Thông tin chung

Tác giả: Ludwig van Beethoven.
Tác phẩm: Sonata piano số 21 “Waldstein” giọng Đô trưởng, Op. 53
Thời gian sáng tác: Mùa hè năm 1804.
Độ dài: Khoảng 25 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho người bạn, người bảo trợ, bá tước Ferdinand Ernst Gabriel von Waldstein (1762-1823).
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro con brio (Đô trưởng)
Chương II – Introduzione: Adagio molto (Pha trưởng)
Chương III – Rondo. Allegretto moderato – Prestissimo (Đô trưởng)

Hoàn cảnh sáng tác Sonata “Waldstein”

Bá tước Ferdinand Ernst Gabriel von Waldstein là một nhà quý tộc người Đức, sinh ra tại Vienna vào năm 1762 trong giàu sang. Khi trưởng thành, ông luôn có nỗi ám ảnh phải đánh bại quân đội Pháp. Waldstein đã tập trung tối đa tài lực của mình cho việc thành lập đơn vị “bộ binh hạng nhẹ Waldstein” vào năm 1795. Tuy nhiên, đơn vị này chưa bao giờ tham chiến và chỉ được nhớ đến khi góp công chữa cháy một cửa hàng bánh bích quy trên đảo Wright. Trong giai đoạn cuối đời, ông gặp nhiều khó khăn tài chính và qua đời trong nghèo khó vào năm 1823. Waldstein còn là một nghệ sĩ piano, nhà soạn nhạc nghiệp dư tài năng. Vào đầu những năm 1790, khi còn sống trong nhung lụa, ông đã chú ý đến Beethoven và trở thành một trong những nhà bảo trợ đầu tiên của nhà soạn nhạc. Waldstein chính là người đã giới thiệu Beethoven làm học trò của Haydn và từ đó, kéo Beethoven đến Vienna, mở ra một sự nghiệp lẫy lừng. Năm 1804, Beethoven đã sáng tác bản Sonata piano số 21 dành tặng Waldstein, mà từ đó tác phẩm được mang tên “Waldstein”.

“Waldstein” là một trong những tác phẩm đầu tiên trong thời kỳ giữa, thời kỳ “Anh hùng” của Beethoven (1803-1812), nơi mà âm nhạc của ông đã dần dần thoát ra khỏi âm nhạc cổ điển Vienna, được đặc trưng với sự đấu tranh và chủ nghĩa anh hùng. Bên cạnh đó, những sự cải tiến về kỹ thuật chế tạo đàn piano cũng mang lại những thay đổi về mặt kĩ năng sáng tác. Chính vì vậy, đây là một bản sonata piano mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của Beethoven. “Waldstein” đã đưa ra những thách thức kỹ thuật phi thường, vượt xa phạm vi các tác phẩm trước đây của Beethoven dành cho piano độc tấu. Rực rỡ và ấn tượng, tác phẩm có các quy ước về hoà thanh và kết cấu thường được dành cho hình thức lớn hơn của các bản concerto, được thực hiện nhờ phạm vi mở rộng của bàn phím (cây đàn Erard mới của Beethoven có thêm dải âm nửa quãng tám) và các chỉ dẫn bàn đạp phức tạp. Đây là tác phẩm đầu tiên của Beethoven có ghi chú về bàn đạp. Theo cách này, “Waldstein” đại diện cho cả phong cách đang phát triển của nhà soạn nhạc và năng lực kĩ thuật ngày càng tăng của đàn piano thế kỷ 19. Maynard Solomon đã nhận xét: “Với “Waldstein”, Beethoven đã tạo ra những nét độc đáo và kết cấu chưa từng có trước đây. Ông không còn giới hạn trong các bản sonata của mình những khó khăn kỹ thuật để cho phép những người nghiệp dư có năng lực biểu diễn, mà thay vào đó, ông đã mở rộng tiềm năng của cả nhạc cụ và kĩ thuật đến bên ngoài giới hạn của chúng. Cường độ được mở rộng rất nhiều; màu sắc tuyệt vời và sang trọng, tiếp cận với âm thanh gần như của cả dàn nhạc”.

Phân tích tác phẩm

Chương I

Chương I có hình thức sonata được mở đầu bằng một phần giới thiệu với các hợp âm Đô trưởng pianissmo được lặp đi lặp lại trong một nhịp điệu chậm rãi nhưng đầy lo âu, không có một giai điệu thật sự. Chủ đề đầu tiên xuất hiện, thật đáng ngạc nhiên lại ở giọng Si giáng trưởng xa lạ. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt dễ nhận thấy nhất của tác phẩm này với 20 bản sonata piano trước đó. Chủ đề thứ hai, chúng ta mong đợi sẽ ở giọng Son trưởng theo truyền thống, nhưng lại là một bất ngờ nữa khi nó được thực hiện ở giọng Mi trưởng, trung âm, âm nhạc như được tắm trong ánh nắng mặt trời. Phần phát triển là một trong những đoạn nhạc dữ dội nhất mà Beethoven đã từng viết với những nốt móc kép sôi động. Trong phần tái hiện, chủ đề thứ hai được ông chuyển sang giọng La trưởng, sau đó nhanh chóng chuyển sang La thứ, một khuynh hướng xen kẽ đã trở thành điển hình trong quá trình sáng tác sau này của Beethoven. Chỉ đến phần coda, âm nhạc mới được trả về giọng chủ Đô trưởng.

Chương II

Chương II ở giọng Pha trưởng thực chất chỉ đóng vai trò như một đoạn giới thiệu cho khúc rondo ở chương III. Trên thực tế, ban đầu Beethoven đã viết một chương nhạc Andante khác dài khoảng 9 phút. Tuy nhiên, sau đó ông đã viết phần thay thế này chỉ với 28 ô nhịp. Phần Andante bị bỏ qua sau này trở thành một tác phẩm riêng biệt, được xuất bản với tên gọi Andante favori, WoO 57.

Chương III

Chương III là một khúc rondo mở màn với cường độ pianissmo và rồi nhanh chóng được đẩy lên fortissimo. Nhà phê bình âm nhạc Donald Francis Tovey đã nhận xét rằng, Beethoven đã tự phá vỡ giới hạn cho bản thân trong tác phẩm này. Âm nhạc đi từ bóng tối tới ánh sáng chói loá. Nhịp độ được dần tăng tốc. Mọi thứ diễn ra như đang trong buổi khiêu vũ náo nhiệt. Một coda ở tốc độ kinh ngạc prestissimo lần lượt chạy qua những chủ đề khác nhau của chương nhạc, đưa tác phẩm kết thúc trong sự hân hoan.

Biệt danh “L’Aurore”

Bản sonata này còn có một tên gọi là khác là “L’Aurore” (Bình minh), dựa theo thẩm mỹ về mặt âm nhạc của tác phẩm: nhẹ nhàng và thanh thản. Các chương của bản sonata còn có thể được cảm nhạc như những thời điểm khác nhau trong ngày. Chương I là giai đoạn ban ngày dễ chịu nhưng ồn ào và náo nhiệt. Chương II có thể được hiểu là một đêm tĩnh lặng trong khi chương III là bình minh hăng hái của một ngày mới. Tác phẩm là một thách thức lớn đối với nghệ sĩ biểu diễn, nếu không có kỹ thuật thành thạo, sẽ là không thể động tới.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

lifesci.sussex.ac.uk
all-about-beethoven.com