Amilcare Ponchielli là nhà soạn nhạc quan trọng ở Ý vào thế kỷ 19, chủ yếu được biết đến với các vở opera, đặc biệt là tác phẩm La Gioconda được sáng tác vào năm 1876, mặc dù ông còn là tác giả của các vở opera khác, cũng như âm nhạc cho ballet, dàn nhạc, thính phòng và một số ca khúc. Ông là một ví dụ điển hình cho một nhà soạn nhạc tài năng nhưng bản chất lạc hậu và bảo thủ, nhìn dưới góc độ nào đó, đã phá hoại sử nghiệp của ông. Ponchielli có trí tưởng tượng phong phú, khả năng đặc biệt để diễn giải các tình huống và cảm xúc khác nhau. Nếu như chỉ một điểm yếu nhất trong tư duy nghệ thuật của ông thì đó là sự thiếu nhất quán trong cảm hứng. Chỉ bằng La Gioconda, chúng ta cũng có thể nhận biết ông là một tài năng thực sự. Nhưng cái bóng khổng lồ của Giuseppe Verdi là quá rộng lớn, dường như đã che khuất Ponchielli. Hơn thế nữa, sự gắn bó với những truyền thống xưa cũ, đặc biệt với phong cách melodramma phố biến tại Ý vào thế kỷ thứ 17, không chịu thích nghi với những đổi thay đang diễn ra mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỉ 19 trên khắp châu Âu đã khiến nhiều tác phẩm của ông không được đón nhận. Bên cạnh đó, căn bệnh trầm cảm có lẽ cũng là một nguyên nhân khiến các tác phẩm của ông không được đồng đều về mặt nghệ thuật. Nhưng nếu như nói đến opera Ý thế kỷ 19 mà bỏ qua cái tên Ponchielli thì quả thật là một thiếu sót lớn. Bên cạnh việc là tác giả của vở opera La Gioconda mà ngày nay vẫn thường xuyên được biểu diễn, Ponchielli còn có một đóng góp quan trọng nữa mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó chính là việc ông là thầy giáo của Giacomo Puccini và Pietro Mascagni, những nhà soạn nhạc tiêu biểu của opera Ý thời kỳ hậu Verdi và Ponchielli.
Nhà soạn nhạc Amilcare Ponchielli sinh ra tại Paderno Fasolaro, một ngôi làng nông thôn nhỏ, cách thủ phủ tỉnh Cremona khoảng 9km, thuộc vùng Lombardy, phía Bắc nước Ý vào ngày 31/8/1834. Cha mẹ của Amilcare, ông Giovanni và bà Caterina Mora là chủ của một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Tài năng âm nhạc của cậu bé phát triển từ rất sớm. Ông Giovanni là một nghệ sĩ nghiệp dư chơi organ rất khá và chính ông đã dạy cậu con trai mình những bài học âm nhạc đầu tiên. Tuy nhiên, điều kiện gia đình Amilcare chỉ giới hạn cho cậu bé theo học với một nghệ sĩ chơi đàn organ của nhà thờ gần đó. Thật may mắn, nhận thức được tiềm năng của Amilcare, ông Giovanni Battista Jacini, một quan chức địa phương đã cấp học bổng cho cậu bé theo học tại Nhạc viện Milan, trường nhạc danh giá nhất nước Ý vào thời điểm đó. Và năm 1843, khi mới chỉ 9 tuổi, cậu bé đã rời xa gia đình để theo đuổi ước mơ của mình. Tại đây, Felice Frase và Alberto Mazzucato là những người thầy chính của cậu. Ngoài ra, Amilcare còn theo học Arturo Angeleri về piano và Pietro Ray về lý thuyết âm nhạc. Cậu bé đã thể hiện trình độ vượt bậc của mình khi chỉ mới 10 tuổi đã có thể sáng tác được một bản giao hưởng dưới định dạng phiên bản dành cho piano.
Từ năm 1851, Ponchielli bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về opera. Trước đó, ông đã tập trung sáng tác khá nhiều thể loại, trong đó có tác phẩm dành cho dàn nhạc Scena campestre rất được chú ý. Sản phẩm đầu tay của Ponchielli trong thể loại opera là Il sindaco babbeo, một tác phẩm mà ông hợp tác cùng với 3 sinh viên khác vào năm 1851. Poncchieli tốt nghiệp nhạc viện năm 1854 với vị trí thủ khoa. Sau đó, ông trở về Cremona để làm việc tại nhà hát Concordia và chơi organ tại nhà thờ Sant’Imerio. Nhà hảo tâm Bortolo Piatti là người rất mến mộ tài năng của Ponchielli nên đã hỗ trợ ông rất nhiều về mặt tài chính trong thời điểm này. Nhờ đó, Ponchielli đã có thêm nhiều thời gian để dành cho việc sáng tác.
Vở opera đầu tiên của Ponchielli là I promessi sposi (Người được hứa hôn) dựa theo tác phẩm văn học lịch sử nổi tiếng cùng tên của nhà văn đương thời Alessandro Manzoni. Có đến 6 người, trong đó bao gồm cả Ponchielli tham gia viết kịch bản cho vở opera này. Tác phẩm được công diễn ra mắt tại Teatro Concordia, nơi Ponchielli đang làm việc vào ngày 30/8/1856. Tuy nhiên, tác phẩm được đón nhận khá dè dặt. Khoảng thời gian ban đầu này không hề dễ dàng đối với Ponchielli. Trong khoảng 15 năm sau đó, ông đã phải rất vất vả trong việc tìm kiếm danh tiếng cho bản thân mình. Vở opera sau đó của Pocchielli là Bertrando dal Bormio được sáng tác vào năm 1858, dù đã được dự kiến ra mắt tại Turin nhưng rồi không được biểu diễn. Còn hai vở opera sau đó của Ponchielli: La Savoiarda (1860) và Roderigo re dei Goti (1863) chỉ giành được một vài buổi biểu diễn khiêm tốn tại những nhà hát opera nhỏ, chưa đủ để cái tên Ponchielli được biết đến rộng rãi. Năm 1864, ông trở thành nhạc trưởng của dàn nhạc thành phố Cremona và Piacenza. Ông đã chuyển soạn và sáng tác hơn 200 tác phẩm dành cho bộ hơi để các dàn nhạc này trình diễn. Ponchielli cũng bắt đầu sáng tác âm nhạc dành cho ballet Grisetta. Mặc dù vở ballet này đã giành được những thành công nhất định nhưng ông vẫn muốn tập trung sự chú ý của mình vào các vở opera. Poncchieli đã bắt tay vào sửa chữa tác phẩm I promessi sposi với kịch bản được giao phó cho Emilio Praga.
Năm 1868, Ponchielli đã giành chiến thắng trong một cuộc thi tìm kiếm một vị trí giảng dạy phức điệu và đối âm tại Nhạc viện Milan, ngôi trường mà trước kia ông theo học. Tuy nhiên, tưởng như ông đã có được một công việc đáng mơ ước nhưng cuối cùng hội đồng đã lựa chọn nhà soạn nhạc, nhạc trưởng Franco Faccio chứ không phải Ponchielli. Điều này đã mang đến cho ông một sự thất vọng lớn lao. Một thời kỳ buồn chán và cay đắng khá dài đã diễn ra, niềm cảm hứng sáng tác trong ông dường như đã cạn kiệt. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào năm 1872. Đây là mốc thời điểm đánh dấu bước ngoặt to lớn trong cuộc đời của Pocchielli. Vở opera I promessi sposi được sửa đổi đã giành được tiếng vang trong đêm diễn vào ngày 5/12/1872 tại Teatro Dal Verme, Milan. Với chiến thắng này, Ponchielli đã được nhà xuất bản Giulio Ricordi mời ký hợp đồng hợp tác. Vai nữ chính trong đêm diễn là Teresina Brambilla, một trong những giọng soprano tài ba nhất nước Ý lúc này. Hai năm sau, cô trở thành vợ của Ponchielli và trở thành diễn viên xuất sắc nhất trong các vở opera của chồng mình. Ngoài ra, Ponchielli cũng thiết lập các mối quan hệ âm nhạc với La Scala và cuối cùng đã được mời giảng dạy tại Nhạc viện Milan, một công việc mà ông rất yêu quý và trân trọng. Cũng trong năm 1872 này, Ponchielli đã sáng tác bản concerto đầu tiên trên thế giới cho euphonium, một loại kèn đồng chưa được biết đến nhiều vào thời bấy giờ. Tác phẩm đáng kể khác là 15 biến tấu trên giai điệu quen thuộc “Carnevale di Venezia”, một điều mà cả Niccolò Paganini và Frédéric Chopin đã từng làm.
I promessi sposi đã liên tục được công diễn tại nhiều nhà hát trên khắp nước Ý. Tuy nhiên, Ponchielli vẫn chưa hài lòng với tác phẩm của mình, ông còn tiếp tục sửa chữa nó 2 lần trong các năm 1873 và 1874. Với sự qua đời của Manzoni vào năm 1873, Ricordi đã đặt hàng Ponchielli sáng tác 2 tác phẩm để tưởng nhớ nhà văn danh tiếng. Tuy nhiên, ngày nay chúng đều bị thất lạc, chỉ còn sót lại một tiểu phẩm dành cho dàn nhạc kèn Per i funerali di Manzoni. Năm 1874, vở ballet Le do gemelle (Hai anh em sinh đôi) của ông đã giành được những thành công đáng kể tại La Scala. Tuy nhiên, vở opera hài hước ngắn một màn Il parlatore eterno được trình diễn tại Lecco lại không có được may mắn như vậy. Sau khi kết hôn với Brambilla, Ponchielli chuyển đến sinh sống tại Milan và cống hiến hết mình với một nguồn năng lượng mới dồi dào cho việc sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên, những dấu hiệu bất an và trầm cảm của ông cũng đã bắt đầu xuất hiện. Ricordi đã đặt hàng Ponchielli sáng tác một vở opera và vào ngày 7/3/1874 I Lituani (Người Lithuania) với kịch bản của Antonio Ghislanzoni (người từng cộng tác với Verdi trong Aida, La forza del destino và Don Carlo) đã lần đầu ra mắt tại La Scala. Nhạc trưởng trong đêm diễn chính là Faccio, người đã chiếm lấy vị trí của Ponchielli tại nhạc viện Milan. Tác phẩm đã nhận được phản ứng tích cực từ phía những nhà phê bình và khán giả. Tên tuổi của Ponchielli đã dần được đón nhận như là một trong những tác giả opera hàng đầu của Ý.
Năm 1876, thành công rực rỡ nhất đã đến với sự nghiệp của Ponchielli. Vở opera 4 màn La Gioconda công diễn buổi đầu tiên tại La Scala vào ngày 8/4/1876. Kịch bản do nhà soạn nhạc, người viết libretto nổi tiếng Arrigo Boito sáng tác (trong tác phẩm này ông lấy bút danh là Tobia Gorrio), được dựa theo vở kịch Angelo, tyran de Padoue (Bạo chúa xứ Padua) sáng tác vào năm 1835 của đại văn hào Victor Hugo. Nhạc trưởng vẫn là Faccio. Trước đó cũng có một số nhà soạn nhạc cũng sáng tác vở opera dựa trên tác phẩm này như Saverio Mercadante (1837), Antonio Carlos Gomes (1874) và César Cui (1876). Nhà soạn nhạc đồng hương với Ponchielli, Alfredo Catalani cũng sáng tác một vở opera có nội dung tương tự vào năm 1883. Đây là một trong những vở opera tiêu biểu cho thể loại Grande opera của Ý, dùng để chỉ những vở opera đồ sộ, có thời lượng dài, sử dụng nhiều ballet, tương đương với Grand-Opéra của Pháp. Mặc dù La Gioconda đã chiếm được cảm tình của công chúng Milan nhưng bản thân Ponchielli vẫn chưa hài lòng với tác phẩm. Ông còn sửa chữa nó thêm hai lần nữa. Phiên bản cuối cùng và cũng là phiên bản chúng ta thường được nghe nhất hiện nay công diễn lần đầu vào ngày 28/3/1880, cũng tại La Scala. Tác phẩm lần đầu tiên được xuất hiện tại Mỹ vào ngày 20/12/1883 tại Metropolitan Opera, không lâu sau khi nhà hát vừa được thành lập. Vở opera có bối cảnh vào thế kỷ thứ 17 này là tác phẩm hiếm hoi dành vai diễn cho cả 6 loại giọng hát chính và thường xuyên được biểu diễn nhiều nhất của Ponchielli. Vở opera có nhiều trích đoạn quen thuộc, thường được biểu diễn trong các buổi hoà nhạc của các ca sĩ như aria “Cielo e mar” dành cho tenor hay “Suicidio!” của soprano. “Điệu nhảy thời gian”, đoạn kết trong màn III tác phẩm là một vở ballet ngắn, thời lượng khoảng 10 phút, miêu tả các giờ trong ngày thông qua những điệu nhảy cũng là một trích đoạn vô cùng nổi tiếng. Nó được biết đến rộng rãi hơn vào năm 1940 khi Walt Disney đưa “Điệu nhảy thời gian” vào trong bộ phim hoạt hình Fantasia nổi tiếng của mình.
Những năm 1870 và 1880 là giai đoạn khá trầm lắng trong sự nghiệp của Verdi. Kể từ khi công diễn Requiem vào ngày 22/5/1874, ông không sáng tác thêm được tác phẩm nào mới cho đến tận ngày 5/2/1887 với Otello, ngoại trừ các phiên bản sửa chữa của Simon Boccanegra và Don Carlos. Thật tình cờ, đó cũng là giai đoạn đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ponchielli. Ông đã được giới mộ điệu đặt nhiều kỳ vọng, gánh trách nhiệm trở thành người đứng đầu cho nền nghệ thuật opera Ý. Tuy nhiên, dường như điều đó là quá sức đối với Ponchielli. Ông đã hết sức nỗ lực trong vở opera tiếp theo Il figliuol prodigo (Đứa con hoang đàng), với cốt truyện dựa theo kinh Phúc âm được công diễn tại La Scala vào ngày 26/12/1880. Dù rằng rất được yêu thích khi ra mắt nhưng dần dần, vở opera này đã chìm vào quên lãng. Vở opera cuối cùng của Ponchielli là Marion Delorme dựa theo tác phẩm cùng tên của Hugo ra mắt tại La Scala vào ngày 17/3/1885 đã nhận được những lời bình luận tiêu cực. Ông đã cố gắng sửa chữa nó nhưng không mang lại kết quả khả quan. Tháng 12/1885, khi đang ở Piacenza để dàn dựng La Gioconda với sự tham gia của vợ mình, Ponchielli đã mắc bệnh viêm phổi. Ông phải quay trở lại Milan để chữa trị. Tuy nhiên, trên tàu hoả không có hệ thống sưởi khiến bệnh tình của ông thêm trầm trọng. Ponchielli qua đời tại Milan vào ngày 16/1/1886 ở tuổi 51. Ông được chôn cất tại Cimitero Monumentale di Milano.
Mặc dù Ponchielli đã sáng tác một khối lượng tác phẩm khá lớn nhưng ngày nay chỉ có La Gioconda là được biểu diễn thường xuyên. So sánh với những nhà soạn nhạc đương thời, âm nhạc của ông dường như ít chất Ý hơn mà chịu ảnh hưởng của Pháp và Đức. Ponchielli thường sử dụng một dàn nhạc đồ sộ hơn và cách phối khí của ông cũng phức tạp hơn, mang tới những màu sắc vô cùng đa dạng. Cũng là một nhạc trưởng, Ponchielli thường hay biểu diễn các tác phẩm của Jules Massenet và Richard Wagner. Ông có đóng góp đáng kể thông qua những ảnh hưởng nhất định đến thế hệ các nhà soạn nhạc verismo, trong đó đặc biệt phải kể đến Puccini và Mascagni, những cậu học trò của Ponchielli tại nhạc viện Milan. Để tưởng nhớ tới nhà soạn nhạc tài ba, ngôi làng nơi ông sinh ra được đổi tên thành Paderno Ponchielli và nhà hát tại Cremona, nơi Ponchielli từng làm việc trước kia cũng được mang tên ông.
Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn:
shsu.edu
allmusic.com
Bình luận Facebook