Tác giả: Dmitri Shostakovich.
Tác phẩm: Tứ tấu dây số 8 giọng Đô thứ, Op. 110
Thời gian sáng tác: Ngày 12-14/7/1960.
Công diễn lần đầu: Beethoven Quartet chơi tại phòng hoà nhạc Glinka, Leningrad ngày 2/10/1960.
Độ dài: Khoảng 20 phút.
Tác phẩm có 5 chương:
Chương I – Largo
Chương II – Allegro molto
Chương III – Allegrettoá
Chương IV – Largo
Chương V – Largo

Mùa hè năm 1960, Shostakovich có mặt tại thành phố Dresden để viết nhạc cho bộ phim “Năm ngày năm đêm”, một tác phẩm điện ảnh do Liên Xô và Đông Đức cùng hợp tác sản xuất. Trong bộ phim có những hình ảnh về Dresden, còn được gọi là Florence bên sông Elbe, bị thế chiến thứ hai tàn phá. Có lẽ chính khung cảnh tiêu điều về những tàn tích này đã là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên một trong những bản tứ tấu dây nổi tiếng nhất của mình. Bản tứ tấu dây số 8 giọng Đô thứ, Op. 110 được Shostakovich chỉ sáng tác trong 3 ngày, từ 12 đến 14/7/1960. Ông đã gọi tác phẩm này là bản nhạc để “tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh”. Lev Arnshtam, đạo diễn của bộ phim nhớ lại: “Ông ấy đi bộ giữa đống đổ nát của Dresden. Những cảnh tượng của sự tàn phá đã làm ông ấy rung động”.

Tuy nhiên, qua một số lá thư của Shostakovich gửi cho những người bạn mình, bản tứ tấu này còn được coi như tác phẩm được dành cho chính nhà soạn nhạc. Ông viết cho nhà phê bình văn học Isaac Glikman vào ngày 19/7/1960: “Tôi cho rằng khi tôi chết, sẽ hiếm có người nào viết một tác phẩm về các ký ức của tôi. Vì vậy, tôi quyết định tự viết cho bản thân mình. Trên trang bìa họ có thể in: “Dành tặng cho tác giả của bản tứ tấu”. Chủ đề chính của tác phẩm là D-S-C-H, tên của tôi. Các chủ đề của bản tứ tấu còn lấy từ các tác phẩm khác của tôi và ca khúc cách mạng: Sự trói buộc nặng nề tra tấn (Замучен тяжёлой неволей). Các chủ đề của tôi như sau: các giao hưởng số 1 và số 8, Tam tấu piano số 2, Concerto cello số 1 và vở opera Phu nhân Macbeth ở quận Mtsensk. Tôi đã ám chỉ đến Wagner (hành khúc tang lễ trong Götterdämmerung) và Tchaikovsky (chủ đề 2 trong chương 1 Giao hưởng số 6). Ồ, tôi đã quên bản giao hưởng số 10 của tôi. Một sự pha trộn rối rắm khá tuyệt”.

Âm nhạc của bản tứ tấu không hề mang màu sắc tươi sáng hay hy vọng nào. Toàn bộ tác phẩm mang đến sự khắc khổ và bi thảm, gợi lên cảm giác u ám và trầm uất nhưng vẫn chứa đựng một sự hấp dẫn lạ kỳ. Bản tứ tấu gồm 5 chương được chơi liền mạch, không ngừng nghỉ (attaca) và tất cả đều ở giọng thứ. Cũng trong bức thư gửi cho Glikman, Shostakovich cho biết: “Mặt bi kịch giả tạo của tứ tấu này mạnh mẽ đến nỗi khi tôi viết nó, nước mắt tuôn rơi như nước chảy sau một vài cốc bia. Kể từ khi tôi về nhà, tôi cố gắng chơi nó hai lần, nhưng một lần nữa tôi lại khóc”.

Chương I bắt đầu với motif 4 nốt nhạc được chơi trên cello mang tên nhà soạn nhạc D-S-C-H (Rê-Mi giáng-Đô-Si), vốn đã được ông sử dụng trước đây, đặc biệt trong bản giao hưởng số 10. Chủ đề này mở ra một khúc canon chậm rãi của viola và violin. Trong một vài ô nhịp tiếp theo, toàn bộ 12 nửa cung của một quãng tám được chơi tạo ra sự mơ hồ về âm sắc và một cảm giác không chắc chắn. Một trích dẫn từ phần đầu tiên Giao hưởng số 1 của Shostakovich vang lên rất chậm rãi cắt ngang âm thanh của sự tuyệt vọng, nhưng cũng không hề làm giảm đi sự u ám. Âm nhạc từ giọng Đô thứ được chuyển sang Đô trưởng rồi La thứ. Cuối cùng, trước khi chương nhạc kết thúc, chủ đề âm nhạc phát triển từ trích dẫn của Giao hưởng số 5. Về hình thức, chương nhạc được coi như một khúc rondo (ABACABA) nhưng có kết cấu khá lỏng lẻo.

Tương phản với sự than thở chậm rãi của chương I, chương II được viết ở giọng Son thăng thứ, bùng lên dữ dội mà không hề báo trước. Âm nhạc mang màu sắc bạo lực, dễ nhận thấy trong các bản giao hưởng số 8 và 10. Cao trào của chương nhạc xuất hiện giữa chương nhạc khi motif D-S-C-H dẫn dắt hai violin cất lên chủ đề thường được gọi là “Do Thái” từng xuất hiện trong chương cuối bản Tam tấu piano số 2 của ông.

Chương III là một điệu waltz ở giọng Son thứ được biến tấu cũng từ motif D-S-C-H, được giới thiệu trên violin 1. Shostakovich khá yêu thích các điệu waltz – ông đã tạo ra một khối lượng tác phẩm lớn đáng ngạc nhiên với một nhà soạn nhạc thế kỷ 20. Tuy nhiên, điệu waltz này rất lạnh lùng, nó mang tới một sự cay đắng và mỉa mai. Âm nhạc đột nhiên chuyển sang nhịp 2/2 với sự xuất hiện của chủ đề đầu tiên của bản Concerto cello số 1 – mới được sáng tác một năm trước đó, nhưng không được chơi cello mà trên violin 1. Ngay sau đó, chủ đề ngày biến mất và cello có được 1 chủ đề của riêng mình được chơi ở âm khu cao. Chủ đề concerto cello xuất hiện trở lại trên violin 1 ở giọng La thăng thứ.

Chương IV bắt đầu với violin 1chống lại âm thanh dồn dập trầm hơn từ những nhạc cụ còn lại. Những hợp âm được lặp đi lăp lại nhưng những tiếng súng của một trận chiến kinh hoàng. Phần tiếp theo là sự xuất hiện từ các chất liệu âm nhạc có từ trước đó. Violin 1 cất lên một biến tấu từ chủ đề 4 nốt nhạc (được thay đổi thứ tự) và sau đó 3 nhạc cụ còn lại chơi giai điệu của bài hát “Sự trói buộc nặng nề tra tấn”. Chủ đề concerto cello lại xuất hiện được nối tiếp khi cello vang lên aria Katarina Izmailova trong vở opera Phu nhân Macbeth ở quận Mtsensk.

Chương V trở về giọng Đô thứ, là một fugue. Chương nhạc như một sự tổng kết – hồi tưởng lại chương I, khép lại tác phẩm với trong một tâm trạng bi thương bao trùm toàn bộ bản nhạc. Chủ đề của chương nhạc cũng dựa trên trên motif 4 nốt nhạc với những trang trí và kết cấu đã được nghe trước đó. Chương nhạc chậm rãi và hoang tàn, chứa đựng một nỗi buồn khôn nguôi. Bản tứ tấu khép lại, theo một ý nghĩa nào đó, giống như một bản Requiem.

Cũng trong bức thư gửi cho Glikman vào ngày 19/7/1960, Shostakovich đã tự gọi tác phẩm của mình là “sa đoạ về mặt tư tưởng” . Một năm trước đó, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev đã đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những nghệ sĩ phớt lờ chính sách của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa. Tác phẩm này dường như đi ngược lại những khuyến cáo đó. Bản tứ tấu dây số 8 của Shostakovich không đẹp theo cách truyền thống, nó không ra đời với mục đích tôn vinh cái đẹp. Nhưng nó lại hấp dẫn ở sự nhức nhối mạnh mẽ, sự kịch tính đầy căng thẳng và một nỗi buồn mênh mông. Dường như âm nhạc của Shostakovich bắt chúng ta khám phá những khía cạnh tăm tối nhất của con người: sự mỉa mai,chế giễu, nỗi kinh hoàng, sự sợ hãi, bạo lực và cái chết. Nỗi đau đớn mà tác phẩm đề cập đến có lẽ là sự thống khổ bi thảm của những người đã trải qua đau thương mất mát, cho dù nguyên nhân là do chiến tranh, chủ nghĩa phát xít hay bất kỳ nguyên nhân nào khác. Trong tang lễ của Shostakovich vào tháng 8/1975, bản tứ tấu đã được biểu diễn để tiễn đưa nhà soạn nhạc.

Cobeo