải nghiệm khi nhìn thấy Stevens trên sân khấu Vienna trên số New York Times vào tháng 4/1938: “Tôi đã nghe… một giọng hát đáng yêu, nở rộ… một giọng hát được trau dồi tuyệt vời trong toàn bộ âm vực của nó… Khi Risë Stevens đến Mỹ, đó sẽ là một nghệ sĩ chín muồi và đáng gờm bước ra sân khấu”. Với vai diễn này, Stevens đã cùng Vienna State Opera đi lưu diễn tại Teatro Colón, Buenos Aires vào năm 1938. Sau đó cô trở về Mỹ, và đó không phải là vì Stevens nhìn thấy trước thế chiến thứ hai nổ ra. Cô giải thích đơn giản: “Tôi không cảm thấy điều gì đang đến. Tôi còn trẻ như vậy. Và trong tâm trí tôi chỉ có một thứ và đó chỉ là âm nhạc, âm nhạc, âm nhạc.”

Ngày 22/11/1938 cuối cùng thì Stevens cũng có màn ra mắt cùng Metropolitan Opera trong một chuyến lưu diễn của nhà hát tại Philadelphia. Và vẫn là Octavian cùng với Lotte Lehmann. Một thành công tuyệt vời. Edwin H. Schloss đã viết trên Philadelphia Enquirer: “Một diễn viên mới trên sân khấu mà khán giả đêm qua đặc biệt chú ý là một cô gái trẻ người Mỹ, Risë Stevens, người lần đầu tiên xuất hiện ở đây với Octavian. Cô Stevens ra mắt trong một công ty nổi tiếng, nhưng không hề bối rối. Cô ấy có giọng hát thật đáng kinh ngạc là một trong những Octavian hay nhất, có lẽ là tốt nhất được thấy ở đây trong nhiều năm, sở hữu khả năng thanh nhạc tốt, được sử dụng một cách thông minh, khả năng biểu diễn trên sân khấu vượt xa tiêu chuẩn “diễn viên” thông thường”. Lần xuất hiện đầu tiên trên sân khấu Metropolitan Opera của Stevens là vào ngày 17/12/1938 trong Mignon. Và tiếp tục là những lời khen ngợi, Oscar Thompson bình luận trên The Sun: “Thêm Risë Stevens vào danh sách các ca sĩ opera hạng nhất ngày càng dài của Mỹ. Trong lần ra mắt Mignon tại nhà hát vào thứ Bảy, cô ấy đã chỉ ra rằng, với kinh nghiệm khiêm tốn và sự phát triển nghệ thuật, cô ấy sẽ có đóng góp thực sự cho nhà hát vào thời điểm này.” Thompson còn dự đoán giọng hát của Stevens sẽ rất phù hợp với các vở opera của Richard Wagner. Cô sau đó cũng hát một số vai của Wagner như Fricka (Die Walküre) bên cạnh Kirsten Flagstad, Lauritz Melchior, Elisabeth Rethberg vào ngày 27/11/1939 hay Erda (Das Rheingold) nhưng không thường xuyên. Đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Stevens. Năm 1939, cô kết hôn với Walter Surovy, một diễn viên người Áo mà cô quen từ hồi còn ở Prague. Họ đã sống với nhau hạnh phúc trong 61 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 2001. Surovy đã trở thành người quản lý cho vợ mình và vào năm 1945, ông đã thể hiện tài năng khi Lloyd’s of London đã bảo hiểm giọng hát của Stevens với giá lên đến 1 triệu đô la, một con số không tưởng lúc bấy giờ.

Stevens nhanh chóng trở thành giọng mezzo-soprano chủ lực tại Metropolitan Opera, bà gắn bó nhà hát với tư cách ca sĩ cho tới năm 1961. Đánh giá về tiềm năng của bà, Olin Downes, trên New York Times đã gọi bà “một người mới ra mắt với những tài năng không thể nghi ngờ, cả về giọng hát và sự kịch tính. Và đó là giọng hát có thể mang người sở hữu nó đi rất xa”. Vai chính trong Carmen (Georges Bizet) luôn được nhắc đến đầu tiên khi nói về Stevens, khêu gợi, trần tục và nóng bỏng, đầy đam mê và giận dữ. Bà ra mắt trong vai diễn này tại Metropolitan Opera vào ngày 28/12/1945, khởi đầu cho một huyền thoại thực sự. Astrid Varnay, một ngôi sao khác của Metropolitan Opera trong thời kỳ đó đã viết lời đề tựa cho cuốn sách tiểu sử Risë Stevens: một cuộc đời âm nhạc của John Pennino xuất bản vào năm 2006: “Risë đã kể về nó theo kiểu điều khiển một sự xúc động mạnh mẽ, làm toát lên vẻ quyến rũ với sự gợi cảm đáng tin cậy mà không hề làm sai lệch đi sự diễn giải của cô với quá nhiều microgram của sự thô tục”. Stevens tìm thấy ở Carmen sự thách thức không chỉ đến từ âm nhạc mà còn là diễn xuất. Bà nhớ lại những chỉ dẫn từ đạo diễn Tyrone Guthrie: “Hãy nghĩ đến cơ thể của cô, không gì khác, từ đỉnh đầu đến chân của cô”. Và Stevens đã “bước ra khỏi cô gái điếm”, học cách di chuyển để hoàn toàn trở thành cô gái Tây Ban Nha này. Năm 1951, Stevens cùng Jan Peerce, Robert Merrill, Licia Albanese đã thu âm vở opera Carmen cùng Fritz Reiner và RCA Victor Orchestra cho RCA Victor. Cho đến ngày nay, đây vẫn được đánh giá là một trong những chuẩn mực của vở opera này. Ngày 16/2/1952, Metropolitan Opera truyền hình trực tiếp từ nhà hát Carmen với sự tham gia của Stevens và Richard Tucker tới khắp nước Mỹ và đây là một sự kiện lịch sử, được coi là vở opera có lượng khán giả theo dõi đông đảo nhất.

Năm 1941, Stevens rẽ ngang sang lĩnh vực điện ảnh khi đóng vai chính trong The chocolate soldier, một điều không xa lạ với những ca sĩ opera thời đó. Sau đó, năm 1944, bà còn gây được tiếng vang hơn khi đóng trong Going my way bên cạnh Bing Crosby, bộ phim đã giành được 7 giải Oscar, trong đó có tượng vàng cho phim hay nhất và Crosby với diễn viên chính xuất sắc nhất. Mặc dù ông trùm điện ảnh Louis B. Mayer muốn Stevens xuất hiện trong nhiều bộ phim hơn, nhưng bà biết rằng opera là “phương tiện của mình” và không có gì có thể sánh được với đỉnh cao âm nhạc mà bà say mê. Stevens sau đó nói trên Washington Times: “Những người trong ngành công nghiệp điện ảnh không nghĩ đến việc có một người muốn quay lại hát opera sau khi có cơ hội ở lại Hollywood. Mayer nói với tôi: “Ý cô là gì? Tôi đang mang đến cho cô cơ hội tuyệt vời tại MGM”. Tôi đã nói với ông ấy rằng đó là cuộc sống của tôi”. Nicolas Surovy, con trai của bà cho biết: “Mẹ tôi biết nó, cảm nhận nó và sống với nó”. Dường như không điều gì có thể ngăn Stevens rời khỏi sân khấu opera. Năm 1951, trong buổi biểu diễn Der Rosenkavalier tại Metropolitan Opera, một ly rượu thuỷ tinh bị vỡ và vài mảnh văng vào mắt Stevens. Sau khi để bác sĩ lấy chúng ra, bà vẫn tiếp tục cho đến khi kết thúc đêm diễn. Còn trong Carmen vào năm 1952, Don José là Mario del Monano (người coi bà là một trong ba Carmen tuyệt vời nhất mà ông từng hát cùng, bênh cạnh Gianna Pederzini và Irina Arkhipova), trong một cảnh diễn, del Monaco đã đẩy bà mạnh đến nỗi bà bị chấn thương và phải vào bệnh viện. Nhưng trước đó, Stevens vẫn hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình.

Sự nổi tiếng với tư cách diễn viên điện ảnh cũng góp phần mang lại cho Stevens nhiều khán giả hơn trên sân khấu opera. Ngoài Octavian và Carmen, Stevens còn ghi dấu ấn của mình trong các vai Cherubino (Le nozze di Figaro, Wolfgang Amadeus Mozart), Orlofsky (Die fledermaus, Johann Strauss) hay Dalila (Samson et Dalila, Camille Saint-Saëns). Bên cạnh việc gắn bó với Metropolitan Opera, thỉnh thoảng bà cũng quay trở lại biểu diễn tại châu Âu như trong liên hoan Glyndebourne, Anh hay tại Athens, Paris và London. Ngày 24/3/1954, Stevens ra mắt tại La Scala trong vai Erodiade của vở La figlia del diavolo, một tác phẩm đương đại của Virgilio Mortari. Lịch diễn của bà bận rộn đến nỗi bà hát tại La Scala vào đêm ngày 1/4/1954 và sau đó trở về Mỹ để kịp buổi biểu diễn tại Metropolitan Opera vào ngày 3/4. Ngày 14/5/1959, Stevens đã hát trích đoạn Habanera (Carmen) dưới sự chỉ huy của Leonard Bernstein và New York Philharmonic trong lễ động thổ Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lincoln, ngôi nhà mới của New York Philharmonic và Metropolitan Opera, với sự tham dự của tổng thống Dwight D. Eisenhower.

Ngày 12/4/1961, sau buổi biểu diễn Carmen tại Metropolitan Opera, Stevens bất ngờ tuyên bố chia tay sự nghiệp opera với hơn 350 buổi biểu diễn, chỉ tính riêng tại đây, dù rằng chưa hề có bất kỳ dấu hiệu suy giảm nào trong giọng hát. Bà lý giải rằng muốn được khán giả nhớ tới khi mình vẫn còn một giọng hát đẹp: “Điều đó luôn khiến tôi thấy khó chịu. Khi tôi nghe đi nghe lại những ca sĩ vĩ đại, giọng hát của họ mới tuyệt vời làm sao và không có gì khác nữa”. Dù rằng chia tay opera nhưng bà vẫn tham gia biểu diễn trong các chương trình hoà nhạc hoặc trên sóng phát thanh và truyền hình. Stevens được ghi nhận “có lẽ là một trong những ngôi sao opera lớn tỉnh táo nhất trong thời đại của bà”, như Opera News đã nhận xét vào năm 2006. Và ngay sau khi chia tay Metropolitan Opera, Stevens cho thấy uy tín của mình vẫn còn tốt đẹp như thế nào. Có một mâu thuẫn lớn xảy ra giữa ban giám đốc nhà hát và công đoàn, bảo vệ quyền lợi cho các nhạc công, có nguy cơ dẫn tới việc toàn bộ mùa diễn sẽ bị huỷ bỏ. Đặc biệt lưu ý tới vấn đề hàng triệu người dân Mỹ được nghe opera từ Metropolitan Opera trên sóng phát thanh vào các chiều thứ Bảy, bà viết thư cho tổng thống John F. Kennedy, đề nghị ông can thiệp. Bộ trưởng bộ Lao động Arthur Goldberg đã được cử đến và các vấn đề được giải quyết ổn thoả trong vòng ba tuần lễ, mùa diễn đã được cứu vãn.

Trong khi bỏ lại phần lớn việc biểu diễn, bà vẫn hoạt động đằng sau hậu trường với tư cách là quản trị viên của một công ty lưu diễn opera và là một nhà giáo dục, giúp thúc đẩy sự phát triển của opera trên toàn quốc và góp phần gia tăng các ca sĩ được đào tạo ở Mỹ. Năm 1964, Stevens bắt đầu sự nghiệp thứ hai của mình, làm cố vấn cho những ca sĩ trẻ. Bà được bổ nhiệm làm đồng giám đốc của Metropolitan Opera national company, công ty phụ trách việc tổ chức lưu diễn cho những ca sĩ trẻ tới những cộng đồng khó có cơ hội được tiếp cận trực tiếp với loại hình nghệ thuật này. Chương trình này được tổng thống John F. Kennedy hết sức ủng hộ và nhận được sự tài trợ từ Metropolitan Opera và Trung tâm biểu diễn nghệ thuật John F. Kennedy. Tuy nhiên, công ty này chỉ tồn tại đến năm 1967 do thiếu kinh phí. Mặc dù công khai ủng hộ nhưng Tổng giám đốc Rudolf Bing lại ngấm ngầm chê bai ý tưởng này và cho rằng nó quá tốn kém. Stevens sau đó dù không tỏ ra tiếc nuối nhưng “chúng tôi cần công ty đó và chúng tôi cần nó ngay bây giờ. Tôi có thể thấy những ca sĩ được tốt nghiệp từ nhạc viện, tài năng tốt, tài năng đặc biệt, được đào tạo bài bản, nhưng không có cơ hội để trải nghiệm”. Bà trở thành giám đốc điều hành của Metropolitan Opera National Council Regional Auditions, một bản nâng cấp của Metropolitan Opera Auditions of the Air mà bà đã từng tham dự trước kia, có trách nhiệm phát hiện, hỗ trợ, quảng bá và phát triển các ca sĩ opera trẻ tại Mỹ, Canada và Puerto Rico. Giải nhất của cuộc thi lên đến 15.000 đô la và có rất nhiều cơ hội được toả sáng sau đó tại Metropolitan Opera. Rất nhiều tài năng lớn của nền opera thế giới trưởng thành từ cuộc thi này, ví dụ như Grace Bumbry, Jesssye Norman hay Shirley Verrett.

Năm 1975, Stevens là chủ tịch của Mannes School of Music, một nhạc viện nhỏ ở New York. Bất chấp những khó khăn về ngân sách, bà đã thành công trong việc mời về trường những giảng viên danh tiếng, trong đó có Vladimir Horowitz. Tuy nhiên, bà từ chức vào năm 1978 do những bất đồng với những thành viên khác trong đội ngũ lãnh đạo trường. Trong suốt cuộc đời mình, Stevens đã giành được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý, trong đó có Kennedy Center Honors vào năm 1990 vì là “người đã nâng nghệ thuật opera ở đất nước này lên mức cao nhất”. Bà cũng rất hài lòng vì sự phát triển của opera tại Mỹ: “Khi tôi còn là một ca sĩ trẻ, mọi người luôn nói với chúng tôi về một thời kỳ hoàng kim của opera. Bây giờ họ nói với tôi rằng tôi đã là một phần của thời kỳ hoàng kim. Tất cả đều hơi nực cười. Chúng ta thực sự đang sống trong một thời kỳ hoàng kim ngay lúc này, một thời đại của những giọng hát Mỹ tuyệt vời… Tôi đã có một sự nghiệp tốt đẹp. Giờ đây, niềm vui là được nhìn các nghệ sĩ trẻ lớn lên, trưởng thành và có lẽ sẽ là những người thành công”. Stevens qua đời trong căn hộ của mình ở Manhattan vào tối ngày 20/3/2013 do nguyên nhân tự nhiên, khi chỉ hơn hai tháng nữa bà tròn 100 tuổi.

Metropolitan Opera đã tri ân những đóng góp của Stevens, gọi bà là “một nghệ sĩ nhiệt thành, đồng nghiệp đáng kính và là người ủng hộ tận tụy cho công ty trong 75 năm”. Stevens cùng với Lily Pons, Dorothy Kirsten hay Lawrence Tibbett là điển hình cho một lớp ca sĩ Mỹ đã đưa opera ra khỏi nhà hát và đến với từng ngôi nhà ở Mỹ, như học giả opera Roger Pines đã từng nhận xét: “Toàn bộ đất nước là khán giả của bà, không chỉ những người đến Metropolitan”. Bà chiếm một vị trí quan trọng trong dòng chảy opera tại Mỹ, góp phần đáng kể trong việc truyền bá nghệ thuật tuyệt vời này. Bất kỳ ở vị trí, công việc nào, Stevens luôn nỗ lực hết mình, vì đó là niềm đam mê suốt đời của bà.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
nytimes.com
latimes.com
sandiegouniontribune.com