Alexander Nikolaevich Scriabin (sinh ngày 25 tháng 12 năm 1871 (theo lịch mới là 6 tháng giêng năm 1872) tại Moscow. Tài năng âm nhạc của Scriabin được thể hiện từ rất sớm, do ông được thừa hưởng di truyền từ mẹ, nghệ sĩ piano nổi tiếng Liubov Petrovna Scriabina. Tài năng của bà được anh em Anton và Nikolai Rubinstein, Borodin và cả Tchaikovsky khen ngợi. Là con gái hoạ sĩ vẽ gốm Peter Tshetinin, năm 1870 bà kết hôn với Nikolai Alexandrovich Scriabin, sinh viên khoa luật trường Đại học tổng hợp Moscow, và khi tốt nghiệp nhạc viện Saint Peterburg đã đi lưu diễn rất thành công tại nhiều thành phố của Nga.
Về phần mình, sau khi tốt nghiệp ĐHTH Moscow, ông Nikolai Scriabin tiếp tục con đường học vấn tại Đại học ngôn ngữ Phương Đông thành phố Saint Peterburg và trở thành một nhà ngoại giao. Ông làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Đông khác, ít khi sống ở Nga.
Bà Liubov Petrovna mất vì bệnh lao năm 1873, để lại con trai duy nhất Alexander mới một tuổi rưỡi cho cô em chồng chăm sóc. Niềm say mê piano của bà cô ruột đã truyền sang cho cậu bé Alexander, nhạc sĩ tương lai.
Từ năm 1882 Alexander bắt đầu học piano dưới sự hướng dẫn của sinh viên Nhạc viện Moscow G. Konius (1862-1933), người sau này sẽ trở thành nhà lý luận âm nhạc và nhạc sĩ xuất chúng. Mùa thu cùng năm ông thi đỗ vào Trường thiếu sinh quân số 2 thành phố Moscow và trong suốt thời gian học tại trường luôn đứng đầu về thành tích học tập. Ngay từ khi còn niên thiếu ông đã tham gia các buổi biểu diễn tại phòng hoà nhạc của Trường Thiếu sinh quân, và tại một trong các buổi biểu diễn đó khi đang trình bày một bản gavotte của Bach, ông đã chơi sai, nhưng không hề bối rối, tiếp tục chơi ngẫu hứng theo đúng phong cách của thiên tài người Đức này cho đến hết. Bản lĩnh tự chủ và ý chí tập trung cao độ của một nhạc công luôn là nét tính cách nổi bật của Scriabin-nghệ sĩ piano trong suốt cuộc đời.
Năm 1885 Scriabin bắt đầu học piano với nhà sư phạm âm nhạc lỗi lạc N. Zverev, và học sáng tác với S. Taneev. Năm 1988 Scriabin thi vào lớp piano Nhạc viện Moscow và thường xuyên biểu diễn. Tác giả yêu thích nhất của ông là Chopin, nhưng ông cũng chơi cả Liszt, Beethoven và Shumann. Quyết tâm hoàn thiện kỹ năng bằng mọi giá đã dẫn đến một bi kịch trong đời Scriabin và để lại hậu quả vĩnh viễn: Ông đã không hỏi ý kiến giáo viên mà tự ý luyện tập đến mức tay bị chấn thương. Nhờ nỗ lực của các bác sĩ giỏi nhất đôi tay của ông được phục hồi chức năng, nhưng ông không bao giờ còn có thể chơi nhạc với kỹ thuật cao như trước. Sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhạc sĩ.

Năm 1892 Scriabin tốt nghiệp lớp piano Nhạc viện Moscow, nhưng không được nhận bằng về sáng tác, do quan hệ cá nhân của ông với giáo sư A. Arensky, người hướng dẫn lớp sáng tác vào thời gian đó, không được suôn sẻ. Bởi thế, ông được ghi tên vào ngành lịch sử Nhạc viện Moscow và là sinh viên tốt nghiệp với Huy chương vàng Nhỏ. Cho tới thời gian này nhà soạn nhạc trẻ tuổi đã có khá nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, nhưng khuynh hướng piano và nhạc giao hưởng đã được xác định khá rõ nét. Phong cách chung cho các tác phẩm thời kỳ đầu tiên của Scriabin có thể xếp vào trào lưu hậu lãng mạn với sự tiếp tục các truyền thống của Chopin, tuy nhiên ngay trong các etude và prelude “hậu lãng mạn” này các yếu tố ngôn ngữ âm nhạc hài hoà hiếm thấy ở một nhà soạn nhạc cách tân tài năng đã được thể hiện.

Năm 1894 xảy ra một sự kiện lớn trong cuộc đời Scriabin. Ông gặp vị “mạnh thường quân” nổi tiếng thời đó là M. P. Beliaev. Beliaev hầu như ngay lập tức đã đánh giá rất cao tài năng của nhà soạn nhạc trẻ, có phong cách giao tiếp tinh tế và được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo. Từ đó trở đi các sáng tác của Scriabin bắt đầu được xuất bản và vang lên trong các chương trình hoà nhạc giao hưởng Nga.

Năm 1896 Scriabin đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng trong toàn quốc. Đây cũng là năm xảy ra nhiều đổi thay trong đời tư của nhạc sĩ. Alexander Nikolaevich Scriabin kết hôn với cô Vera Ivanovna, một nghệ sĩ piano tài năng, tốt nghiệp Nhạc viện Moscow với Huy chương vàng năm 1897. Họ cùng đi lưu diễn nước ngoài trong năm 1897-98, Vera Ivanovna cùng biểu diễn với chồng trong các buổi hoà nhạc và trình diễn các tác phẩm của ông.

Ở lứa tuổi 26, Scriabin đã nhận được lời mời trở thành giáo sư lớp piano tại Nhạc viện Moscow. Trên cương vị này ông tỏ rõ mình là một nhà sư phạm âm nhạc tài năng. Ông giảng dạy piano tại Nhạc viện Moscow và Trường đại học Ekaterinin. Rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trường này đã tiếp tục học vấn âm nhạc tại Nhạc viện Moscow trong lớp piano của Scriabin.

Tuy nhiên Scriabin vẫn giành phần lớn thời gian và sức lực để sáng tác. Năm 1900 và hầu như cả năm sau đó ông giành cho việc hoàn thiện Giao hưởng số 1 – tác phẩm đồ sộ gồm 6 chương, kết thúc bằng một chorus, phần lời của chorus này do chính Scriabin viết. Ý tưởng chính là tôn vinh nghệ thuật và vai trò kiến tạo hoà bình, liên kết mọi con người của nghệ thuật. Chính từ Giao hưởng số 1 này đã định hình các chủ đề chính mà nhạc sĩ sẽ phát triển trong sự nghiệp sáng tác của mình sau này, nhất là các ý tưởng chính của tác phẩm âm nhạc mang tính tôn giáo vĩ đại “Mystery” mà ông không kịp hoàn thành. Sau Giao hưởng số 1 là Giao hưởng số 2, rồi Giao hưởng số 3 “Trường ca thần thánh” mà ông hoàn thành vào năm 1904. Tầm cỡ của giao hưởng này khiến người ta choáng váng: Nhạc sĩ đã sử dụng dàn nhạc tới bốn quản. Cũng chính trong giao hưởng này tài năng của Scriabin-nhà soạn kịch được thể hiện hết tầm. Tác phẩm gồm 3 chương có bố cục hoàn chỉnh, liên kết với nhau bởi một ý đồ thống nhất. Chương một có tên gọi “Tranh đấu”, chương hai – “Tận hưởng” còn chương ba – “Màn trình diễn thần thánh”.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình Scriabin chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các đại diện nghệ thuật Phục hưng Nga, nhất là V. Soloviev, V. Ivanov. Nghệ thuật trừu tượng, với ý tưởng trung tâm là tái tạo cuộc sống trong nghệ thuật mang màu sắc thần bí, đôi khi được đẩy đến tận cùng, là nỗ lực xa rời đời thường, phản ánh những nét tinh tế, nóng bỏng nhất của tâm hồn nghệ sĩ. Tham gia nhóm triết học S.N. Trubetskoi và tin theo học thuyết của ông, Scriabin đồng thời cũng say mê triết học của Kant, đọc các tác phẩm của Kant, Shelling, Hegel… trong thời gian sống ở Geneve. Ông cũng quan tâm đến сác học thuyết tôn giáo phương Đông, văn học thần học hiện đại, nhất là tác phẩm “Học thuyết bí mật” của E.P. Blavatskoi. Từ đây ông nhận thức được bản thân mình như trung tâm và cội nguồn của một học thuyết mới, có khả năng thay đổi cuộc sống, đưa cuộc sống lên một vòng xoay phát triển ở mức cao hơn. Theo Scriabin, nghệ sĩ giống như một tiểu vũ trụ, có thể ảnh hưởng đến toàn thể thế giới, các quốc gia và thậm chí cả thế giới quan chung.

Từ năm 1904 tới năm 1910 Scriabin sống vào làm việc ở nước ngoài, ít khi trở về Nga, và trong cuộc sống riêng của ông xảy ra một sự kiện quan trọng hầu như đã thay đổi cả cuộc đời ông. Nhạc sĩ say mê một phụ nữ tên là Tatiana Fedorovna Shletser. Ông rất đau khổ vì tình cảm của mình và luôn giày vò bản thân bởi nhận thức đã làm một việc “rất đáng trách”. Vera Ivanovna buộc lòng phải mang các con quay về Moscow, nơi bà tiếp tục sự nghiệp của một nghệ sĩ piano, và nhận một chân giảng viên Nhạc viện. Bà không chấp nhận đề nghị ly hôn do ông đưa ra và tiếp tục mang họ chồng. Vậy là Tatiana Fedorovna đành phải chấp nhận vai trò vợ không chính thức của nhà soạn nhạc.

Tháng 10 năm 1905 Tatiana Fedorovna sinh một con gái. Scriabin sống rất căng thẳng. Fedorovna làm đủ mọi cách khiến ông tin rằng đáng lẽ nhà xuất bản Beliaev phải trả ông nhiều tiền nhuận bút hơn, và vì thế, ông đã cắt đứt quan hệ với nhà xuất bản vào năm 1908. Tuy thế, ông đã không thể đưa tác phẩm của mình đến các nhà xuất bản khác, nên đành phải quay lại với sự nghiệp biểu diễn để kiếm tiền. Ông đã biểu diễn ở Geneve, Brussel, Amsterdam và nhiều thành phố châu Âu khác. M.I. Altshuler, một người bạn của Scriabin hồi còn ở Nhạc viện mời ông tham gia biểu diễn cho dàn nhạc Giao hưởng Nga do chính Altshuler thành lập ở New York.

Trở về châu Âu từ Mỹ, Scriabin định cư ở Paris, nơi ông thường xuyên gặp gỡ với các nhà soạn nhạc Nga như Rimsky-Korsakov, Glazunov, Rachmaninov, Shaliapin… Tình hình tài chính của gia đình tạm ổn, và ông như được tiếp thêm cảm hứng sáng tác nhờ quan hệ với bạn hữu.

Năm 1907 Scriabin hoàn thành trường ca “Ekstaza” đã được thai nghén từ lâu, và năm 1908 nó mang lại cho ông giải thưởng mang tên Glinka lần thứ mười một. Buổi công diễn đầu tiên của tác phẩm được giải được tổ chức ở Nga năm 1909, và dàn nhạc Hoàng gia Peterburg có vinh dự chơi bản nhạc này. Tài năng của Scriabin đạt tới đỉnh vinh quang cao nhất.

Tác phẩm lớn tiếp theo của Scriabin là “Trường ca Lửa” – “Prometheus”. Ở đây, cũng như trong “Trường ca Ekstaza”, nhà soạn nhạc viết cho một dàn nhạc rất lớn, thêm cả phân phổ cho piano và một chorus hỗn hợp quy mô. “Trường ca Lửa” đòi hỏi phải được trình diễn với sự tham gia của ánh sáng nhiều màu toả sáng khán phòng theo nhịp các phím piano. Hiện nay người ta không giải mã được trọn vẹn các ghi chép miêu tả cụ thể phần trình diễn của ánh sáng này, được định hướng với một bảng mà nhà soạn nhạc gọi là “màu của thính giác”, mô tả sự tương ứng của màu sắc với âm thanh mà người ta cảm nhận được. Ngoài cách tân trong việc mở rộng phổ liên tưởng giữa âm thanh và thị giác với cảm thụ âm nhạc, Scriabin còn đưa vào tác phẩm lớn này một thứ ngôn ngữ hài hoà mà không dựa trên hệ thống cao độ truyền thống. Thế nhưng thành công lớn nhất mang tính cách mạng của tác phẩm này lại nằm trong cách nhìn mới, cách lý giải mới của hình tượng Promethe, và mở ra con đường đến tác phẩm “Mystery”.

Suốt năm năm cuối đời Scriabin chìm trong ý tưởng về một tác phẩm âm nhạc chưa từng có trong lịch sử. Tất cả các tác phẩm ra đời sau “Prometheus” có lẽ cần phải được xem xét như sự chuẩn bị, các phác thảo cho tác phẩm “Mystery”.

Trở lại Nga, Scriabin sống ở Moscow, nơi đã hình thành một “nhóm Scriabin”, hạt nhân của “Hội Scriabin” sau này. Các tác phẩm giao hưởng và viết riêng cho piano của ông được trình diễn khắp nơi, có mặt trong mọi chương trình biểu diễn. Làm việc quá sức, nhà soạn nhạc thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và uể oải.

Năm 1914 Scriabin thăm London, dự buổi công diễn đầu tiên tác phẩm “Prometheus” và biểu diễn các tác phẩm của chính mình. Lần đầu tiên ông bị mắc phải căn bệnh mà sau này sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông. Nhưng dù phải biểu diễn với môi trên đau nhức, ông vẫn tỏ ra hết sức xuất sắc, nhận những lời tán dương và những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả London vốn nổi tiếng khó tính và biểu hiện tình cảm chừng mực. Các buổi biểu diễn đưa lại cho ông điều kiện vật chất cần thiết để dựng tác phẩm “Mystery” – điều ông mơ ước từ lâu. Scriabin cũng muốn mua đất ở Ấn Độ để dựng một ngôi đền, như kiểu một “minh hoạ thực tế” cho các ý tưởng sáng tạo vô cùng đồ sộ của mình.

Ngày 2 (lịch cũ là 15) tháng 4 năm 1915 Scriabin biểu diễn lần cuối cùng. Ông thấy rất mệt. Môi trên lại bị sưng tấy, giống như hồi ở London. Tình trạng sức khoẻ của ông xấu đi nhanh chóng, và việc phẫu thuật muộn mằn đã không giúp gì cho ông. Ông sốt cao do nhiễm trùng máu và mất vào buổi sáng ngày 14 (27) tháng 4 năm 1915.

Trong nền âm nhạc cổ điển Nga, Scriabin chiếm một vị trí rất đặc biệt. Các tác phẩm của ông cho đến nay vẫn gây nên những tình cảm trái ngược ở người nghe. Về quan điểm triết học của ông một số người thì cười cợt và xem thường, nhưng những người khác lại khâm phục. Trong sự nghiệp sáng tác đầy mâu thuẫn của mình ông tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực truyền thống, đồng thời khát khao phá vỡ mọi chuẩn mực đó, thể hiện trong các cách tân mạnh mẽ cách phương tiện biểu cảm trong tác phẩm của mình. Mọi thế hệ đều không thể phủ nhận thiên tài của ông, đều tìm cách lý giải sáng tác của ông theo cách riêng của mình, và gắng đưa các ý tưởng của ông vào khuôn khổ các khái niệm của mình. Đôi khi người ta còn cho rằng để hiểu hết Scriabin nhân loại còn cần nhiều thời gian nữa, bởi không chỉ những người đương thời, mà cả các thế hệ kế cận, trong đó có chúng ta, chưa đủ trình độ để hiểu và đánh giá hết chiều sâu, sự phức tạp, tính riêng biệt của học thuyết vũ trụ được Scriabin thể hiện trong các tác phẩm của mình, bởi ông đã vượt trước thời đại của mình rất xa.

Âm nhạc của Scriabin cũng vậy. Một thời gian nào đó các tác phẩm của ông có thể bị lãng đi đôi chút, nhưng chúng luôn trào dâng trở lại như những làn sóng mạnh mẽ, và không bao giờ hoàn toàn vắng bóng trong đời sống âm nhạc của xã hội chúng ta.

Nguyễn Quỳnh Hương (nhaccodien.info) tổng hợp