Vào ngày 17 tháng 7 năm 1717, vua George I của nước Anh tổ chức một bữa tiệc thượng lưu trên sông Thames. Và tất nhiên, tiệc tùng của các ông hoàng bà chúa không thể thiếu âm nhạc, dù là tổ chức trên sông.

Tờ Daily Courant miêu tả cảnh hội hè đình đám trên sông Thames ngày đó như sau: “có nhiều thuyền của giới thượng lưu tham dự và số thuyền lớn đến mức dàn kín cả mặt sông; người ta dùng một con thuyền của phường hội Luân Đôn để chở các nhạc công, 50 người cả thẩy, chơi nhạc suốt hành trình từ Lambeth…Bản giao hưởng hay nhất, được sáng tác đặc biệt cho dịp này là của Mr Handel mà đức vua thích đến nỗi đòi chơi đi chơi lại những 3 lần.”

Mr Handel mà tờ Daily Courant nhắc đến chính là nhà soạn nhạc George Frideric Handel (1685 – 1759). Handel sinh cùng năm và cũng là người Đức như Johann Sebastian Bach (1685 – 1750) nhưng con đường lập thân, lập nghiệp của hai ông rất khác biệt về không gian. Bach cả đời không rời Đức còn Handel thì sang Ý rồi sang Anh. Phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của Handel trải qua ở nước Anh (ông nhập quốc tịch Anh năm 1727).

Năm 1710, George I (lúc đó mới chỉ là hoàng thân xứ Hanover) đã hào phóng phong cho “nhạc sĩ lang thang” Handel một chức vụ trong triều đình mình. Tuy nhiên Handel thực sự chưa bao giờ làm tròn nhiệm vụ soạn nhạc cho triều đình George I. Vì thế sau khi George I tới Luân Đôn và đăng quang vua Anh vào năm 1714, Handel khá miễn cưỡng khi phải đối mặt với vị ân nhân này.

Bữa tiệc trên sông Thames năm 1717 là một cơ hội tuyệt vời để Handel cải thiện vị thế của mình trong con mắt hoàng gia Anh. Chỉ tội cho các nhạc công mệt nhoài khi phải chơi lại nhiều lần tác phẩm dài hàng giờ.

Ở thời Baroque, một bản giao hưởng là một tác phẩm hòa tấu chỉ của các nhạc cụ mà không có bè giọng hát – loại tác phẩm này được những người Ý khởi xướng. Từ “giao hưởng” cũng được áp dụng để chỉ phần mở đầu khí nhạc hoặc phần ngưng nghỉ trung gian (interlude) trong các thể loại thanh nhạc lớn như cantata, opera và oratorio.

Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi tờ Daily Courant gọi tác phẩm “được sáng tác đặc biệt cho dịp này” là “bản giao hưởng”. Ngày nay những người yêu nhạc Handel biết đến nó với cái tên Water Music (Nhạc trên nước).

Trong danh mục tác phẩm của Handel, Water Music là bộ 3 tổ khúc cho dàn nhạc mang ký hiệu HWV 348-350, lần lượt ở các điệu thức Fa trưởng; Rê trưởng và Sol trưởng. Water Music là một trong hai tác phẩm cho dàn nhạc nổi tiếng nhất của Handel, cùng với tổ khúc Music for the Royal Fireworks (Âm nhạc cho lễ hội pháo hoa hoàng gia, HWV 351).

Water music được mở đầu bằng một Overture Pháp rồi đến một loạt các chương nhạc mang tính vũ khúc như minuet, bourré… Handel sử dụng các nhạc cụ thời Baroque có thể mang lên thuyền được (vì thế không có harpsichord). Ngoài ra, các nhạc cụ hơi-gỗ và nhạc cụ đồng đã phát huy được lợi thế của chúng trong không gian mở.

Trình tự các chương nhạc trong Water Music mà ngày nay chúng ta nghe không hoàn toàn giống với trình tự mà vua George I cùng quần thần nghe ngày ấy. Handel đã sắp đặt để các chương chậm, êm ái được chơi khi thuyền rồng và thuyền chở nhạc công ở gần nhau còn các chương nhanh và ầm ĩ hơn được chơi khi hai thuyền này xa nhau.

Cũng theo tờ Daily Courant, các chương nhạc thuộc tổ khúc Water music No. 3 giọng Sol trưởng HWV 350, với âm điệu êm ái hơn của các đàn dây và flute, được dành để biểu diễn trong bữa tiệc tối tự chọn tại biệt thự của huân tước Ranelagh ở Chelsea, nơi có một buổi hòa nhạc khác kéo dài đến tận 2 giờ sáng.

Nếu bạn đang lên thực đơn âm nhạc cho bữa tiệc sắp tới cùng bạn bè và cảm thấy hơi nhàm chán với các vũ khúc thành Vienna của gia đình Strauss thì tổ khúc cho dàn nhạc thời Baroque là một lựa chọn đáng lưu tâm. Các tác phẩm thuộc thể loại kết hợp giữa khía cạnh nghệ thuật và khía cạnh giải trí như Water music của Handel hay các Tổ khúc cho dàn nhạc của Bach hẳn sẽ khiến các thực khách sành sỏi phải trầm trồ.

Ngọc Anh (nhaccodien.info)