Thông tin chung

Tác giả: Peter Ilyich Tchaikovsky.
Tác phẩm: Capriccio Italien, Op. 45
Thời gian sáng tác:Tháng 1-5/1880.
Công diễn lần đầu: Nikolai Rubinstein chỉ huy tại Moscow vào ngày 18/12/1880.
Độ dài: Khoảng 16 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được Tchaikovsky dành tặng nghệ sĩ cello Karl Davydov (1838-1889), người lúc này đang là giám đốc nhạc viện Saint Petersburg.
Thành phần dàn nhạc: 3 flute (flute 3 kiêm piccolo), 2 oboe, English horn, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 cornet, 2 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, bass drum, cymbals, triangle, tambourine, glockenspiel, harp và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Ở tuổi 40, Tchaikovsky đã trở thành một nhà soạn nhạc thành công, được công nhận rộng rãi trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, cuộc sống cá nhân của ông lại không được như vậy. Tchaikovsky đã phải trải qua nhiều căng thẳng và đau khổ vì cuộc hôn nhân bất hạnh được tiến hành một cách liều lĩnh và nhanh chóng với người vợ của mình. Sự nghiệp giảng dạy tại nhạc viện dường như tỏ ra không quá phù hợp với Tchaikovsky. Ông cảm thấy nó có tác dụng xấu lên việc sáng tác của mình. Để giải toả áp lực và tìm lại nguồn cảm hứng trong âm nhạc, Tchaikovsky thường xuyên đi nghỉ tại nước Ý. Lần đầu tiên vào năm 1878 tại Florence và Venice, nơi ông đã hoàn thành bản Giao hưởng số 4. Lần thứ hai là vào đầu năm 1880 tại Rome và tác phẩm Capriccio Italien được ra đời.

Nước Ý đã trở thành đại diện cho một vương quốc gần như mê hoặc của ánh sáng, sự ấm áp và vẻ đẹp, nơi người ta có thể thoát khỏi những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống ngay tại quê nhà. Tchaikovsky đã trốn chạy cái lạnh buốt giá của Moscow và đến với khí hậu ôn hoà của Rome. Cùng đi với ông có em trai Modest. Sự thay đổi môi trường rõ ràng là có tác dụng. Hai anh em đến Rome đúng vào cao điểm của lễ hội hoá trang tại đây. Mặc dù sự đông đúc và ồn ào của lễ hội đã khiến Tchaikovsky cảm thấy chán chường như trong bức thư gửi em trai Anatoly: “Anh như bị say với sự cuồng nhiệt của đám đông, lễ hội hóa trang, ánh sáng. Lễ hội Carnival đã kết thúc trong sự nhẹ nhõm của anh. Ngày cuối cùng, sự điên cuồng và ma quỷ của đám đông vượt qua mọi thứ có thể tưởng tượng được. Tất cả những gì anh có liên quan, chỉ là sự mệt mỏi và khó chịu”. Bất chấp tất cả những điều đó, Thành phố vĩnh cửu đã khơi gợi lại nguồn cảm hứng cho Tchaikovsky. Trong bức thư gửi Nadezhda von Meck vào ngày 28/1/1880, ông tiết lộ: “Tôi đã bắt đầu phác thảo một fantasia Ý trên nền những chủ đề dân gian. Tôi muốn viết một cái gì đó theo phong cách Fantasia Tây Ban Nha của Glinka”. Tchaikovsky miêu tả bối cảnh tạo nên tác phẩm của mình cho von Meck: “Khi bà quan sát cẩn thận người dân đang vui đùa trên [Via del] Corso, bà tin chắc rằng bất kể niềm vui của đám đông địa phương có biểu hiện lạ lùng đến đâu, nó vẫn chân thành và không bị gò bó. [Nó] được hít thở trong bầu không khí ở địa phương, ấm áp, vuốt ve. Những ngày như vậy thật tuyệt vời”!

Ngày 5/2/1880, trong một bức thư khác gửi von Meck, Tchaikovsky kể về quá trình sáng tác tác phẩm: “Mọi việc vẫn tốt đẹp, tôi đã làm việc khá hiệu quả trong những ngày gần đây và tôi đã có chuẩn bị sơ bộ về bản Fantasia Ý của mình trên các chủ đề dân gian, mà theo tôi, có thể dự đoán là sẽ có một tương lai tốt đẹp. Nó sẽ cuốn hút, nhờ những giai điệu thú vị, một số từ các bộ sưu tập, một số khác được tôi nghe thấy trên đường phố”. Cũng trong bức thư, Tchaikovsky còn miêu tả chi tiết lễ hội hoá trang tại Rome, mà ở đó, ông đã có được rất nhiều chất liệu cho tác phẩm của mình. Trở về Nga, Tchaikovsky đã phối khí tác phẩm cho dàn nhạc tại Kamenka. Ông đã hoàn thành tác phẩm vào ngày 24/5/1880, dựa trên bức thư cùng ngày ông viết cho von Meck: “Tôi mới hoàn thành bản Fantasia Ý, giờ đây tôi chuẩn bị chuyển soạn nó cho piano 4 tay”. Tiêu đề Capriccio được Tchaikovsky thay đổi trong bức thư gửi cho nhà xuất bản của mình Pyotr Jurgenson vào ngày 28/5/1880. Trong đó ông thông báo đã hoàn thành bản chuyển soạn cho piano 4 tay. Ngày 3/6/1880, Tchaikovky gửi toàn bộ tổng phổ và mọi việc đã được hoàn tất. Ông muốn Capriccio Italien của mình được công diễn ngay trong mùa diễn sau đó.

Buổi ra mắt Capriccio Italien vào ngày 18/12/1880 đã được đón nhận một cách nồng nhiệt dẫn đến việc tác phẩm được đề nghị công diễn nhiều buổi ngay sau đó. Đây là một tác phẩm nhẹ nhàng, bay bổng được đặc trưng với màu sắc rực rỡ của dàn nhạc và những giai điệu hấp dẫn, đậm chất Ý.

Phân tích

Capriccio Italien mở đầu bằng tiếng kèn trumpet hùng dũng. Modest cho biết khách sạn Constanzi mà họ trú ngụ tại Rome nằm ngay cạnh doanh trại của trung đoàn Cuirassiers, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ tổng thống Ý. Câu kèn lệnh gọi tập hợp là thứ mà hai anh em nghe được vào sáng mỗi ngày. Sau đó, dàn dây giới thiệu một giai điệu chậm rãi, nặng nề xen kẽ với những sự phô trương khác nhau của dàn nhạc cho đến khi bè oboe bắt đầu một trong những giai điệu hấp dẫn nhất của Tchaikovsky, du dương như một điệu waltz. Chủ đề này trở nên rực rỡ hơn khi có thêm nhiều nhạc cụ tham gia, dẫn đến một chủ đề mới gấp rút trên violin và flute trên một bè đệm nhịp nhàng. Một giai điệu khiêu vũ rộn ràng xuất hiện với sự tham gia tích cực của những nhạc cụ bộ gõ như cymbals, tambourine và glockenspiel. Sau đó, một khoảng lặng xuất hiện và chủ đề chậm rãi ban đầu xuất hiện trở lại. Nhịp độ tăng dần, kèn gỗ giới thiệu điệu nhảy tarantella nhanh nhẹn, sôi động, đặc trưng của nước Ý. Mặc dù Tchaikovsky cho biết mình tìm thấy các giai điệu của Capriccio Italien trong “các bộ sưu tập” và “trên đường phố” nhưng đây là giai điệu duy nhất mà ta có thể tìm thấy trong dân gian Ý, bài hát Ciccuzza. Chủ đề waltz sau đó trở lại, hoành tráng hơn, đưa tác phẩm kết thúc trong sự hân hoan và phấn khích.

Sau những thất vọng của cuộc hôn nhân mà tâm trạng u uất, trầm cảm của Tchaikovsky được thể hiện rõ ràng trong bản Giao hưởng số 4. Capriccio Italien này mang một phong thái khác hẳn, nó quyến rũ, nhẹ nhàng và tạo sự hứng khởi. Tchaikovsky đã gạt được những tổn thương tinh thần cá nhân sang một bên và tiếp tục làm việc, cần mẫn sáng tạo ra những kiệt tác.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
philorch.org
orsymphony.org
houstonsymphony.org
tchaikovsky-research.net

Bình luận Facebook

Facebook Comments