“Bản nhạc chỉ là một đống màu đen, chúng không có ý nghĩa gì… Tôi chơi violin nhưng để chơi tốt bạn phải hơn cả một người chơi violin. Đó là cả một thế giới mà bạn phải sống ở trong đó, như những dòng chảy trong đại dương; và trong bất kỳ trường hợp nào, tôi thường không sử dụng bản nhạc mà chơi ngẫu hứng” – Ivry Gitlis

Ivry Gitlis là một nghệ sĩ violin liều lĩnh. Một buổi hoà nhạc hoặc một bản thu âm của ông có thể vô cùng tuyệt vời hoặc cũng trở nên rất kỳ lạ, nhưng không bao giờ nhàm chán. Như một nhà phê bình đã nhận xét: “Ông ấy chấp nhận rủi ro, tìm kiếm một sự giao cảm hoàn hảo với âm nhạc và đôi khi dường như được truyền cảm hứng từ thần thánh”. Tất cả những gì ông biểu diễn đều tràn đầy cá tính và không bao giờ thiếu những màn thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện cũng như luôn đẩy các cung bậc cảm xúc lên mức dữ dội nhất. Trong một lần biểu diễn bản Concerto violin của Peter Ilyich Tchaikovsky ở Havana, Cuba, ông chơi một cách mạnh mẽ đến nỗi cả bốn dây đàn bị đứt và cầu đàn bay thẳng vào người khán giả. Những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận dũng cảm này đối với việc biểu diễn âm nhạc đã tạo ra chất lượng biểu diễn thất thường, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên trở đi; nhưng đối với Gitlis, sự hoàn hảo là một khái niệm được đánh giá quá cao: “Mọi người nói về cách chơi của Heifetz là hoàn hảo, nhưng ông ấy hoàn hảo theo nghĩa là luôn đứng trên bờ vực thẳm”. Sở hữu một nền tảng kỹ thuật tuyệt vời, vibrato với tốc độ siêu nhanh, những đường legato đẹp như các aria bel canto, staccato hiếm người bì được, khả năng phân tích tác phẩm của ông cũng không giống với bất kỳ ai. Mỗi nốt nhạc ông chơi đều có linh hồn, nói bằng ngôn ngữ của riêng nó. Gitlis chơi đàn và sống với những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông nói: “Đừng bao giờ quá coi trọng ý kiến của người khác, ngọn lửa cuộc sống vụt tắt trong nháy mắt và chúng ta chỉ ở đây chỉ trong tích tắc. Hãy nắm lấy, đón nhận nó vào trái tim và mở nó trong tâm trí trước khi bạn gục xuống một chiếc ghế thoải mái với một tách trà”.

Ivry Gitlis sinh ngày 25/8/1922 tại Haifa, Israel (lúc này thuộc quyền sở hữu của Palestine dưới sự cai trị của người Anh) với tên khai sinh là Yitzhak-Meir (Isaac) Gitlis. Cha mẹ cậu Asher và Hedva, đều là người Do Thái, nhưng chuyển đến Israel từ Kamianets-Podilskyi, Ukraine vào năm 1921 để chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh đang diễn ra tại đó. Ông nhớ lại: “Tôi bắt đầu chơi như thế nào? Tôi còn nhỏ đến mức không thể chơi được. Nhưng tôi đã quyết định. Tôi chọn violin và năm 6 tuổi tôi bắt đầu chơi. Các giáo viên của tôi là Elisheva Velikovsky, học trò của Adolph Busch và Mira Ben-Ami, học trò của Joseph Szigeti”. Với những cái tên này, ta đã thấy được Gitlis là sản phẩm của triều đại những nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc nhất đầu thế kỷ 20. Các giáo viên đã nhận ra năng khiếu của cậu bé và hiểu rằng cậu cần một môi trường tốt hơn để phát triển. Cơ hội đã đến khi nghệ sĩ violin Bronislaw Huberman, người sau này sẽ sáng lập Palestine Symphony Orchestra (nay là Israel Philharmonic) đến Palestine. Gitlis tiếp tục hồi tưởng: “Tôi được đưa đến gặp Huberman, ông ấy đang đi nghỉ ở Biển Chết… Tôi nhìn thấy hai người đang đứng và một người đang ngồi vắt chân trong nước… đó là Huberman; và hai ngày sau, tôi đã chơi cho ông nghe tại khách sạn King David”.

Bất ngờ trước tài năng của cậu bé, Huberman đã viết thư giới thiệu và đứng ra quyên góp tiền để hỗ trợ cậu tới Paris. Một số nhà hảo tâm đã ủng hộ và khi 12 tuổi, cậu và mẹ lên tàu tới châu Âu. Gitlis nhớ lại: “Chúng tôi ở trong một cái phòng rất nhỏ có tới 12 giường với một cửa sổ rất nhỏ và mùi hôi. Tôi không thể quên được cái mùi kinh khủng. Nó giúp tôi tưởng tượng mình đang nhìn thấy cha mình qua cửa sổ, tiếp tục vẫy tay chào. Tôi rất cô đơn. Tôi là người nhỏ nhất ở đó. Đó là trải nghiệm của tôi”. Họ tới Paris, hi vọng cậu được nhận vào Nhạc viện Paris danh giá. Nhà trường đang tổ chức một cuộc thi và khi người chiến thắng được xướng tên, cậu phải mất một lúc lâu mới hiểu được rằng những tiếng hô “Zhitli! Zhitli” là để gọi mình. Cậu đã vượt qua 150 đối thủ và được nhận vào học, ban đầu với Marcel Chailley và sau đó là Jules Boucherit. Cũng trong giai đoạn này cậu chính thức đổi tên thành Ivry, trong tiếng Do Thái có nghĩa là người Do Thái để phản đối chủ nghĩa bài Do Thái ở Pháp lúc đó. Trong thời gian này, Ivry kiếm sống bằng cách chơi violin tại các tiệm ăn, quán cà phê và câu lạc bộ. Từ năm 1938-1940, Ivry may mắn được học tập với những nghệ sĩ violin hàng đầu thế giới thời bấy giờ là George Enescu, Jacques Thibaud và Carl Flesch. Người thầy cuối cùng của cậu là Theodore Pashkus.

Khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai lan tới Pháp, Gitlis và mẹ phải chạy trốn tới Anh: “Vào ngày 21/6/1940, chúng tôi đi thuyền qua eo biển Manche đến London trên tàu Queen Emma. Đây là con tàu cuối cùng rời nước Pháp bị chiếm đóng và may mắn thay nó không bị quân Đức đánh chìm, như một số con tàu đã ra khơi trước và sau đó. Nó được thiết kế để chở 500 người, nhưng có tới 4.500 người Ba Lan, Do Thái và các giáo sĩ”. Tại London, anh hi vọng được gia nhập lực lượng Không quân hoàng gia Anh nhưng cuối cùng lại vào làm công việc văn thư tại một nhà máy sản xuất vũ khí và tiếp tục trau dồi khả năng chơi đàn của mình, chủ yếu là tự học. Gitlis cũng tham gia biểu diễn trong các chương trình do quân đội tổ chức. Đây là những năm tháng kinh hoàng đối với bất kỳ ai: “Thật kinh khủng khi bạn cần thứ như chiến tranh để có thể hiểu sự sống có thể biến mất bất cứ lúc nào. Nhưng nó đã tạo cho tôi một động lực”. Mẹ anh đã trở về Palestine và qua đời ở đó. Phải 15 năm sau, anh mới có cơ hội được viếng mộ mẹ mình. Sau khi chiến tranh kết thúc, Gitlis có màn ra mắt tại Wigmore Hall, London nhưng sự nghiệp của anh không bao giờ đi theo quỹ đạo thông thường của các buổi hoà nhạc và thu âm. Sau đó anh có được những buổi biểu diễn cùng London Philharmonic, London Symphony Orchestra cũng như một số dàn nhạc khác tại Anh. Gitlis cũng bắt đầu thu âm cho Vox, hãng thu âm có truyền thống phát hiện và nâng đỡ những nghệ sĩ trẻ tài năng chưa được biết đến. Bản thu âm đầu tiên là violin concerto của Alban Berg với nhạc trưởng William Strickland sau đó là Concerto chamber (Berg) và Concerto violin của Igor Stravinsky (nhạc trưởng Jascha Horenstein) cũng như các concerto của Bela Bartók, Max Bruch và Jean Sibelius.

Năm 1951, anh tham dự cuộc thi violin mang tên người thầy của mình Long-Thibaud tại Paris. Tuy nhiên Gitlis chỉ giành giải 5, mang lại sự phẫn nộ cho một bộ phận lớn khán giả. Họ yêu cầu phải trao giải nhất cho anh. Người chiến thắng cuối cùng là nghệ sĩ violin người Pháp Gérard Jarry. Trong những năm 1950, Gitlis đến Mỹ, gặp gỡ và kết bạn với Jascha Heifetz, người mà anh vô cùng ngưỡng mộ: “Lần đầu tiên tôi nghe bản thu âm của Heifetz khi tôi lên 6 tuổi… Anh ấy là đỉnh Everest… Một ngày nào đó tôi có thể nói với con cháu mình rằng vào thập kỷ thứ sáu của thế kỷ 20 tôi đã thở cùng một bầu không khí với Heifetz”, đồng thời thực hiện nhiều buổi hoà nhạc cùng những dàn nhạc hàng đầu tại đây. Có thể kể đến buổi biểu diễn bản violin concerto của Tchaikovsky cùng Eugene Ormandy chỉ huy Philadelphia Orchestra hay với Georg Szell và New York Philharmonic trong Concerto violin của Sibelius. Năm 1956, kể từ khi rời đi năm 1934, anh mới quay trở lại Israel. Gitlis nhớ lại: “Đó là một trong những giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã thuê một căn hộ trong 6 tháng có cửa hướng ra biển. Nhiều bạn bè đã đến và tôi rất vui”. Sau đó anh phải ra đi vì có một buổi biểu diễn bản Concerto violin số 1 của Niccolò Paganini cùng nhạc trưởng Eugene Goossens và Orchestra dell’Accademia Nazionale di Santa Cecilia. Khi đó cuộc chiến tranh Suez đang diễn ra và anh chia tay: “Trời lạnh, trái tim tôi hướng về Israel, hướng về cuộc chiến tranh”.

Năm 1963, Gitlis trở thành nghệ sĩ violin Israel đầu tiên biểu diễn tại Liên Xô trong một chuỗi chương trình giao lưu văn hoá Liên Xô-Israel. Ông thực hiện lưu diễn tại nhiều thành phố, bắt đầu tại Vilnius vào ngày 23/10/1963 và sau đó là Leningrad, Kiev Odessa và Moscow. Ông cũng biểu diễn cùng những dàn nhạc hàng đầu thế giới như Berlin Philharmonic hay Vienna Philharmonic. Vào cuối những năm 1960, Gitlis trở lại Paris, nơi ông sẽ sống trong quãng đời còn lại của mình. Hâm mộ tài năng của ông, nhiều nhà soạn nhạc đương đại đã sáng tác ra những tác phẩm để dành tặng ông như René Leibowitz với bản concerto violin năm 1958, Roman Haubenstock-Ramati (Sequences, 1958), Bruno Maderna (Pièce pour Ivry, 1971) hay Iannis Xenakis (Mykkas, 1972). Không chỉ bó hẹp mình trong địa hạt nhạc cổ điển, Gitlis còn nhiều lần tham gia các thể loại nhạc khác. Có thể kể đến dự án Dirty Mac ông thực hiện cùng John Lennon, Keith Richards, Eric Clapton, Yoko Ono và tay trống Mitch Mitchell vào năm 1968. Năm 1972, ông thành lập Festival de Vence ở miền Nam nước Pháp như một phần mục đích của mình là làm cho âm nhạc cổ điển có thể tiếp cận được với tất cả mọi người và ông đã biểu diễn cùng các nhạc sĩ thuộc mọi thể loại để phá bỏ các rào cản. Những khách mời đầu tiên của liên hoan là Dizzy Gillespie, Leopold Stokowski, Marcel Marceau và Zubin Mehta. Điểm đặc biệt của festival là Gitlis trò chuyện với khán giả giữa các phần và những người biểu diễn điều chỉnh chương trình cho phù hợp với phản ứng của khán giả. Ông tỏ ra rất yêu thích đất nước Nhật Bản và đã không dưới 30 lần tới biểu diễn tại đây.

Danh mục biểu diễn của Gitlis dù không quá đồ sộ nhưng cũng rất đa dạng, ngoài những tác phẩm kinh điển dành cho violin, ông thường thiên về những bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật trình tấu cao để ông mặc sức thể hiện khả năng vượt trội của mình, những màn phô diễn khiến khán giả tự hỏi liệu đây có phải là sự tái sinh của Paganini. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất ở Gitlis so với những nghệ sĩ violin hàng đầu khác theo như Stephen Hough cho biết: “Ông là nghệ sĩ nguy hiểm nhất, có tinh thần tự do và khó dự đoán nhất trước công chúng… Tôi biết rằng bất cứ điều gì Ivry làm lúc 10 giờ sáng sẽ hoàn toàn khác vào lúc 12 giờ trưa. Đó là tất cả những gì tôi đã chuẩn bị cho sự sáng tạo không được chuẩn bị trước trong nghệ thuật của ông”. Nghệ sĩ cello Steven Isserlis, một người bạn của ông đã tóm tắt một cách hoàn hảo về con người-nghệ sĩ Gitlis: “Cách chơi và tính cách của ông ấy ở khía cạnh gây tranh cãi là không cần tranh cãi. Ông đã khơi dậy những phản ứng cực đoan ở mọi người; họ thích hoặc không. Ông không đặc biệt vui vì điều đó – ông muốn được mọi người yêu mến; nhưng ông chấp nhận. Ông sẽ không bao giờ mơ ước thỏa hiệp với bất kỳ ai”. Dù ít được biến đến với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn thính phòng do thực hiện ít bản thu âm nhưng trên thực tế ông đã tham gia hoà tấu cũng nhiều nghệ sĩ khác như Heifetz, Gregor Piatigorsky, Isaac Stern, Mischa Maisky, Martha Argerich cũng như một số tên tuổi khác. Bản thu âm các sonata violin của César Franck và Claude Debussy do ông thực hiện cùng Argerich với hãng CBS cũng là một đĩa nhạc đáng chú ý, thể hiện một cách tiếp cận rất cá nhân của Gitlis, đầy tính vị kỷ.

Năm 1975, ông tham gia diễn xuất với việc vào vai một nghệ sĩ violin lang thang trong bộ phim “Câu chuyện về Adele H” của đạo diễn Francois Truffaut. Gitlis cũng rất yêu thích công việc dạy học, ông tham gia các lớp master class trên khắp châu Âu và Israel. Không chỉ dạy violin, Gitlis còn truyền cho học trò cách đương đầu với áp lực và chống lại nỗi sợ hãi sân khấu. Ông kể cho học sinh mình những câu chuyện để giúp họ tìm cách lấy lại bình tĩnh trước giờ diễn: “Bạn có biết Marian Anderson đã nói gì với tôi không? Khoảnh khắc quan trọng nhất là giây phút trước khi âm nhạc bắt đầu, sự tạm dừng đó, giống như những con vật đang chờ đợi mà chưa nuốt chửng con mồi của chúng” hay: “Sviatoslav Richter luôn chạy trên sân khấu, cứ như thể ông không thể kiềm chế được ham muốn của mình để ra trước công chúng và biểu diễn, ông ấy gần như đã nhảy lên cây đàn piano theo đúng nghĩa đen. Tôi tự hỏi bản thân làm sao Richter có thể làm điều đó hết đêm này qua đêm khác. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy Richter ở hậu trường với bản nhạc ông ấy sẽ chơi bis trên đùi. Ông bình tĩnh lướt qua, ghi chép một cách lặng lẽ, tập trung. Đó là cách ông đang chuẩn bị cho cuộc chạy lên sân khấu”. Gitlis cũng yêu cầu các học sinh mình chơi nhạc mà không dùng bản nhạc. Ông ví von: “Giống như nhìn thấy một người đàn ông ốm yếu đi giữa đêm dọc theo mép mái nhà: Nếu bạn để anh ta một mình, anh ta sang được phía bên kia, nhưng nếu bạn hét vào mặt anh ta, “Hãy cẩn thận!” – anh ta ngã xuống”. Gitlis cho biết từ góc độ của chính mình: “Khi tôi ứng tác, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra từ nốt này sang nốt khác. Tôi chơi nốt đầu tiên và cánh cửa mở ra cho điều chưa biết. Và cùng với đó bạn phải nhớ rằng trong âm nhạc, đánh mất bản thân không có nghĩa là mất kiểm soát, mà là tìm ra con đường đúng đắn”. Với Gitlis điều quan trọng nhất như ông từng nói với các học sinh của mình: “Hãy lắng nghe nội tâm của bạn, thứ kết nối trực tiếp với trái tim và tâm hồn, thứ cho bạn biết cảm giác của bạn chính là bạn! Hãy nhớ rằng một ghi chú tuyệt đẹp “sai” của Kreisler, Thibaud, Casals hoặc Callas có giá trị hơn một nghìn nốt nhạc được gọi là “đúng” và việc chơi một cách hợp vệ sinh và đúng về mặt lâm sàng không nhất thiết là một dấu hiệu của sức khỏe tốt!”. Đúng là một sự sáng tạo nghệ thuật đầy tinh thần tự do nhưng cũng vô cùng cực đoan.

Năm 1981, ông cho xuất bản cuốn tự truyện Tâm hồn và sợi dây (The Soul and the String). Năm 1988, ông được tổ chức UNESCO bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí, mục tiêu của ông là nhằm “hỗ trợ văn hoá và giáo dục của hoà bình và sự khoan dung”. Năm 2004, đạo diễn Tony Palmer thực hiện một bộ phim tài liệu về Gitlis. Mùa đông năm 2009, trong một chuỗi chương trình hoà nhạc thính phòng được bảo tàng Tel Aviv tổ chức, ông đã chơi Sonata violin số 5 “Mùa xuân” của Ludwig van Beethoven. Trên thực tế, nhiều người đã kinh hoàng trước những gì được coi là sự xúc phạm sáng tạo của Beethoven dưới bàn tay của ông. Nhưng với Gitlis, điều đó được coi là bình thường, miễn bản thân ông cảm thấy thuyết phục vì điều đó: “Tôi luôn ngẫu hững những đoạn encore và tôi sẽ sáng tạo ra những câu chuyện về chúng cho khán giả, những câu chuyện khiến tôi rơi nước mắt”. Trong sự nghiệp biểu diễn của mình, Gitlis từng chơi trên nhiều cây đàn violin có giá trị như Giovanni Battista Rogeri (được làm từ năm 1699), “Chant du Cygne” của Antonio Stradivari (1737), “Ysaye” của Guarneri del Gesù (1740) và “Sancy” của Antonio Stradivari (1713). Năm 2011, sau khi Nhật Bản hứng chịu những cơn động đất và sóng thần, trong lúc nhiều nghệ sĩ huỷ bỏ biểu diễn, Gitlis vẫn tổ chức nhiều buổi hoà nhạc từ thiện tại đây và đã biểu diễn trên một nhạc cụ làm từ các mảnh vỡ còn sót lại từ trận thảm hoạ. Năm 2014, hãng Decca đã phát hành bộ 4 CD “Irvy Gitlis – Violin Virtuoso”.

Năm 2018, ông chơi một trong những buổi hoà nhạc lớn cuối cùng của mình ở Tel Aviv, khi đã 96 tuổi. Argerich đã đệm cho ông biểu diễn một số tiểu phẩm của Fritz Kresler từ chiếc xe lăn cùng với sự đùa giỡn với khán giả đã trở thành thương hiệu của ông. Năm 2010, Gitlis từng nói với tờ La Croix của Pháp: “Ngày mà tôi không còn chơi vĩ cầm nữa, tôi sẽ chết”. Và chỉ hai năm sau, ngày 24/12/2020, ông qua đời tại căn hộ đẹp như tranh vẽ của mình ở khu phố Latin, Paris, thọ 98 tuổi. Bộ trưởng Văn hoá Pháp Roselyne Bachelot ca ngợi ông: “Một nghệ sĩ biểu diễn tuyệt vời, một nhạc sĩ rộng lượng, người đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ tất cả các loại hình âm nhạc”. Nhiều đồng nghiệp cũng bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc. Mischa Maisky tâm sự: “Tôi không nói nên lời và vô cùng đau buồn về sự mất mát của con người duy nhất, Ivry Gitlis”. Còn người bạn Isserlis thì thốt lên: “Rất, rất buồn khi phải chấp nhận sự ra đi của Ivry Gitlis vĩ đại, duy nhất, vô cùng đáng yêu, rực rỡ, không thể thay thế. Sẽ không bao giờ có người khác giống như ông ấy”.

Thật đáng tiếc khi Gitlis không phải là một nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng hơn. Tên tuổi của ông không được nhiều người yêu nhạc nói chung biết đến có lẽ vì Gitlis chưa bao giờ được một hãng thu âm lớn ký hợp đồng và nghệ thuật của ông tập trung vào việc biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, những diễn giải mang phong cách cá nhân sâu sắc của ông đã khiến Gitlis giành được nhiều sự ngưỡng mộ, đặc biệt là các nghệ sĩ violin đồng nghiệp. Dù rằng để lại rất nhiều tranh cãi nhưng ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đúng như những gì ông từng ao ước về phương châm sống của mình: Để được sống, nhận thức, nghe, biết, cảm nhận, nhìn thấy, yêu thương, đôi khi được yêu thương một chút”. Tài năng phi thường của Gitlis – trong thời đại ngày càng có xu hướng nhạt nhoà về phong cách, khẳng định ông là một người đặc biệt – xứng đáng được tiếp cận nhiều hơn nữa.

Ngọc Tú (nhaccodien.info)