Nội dung
TIỂU SỬ
“Ông ấy là thần tượng của tôi… Phong cách của ông ấy hoàn toàn là sự bộc lộ những gì bên trong, bản chất của ông ấy. Thật phóng khoáng! Lisitsian rất đặc biệt, theo cách tốt nhất – không giống với bất kỳ ai. Ông không có âm thanh lớn nhất nhưng có trình độ kỹ thuật và khả năng kiểm soát không ai bằng với những dây thanh âm trong trẻo đến khó tin. Chúng ta có thể nói gì ư? Ông ấy là một nhà ảo thuật” – Dmitri Hvorostovsky
Nền tảng cho mọi hoạt động của Pavel Lisitsian là quan điểm sống vô cùng nguyên tắc của một người yêu nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Trong nghệ thuật, ông chỉ nghĩ đến một điều là cần thiết và hữu ích cho mọi người, cho công việc. Ở Lisitsian toát lên một sự đắm chìm thánh thiện trong âm nhạc, với sự sáng tạo nhằm có được những sản phẩm tốt đẹp nhất để mang tới thật nhiều niềm vui cho khán giả, cống hiến cho người nghe tất cả những gì tinh tuý nhất của opera và thanh nhạc cổ điển. Được coi là một trong những giọng hát vĩ đại nhất Liên Xô trong thế kỷ 20, tài năng của Lisitsian không hề thua kém bất kỳ những baritone hàng đầu thế giới nào. Nhưng cũng như nhiều ca sĩ trong nước lúc bấy giờ, với hậu quả từ cuộc Chiến tranh lạnh mang tới, việc ít được biểu diễn tại các sân khấu phương Tây khiến cho tên tuổi của Lisitsian trở nên chìm khuất, dưới góc độ nào đó, là một điều vô cùng bất công cho ông và là sự thiệt thòi to lớn cho khán giả hâm mộ nhạc cổ điển. Với chất giọng trữ tình ngọt ngào, khả năng hát những nốt cao vô cùng thoải mái, Lisitsian là ca sĩ Liên Xô hiếm hoi theo đuổi nghệ thuật hát bel canto truyền thống. Bên cạnh một sự nghiệp ca hát đồ sộ, Lisitsian còn có những đóng góp quan trọng dưới cương vị một giảng viên thanh nhạc, là người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới những thế hệ ca sĩ tiếp theo. Ông còn được biết đến như là cha của ba ca sĩ tài danh khác với hai cô con gái và một cậu con trai. Cùng nhau họ đã tạo ra một nhóm tứ ca vô cùng đặc sắc, một nhóm nhạc gia đình nhiều lần biểu diễn cùng nhau, tạo ra một hiện tượng thú vị trong thế giới âm nhạc. Lisitsian sẽ luôn được nhớ tới như một lá cờ đầu của nền thanh nhạc Xô viết và là niềm tự hào của đất nước vốn từng sản sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh.
Pavel Lisitsian sinh ngày 6/11/1911 tại Vladikavkaz, Nga trong một gia đình Armenia. Mặc dù không phải là những người hoạt động trong môi trường nghệ thuật nhưng cả gia đình Lisitsian, bố, mẹ, chị gái và chính Pavel đều được cộng đồng những người Armenia kính trọng về khả năng ca hát của mình. Tất cả họ đều tham gia trong dàn nhạc hợp xướng tại nhà thờ địa phương. Bản thân Pavel đã hát tại đó ngay từ khi mới lên 4 tuổi. Cậu bé thường hát song ca với cha mình không chỉ bằng tiếng Armenia mà cả trong những ngôn ngữ khác như tiếng Nga, Ukraine và những ca khúc Neapolitan. Pavel cũng được giáo dục âm nhạc một cách khá toàn diện tại nhà thờ, không chỉ học hát mà còn cả piano và cello, điều này đã đóng góp một vai trò quan trọng trong sự phát triển nghệ thuật của Pavel về sau. Ngôi nhà của gia đình cậu cũng là nơi tụ họp của những nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng quanh vùng. Trước khi ra về, họ thường tổ chức những buổi hoà nhạc mang nhiều tính ngẫu hứng và Pavel là một thành viên tham gia tích cực. Với Pavel, việc ca hát cũng tự nhiên như hít thở vậy. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gia đình cậu lúc đó, sự nghiệp âm nhạc không phải là con đường mà cha mẹ lựa chọn cho con trai họ. Ông Gerasim, cha cậu là một quản đốc tại nhà máy khoan và công việc của một người thợ kim khí và thợ mộc cũng quen thuộc với Pavel không kém gì những tác phẩm âm nhạc.
Năm 1927, Pavel tốt nghiệp trung học. Và tuổi thanh niên của chàng trai trẻ đã trải qua trong những công việc nặng nhọc. Pavel là một người siêng năng, chịu khó. Cuộc sống du mục bắt đầu, anh tích cực làm việc với tư cách một thợ khoan học việc tại các nhóm khoan thăm dò địa chất và tìm kiếm kim cương. Lisitsian hồi tưởng: “Dù hoàn cảnh cuộc sống có phát triển theo chiều hướng nào, tôi không bao giờ lấy của cha mẹ một xu. Tôi thấy xấu hổ khi hỏi xin họ – một chàng trai trẻ khoẻ không thể tự nuôi sống mình sao? Ngược lại, tôi luôn coi đó là nhiệm vụ của mình khi phải giúp đỡ họ. Tôi muốn tiếp tục học, nhưng bằng tiền của mình. Tôi hiểu rằng bố tôi rất khó khăn để trang trải cho công việc học tập của tôi.” Việc bươn chải kiếm sống không làm át đi tình yêu ca hát của Pavel. Anh không hề chia tay âm nhạc mà vẫn tham gia biểu diễn trong một dàn hợp xướng. Mùa hè năm 1930, cục Địa chất Tiflis đã trao cho anh một suất nhập học tại khoa công nhân của Nhạc viện Leningrad. Vài tháng nữa mới bắt đầu mùa tuyển sinh nên Pavel bắt đầu làm việc tại Nhà máy đóng tàu Baltic trước khi nhập học. Tuy nhiên, giọng hát của anh không đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà trường và Pavel đã bị đuổi học. Pavel rời nhạc viện nhưng vẫn cố gắng bám trụ ở lại Leningrad. Cuối cùng, anh đã được nhận vào làm việc tại Bolshoi Drama Theater. Tại đây, Pavel cố gắng khẳng định tài năng của mình. Những buổi biểu diễn cùng Bolshoi Drama Theater được coi màn khởi đầu cho sự nghiệp chuyên nghiệp của Pavel.
Năm 1932, dưới sự giới thiệu của một người họ hàng, Lisitsian đã có những bài học thanh nhạc với Maria Levitskaya để chuẩn bị cho việc ứng tuyển vào Leningrad Music College. Lúc này giọng hát của anh chính thức được định hình là baritone. Lần này anh đã được nhận vào trường. Tại Leningrad Music College, Lisitsian theo học trong lớp của Zoya Dolskaya cho đến năm 1935 đồng thời vẫn duy trì công việc tại nhà máy đóng tàu Baltic. Ngoài ra, anh còn hợp tác với First Youth Opera House, nơi mà vào năm 1933, Lisitsian đã có được một vai diễn nhỏ, Fiorello trong Il barbiere di Siviglia (Gioachino Rossini) và hát trong những buổi hoà nhạc tại nhà hát Lengosakteatrov. Tuy nhiên, những thiếu thốn về cơ sở vật chất đã dẫn đến việc First Youth Opera House phải giải tán ngay sau đó và Lisitsian đã chuyển đến làm việc tại Maly Opera House, Leningrad (nay là Mikhailovsky Theatre).
Những năm tháng làm việc tại đây (1935-1937) có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển sáng tạo của Lisitsian. Mặc dù chỉ có được những vai diễn nhỏ như Marullo (Rigoletto, Giuseppe Verdi) hay Morales (Carmen, Georges Bizet) nhưng may mắn lớn nhất của ông là được làm việc dưới sự chỉ huy của Samuil Samosud. Samosud là một nhạc trưởng rất am hiểu opera và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những ca sĩ trẻ. Dưới sự dìu dắt của Samosud, Lisitsian đã trưởng thành qua từng vai diễn, dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, Lisitsian cũng tích luỹ thêm được kinh nghiệm khi có nhiều cơ hội biểu diễn cùng Leningrad Philharmonic dưới sự chỉ huy của Fritz Stiedry. Bên cạnh việc nghiên cứu âm nhạc, Lisitsian cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những ngành nghệ thuật khác như văn học, kiến trúc, điều khiến ông trở thành một nghệ sĩ có tri thức rất cao và đó là những lợi ích vô giá cho Lisitsian.
Năm 1937, Lisitsian chuyển công tác đến Armenian National Academic Theatre of Opera and Ballet “Alexander Spendiaryan” tại Yerevan, Armenia. Nơi đây đã mang đến những thay đổi mới, tích cực trong con đường nghệ thuật của ông. Lisitsian đã giành được những vai chính quan trọng như Onegin (Eugene Onegin, Peter Ilyich Tchaikovsky), Valentin (Faust, Charles Gounod), Tonio (Pagliacci, Ruggero Leoncavallo) hay Escamillo (Carmen). Trong hơn 3 năm gắn bó với nhà hát, Lisitsian đã nhanh chóng có được tình yêu của khán giả Yerevan và tài năng của ông đã được ban giám đốc của Bolshoi Theatre, Moscow chú ý. Ra mắt tại nhà hát này trong Yeletsky (Con đầm pích, Tchaikovsky) vào ngày 21/3/1940 nhưng phải đến ngày 26/4/1941, khán giả Moscow mới chú ý đến ông. Lisitsian đã toả sáng trên sân khấu Bolshoi Theatre trong Onegin, vai diễn sẽ gắn bó với ông trong suốt cuộc đời. Kể từ đó, Lisitsian đã trở thành ngôi sao opera được cả Liên Xô biết đến và ông đã gắn bó với nhà hát này cho đến khi giã từ sự nghiệp. Listsian là một Onegin mẫu mực và đó là một mốc son chói lọi trong cuộc đời ca hát của Lisitsian. Ông đã kết hợp hoàn hảo giữa vẻ hào nhoáng bên ngoài và sự căng thẳng về cảm xúc trong nội tâm của nhân vật. Tiết lộ về nguyên nhân thành công, ngoài việc thuộc lòng tổng phổ của Tchaikovsky và tác phẩm gốc của Pushkin, ông cho biết: “Đó là một chặng đường kéo dài vài năm. Lúc đầu tôi là một khán giả, người đọc, người nghe chăm chú… Tôi đã nghe vở opera rất nhiều lần tại nhà hát Kirov, tìm và nghiên cứu tài liệu về những nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm này đầu tiên”. Giọng hát tuyệt vời của Lisitsian không chỉ mang lại niềm phấn khích vô bờ bến đối với khán giả mà còn có hiệu ứng kỳ diệu, làm gia tăng cảm xúc với cả những bạn diễn.
Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, như nhiều nghệ sĩ lúc bấy giờ, Lisitsian đã tham gia biểu diễn phục vụ quân đội tại mặt trận phía Tây. Từ tháng 7-10/1941, ông liên tục hát tại các doanh trại, bệnh viện, nhà ga để tiếp thêm lòng yêu nước cũng như xoa dịu đi những vết thương cho binh lính. Lisitsian đã rất nhiều lần biểu diễn tại tiền tuyến, thường là 3-4 chương trình trong một ngày. Trong một buổi như vậy vào tháng 9/1941, ông đã hát những bài dân ca Armenia mà không có nhạc đệm và được một người lính trao tặng bó hoa dại. Với Lisitsian, đó là món quà quý giá nhất trong cuộc đời nghệ thuật của ông. Lisitsian đã phục vụ quên mình và nhận về những giải thưởng và lòng cảm tạ vô hạn từ phía quân đội. Tổng cộng, trong cuộc chiến tranh, Lisitsian đã hát trong hơn 500 buổi biểu diễn. Ông nhớ lại: “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Dưới ảnh lửa đạn khốc liệt, dưới trời mưa tầm tã. Chúng tôi biểu diễn trong những lán trại chật chội, ngay trên mặt đất, nơi mà chân của những vũ công bị mắc kẹt trong bùn lầy… Vị sĩ quan yêu cầu tôi hát nhỏ chỉ với một phần tư giọng hát bình thường và những người lính vỗ tay trong thầm lặng: họ hăng hái dang rộng đôi tay nhưng không vỗ chúng vào nhau, chỉ thể hiện sự vui mừng và biết ơn bằng nét mặt của họ”.
Cuối năm 1941, ông đã bị thương nặng và được chuyển về bệnh viện Yerevan trong tình trạng hết sức nghiêm trọng. Nhiều tháng trời sau đó, Lisitsian nằm giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Sau khi hồi phục, ông đã quay trở lại biểu diễn tại nhà hát Yerevan trong hơn một năm rưỡi. Và ngày 3/12/1943, Lisitsian đã tái xuất tại sân khấu của nhà hát Bolshoi. Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kết thúc, ngày 9/5/1945 cũng là một ngày trọng đại đối với riêng gia đình Lisitsian. Ông đón chào sự ra đời của cặp sinh đôi Ruzanna và Ruben. Ruzanna (soprano) và Ruben (tenor) sau này đều trở thành những ca sĩ nổi tiếng và họ cùng với Lisitsian và chị gái mình Karina (mezzo-soprano) trở thành một nhóm tứ ca độc nhất vô nhị trong nền âm nhạc Liên Xô. Chính thức biểu diễn cùng nhau từ năm 1971, “Lisitsian quartet” gắn kết với nhau trong âm nhạc với sự thống nhất của các nguyên tắc nghệ thuật, gu thẩm mỹ tinh tế và tình yêu dành cho các tác phẩm cổ điển. Ngoài ba người con ca sĩ, Lisitsian còn có một cậu con trai nữa. Gerasim không theo đuổi sự nghiệp âm nhạc mà trở thành một nhà thơ và diễn viên. Vợ của ông là Dagmara Aleksandrovna Makaryan, chị gái của mezzo-soprano nổi tiếng Zara Aleksandrovna Dolukhanova.
Kể từ khi ra mắt vào năm 1940 cho đến khi giã từ sự nghiệp opera vào năm 1966, Lisitsian đã gắn bó với nhà hát Bolshoi trong 26 mùa diễn với khoảng 1.800 buổi và trở thành baritone xuất sắc nhất Liên Xô lúc bấy giờ. Irina Arkhipova đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông: “Lisitsian đã tạo nên một trang tuyệt vời trong lịch sử của nhà hát Bolshoi. Tôi luôn ngưỡng mộ sự chính trực hài hoà trong nhân cách của anh ấy. Anh ấy là một ca sĩ, một diễn viên opera xuất sắc, chu đáo, tinh tế, một thông dịch viên tuyệt vời của dòng nhạc thính phòng, một người thầy tài năng, một người bạn tốt bụng và chân thành”. Ngoài những vở opera kinh điển của thế giới, ông cũng tham gia tích cực trong những tác phẩm của các nhà soạn nhạc Liên Xô trong thế kỷ 20 như Zacharia Paliashvili, Nazib Zhiganov hay Anatoly Alexandrov. Sở hữu chất giọng nam trung trữ tình, không giống như nhiều ca sĩ Liên Xô lúc bấy giờ và trước đó, Lisitsian sở hữu âm sắc mang phong cách Ý thực sự và ông đã trở thành một trong những baritone Verdi vĩ đại nhất trong thế hệ. Với khả năng kiểm soát hơi thở vô song, Lisitsian là ca sĩ duy nhất thời điểm đó hát ba câu đầu trong aria nổi tiếng “Di Provenza il mar, il suol” (La traviata, Verdi) chỉ với một làn hơi. Còn với Amonasro (Aida, Verdi), đạo diễn opera Boris Pokrovsky của nhà hát Bolshoi đã nhận xét: “Anh ta là một kẻ man rợ, đại diện của một quốc gia lạc hậu, một kẻ bảo vệ hệ thống bộ lạc. Nhưng Lisitsian nhấn mạnh đến sự diệt vong, bi kịch của người anh hùng và vẫn còn ý thức cao về danh dự và nhân phẩm”. Sở hữu một âm vực rộng, ông có thể dễ dàng lên nốt a1 một cách thoải mái. Dù với bất kỳ vai diễn nào, Lisitsian cũng chinh phục người nghe bằng vẻ đẹp và sự ấm áp, chân thành trong giọng hát của mình. Và tuy là một thành viên của nhà hát Bolshoi, sinh sống và làm việc chủ yếu ở Moscow nhưng không bao giờ ông quên rằng mình là người Armenia. Không một mùa diễn trong suốt cuộc đời biểu diễn của mình mà ông không hát ở Armenia, không chỉ trong các vở opera, mà còn trên sân khấu hòa nhạc; không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn trước những người lao động của những ngôi làng miền núi xa xôi. Lisitsian luôn nhớ về cội nguồn của mình với một tình cảm thắm thiết.
Tháng 6/1959, trong chuyến biểu diễn lịch sử của Mario del Monaco tại Liên Xô trong Carmen, bên cạnh Arkhipova trong vai chính, Lisitsian đã có màn hoá thân tuyệt vời trong Escamillo. Monaco đã không ngớt lời ngợi khen người bạn diễn của mình: “Pavel Lisitsian có một giọng hát đẹp hiếm có. Bạn không thường thấy một ca sĩ như vậy trên sân khấu opera. Anh ấy đã tạo ra hình ảnh của Toreador như cách Bizet vẽ nên – một người Tây Ban Nha thanh lịch. Người nghệ sĩ là bậc thầy trên sân khấu trong tất cả những việc mình đã làm”. Chưa đến một năm sau đã diễn ra một sự kiện lịch sử đối với cá nhân Lisitsian và nền nghệ thuật thanh nhạc Xô viết. Ngày 22/2/1960, Lisitsian đã trở thành ca sĩ Liên Xô đầu tiên hát tại Mỹ khi xuất hiện trên sân khấu Carnegie Hall. Và vào ngày 3/3 cùng năm, ông đã toả sáng tại Metropolitan Opera trong Amonasro (hát bằng tiếng Nga). New York Times đã bình luận: “Với Amonasro trong Aida, ông là nhân vật hàng đầu. Vai diễn của ông mang đậm dấu ấn hoàng gia. Ông là ca sĩ Xô viết đầu tiên xuất hiện trong nhà hát của chúng ta qua chương trình trao đổi văn hoá Mỹ-Liên Xô… Ông sở hữu tất cả các thuộc tính của bel canto, mà bạn hiếm khi bắt gặp. Giọng hát của ông tươi sáng, chắc nịch và bẩm sinh không cần một chút nỗ lực nào để chiếm hữu toàn bộ không gian rộng lớn”. Là niềm tự hào của đất nước Liên Xô, Lisitsian khá được chính quyền ưu ái khi ông từng lưu diễn tới hơn 30 quốc gia, không chỉ trong khối Xã hội chủ nghĩa mà còn tới nhiều quốc gia phương Tây như Hà Lan, Ý, Đan Mạch, Áo… Cũng trong năm 1960 này, Lisitsian mới chính thức kết thúc việc học tập của mình khi ông tốt nghiệp nhạc viện Yerevan.
Tháng 10-11/1964, Lisitsian là thành viên của nhà hát Bolshoi trong chuyến lưu diễn tại La Scala. Tại đây ông đã hát trong Yeletsky và Napoleon (Chiến tranh và hoà bình, Sergei Prokofiev). Lisitsian đã giành được sự ngưỡng mộ của công chúng tại đây, những khán giả khắt khe nhất trên thế giới. Sau các màn trình diễn của ông, những tràng pháo tay vang lên dường như không có hồi kết. Năm 1966, Lisitsian giã từ sân khấu opera để nhường chỗ cho những ca sĩ trẻ nhưng ông vẫn tích cực tham gia các buổi hoà nhạc. Theo một thống kê, danh mục biểu diễn của ông bao gồm hơn 1.000 bài hát trong 25 ngôn ngữ khác nhau, trải dài từ Baroque cho đến các nhà soạn nhạc đương đại. Và song song với đó, Lisitsian bắt đầu tham gia công tác giảng dạy, một sự nghiệp mà ông vô cùng tích cực với sự nhiệt tình và đam mê không hề kém cạnh việc biểu diễn. Lisitsian luôn tư vấn miễn phí cho các ca sĩ trẻ để tiếp thêm sức sống và năng lượng cho các bài học: “Tôi muốn các học trò của mình không chỉ là những người hát hay. Tôi muốn họ được giáo dục, thông minh và có khả năng thực hiện những ý tưởng của họ trên sân khấu. Hát opera là một nghề quá phức tạp nên không thể coi thường”. Lisitsian gắn bó với Nhạc viện Yerevan từ năm 1967-1973 và sau đó là tại Moscow. Từ năm 1970, ông cũng tham gia giảng dạy cho các ca sĩ opera trẻ tại Leipzig, Weimar và Rostock, Đông Đức. Ngoài ra, Lisitsian cũng là giám khảo của nhiều cuộc thi thanh nhạc uy tín trong và ngoài nước. Từ năm 1982-1991, ông là cố vấn thanh nhạc cho nhà hát Bolshoi và kể từ năm 1990, cùng với Dolukhanova, Lisitsian phụ trách trường Ca hát Quốc tế thuộc Liên minh Công nhân Nhà hát Liên Xô. Cuối thập niên 90, ông được American Academy of Music trao tặng danh hiệu “Baritone xuất sắc nhất thế kỷ 20”. Sau một trận ốm kéo dài, Lisitsian đã qua đời ở Moscow vào ngày 6/7/2004 ở tuổi 93. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Armenia, Moscow. Để tưởng nhớ ông, năm 2009, cuộc thi thanh nhạc dành cho những ca sĩ opera trẻ mang tên Lisitsian được tổ chức tại Vladikavkaz, nơi ông sinh ra.
Cô con gái Karina luôn nhớ về người cha của mình: “Ông là người tốt bụng, lạc quan và có khả năng nhìn thấy những khía cạnh tươi sáng của cuộc sống. Thiên nhiên ban tặng cho ông một giọng baritone mượt mà, tinh tế truyền tải niềm vui – nước mắt – nỗi đau và hạnh phúc”. Rất khó để tìm ra lỗi lầm trong các màn trình diễn của Lisitsian. Bất kỳ tác phẩm nào được ông thể hiện cũng cho thấy một tài năng nghệ thuật khổng lồ, sự hiểu biết về phong cách, kiến thức hoàn hảo về lời ca và khả năng diễn đạt tuyệt vời. Lisitsian là ca sĩ trong mơ đối với các nhạc trưởng: bên cạnh giọng hát thiên thần là một người biết lắng nghe dàn nhạc và những bạn diễn đồng thời truyền cảm hứng cho họ, khiến buổi biểu diễn được nâng tầm và cộng hưởng một cách tuyệt diệu. Giá như thế giới hoà bình hơn trong thế kỷ 20, Lisitsian hẳn đã nổi tiếng ở phương Tây như baritone kế tục ông là Dmitri Hvorostovsky, người luôn tôn sùng và coi ông là nguồn cảm hứng của cuộc đời mình. Lisitsian hẳn đã có một sự nghiệp chói lọi hơn nhiều nếu như ông sống trong một thời đại khác.
Ngọc Tú tổng hợp
Nguồn:
belcanto.ru
operanews.ru
armmuseum.ru
Bình luận Facebook