Thông tin chung

Tác giả: Edvard Grieg.
Tác phẩm: Tổ khúc Holberg, Op. 40
Thời gian sáng tác: Năm 1884.
Công diễn lần đầu: Phiên bản gốc của tác phẩm (dành cho piano độc tấu) được biểu diễn lần đầu vào ngày 7/12/1884 tại Bergen, Na Uy do chính tác giả biểu diễn. Phiên bản dàn dây được ra mắt ngày 13/3/1885 cũng tại Bergen.
Độ dài: Khoảng 20 phút.
Đề tặng: Grieg sáng tác tác phẩm để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà viết kịch người Na Uy Ludvig Holberg (1684-1754) và đề tặng nó cho nữ nghệ sĩ piano người Na Uy Erika Nissen (1845-1903), người đầu tiên biểu diễn bản concerto piano của Grieg tại Na Uy.
Tác phẩm có 5 chương:
Chương I – Praeludium (Allegro vivace)
Chương II – Sarabande (Andante)
Chương III – Gavotte (Allegretto)
Chương IV – Air (Andante religioso)
Chương V – Rigaudon (Allegro con brio)

Hoàn cảnh sáng tác

Ludvig Holberg, một người con ưu tú của thành phố Bergen, là một nhà viết kịch nổi tiếng vào thời của mình, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Nhân văn, Khai sáng và Baroque. Ông còn có biệt danh “Molière của phương Bắc” vì những vở hài kịch mang đầy tính châm biếm và được coi là người sáng lập ra nền văn học hiện đại của Đan Mạch và Na Uy, người đã đưa sân khấu Scandinavia lên bản đồ châu Âu. Năm 1884, nhân kỉ niệm 200 ngày sinh của Holberg, thành phố Bergen quyết định tổ chức một lễ hội lớn nhằm tôn vinh ông. Về phần âm nhạc, các nhà chức trách đã quyết định giao cho Grieg, một người con ưu tú khác của Bergen, lúc này đã rất nổi tiếng, đảm nhiệm.

Để biểu diễn trong lễ kỉ niệm, Grieg đã sáng tác hai tác phẩm: bản Holberg cantata dành cho baritone và dàn hợp xướng nam với phần lời của Nordahl Rolfsen để biểu diễn ngoài trời khi khánh thành tượng đài Holberg và tác phẩm thứ hai để biểu diễn trong phòng hoà nhạc là Holberg suite, một tác phẩm dành cho piano độc tấu, có phụ đề là “Tổ khúc theo phong cách cũ”, gồm 5 chương nhạc, dựa theo các hình thức khiêu vũ của thế kỷ thứ 18, theo phong cách Baroque, phù hợp với thời kỳ mà Holberg sinh sống.

Grieg, vốn là một người có khiếu hài hước, không hề ảo tưởng về thành công của bản cantata. Trong một bức thư viết cho người bạn, Grieg cho biết: “Tôi có thể thấy tất cả trước mắt tôi tuyết, mưa đá, bão và tất cả các kiểu thời tiết xấu, dàn hợp xướng nam rất lớn há toang miệng, mưa xối xả vào họ. Bản thân tôi đứng chỉ huy trong áo choàng không thấm nước, áo khoác mùa đông, giày cao su và ô! Một cơn cảm lạnh đến sau đó và tất nhiên, có trời mới biết được là kiểu ốm gì! Ôi, đó là cái cách để chết của một người con của đất nước”.

Bản cantata nhanh chóng bị lãng quên nhưng Holberg suite của Grieg có số phận tốt đẹp hơn nhiều. Tác phẩm dành cho piano và được chuyển soạn cho dàn dây vài tháng sau đó đã trở nên nổi tiếng. Mặc dù bản thân Grieg chỉ coi đó là một tác phẩm vui vẻ (sau những bộ tóc giả bằng bột của thế kỷ 18), nhưng cùng với concerto piano và âm nhạc dành cho vở kịch Peer Gynt, Holdberg suite, một tổ khúc bao gồm 5 chương nhạc, theo đúng phong cách của một tác phẩm thời Baroque mà chúng ta rất quen thuộc với Bach, là một trong những bản nhạc được yêu thích nhất của Grieg. Đây cũng được coi là tiền thân quan trọng cho chủ nghĩa Tân cổ điển, sẽ được nở rộ sau đó vào đầu thế kỷ 20.

Phân tích

Chương I

Chương I là một Prelude ngắn tươi sáng, niềm nở gây ấn tượng với một kết cấu rõ ràng. Nó được thiết kế như một toccata với dòng chảy liên tục của những nhịp điệu nhanh, tràn đầy năng lượng và những âm giai dồn dập. Một màn khởi động tuyệt vời với một sự tinh tế nhẹ nhàng ban đầu và vẻ huy hoàng hùng vĩ trong giây lát sau đó.

Chương II

Chương II là một Sarabande, điệu nhảy dân gian của Tây Ban Nha ở nhịp ¾, phổ biến trong các suite của Bach. Chương nhạc trang nghiêm, chậm rãi với một vẻ đẹp nhẹ nhàng, u sầu. Trong đoạn giữa của chương nhạc là tiếng cello độc tấu xuyên suốt mang lại tâm trạng phù du, bồng bềnh. Cao trào của chương nhạc xuất hiện trong phần cuối với một sự căng thẳng đầy khao khát.

Chương III

Chương III là điệu nhảy nhã nhặn Gavotte của Pháp. Đây là một khúc nhạc có tính chất đồng quê quyến rũ bao gồm một điệu nhảy có tính chất tương phản musette, để bắt chước tiếng kèn túi Pháp mà ở đây chúng ta nghe thấy những nốt nhạc giống nhau được chơi liên tục trong bè thấp của dàn dây.

Chương IV

Chương IV không phải là một điệu nhảy mà như một bài hát, tương tự như Air trong Tổ khúc số 3 dành cho dàn nhạc của Bach. Đây cũng là chương nhạc duy nhất ở giọng Son thứ (các chương khác đều ở giọng Son trưởng). Trung tâm đau buồn của cả tác phẩm: một giai điệu tuyệt đẹp theo phong cách Baroque với chất trữ tình sâu lắng của riêng Grieg. Trong phần giữa của chương nhạc lại là một đoạn độc tấu trầm ngâm của cello, tiến tới màn đối thoại dịu dàng với toàn bộ dàn nhạc.

Chương V

Tổ khúc khép lại với chương V với điệu múa Rigaudon vui nhộn và hoạt bát của Pháp. Chương nhạc mở đầu với tiếng độc tấu của violin và viola, mô phỏng âm thanh của cây đàn Hardanger, một nhạc cụ dây đặc trưng của Na Uy, nhưng theo một phong cách bóng bẩy hơn, phù hợp cho một buổi dạ hội. Một đoạn chen chậm hơn chỉ làm ngắt quãng lễ hội trong đôi chút trước khi trở lại. Dường như cả đất nước Na Uy chỉnh tề trong trang phục truyền thống của họ, đã được triệu tập cho buổi biểu diễn tại cung điện của hoàng gia.

Mặc dù Grieg chỉ coi Holberg suite là “một tác phẩm vui vẻ” nhưng John Horton, tác giả cuốn sách về tiểu sử nhà soạn nhạc nhận xét: “Bất chấp sự khiêm tốn của nhà soạn nhạc về điều đó, Holberg suite là một tác phẩm có giá trị nội tại, bên cạnh đó là sự thực hành tiên phong trong việc phục hưng các thể loại âm nhạc Baroque”. Ngày nay, phiên bản dành cho piano của tác phẩm rất ít được biểu diễn nhưng phiên bản dành cho dàn dây là một trong những bản nhạc được ưa chuộng nhất của Grieg, một tạo vật được chế tác tinh xảo góp phần giúp cho Grieg trở thành một trong những nhà soạn nhạc Lãng mạn quan trọng nhất của châu Âu.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
riphil.wordpress.com
dubuquesymphony.org
wilmingtonsymphony.org