“Người ta thường thừa nhận rằng Zinka Milanov là soprano kịch tính nhất kể từ sau Rosa Ponselle, người đã nghỉ hưu sớm vào năm 1937… Giọng hát của bà trau chuốt, tinh tế, mạnh mẽ, nhạy cảm, kịch tính phụ thuộc vào yêu cầu của âm nhạc. Bà đã tạo ra một âm thanh lớn, ấm áp và có một thang âm cân bằng lên được đến c3. Trong “cảnh sông Nile” (Aida), bà đã thể hiện một nốt c3 pianissimo đầy ám ảnh, sẽ mãi bồng bềnh trong ký ức.” – Harold C. Schoenberg

“Tôi có giọng hát đẹp nhất trên thế giới”, đó là cách Zinka Milanov nhận xét về chính bản thân mình. Đó có thể là một đánh giá hơi ngạo mạn nhưng không thể phản đối rằng Milanov sở hữu một giọng soprano kịch tính tuyệt đẹp. Chúng dường như có cuộc sống của riêng mình, bay bổng khắp khán phòng với một sự kiểm soát tuyệt đối. Khi ở phong độ tốt nhất bà đã làm những điều mà không ai khác có thể làm được, điều này không đồng nghĩa với việc bà giỏi hơn những ca sĩ vĩ đại khác; đúng hơn là ở bà có một ma thuật bao phủ, giúp phân biệt với những đồng nghiệp của mình. Các nốt cao với âm sắc pianissimo của Milanov thật thanh tao, nhẹ nhàng và mong manh có thể khiến khán giả tan chảy nhưng chúng sẽ trở nên chói tai nếu như bà gia tăng cường độ. Bà rất phù hợp với những vai nặng trong opera của Giuseppe Verdi như Leonora (Il trovatore), Aida (Aida) hay Amelia (Un ballo in maschera). Sở hữu một cái tôi ghê gớm, Milanov đã trở thành huyền thoại tại Metropolitan Opera trong gần 30 năm và là người thay thế xứng đáng cho huyền thoại Rosa Ponselle. Những giai thoại về bà nhiều không kể xiết và chúng đã góp phần tạo nên một Milanov vô cùng đặc biệt, tài năng và cũng rất đáo để trong thế kỷ 20.

Zinka Milanov sinh ngày 17/5/1906 tại Zagreb, Croatia với tên khai sinh là Zinka Kunc. Cha cô quản lý một ban nhạc và là ca sĩ baritone nghiệp dư còn anh trai Božidar là một thần đồng piano, người sau này thường đệm cho em gái mình trong các chương trình hoà nhạc. Zinka còn có một người chú, người đã sáng tác cho cô một số bài hát. Zinka yêu thích ca hát ngay từ khi còn nhỏ và hai anh em thường biểu diễn tại nhà cùng nhau. Những món quà của gia đình chủ yếu đều hướng họ đến việc học hành một cách nghiêm túc. Và ở tuổi 15, Zinka đã có buổi biểu diễn chính thức đầu tiên tại Zagreb. Năm 1922, ngay khi vừa kết hôn với người chồng đầu tiên, Zinka đã thu hút được sự chú ý của Milka Ternina, soprano kịch tính nổi tiếng nhất Croatia khi đó, Tosca đầu tiên của Metropolitan Opera và Covent Garden. Bà đã nhận cô làm học sinh của mình, mặc dù từng từ chối dạy học trước đó sau khi giã từ sân khấu vì những vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Ternina nhận ra đây là giọng hát hiếm có, một ngôi sao chói sáng của tương lai. Bất chấp sự khó tính của Ternina, Zinka rất quý trọng việc học hành với bà, biết được rằng đó đều là những chỉ dẫn vô cùng quý báu.

Dưới sự hướng dẫn của Ternina, Milanov có được vai diễn chuyên nghiệp đầu tiên của mình, Leonora (Il trovatore) tại Ljubljana, Slovenia vào ngày 19/10/1927. Giám đốc nhà hát tại Zagreb cho rằng cô còn quá thiếu kinh nghiệm và bất chấp việc báo chí tại Ljubljana đã đánh giá Milanov là một “Ternina mới”, cô vẫn không được biểu diễn tại Zagreb mà bắt buộc phải tiếp tục gắn bó với Ljubljana. Tại đây, Milanov đã bổ sung các vai chính trong Madama Butterfly, Tosca (Giacomo Puccni) và Aida vào danh mục biểu diễn của mình. Trong một chuyến biểu diễn tại Dresden, Milanov đã gây được ấn tượng tốt đẹp với nhạc trưởng Fritz Busch đến mức ông ngay lập tức mời cô cộng tác trong mùa diễn 1929-1930 trong những vở opera của Richard Strauss như Ariadne (Ariadne auf Naxos), Chrysothemis (Elektra), Helena (Die ägyptische Helena) hay Lady Macbeth (Macbeth, Verdi), Turandot (Turandot, Puccini). Božidar người đã đồng hành cùng Zinka trong các buổi học của Ternina và là nhà cố vấn khôn ngoan trong suốt đời của em gái mình, tuyên bố Strauss sẽ phá hỏng giọng hát của cô và Milanov đã từ chối hợp đồng. Khi quyền quản lý Nhà hát Opera quốc gia Zagreb thuộc về một người mới và có chính sách sử dụng nhiều hơn các ngôi sao địa phương, Milanov đã chuyển về biểu diễn tại quê nhà, với thêm nhiều vai diễn mới trong danh mục như Turandot, Elsa (Lohengrin), Elisabeth (Tannhäuser) của Richard Wagner, Maddalena (Andrea Chénier, Umberto Giordano) hay Gioconda (Gioconda, Amilcare Ponchielli), tất cả đều bằng tiếng Croatia. Khi mọi thứ tại Zagreb trở nên khó khăn hơn, Milanov đã chuyển đến New German Theatre, Prague, đồng nghĩa với việc cô phải học những vai diễn bằng tiếng Đức.

Năm 1937 là “một năm quan trọng” như chính Milanov thú nhận. Sau khi hát Aida tại Vienna State Opera dưới sự chỉ huy của Bruno Walter, nhạc trưởng tỏ ra rất yêu thích giọng hát của cô nên đã giới thiệu Milanov với Arturo Toscanini cho buổi biểu diễn Requiem của Verdi tại liên hoan Salzburg. Milanov nhớ lại buổi thử giọng: “Tôi chỉ hát 20 ô nhịp trong Libera me với một nốt Si giáng pianissimo. Ông ấy nói: “Thật tuyệt” và rồi mọi việc diễn ra tốt đẹp”. Ngay sau đó, tổng giám đốc Edward Johnson và nhạc trưởng Artur Bodanzky của Metropolitan Opera đến Prague để tìm kiếm ca sĩ. Họ đã nghe tổng cộng khoảng 150 người trên khắp châu Âu mà chưa tìm được ai ưng ý và tỏ ý định muốn chấm dứt công việc không mang lại kết quả này. Jan Behr, người đệm đàn piano đã thuyết phục họ chỉ nghe thêm một ca sĩ nữa. Milanov, mệt mỏi vì vừa trở về từ chuyến biểu diễn Aida vào đêm hôm trước, đã hát “In questa reggia” (Turandot), “Suicidio” (La Gioconda) và phần sau của “O cieli azzurri” (Aida) với một nốt c3 piano. Bodanzky đứng bật dậy và nói: “Ngày mai chúng ta sẽ ký hợp đồng”. Milanov với sự thẳng thắn quen thuộc nhớ lại: “Đó là một hợp đồng tệ, nhưng dù sao cũng là một hợp đồng”.

Hợp đồng của Milanov tại Metropolitan Opera quy định bà phải học tất cả những vai diễn trong opera Ý bằng tiếng Ý và giảm 25 pound (tương đương 11,3kg) và Milanov nhận được 75 đô la/1 tuần. Nhà hát cũng yêu cầu bà phải đổi tên. Lý do cho việc này hoàn toàn không được nói rõ, Milanov cho rằng Kunc là không đủ “quyến rũ” với Metropolitan Opera. Thật trùng hợp là bà vừa ly hôn người chồng đầu tiên và kết hôn với người chồng thứ hai, nam diễn viên Predrag Marković, nghệ danh là Milanov, người từng huấn luyện bà diễn xuất trong nhiều năm. Vấn đề đã được giải quyết. Sự nghiệp của Milanov với Metropolitan Opera được chia làm hai giai đoạn, tương ứng với hai đời tổng giám đốc Johnson và Rudolf Bing. Thời kỳ đầu ít hạnh phúc hơn nhiều. Bà cho biết: “Ông Johnson là một prima donna và không tốt đối với tôi. Ông ta đưa tôi đến Mỹ nhưng không thích sự thẳng thắn của tôi. Tôi không phải là người xu nịnh và ông ấy là tenor”. Buổi biểu diễn đầu tiên của bà với nhà hát là trong Leonora (Il Trovatore) vào ngày 17/12/1937. Ngay lập tức, những ưu, nhược điểm trong giọng hát của Milanov đã được Olin Downes nhìn rõ trong bài báo trên New York Times: “Giọng hát của cô ấy có một cữ âm khác thường, linh hoạt và khả năng biểu đạt kịch tính. Giọng hát đầy nội lực và có lẽ các nốt Đô, Rê giáng cao đêm qua chưa hề làm cạn kiệt nó. Cô cũng có những nốt nhạc pianissimo làm hài lòng khán giả như trong cảnh toà tháp ở màn IV dù rằng vào hơi chậm nhịp nhưng đã có sự điều chỉnh nhanh nhẹn và chính xác, một lần nữa đã thu hút được tràng pháo tay kéo dài từ khán giả. Tuy nhiên, ở một số chỗ có những khiếm khuyết dễ thấy như âm sắc thường xuyên không ổn định và bị dàn trải ở âm khu cao, ngữ điệu không phải lúc nào cũng chính xác và chói tai trong các đoạn fortissimo”.

Sự thất thường là điều đeo bám Milanov trong suốt thập kỷ đầu tiên của bà tại Metropolitan Opera. Trong những vai diễn tuyệt vời của bà như Aida, La Gioconda, Amelia hay Norma (Norma, Vincenzo Bellini), những nhà phê bình đổ dồn vào vẻ đẹp và sự rộng lớn trong giọng hát của bà, các nốt pianissmo mê đắm và cũng tự hỏi là làm thế nào mà trong một vai diễn, một aria hay thậm chí một câu nhạc, tất cả những gì tuyệt vời nhất đều có thể phải nhường chỗ cho sự khó chịu. Khắc nghiệt nhất là Virgil Thomson viết trên New York Herald-Tribune, gọi bà là “quá tự tin và thiếu sự luyện tập, luôn thất thường vì thiếu kỹ thuật”, sau đó gợi ý “tôi ước Milanov sẽ tập luyện nhiều hơn ở nhà, rèn giũa hàng ngày các thang âm và hợp âm rải”. Bất chấp những lời chê bai như vậy, thời kỳ đầu của Milanov ở Metropolitan Opera không hề thiếu những khoảnh khắc chói sáng, đặc biệt trong những buổi phát thanh trực tiếp từ nhà hát. Có thể kể đến màn kết hợp tuyệt vời với Jussi Bjorling trong Un ballo in maschera vào năm 1939 hay sự trình diễn xuất thần trong Norma vào ngày 30/12/1944. Giọng nữ cao kịch tính tưởng như chỉ phù hợp trong những vở opera của Verdi đã khiến toàn bộ khán giả phải rung động trước vẻ đẹp của giọng hát, sự uy nghiêm của cảm xúc trong một tác phẩm bel canto. Sau khi chia tay Marković, bà hẹn hò với tenor Ramon Vinay cho đến khi gặp Ljubomir Ilić, một nhà ngoại giao dưới quyền của thủ tướng Nam Tư Josip Broz Tito. Hai người kết hôn vào năm 1947 và trở về sinh sống tại Nam Tư mới được thành lập. Bà vẫn tiếp tục biểu diễn tại nhiều nhà hát tại châu Âu, trong đó có màn ra mắt đáng nhớ tại La Scala vào ngày 8/3/1950 trong Tosca. Năm 1950, Bing thay thế Johnson trở thành tổng giám đốc của Metropolitan Opera và ông đã tìm mọi cách để mời Milanov quay trở lại nhà hát “một giọng hát có vẻ đẹp mà tôi cảm thấy rằng mình chưa bao giờ nghe thấy thứ gì tương tự như vậy trước đây”.

Giai đoạn thứ hai của Milanov tại Metropolitan Opera bắt đầu vào ngày 17/1/1951 với Santuzza (Cavalleria rusticana, Pietro Mascagni). Downes của New York Times đã chào đón sự trở lại của bà: “Milanov đã truyền tải vô số giai điệu và cảm xúc say mê vào trong phần biểu diễn của mình”. Nhưng mọi thứ chỉ thực sự thay đổi trong Requiem của Verdi vào ngày 23/3/1951, Downes đã thốt lên: “Ở Milanov bây giờ là nghệ thuật tuyệt vời…. Trong quá khứ, đã có những mâu thuẫn và không đồng nhất trong cách truyền tải bà. Hôm qua nó đã gần đạt tới sự hoàn hảo trong Requiem của Verdi như người ta có thể mong đợi hoặc hình dung nó một cách hợp lý. Âm thanh được đặt tuyệt vời dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Các nốt nhạc pianissimo bay bổng và rung động như được giải phóng khỏi trái đất. Giọng hát bay vút lên như chim ưng ở những đoạn cao trào. Trong đoạn recitative kịch tính “Libera me”, cảm xúc rộn ràng, lời mời gọi say mê, luôn luôn có âm sắc phong phú và vang vọng, một phong cách quý phái và sang trọng”. Trong những năm 50, Milanov đã thu hút được một lượng lớn người hâm mộ tại Metropolitan Opera, những khán giả mang lại cho Bing khá nhiều sự khó chịu vì họ không chỉ tung hô thần tượng của mình mà còn la ó những đối tác của bà, mà họ cảm thấy có trình độ không tương xứng, đáng chú ý nhất là tenor Kurt Baum. Milanov thản nhiên trả lời Los Angeles Times: “Tôi không nghĩ rằng bạn nhất thiết phải đổ lỗi cho người hâm mộ của tôi. Rốt cuộc, anh ấy đã bị la ó rất nhiều”. Milanov luôn nổi tiếng về sự thẳng thắn và hóm hỉnh. Khi được một người hâm mộ ca ngợi giọng hát của mình là “bạc nguyên chất”, bà đã ngay lập tức phản ứng “vàng, đó là vàng ròng”. Mặc dù đã nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1946 và sử dụng tiếng Anh thành thạo, bà vẫn giữ thói quen gọi rượu Martini là Martinelli, một ám chỉ về sự liên kết âm nhạc đến tenor Giovanni Martinelli.

Không chỉ nổi tiếng với tư cách một prima donna hàng đầu trong thế hệ của mình, Milanov cũng rất thu hút giới truyền thông bằng những câu chuyện bên lề và cái tôi ghê gớm, thường xuyên có những cuộc cãi vã với bạn diễn. Bà từng bị Liên Xô cáo buộc là gián điệp của Mỹ vào năm 1949, Milanov nói rằng đó thực sự là điều “vớ vẩn”. Jack Adams, người quản lý của bà thì bật cười và cho biết Milanov không thể trở thành điệp viên vì bà không bao giờ có thể giữ được bí mật, tất cả những gì Milanov quan tâm là âm nhạc, thời trang, đồ ăn ngon và rượu. Milanov có thể khiến các đồng nghiệp phát điên vì tức giận qua những trò đùa tai quái của mình. Trong một lần hát Aida, ngay trước khi George London, trong vai Amonasro, chuẩn bị cho một đoạn đơn ca dài của mình, Milanov thì thầm vào tai ông: “Em bé của cậu thế nào, George”? Còn trong cảnh sông Nile, bên cạnh một tenor mà bà không thích: “Ồ, giọng của cậu hôm nay không được tốt lắm, cậu nghĩ là mình có thể lên nốt Si cao như vậy không”? Cái tôi dường như tương xứng với tầm vóc của một danh ca, bà từng cho biết: “Tôi thích vỗ tay. Tiền không phải là tất cả. Tiền là cuối cùng”. Cân nặng cũng mang lại khá nhiều phiền toái cho Milanov. Kể từ khi trọng lượng của Milanov được đưa vào thành một điều khoản trong hợp đồng với Metropolitan Opera, bà luôn phải vật lộn với nó và cố gắng ăn kiêng. Bản thân Milanov rất thích nấu ăn và là một đầu bếp giỏi. Khi bà đã giảm cân khá đáng kể thì một bài báo cho biết chế độ ăn kiêng cũng kéo theo “sự giảm sút đáng kể chất lượng giọng hát của bà”. Milanov nhún vai bình luận: “Bạn cố gắng làm hết sức mình để làm hài lòng công chúng, hài lòng các nhà phê bình, hài lòng tất cả mọi người. Sau đó bạn giảm cân và họ không thích bạn. Bạn đã làm gì? Bạn hoá điên lên mất”.

Dù gắn bó với Metropolitan Opera nhưng thỉnh thoảng bà vẫn quay trở về các sân khấu tại châu Âu. Ngày 11/7/1956, Milanov lần đầu ra mắt tại Covent Garden trong Tosca. Danh mục biểu diễn của Milanov luôn nhất quán kể từ khi khởi đầu sự nghiệp. Bà gắn bó chặt chẽ với các vở opera Ý kể từ thời Verdi trở về sau với rất ít ngoại lệ. Bà không động đến Richard Wagner, cho dù nhiều khán giả đánh giá rằng chất giọng kịch tính của Milanov là khá phù hợp. Bà nói mà không giải thích: “Wagner không phải dành cho tôi”. Những vở opera bắt đầu được thu âm trọn bộ góp phần mang lại danh tiếng cho Milanov. Bà cho biết rất thích làm việc với các tenor như Richard Tucker, Jan Peerce và đặc biệt là Jussi Bjorling huyền thoại. Những bản thu âm chung của họ như Il trovatore, Tosca, Aida đều có chất lượng nghệ thuật rất cao. Dù rằng từng làm việc cùng nhau nhưng Milanov lại tỏ ra ít hào hứng hơn với Giuseppe di Stefano, người có nhiều phẩm chất tương đồng với bà.

Tháng 4/1966, Metropolitan Opera dọn sang ngôi nhà mới của mình tại Loncoln Center. Milanov cũng muốn được dịch chuyển theo nhưng Bing đã từ chối gia hạn hợp đồng vì khi đó bà đã ở ngưỡng cửa của tuổi 60. Buổi biểu diễn opera cuối cùng của bà diễn ra vào ngày 13/4/1966 trong Maddalena bên cạnh Tucker. Và trong gala chia tay nhà hát cũ vào ngày 16/4/1966, Milanov đã lần cuối cùng xuất hiện trên sân khấu trong duet của Andrea Chénier và vẫn cùng với Tucker. Khán giả đã vỗ tay vô cùng nồng nhiệt, bất chấp việc cả hai đã đi vào sau cánh gà, bởi không muốn rời xa ca sĩ mà họ yêu mến. Bing đứng cạnh họ, thấy thời gian trôi qua quá lâu, khiến buổi biểu diễn bị trì hoãn, đã trở nên rất tức giận. Milanov nhìn thẳng vào mắt Bing và nói: “Tại sao ông không ra ngoài, ông Bing? Điều đó sẽ làm ngừng những tiếng vỗ tay”. Bà quyết định chia tay sự nghiệp ca hát với hơn 450 lần xuất hiện tại Metropolitan Opera: “Tốt hơn là nên đi bằng hai chân chứ không phải một”. Sau khi giã từ sân khấu, Milanov đã dành hết tâm sức của mình cho việc dạy học. Bà đã góp phần tạo ra rất nhiều ca sĩ danh tiếng như Grace Bumbry, Christa Ludwig, Regina Resnik. Thời gian của bà hàng năm được chia đều cho Nam Tư và New York. Milanov qua đời trong bệnh viện Lenox Hill ở Manhattan vào ngày 30/5/1989 sau một cơn đột quỵ ở tuổi 83.

Sau khi nhận được tin Milanov qua đời, nhà phê bình Martin Bernheimer của The Times đã đánh giá: “Zinka Milanov sở hữu giọng nữ cao đẹp nhất mà tôi từng nghe. Mang tính thời đại. Nó rất hoàn hảo cho các nữ anh hùng spinto của Verdi. Không ai làm nổi bật những giai điệu pianissimo như bà… Giọng hát nhẹ nhàng của bà đặc biệt ấn tượng bởi vì bà chỉ huy một nhạc cụ lớn, ấm áp, ngọt ngào có thể tự mình chống lại các bè khác, dàn hợp xướng và dàn nhạc đầy đủ trong những màn hoà tấu hoành tráng. Mặc dù bà không đặc biệt thoải mái trong các thử thách coloratura, nhưng đó giọng hát có âm vực rộng. Bà có thể dạy cho đồng nghiệp của mình những bài học về các đường legato, và có lẽ thực sự là như vậy. Về mặt lịch sử, bà giống như những prima donna kiểu cổ điển được các nhà vẽ tranh biếm hoạ ưa thích. Nhưng giọng hát của bà, vào một đêm đẹp trời, khiến bất kỳ giới hạn kịch tính nào dường như bị bỏ qua”. Milanov xem mình là một đầy tớ của âm nhạc và không hề có những suy nghĩ viển vông. Sức mạnh trong giọng hát của bà đã mở ra những rung động ở trong sâu thẳm trái tim của mỗi khán giả. Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của bà, ta thấy được lao động âm nhạc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, kiên nhẫn – qua mỗi ngày – từ từ, để rồi nghệ thuật giống như một cái cây non, được nuôi dưỡng và phát triển, để rồi đơm hoa, kết trái, mang lại những thành quả ngọt ngào.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
latimes.com
nytimes.com
operanews.com
medicine-opera.com