“Boléro” là một kiểu vũ khúc Tây Ban Nha sôi nổi ở nhịp 3/4, thường được đệm bằng castanet (một loại nhạc cụ gõ cầm tay có thể vừa chơi vừa nhảy múa) và đôi khi bằng tiếng hát. Thế nhưng miêu tả này không thật phù hợp với tác phẩm Boléro lừng danh của nhà soạn nhạc Pháp Maurice Ravel (1875 – 1937).
 Với các nhà sử học âm nhạc và các sách kỉ lục, Boléro nổi tiếng vì bản nhạc chứa đựng crescendo độc nhất được duy trì liên tục lâu nhất so với bất cứ tác phẩm nào trong vốn tiết mục cho dàn nhạc (crescendo là ký hiệu chỉ dẫn cách chơi tăng dần âm lượng cho các nhạc công). Vì một nhà phê bình về sau đã viết: “Boléro đi chệch khỏi truyền thống cả ngàn năm.”
 Với những người sưu tập giai thoại, Boléro nổi tiếng vì từng được chính tác giả gán cho cái tên “tiểu khúc cho dàn nhạc mà không có âm nhạc” một cách hài hước. Vì trong buổi công diễn đầu tiên của Boléro, một người phụ nữ trong đám khán thính giả đã thét lên: “Ông ấy điên rồi…ông ấy điên rồi!”. Vì khi được thuật lại chuyện này, Ravel đã mỉm cười mà rằng: “Bà ấy hiểu tác phẩm đấy”.
 Với các nhạc công và người yêu nhạc, Boléro nổi tiếng vì trong suốt thời lượng khoảng 15 phút của tác phẩm, họ có thể chơi hoặc nghe nhiều đoạn lặp lại nhất. Vì đây là một tác phẩm 15 phút được soạn cho dàn nhạc một cách trau chuốt, kĩ lưỡng nhất.
 Chắc chắn là khi bắt tay vào soạn Boléro, Ravel chẳng thể tưởng tượng được rằng nó sẽ trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của mình đến thế. Ban đầu, theo hợp đồng với nữ diễn viên ballet Nga Ida Rubinstein, Ravel chỉ định chuyển soạn cho dàn nhạc 6 tiểu khúc piano trong tổ khúc Iberia của Isaac Albéniz để làm nhạc nền ballet.
 Nhưng do gặp trở ngại về bản quyền chuyển soạn, Ravel đã ứng phó bằng cách soạn tiểu khúc ballet Boléro như một bài tập kỹ thuật sáng tác. Chỉ từ một ý tưởng giai điệu duy nhất, ông đã phát triển Boléro thành một tác phẩm trọn vẹn cho dàn nhạc.
 Trong buổi công diễn đầu tiên tại nhà hát Opera Paris ngày 22/11/1928, Boléro đã khiến khán thính giả choáng váng. Ida Rubinstein vào vai một vũ nữ flamenco nhảy múa trên một chiếc bàn dài trong một quán rượu Tây Ban Nha. Vây quanh cô là những người đàn ông mà niềm ngưỡng mộ đã trở thành nỗi ám ảnh dục vọng.
 Trước đó Ravel không hoàn toàn tán thành ý tưởng dàn dựng này. Khi soạn nhạc, ông mang ý niệm rằng đó sẽ là một cảnh ngoài trời, trước một nhà máy và tiếng máy móc chạy sẽ tạo ra một nhịp điệu cố định. Những công nhân tham gia vào vũ điệu trong khi diễn ra câu chuyện về một dũng sĩ đấu bò bị đối thủ ghen ghét sát hại. Ý tưởng này của Ravel chỉ được thực hiện sau khi ông qua đời.
 Mặc dù thành công ngay lập tức khi làm nhạc nền cho ballet, nhưng thời hoàng kim của bản nhạc Boléro chỉ thực sự bắt đầu sau khi hợp đồng độc quyền sử dụng với Ida Rubinstein hết hạn và những buổi hòa nhạc có trình tấu Boléro được tổ chức.
 Trên nền tiếng trống gõ theo nhịp bolérovà tiếng bật pizzicato của dàn dây, một sáo flute bắt đầu trình bày giai điệu chủ đề sẽ chiếm ưu thế trong toàn bộ tác phẩm. Một kèn clarinet lặp lại chủ đề rồi một bassoon trình bày tiếp phần phát triển uể oải và ảm đạm. Rồi giọng dịu dàng của kèn oboe d’amore nổi lên dẫn dắt giai điệu.
 Tiếp theo đó, một số nhạc cụ đồng thời chơi giai điệu ở những giọng khác nhau. Dần dần, có nhiều nhạc cụ tham gia hơn và kèn trombone gây ấn tượng với kĩ thuật glissando (vuốt âm) kiểu nhạc jazz.
 Âm lượng của các nhạc cụ tiếp tục lớn hơn, huyên náo hơn. Đến gần cuối tác phẩm, sự thay đổi đột ngột của điệu thức từ Đô trưởng sang Mi trưởng phá vỡ tính ổn định của dòng nhạc. Tiếng chiêng và cymbal rền vang tạo cho tác phẩm một kết thúc chói tai, kịch tính.
 Trong Boléro, Ravel đã xử lý dàn nhạc như một cỗ máy. Tác phẩm hòa nhạc này như một mẫu hình tinh vi những bánh răng và trục quay ăn khớp để cùng tạo ra một tổng thể. Boléro là một lời tiết lộ hùng hồn về sức mạnh của âm nhạc vượt trên những giới hạn xúc cảm của chúng ta.
Ngọc Anh (nhaccodien.info)

Bình luận Facebook

Facebook Comments