Thông tin chung

Tác giả: Franz Liszt.
Tác phẩm: Concerto piano số 1 giọng Mi giáng trưởng, S. 124
Thời gian sáng tác: Chủ đề chính xuất hiện từ năm 1830 và được hoàn thành vào năm 1849. Tuy nhiên sau đó Liszt còn sửa chữa tác phẩm vào những năm 1853 và thực sự hoàn thành vào năm 1856.
Công diễn lần đầu: Ngày 17/2/1855 tại Weimar với tác giả chơi piano và Hector Berlioz chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 20 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano Henry Litolff.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro maestoso
Chương II – Quasi adagio
Chương III – Allegretto vivace – Allegro animato
Chương IV – Allegro marziale animato
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, piccolo, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, 3 trombone, timpani, cymbals, triangle và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Các phác thảo đầu tiên của bản Concerto piano số 1 của Liszt được cho là ra đời vào năm 1830 nhưng sau khi phát hiện ra Paganini, các quan điểm về âm nhạc của Liszt đã thực sự thay đổi. Buổi trình diễn đỉnh cao của Paganini tại Paris năm 1832 đã hoàn toàn thôi miên Liszt. Âm nhạc của Paganini khó đến nỗi không một nghệ sĩ violin nào khác có thể chơi được và ông đã giới thiệu những âm thanh mê hoặc mà người dân Paris chưa từng được nghe trước đây. Liszt đã từ bỏ sự nghiệp nghệ sĩ piano của mình và lao vào luyện tập. Khi xuất hiện sau đó, Liszt đã thực sự chuyển mình thành Paganini của piano, bậc thầy biểu diễn vĩ đại nhất thế kỷ 19. Tuy nhiên, bản Concerto piano của Liszt thì mất nhiều thời gian hơn để nảy mầm. Mặc dù bản concerto giọng Mi giáng trưởng được ngày nay chúng ta biến đến là bản số một nhưng trên thực tế ông đã viết 3 bản trước đó, tất cả chúng đều bị thất lạc. Nhưng Liszt khá kì vọng vào tác phẩm này. Trong một lá thư viết vào ngày 12/12/1832, ông tiết lộ: “Tôi đã chuẩn bị và làm việc khá lâu với vài tác phẩm khí nhạc, trong đó có… một concerto được tôi làm mới và phần đệm sẽ được tôi viết”.

Một số phác thảo của bản concerto vào năm 1834-1835 cho thấy chương II và chương III được kết nối với nhau và chủ đề chính của chương II được chuyển xuống dưới cùng. Tuy nhiên, phiên bản này không bao giờ được trình diễn. Liszt đã gạt nó sang một bên và chỉ trở lại vào năm 1839 khi ông viết lại gần như hoàn toàn mặc dù vẫn giữ nguyên chủ đề chính đầy ấn tượng. Tại thời điểm này, ông đã chuyển bản concerto thành tác phẩm 1 chương hoặc nếu thích thì có thể gọi đó là những chương nhạc riêng lẻ được nhồi chung vào một tác phẩm (trong ấn bản cuối cùng của tác phẩm, âm nhạc được chia thành 4 chương, nhưng truyền thống biểu diễn phản ánh logic âm nhạc của tác phẩm với việc chuyển từ chương này sang chương khác mà không có sự dừng lại đáng kể nào).

Việc viết toàn bộ tác phẩm này được cho là một phản ứng lại đánh giá năm 1836 của Schumann về bản Concerto piano số 6 “Fantastique”, Op. 90 của Ignaz Moscheles, một tác phẩm cũng tìm cách tích hợp các chương của một bản concerto thành một tổng thể liên tục: “Concerto bao gồm 4 chương, liên tục không ngừng nghỉ nhưng ở các tốc độ khác nhau. Chúng tôi tuyên bố phản đối hình thức này. Mặc dù dường như có thể xây dựng được một sự đồng nhất dễ chịu trong đó, nhưng những rủi ro về mặt mỹ học dường như quá lớn nếu so với khả năng này. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những phần nhỏ hơn, nơi mà những nghệ sĩ bậc thầy có thể cùng lúc giới thiệu cho chúng ta allegro, adagio và rondo. Sẽ là rất tuyệt nếu phát minh ra một hình thức mới gồm có một chương rộng lớn ở tốc độ vừa phải trong đó phần chuẩn bị có thể thay thế cho allegro, catabile là adagio và đoạn kết chói sáng là phần rondo. Có lẽ ý tưởng này sẽ truyền cảm hứng cho một điều gì đó mà chúng tôi rất vui khi được thể hiện trong một tác phẩm nguyên bản đặc biệt”.

Liszt dường như đã chấp nhận thách thức của Schumann bằng cách kết hợp các những ý tưởng của mình không phải vào “những phần nhỏ” mà vào một bản concerto đầy đủ. Mặc dù vậy, Liszt vẫn lo ngại tác phẩm của mình chưa hoàn hảo. Ông đã thực hiện nhiều chỉnh sửa nhỏ vào các năm 1849, 1853, 1855 và cho đến khi hoàn chỉnh mất tổng cộng 23 năm (lâu hơn cả quá trình ra đời bản Giao hưởng số 1 của Brahms).

Phân tích

Có thông tin cho rằng Hans von Bülow, học trò và là con rể Liszt, đã gắn vào chủ đề chính xuyên suốt tác phẩm cụm từ “Das versteht ihr alle nicht, haha!” (Bạn không hiểu điều gì trong số này, haha!). Cũng có nguồn dẫn rằng chính Liszt là người đã đề như vậy. Chủ đề này xuất hiện ngay đầu chương I với sự dẫn dắt của bè dây, đầy mạnh mẽ, hùng dũng như lời tuyên ngôn về sắc thái của tác phẩm. Piano đầy kịch tính gia nhập với những quãng 8 bốc lửa, đúng sắc thái chúng ta hay gặp ở Liszt. Chủ đề chính bất chợt yên ắng hơn, âm nhạc trở nên hài hoà và mơ hồ, một hiệu ứng rất lãng mạn. Piano liên tục phóng ra những chuỗi nhạc mang tính ngẫu hứng rất cao, ở nhiều giọng điệu khác nhau, không tuân theo các quy luật hoà thanh thông thường. Âm nhạc bỗng trở nên du dương hơn khi piano bắt đầu một màn song ca đầy khao khát, biểu cảm với clarinet. Âm nhạc lớn dần dẫn đến sự trở lại đầy giật gân của chủ đề “Das versteht ihr alle nicht, haha!” của piano trên những quãng 8 ma quái.

Âm nhạc nhỏ dần đến pianissisimo và gần như dừng lại trong giây lát trước khi bước vào chương II. Một chủ đề mới xuất hiện trên âm vực trầm của bè dây. Sự ngập ngừng xuất hiện, piano chuyển sang một giai điệu có thể hát lên được, như thú nhận điều gì đó. Dàn nhạc cố gắng gia nhập, nhưng piano đã cắt ngang với phần âm nhạc có tính đối lập, một phong cách recitative. Cuộc khủng hoảng được giải quyết bằng một giai điệu của flute phía trên những nốt trill của piano, sau đó diễn ra các cuộc đối thoại lần lượt của piano với clarinet rồi flute, cello và quay lại với clarinet để kết thúc chương nhạc.

Chương III mở đầu bằng tiếng triangle mà Liszt mô tả là “motif nhỏ bị chế giễu”. Đúng vậy, nhà phê bình âm nhạc Eduard Hanslick đã dè bỉu gọi đây là “Triangle concerto”. Tại thời điểm này, việc sử dụng nổi bật các nhạc cụ bộ gõ ngoài timpani thường được coi là xúc phạm chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, âm thanh của triangle lại rất phù hợp với khúc scherzo ma quái sau đó – điệu nhảy của một phi đội phù thuỷ dường như được lấy cảm hứng từ âm nhạc trong các câu truyện cổ tích của Mendelssohn. Chương nhạc tươi sáng, nhiều bản song ca vui vẻ giữa piano và kèn gỗ. Tuy nhiên ở nửa cuối chương nhạc màu sắc âm nhạc trở nên tối hơn. Trong phần độc tấu piano, chủ đề “Das versteht ihr alle nicht, haha!” trở lại, dàn chơi với âm điệu lớn dần dẫn đến chương cuối.

Chương IV được hình thành trên cơ sở tái hiện lại hầu hết các giai điệu đã xuất hiện tại 3 chương trên. Mở đầu là chủ đề chính của bản concerto piano (về mặt hoà thanh thậm chí còn kém hài hoà hơn chương I). Sau đó, chủ đề trên flute ở chương II cũng được xuất hiện. Một đoạn nhạc mãnh liệt được ghi chú Allegro marziale (Allegro hùng dũng) diễn ra, trong đó, chủ đề “thú nhận” ở chương II được chuyển thành một cuộc hành quân ma quỷ, kết thúc trong tiếng cymbals. Trombone và bè dây trầm cắt ngang cuộc hành quân với nửa sau của chủ đề “thú nhận”. Cuộc hành quân trên chủ đề flute và chủ đề vũ điệu của phi đội phù thuỷ nối tiếp, trong khi các chủ đề khác của bản concerto hoà vào nhau. Đoạn kết với âm lượng tăng dần dẫn tới chủ đề “Das versteht ihr alle nicht, haha!” chiến thắng một lần nữa, dẫn bản concerto tới một kết thúc đầy kịch tính với piano trong những quãng 8 sấm sét theo đúng phong cách hào hoa thường gặp ở Liszt.

Khi sáng tác bản concerto piano này, mong muốn của Liszt là tác phẩm được xem xét một cách nghiêm túc là một tác phẩm nguyên bản, độc đáo có giá trị cao chứ không phải chỉ là một màn trình diễn điêu luyện chỉ để phô diễn kỹ thuật. Trên thực tế, càng về sau, bản concerto càng được đánh giá cao không chỉ về giá trị nghệ thuật của bản thân tác phẩm mà còn vì sự cách tân trong thể loại như Bartók đã nhận xét: “Sự hiện thực hoá hoàn hảo đầu tiên của hình thức sonata tuần hoàn với những chủ đề chung, được xử lý theo cách của các biến tấu”.

Cobeo

Nguồn:
sfsymphony.org
houstonsymphony.org
charlottesymphony.org

 

Bình luận Facebook

Facebook Comments