TE KANAWA, KIRI (SOPRANO, 1944-)

354

“Một ca sĩ opera có thẩm mĩ  âm nhạc vô cùng tinh tế, sự nhạy cảm  thanh nhã và mỏng manh” – The New York Times

Kiri Te Kanawa xứng đáng là một trong những ngôi sao opera sáng nhất của thế giới trong 2 thập niên 70 và 80 của thế kỉ 20, đặc biệt khi bà xuất hiện trong các vở opera của Wolfgang Amadeus Mozart và Richard Strauss. Chất giọng soprano trữ tình sang trọng, quý phái, sự xuất hiện đầy tự tin của bà trên sân khấu cộng với một danh mục biểu diễn trải dài từ Baroque đến hiện đại đã đưa cái tên Kiri Te Kanawa trở nên vô cùng thân thuộc và được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới.

Kiri Te Kanawa sinh ngày 6 tháng 3 năm 1944 tại Gisbon, nằm ở phía Bắc New Zealand với tên khai sinh là Claire Mary Teresa Rawstron. Cô là đứa con lai với mẹ là một phụ nữ châu Âu và cha là một thổ dân Maori. Khi mới được 5 tuần tuổi, Te Kanawa được nhận làm con nuôi của ông Tom và bà Nell Te Kanawa. Cô bé được đặt tên là Kiri, theo tiếng thổ dân Maori có nghĩa là cái chuông. Chính điều này khiến nhiều nhà bình luận nhận xét rằng đây chính là “điềm báo” rằng cô gái bé nhỏ, xinh đẹp này khi lớn lên sẽ có một giọng hát đẹp, vang như tiếng chuông ngân. Tom Te Kanawa – một thổ dân Maori có nguồn gốc lâu đời từ vùng Polynesia – có một công ty kinh doanh hoa quả. Bà Nell Te Kanawa xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, bà chính là cháu của nhà soạn nhạc người Anh Sir Arthur Sullivan. Và có lẽ chính bà là người đầu tiên truyền cảm hứng âm nhạc cho cô con gái của mình khi thường xuyên chơi piano cho bạn bè và những người thân của gia đình nghe. Khi Kiri lên 8 tuổi, một người chuyên tìm kiếm tài năng âm nhạc trẻ đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc của cô bé và đã mời cô hát trên đài phát thanh địa phương.
 Để chắc chắn rằng tài năng của con gái mình không bị bỏ phí, năm 1956, gia đình Te Kanawa đã chuyển đến sinh sống tại Auckland, Australia và tại đây Kiri theo học với Sister Mary Leo tại St. Mary’s College for Girls. Sister Leo người được coi là giảng viên thanh nhạc tốt nhất New Zealand vốn là một ca sĩ opera chuyên nghiệp trước khi hiến dâng đời mình cho tôn giáo. Bà đã nhận ra tài năng của Kiri và chấp nhận dạy cô bé 2 buổi 1 tuần. Cũng phải nói thêm rằng chính buổi biểu diễn của soprano da màu huyền thoại Leontyne Price được phát trên đài truyền hình Australia đã gây ấn tượng rất mạnh với Kiri và tiếp thêm cho cô bé tình yêu với âm nhạc cũng như sức mạnh và nghị lực để cô theo đuổi con đường trở thành ca sĩ opera. Thật đáng tiếc cho Kiri khi tính hiếu động, nghịch ngợm của cô bé bị đánh giá là không thích hợp với một trường dòng như St. Mary’s College. Kiri bị buộc phải thôi học vì không tuân thủ kỉ luật nhà trường đề ra chỉ sau 2 năm học. Tuy nhiên, Kiri vẫn theo học những buổi học tư với Sister Leo đồng thời theo học những khoá học về kinh doanh cũng như làm lễ tân. Cũng trong thời gian này, Kiri kiếm sống bằng cách hát tại các đám cưới và câu lạc bộ. Cô trở nên một trong những ca sĩ nhạc pop nổi tiếng tại New Zealand.
 Năm 1960, cô ca sĩ trẻ 16 tuổi tham gia vào Auckland Competition, một trong những số ít cuộc thi cho phép người thắng cuộc được hát trên sóng phát thanh, thu âm cũng như mở ra cơ hội du học. Kiri đã được chọn và được đánh giá là một giọng ca đầy triển vọng. Vẫn dưới sự dìu dắt của Sister Mary Leo, Kiri Te Kanawa đã mở rộng được âm vực của mình thành giọng nữ cao thay vì chất giọng nữ trung bẩm sinh (điều này giải thích một phần vì sao khu trung âm của Te Kanawa rất đẹp và đầy đặn). Năm 1965, với aria “Vissi d’arte, vissi d’amore” trích từ vở opera Toscacủa Giacomo Puccini, cô giành chiến thắng tại cuộc thi Mobile Song Quest do một số tờ báo của Australia tài trợ. Cuộc thi trước đó vào năm 1963, Kiri giành giải 2, người giành giải nhất là Malvina Major, cũng là một học sinh của Sister Leo. Và song song với việc trau dồi giọng hát của mình, Kiri giảm dần số buổi biểu diễn tại câu lạc bộ, tham gia ghi âm một số bài hát phổ thông thời kì này và đóng trong một vài bộ phim của New Zealand.
Te Kanawa hiểu rằng nếu muốn thật sự trở thành một ngôi sao opera tầm cỡ thế giới, cô cần phải luyện tập tại châu Âu. Năm 1966, cô giành chiến thắng tại Australian Melbourne Sun Aria, một trong những cuộc thi thanh nhạc uy tín nhất tại Úc, những người giành giải nhất trước đó là Joan Sutherland (1950) và Malvina Major (1965). Ngay sau đó cô theo học tại London Opera Center với James Robertson và ông nhận xét rằng Te Kanawa chưa nắm bắt được những yếu tố kĩ thuật để trở thành một ca sĩ opera xuất sắc nhưng trong cô tiềm ẩn những tố chất để có thể làm say đắm khán giả. Năm đầu tiên tại đây thật khó khăn với một cô gái nhút nhát, bẽn lẽn đến từ New Zealand. Cô cảm thấy cô đơn và trống vắng khi học tập cùng các bạn sinh viên của mình. Nhưng sự kiên nhẫn, quyết tâm sắt đá cùng với quá trình luyện tập nghiêm túc, khoa học đã giúp Te Kanawa dần dần định hình được chất giọng nữ cao trữ tình của mình.
 Ngày 30 tháng 8 năm 1967, Kiri Te Kanawa kết hôn với Desmond Park, một kĩ sư mỏ mà cô quen tại London. Họ nhận 2 người con nuôi Antonina (1976) và Thomas (1979) lấy theo tên cha nuôi của Te Kanawa. Năm tiếp theo, cô lao vào tập luyện các vai lớn nhằm chuẩn bị cho các buổi biểu diễn của sinh viên trong trường. Trong năm 1968 này, Te Kanawa lần đầu tiên tham gia vào một vở opera khi hát vai Tì nữ thứ 2 của Nữ hoàng đêm tối trong Die Zauberflötecủa Mozart. Tháng 12, Te Kanawa vào vai Dido trong Dido and Aeneas của Henry Purcell tại Sadler’s Wells Theatre. Năm 1969, Te Kanawa khởi đầu mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp với giảng viên thanh nhạc Vera Rozsa, nguyên là mezzo-soprano của Vienna State Opera. Cô tin tưởng rằng rồi đây mình cũng sẽ có được những thành công như Rozsa, người mà Te Kanawa học được rất nhiều từ các động tác sân khấu, cách diễn giải nội tâm nhân vật cho đến các kĩ thuật làm chủ giọng hát. Cũng trong năm này, cô tham gia Camden Festival với vai chính Elena trong La donna del lago của Gioacchino Rossini. Năm 1970, Kiri Te Kanawa đã có được những vai diễn đầu tiên của mình tại một sân khấu lớn: Covent Garden, Royal Opera House. Đáng kể nhất là Flower Maiden trong Parsifal (Richard Wagner), Xenia trong Boris Godunov (Modest Mussorgsky) với Boris Christoff trong vai chính và Idamante – một vai dành cho giọng mezzo-soprano – trongIdomeneo của Mozart. Dù chỉ là những vai phụ hoặc vai thứ nhưng ngay lập tức giới phê bình âm nhạc đã chú ý và họ nhận định cô sẽ trở thành một danh ca trong tương lai. Sau này, Te Kanawa nhớ lại rằng khi đó cô không phải là một sinh viên chăm chỉ nhưng cô nhận ra rằng đây chính là thời điểm thích hợp để mình có được những vai diễn lớn.
 Chỉ một năm sau, một vẻ đẹp rạng rỡ, tràn đầy sức sống của tuổi thanh xuân và ngập tràn cảm xúc đã xuất hiện tại Covent Garden, Royal Opera House khi Kiri Te Kanawa hát vai Bá tước phu nhân Rosina trong Le nozze di Figaro của Mozart. Những buổi biểu diễn này dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng kì cựu Colin Davis, người rất đồng cảm với tư duy âm nhạc của Te Kanawa đã đạt được những thành công vang dội và ngay lập tức khiến cô trở thành ngôi sao hàng đầu. Davis chính là người đã chọn Te Kanawa cho vai diễn này nhận xét: “Tôi không tin vào tai mình. Tôi đã chứng kiến hàng nghìn buổi thử giọng nhưng đây thật sự là một giọng hát đẹp mê hồn!”. Vai Rosina trở thành một trong những vai diễn để đời của cô và đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Te Kanawa. Một hợp đồng 3 năm giữa Te Kanawa và nhà hát đã được kí kết.
 Danh tiếng ngày một lên cao của Te Kanawa đã thu hút sự chú ý của nhạc trưởng John Crosby, người sáng lập ra Santa Fe Opera – một liên hoan opera mùa hè tại bang New Mexico, Mĩ. Ông đã mời cô diễn vai Rosina (Le nozze di Figaro) trong đêm mở màn mùa diễn thứ 15 của liên hoan diễn ra vào ngày 30 tháng 7 năm 1971: “Hai ca sĩ mới đã làm khán giả sững sờ: Frederica von Stade trong Cherubino và Kiri Te Kanawa trong Rosina. Bất kì ai cũng đều nhận ra rằng đây là những phát hiện sáng chói. Lịch sử xác nhận một sự ra mắt ấn tượng nhất”. Te Kanawa và von Stade còn tiếp tục là những người bạn diễn ăn ý của nhau trong suốt những năm tháng về sau, đặc biệt trong những vở opera của Mozart. Với Rosina, Te Kanawa lại một lần nữa lặp lại thành công khi xuất hiện tại Covent Garden vào ngày 1 tháng 1 năm 1971 và San Francisco Opera vào mùa thu năm 1972.
 Vào ngày 9 tháng 2 năm 1974, Kiri Te Kanawa lần đầu tiên xuất hiện tại Metropolitan Opera, New York khi vào vao Desdemona trong vở opera Otello của Giuseppe Verdi bên cạnh Jon Vickers (Otello) và Thomas Stewart (Iago) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng James Levine. Trên thực tế, buổi debut của Te Kanawa được dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng 3, tuy nhiên, vào sáng ngày 9 tháng 2, Teresa Stratas – người sẽ hát vai Desdemona vào tối hôm đó thông báo rằng không đủ sức khoẻ để hát và Te Kanawa được chọn là người thay thế. Đây là buổi diễn vào chiều ngày thứ 7 và được phát trực tiếp trên toàn nước Mĩ qua làn sóng phát thanh, Te Kanawa chỉ có 3 tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Cô bước ra sân khấu lộng lẫy của Met trước tất cả ánh mắt hoài nghi của khán giả, những người nghi ngờ khả năng thành công của một cô gái Maori hầu như còn vô danh. Đập tan những định kiến đó, với sự thông minh và giọng hát quý phải, mảnh mai thiên bẩm Te Kanawa đã khiến khán giả cũng như giới phê bình có mặt trong khán phòng khi đó phải sửng sốt. Allen Hughes đã thốt lên trên tờ The New York Times: “Khi đó đã là hơn 6h chiều ngày thứ 7, thời gian khán giả phải ra về để nhà hát chuẩn bị cho buổi biểu diễn tối và hầu hết những khán giả của buổi chiều đều phải miễn cưỡng ra về… Te Kanawa đã chiến thắng trước người nghe ngay từ khi bắt đầu. Cô có một giọng hát tinh khiết tuyệt đẹp, êm ả và dịu dàng. Cô xuất hiện trên sân khấu đầy nữ tính, mảnh mai và cuốn hút. Ấn tượng Te Kanawa tạo ra với Desdemona đã làm hài lòng ngay cả những vị khán giả khó tính nhất”. Ngay sau buổi biểu diễn, tên tuổi của Te Kanawa vụt sáng và được cả thế giới biết đến.
 Thập niên 70 của thế kỉ 20 là thời kì mang tính đột phá đối với Kiri Te Kanawa. Cùng với việc thường xuyên tham gia biểu diến tại hầu hết các nhà hát opera danh tiếng trên thế giới như Opéra national de Paris, Lyric Opera of Chicago, Vienna State Opera, La Scala, Milan, San Francisco Opera, Covent Garden, Metropolitan Opera…, bà đã mở rộng thêm danh mục biểu diễn của mình. Ta có thể kể đến các vai Donna Elvira (Don Giovanni, Mozart), Micaëla (Carmen, Georges Bizet), Pamina (Die Zauberflöte, Mozart) hay Amelia (Simon Boccanegra, Verdi). Dù vậy so với những ca sĩ có cùng chất giọng thời điểm dó như Mirella Freni, Montserrat Caballe, Ileana Cotrubas, Renata Scotto, Pilar Lorengar… số lượng vai diễn của Te Kanawa vẫn là quá ít. Nhận thức được rằng mình đã quá trì hoãn việc học vai mới, Te Kanawa lao vào thực hiện một lịch biểu diễn dày đặc không cần thiết đối với một ca sĩ opera. Điều đó đã dẫn đến việc bà bị quá tải và phải nghỉ hát trong vòng 3 tháng. Qua sự việc này, Te Kanawa đã hiểu ra tầm quan trọng của việc kiểm soát các hành vi của bản thân và bà không bao giờ phạm phải sai lầm như vậy nữa. Sau khi quay trở lại sân khấu opera, bà điền thêm vào repertoire của mình các vai Mimi (La Boheme, Puccini), Tatiana (Eugene Onegin, Peter Ilyich Tchaikovsky), Fiordiligi (Così fan tutte, Mozart) Rosalinde (Die Fledermaus, Johann Strauss), Marguerite (Faust, Charles Gounod), Manon Lescaut (Manon Lescaut, Puccini), Violetta (La Traviata, Verdi) hay thậm chí là cả Der Waldvogel (Siegfried, Wagner).
 Nếu như trước đây, âm nhạc của Mozart đóng vai trò chủ đạo trong danh mục biểu diễn của Te Kanawa thì nửa cuối thập niên 70 chứng kiến sự thăng hoa của bà trong các vở opera của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Richard Strauss. Mở đầu là buổi biểu diễn tại Houston Grand Opera vào năm 1977 với vai Arabella trong vở opera cùng tên. Tiếp theo là các vai Marschallin (Der Rosenkavalier) và Madeleine (Capriccio). Rất nhiều buổi biểu diễn của Te Kanawa trong các vở opera và các tác phẩm thanh nhạc khác của R. Strauss là được thực hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng vĩ đại Sir Georg Solti. Ông cũng chính là nhạc trưởng trong bản thu âm đầu tiên Le nozze di Figaro của bà (cùng với một số nghệ sĩ khác như Thomas Allen, Lucia Popp, Frederica von Stade, Samuel Ramey và do hãng Decca thực hiện cùng London Philharmonic).
Âm sắc trong giọng hát của Te Kanawa đầy nữ tính, sang trọng và trong trẻo. Nhiều nhà phê bình cho rằng giọng hát của bà thiếu sự kịch tính để có thể thể hiện tốt Tosca nhưng Te Kanawa đã tạo ra vai diễn này với những đặc trưng riêng, không hề lẫn với bất kì ai khác. Đó là một Tosca có chút gì đó hơi yếu đuối nhưng đầy quyến rũ. Bà còn sở hữu những đường legato rất đẹp và một kĩ thuật hoàn hảo. Sau bài học xương máu hồi trẻ, Te Kanawa rất biết cách giữ gìn giọng hát của mình. Bà luôn từ chối những vai opera đòi hòi sự kịch tính và  không bao giờ cố gắng thử đưa giọng hát mình vượt qua giới hạn cho phép. Ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp, Te Kanawa đã trở thành gương mặt được giới truyền thông ưa thích. Năm 1975, bà trở thành nhân vật chính trong một chương trình truyền hình của British Broadcasting Corporation. Năm 1979, bà vào vai Donna Elvira trong bộ phim – opera Don Giovanni của đạo diễn Joseph Losey. Cùng tham gia bộ phim – opera này còn có một loạt tên tuổi lừng danh khác của thế giới opera như Ruggero Raimondi, Teresa Berganza, Jose van Dam, Edda Moser, nhạc trưởng Lorin Mazzel và dàn nhạc Paris Opera Orchestra. Năm 1981, Te Kanawa được mời đến hát trong lễ thành hôn của Thái tử Charles với Công nương Diana Spencer. Tại Westminster Abbey, bà đã hát aria “Let the bright Seraphim” trích từ vở opera Samsoncủa George Frideric Handel, chương trình được truyền hình tới hơn 600 triệu người trên khắp thế giới.
 Thập niên 80 chứng kiến việc Te Kanawa đẩy mạnh việc thu âm cũng như hướng danh mục biểu diễn của mình tới địa hạt các tác phẩm thanh nhạc thính phòng và ca khúc. Bà thực hiện nhiều recital với các bài hát của Henry Purcell, Franz Schubert, Gabriel Fauré, Joseph Canteloube, Franz Liszt hay Richard Strauss. Ngoài ra, bà còn được xem là một nghệ sĩ “crossover” thành công khi hát những bài hát của Richard Rodgers, Frederick Loewe hay Jerome Kern. Không hề quên nguồn gốc Maori của mình, bà thường xuyên hát những bài hát Maori khi “bis” các buổi biểu diễn cũng như ghi âm đĩa nhạc “Maori songs” cùng EMI Classics. Năm 1985, bà đã tạm xa rời sân khấu opera trong suốt 9 tháng để tập trung cho các buổi recital và concert. Và một năm sau Te Kanawa từ chối tham gia biểu diễn trong các vở opera vì bà cảm thấy rằng diễn đều đặn một năm từ 45 đến 50 buổi là giới hạn của mình và bà cần tìm lại sự cân bằng giữa nghề nghiệp và cuộc sống gia đình. Với âm nhạc tôn giáo, bà cũng đạt đến đỉnh cao khi thể hiện trong nhiều tác phẩm của Johann Sebastian Bach, George Frideric Handel, Wolfgang Amadeus Mozart, Cesar Franck… năm 1984, cùng với Jose Carreras, Marilyn Horne và Tatiana Troyanos, Te Kanawa đã tiến hành ghi âm tác phẩm West Side Story của Leonard Bernstein dưới sự chỉ huy của chính tác giả.
 Vì những đóng góp của Te Kanawa cho nghệ thuật, năm 1982 bà được Nữ hoàng Anh phong tước Dame (Dame Commander of The Order of the British Empire). Ngoài ra bà còn được rất nhiều trường đại học danh giá tại Anh và thế giới như Cambridge, Dundee, Durham, Warwick, Nottingham, Oxford, Sunderland, Chicago, Auckland và Waikato trao tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự.
 Trong thập niên 90, Te Kanawa bắt đầu giảm dần số buổi biểu diễn opera của mình. Năm 1994 bà kỉ niệm sinh nhật lần thứ 50 và 25 năm ca hát của mình bằng đêm biểu diễn tại Royal Albert Hall, London. Ngày 1 tháng 6 năm 2002, Te Kanawa là nhân vật trung tâm tại Buckingham Palace trong đêm diễn kỉ niệm 50 năm ngày lên ngôi của Nữ hoàng Anh. Và đến tháng 11 và 12 năm 2004, sau các buổi biểu diễn tại Washington National Opera và Los Angeles Opera trong vai Vanessa (Vanessa, Samuel Barber) Te Kanawa đã giã từ sân khấu opera tuy nhiên vẫn tham gia trong các concert và recital.
 Dù đã dần dần rút lui khỏi ánh đèn sân khấu nhưng Kiri Te Kanawa vẫn luôn bận rộn. Tháng 2 năm 2004, bà thành lập Te Kanawa Foundation với mục đích trợ giúp cho những nhạc sĩ và ca sĩ biểu diễn trẻ, tài năng của New Zealand hoàn thành những ước mơ của mình. Thời gian rảnh rỗi, bà vui đùa cùng gia đình và chơi golf – môn thể thao yêu thích. Là một phụ nữ chân thành và nồng nhiệt, với những người hâm mộ bà không phải là Dame Kiri hoặc Te Kanawa. Với họ, bà chỉ đơn giản là Kiri mà thôi.
cobeo tổng hợp