Thông tin chung

Opera: Lucrezia Borgia
Âm nhạc: Gaetano Donizetti.
Libretto: Felice Romani, dựa trên vở kịch cùng tên của Victor Hugo.
Thời gian sáng tác: Năm 1833.
Công diễn lần đầu: Ngày 26/12/1833 tại La Scala.
Độ dài: Khoảng 2h15 phút.
Nhân vật/Loại giọng:
Lucrezia: Soprano
Gennaro: Tenor
Alfonso d’Este: Bass
Orsini: Contralto/Mezzo-soprano
Rustighello: Tenor
Astolfo: Tenor
Gubetta: Bass
Gazella: Bass
Petrucci: Baritone
Vitellozzo: Tenor
Liverotto: Tenor
Thành phần dàn nhạc: 2 flute (flute 1 kiêm piccolo), 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, timpani, bass drum, cymbals, triangle, snare drum, tam-tam, harp và dàn dây. Ngoài ra trên sân khấu còn có flute, 2 clarinet, 3 horn, 2 trumpet, trombone và cimbasso.

Hoàn cảnh sáng tác

Trong tất cả những nhà soạn nhạc opera, Donizetti có lẽ là một trong những người đầu tiên quan tâm đến lịch sử thời kỳ Trung cổ và Phục hưng của nước Ý và chắc chắn là người đặt nhiều thời gian và tinh lực vào nó nhất. Ông có đến 7 vở opera lấy bối cảnh trong giai đoạn này, đều được sáng tác trong những năm 1830. Cùng với đó, gia đình d’Este, những người từng là lãnh chúa của Ferrara, thành phố ở xứ Emilia-Romagna, miền bắc nước Ý cũng là chủ đề yêu thích của ông với 3 vở opera liên tiếp được sáng tác trong năm 1833. Trong đó, Lucrezia Borgia là tác phẩm nổi tiếng nhất.

Lucrezia Borgia (1480-1519) là nhân vật có thật trong lịch sử – thành viên của một trong những gia tộc quyền lực nhất Tây Ban Nha-Ý. Gia tộc Borgia bao gồm các nhà quý tộc, quân sự và hai vị Giáo hoàng nhưng cũng nổi tiếng về những tội lỗi và sự vô đạo đức của họ. Ngày 2/2/1833, vở kịch Lucrezia Borgia của Victor Hugo đã được ra mắt tại nhà hát Porte-Saint-Martin, Paris. Vở kịch đã được thành công rực rỡ và Donizetti với sự cộng tác của nhà biên kịch Felice Romani đã chuyển soạn nó cho một vở opera, biến Lucrezia Borgia thành tác phẩm đầu tiên của Hugo là cốt truyện cho một vở opera, điều sẽ được tiếp nối 20 năm sau đó trong Rigoletto.

Tóm tắt nội dung

Thời gian: Đầu thế kỷ 16.
Địa điểm: Venice và Ferrara.

Phần mở đầu
Cung điện Grimani, Venice.
Gennaro cùng nhóm bạn của mình, trong đó có Orsini, tụ tập liên hoan tại sân hiên, phía trước cung điện Grimani, phía trước là kênh Giudecca. Cuộc trò chuyện của họ cuối cùng chuyển hướng về Alfonso, công tước xứ Ferrara, người mà bọn họ sẽ phải lên đường đến chúc mừng vào ngày hôm sau và vợ của hắn, Lucrezia Borgia nổi tiếng. Khi nghe thấy tên của Lucrezia, Orsini kể về việc mình và Gennaro, ở trong một khu rừng đã gặp một ông già và được cảnh báo rằng hãy cẩn thận với Lucrezia và gia đình cô ta, họ sẽ mang lại cái chết cho hai người (“Nella fat di Rimini”). Chán nản với câu chuyện của Orsini, Gennaro bỏ đi lang thang và ngủ quên ở gần đó. Các bạn của anh đi đến lễ hội và bỏ anh lại một mình. Một chiếc gondula cập bờ và có người phụ nữ đeo mặt nạ bước xuống, lại gần Gennaro. Đó chính là Lucrezia, cô nhận ra Gennaro chính là đứa con trai đã thất lạc từ lâu của mình (“Com’è bello! Quale incanto in quel volto onesto e altero”). Gennaro tỉnh dậy, ngay lập tức yêu người phụ nữ quý phái này và thổ lộ với cô về tuổi thơ mồ côi, về việc được một gia đình ngư dân cưu mang (Duet “Di pescatore ignobile esser figliuol credei”). Những người bạn trở lại, nhận ra đó chính là Lucrezia. Họ giận dữ, kể ra những tội ác mà cô và dòng họ của cô đã gây ra cho gia đình họ. Không một ai không mất đi người thân. Gennaro kinh hoàng quay đi, không biết được rằng anh đang bỏ lại mẹ đẻ của mình.

Màn I

Ferrara.

Cảnh 1: Công tước Alfonso tin rằng Gennaro là người tình của vợ mình, lên kế hoạch cùng với người trợ lý Rustighello (“Vieni: la mia vendetta è meditata e pronta”). Gennaro cùng những người bạn xuất hiện tại Ferrara để tham dự bữa tiệc. Giận dữ vì những hành động của dòng họ Borgia, thể hiện sự khinh thường của mình, Gennaro đã gạch đi ký tự B trên gia huy của dòng họ, chỉ còn lại từ orgia (thác loạn).

Cảnh 2: Lucrezia tức giận vì hành vi phá hoại, cô nghi ngờ Orsini là hung thủ nên đã đề nghị cái chết cho người đã gây ra. Alfonso đồng ý và cho dẫn giải Gennaro đến. Lucrezia kinh hoàng, cố gắng biện hộ rằng đó chỉ là một trò đùa của trẻ con. Alfonso đã buộc tội Lucrezia và kiên quyết rằng Gennaro phải chết. Công tước cho phép Lucrezia được lựa chọn biện pháp hành quyết. Vì cô có thuốc giải nên đề nghị để Gennaro uống thuốc độc. Alfonso mang đến một lý rượu và chứng kiến Lucrezia cho Gennaro uống rồi bỏ đi (Trio “Guai se ti sfugge un moto, Se ti tradisce un detto!”). Lucrezia vội vã cho Gennaro uống thuốc giải và cầu xin anh bỏ trốn (Duet “Bevi e fuggi … te’n prego, o Gennaro!”).

Màn II

Cung điện của công chúa Negroni.

Cảnh 1: Gennaro dự định bỏ trốn thì bắt gặp người bạn thân Orsini. Họ đã hát về tình bạn thân thiết (Duet “Sei tu? – Minacciata è la mia vita”). Bất chấp sự theo dõi của Rustighello, bỏ qua lời khuyên của Lucrezia, họ tới dự tiệc tại cung điện của công chúa Negroni.

Cảnh 2: Tại cung điện, Orsini dẫn đầu bữa tiệc bằng một bài ca chúc rượu (“Il segreto per esser felici”). Trong sự lộn xộn, Gubetta, tay chân của Lucrezia đã mang ra một loại rượu. Khi tất cả mọi người uống vào, các cánh cửa đóng lại và họ nhận ra sự bất thường. Lucrezia bước vào, cho biết bọn họ đã bị đầu độc và phải chết vì những lời xúc phạm trước đó ở Venice. Cô tin rằng Gennaro đã bỏ trốn và bàng hoàng khi nhận ra anh có mặt trong phòng. Orsini, Liverotto, Vitellozzo, Petrucci và Gazella chết. Lucrezia cố gắng thuyết phục Gennaro uống thuốc giải độc nhưng anh từ chối, Gennaro muốn được đồng hành cùng với những người bạn của mình. Lucrezia tiết lộ mình chính là mẹ anh nhưng chỉ nhận lại được câu trả lời phũ phàng đó chính là lý do để anh chết. Kinh hoàng trước những hành động của mình, Lucrezia hát trong hy vọng rằng Gennaro sẽ là cầu nối cho cô đến với thế giới bên kia (“Era desso il figlio mio”).

Cabaletta cuối cùng (“Era desso il figlio mio”) được Donizetti thêm vào sau đề nghị của soprano Henriette Méric-Lalande, người vào vai Lucrezia trong đêm ra mắt tác phẩm vào ngày 26/12/1833 tại La Scala. Đây là một trong những trích đoạn thách thức nhất trong opera với những yêu cầu khắt khe về trill và coloratura. Tuy nhiên, sau đó Donizetti đã kiên quyết loại bỏ nó khỏi tác phẩm vì cho rằng cabaletta này sẽ phá huỷ kết cấu của vở opera, không một ai thể hiện kỹ thuật trong một trích đoạn kéo dài tới hơn 5 phút ngay sau cái chết của con trai mình. Tuy nhiên, ngày nay (“Era desso il figlio mio”) thường được giữ lại vì sự tuyệt vời của nó với tư cách một màn khoe giọng cho soprano.

Ngày 31/10/1840, vở opera được dự kiến ra mắt tại Théâtre des Italiens, Paris. Tuy nhiên, Hugo đã xin được lệnh từ toà án huỷ bỏ các buổi biểu diễn vì vấn đề bản quyền. Vở opera phải đổi tên thành La Rinegata (Kẻ phản bội) và các nhân vật được chuyển sang mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ để có thể được công diễn. Âm nhạc của Lucrezia Borgia đưa ta đến gần hơn với những vở opera thời kỳ đầu của Verdi. Những aria quen thuộc thường gặp trước đó nay dường như biến mất, mọi diễn biến đều bám sát vào nội dung kịch bản. Dường như Donizetti đang thử nghiệm cho một thứ gì đó vượt ra ngôn ngữ opera bel canto truyền thống. Lucrezia Borgia là một tác phẩm ấn tượng của nhà soạn nhạc với việc khắc hoạ những nhân vật tai tiếng trong lịch sử. Lucrezia cũng được công nhận là một trong những vở opera sáng tạo và hấp dẫn nhất của Donizetti.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
npr.org
sfopera.com
operawire.com

Bình luận Facebook

Facebook Comments