Nội dung
Thông tin chung
Opera: La fanciulla del West (Cô gái miền Tây)
Âm nhạc: Giacomo Puccini.
Libretto: Guelfo Civinni và Carlo Zangarini, dựa trên vở kịch Cô gái vàng miền Tây được sáng tác vào năm 1905 của David Belasco.
Thời gian sáng tác: Năm 1909-1910.
Công diễn lần đầu: Ngày 10/12/1910 tại Metropolitan Opera dưới sự chỉ huy của Arturo Toscanini.
Độ dài: Khoảng 2 giờ 10 phút.
Nhân vật/Loại giọng:
Minnie: Soprano
Dick Johnson: Tenor
Jack Rance: Baritone
Joe: Tenor
Handsome (Bello): Baritone
Harry: Tenor
Happy: Baritone
Sid: Baritone
Sonora: Baritone
Trin: Tenor
Jim Larkens: Bass
Nick: Tenor
Jake Wallace: Baritone
Ashby: Bass
Post Rider: Tenor
Castro: Bass
Billy Jackrabbit: Bass
Wowkle: Mezzo-soprano
Thành phần dàn nhạc: piccolo, 3 flute, 3 oboe, English horn, 3 clarinet, bass clarinet, 3 bassoon, contrabassoon, 4 horn, 3 trumpet, 4 trombone, timpani, bass drum, triangle, cymbals, tam-tam, glockenspiel, celesta, 2 harp và dàn dây. Xuất hiện trên sân khấu: fonica, harp. Xuất hiện ngoài sân khấu: chime, wind machine.
Hoàn cảnh sáng tác
Giacomo Puccini không bao giờ ngại ngần khi viết những vở opera với bối cảnh kỳ lạ – hoặc ít nhất là chưa quen thuộc đối với khán giả châu Âu. Turandot là bối cảnh Trung Quốc cổ đại, Madama Butterfly đưa ta đến Nhật Bản còn màn cuối của Manon Lescaut diễn ra trên “một vùng đồng bằng rộng lớn, khô cằn” ở ngoại ô New Orleans. Mặc dù vậy, Puccini đã vượt lên chính mình trong La fanciulla del West khi đưa phong cách chân thực “verismo” của mình hoà nhập vào miền Tây hoang dã của nước Mỹ. Có lẽ trước đó, chưa bao giờ trong một vở opera nào lại xuất hiện những từ như “whiskey” hay “poker”.
Sau thành công của Madama Butterfly ở Milan năm 1904, Puccini đã tìm kiếm một libretto mới. Cuối cùng, năm 1907, ông quyết định chọn vở kịch Cô gái vàng miền Tây của tác giả người Mỹ David Belasco. Belasco chính là người đầu tiên đưa Madama Butterfly, truyện ngắn của John Luther Long lên sân khấu kịch vào năm 1900. Từ đó truyền cảm hứng cho Puccini sáng tác nên vở opera cùng tên của mình. Puccini đã giao công việc viết kịch bản cho nhà văn Carlo Zangarini, nhưng kết quả không hoàn toàn như ý. Ông tiếp tục nhờ đến Guelfo Civinini, một nhà thơ yêu thích sân khấu đương đại. Đến tháng 8/1909, kịch bản mới được hoàn thành và Puccini đã mất hơn một năm để sáng tác vở opera của mình.
Tóm tắt nội dung
Thời gian: Năm 1849-1850
Địa điểm: Một trại đào vàng ở chân dãy núi Cloudy, California.
Màn I
Bên trong quán rượu Polka.
Hoàng hôn. Một nhóm thợ đào vàng tiến vào quán rượu Polka sau một ngày lao động (Chorus “Hello! Hello! Alla Polka”). Sau bài hát của người lữ hành hát rong Jake Wallace (“Che faranno i vecchi miei”), Jim Larkens, một trong những người thợ đào vàng nhớ nhà và những người khác quyên góp tiền để Jim mua vé (Chorus “Jim, perché piangi?”). Một nhóm thợ đào vàng khác đang chơi bài phát hiện ra Sid gian lận và muốn tấn công anh ta. Cảnh sát trưởng Jack Rance trấn áp vụ bạo loạn và ghim hai lá bài lên áo khoác của Jim, tượng trưng cho sự lừa đảo. Ashby, một đại lý của Wells Fargo, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ chuyển phát và ngân hàng, bước vào, thông báo rằng anh ta đang truy đuổi tên cướp Ramerrez và băng nhóm người Mexico của hắn. Một cuộc tranh cãi nổ ra giữa Rance và Sonora, một thợ đào vàng, mỗi người đều tuyên bố Minnie sẽ là vợ của mình. Rance rút súng lục ra nhưng đúng lúc đó một tiếng súng vang lên,
Minnie xuất hiện cạnh quầy bar, trên tay cầm khẩu súng trường (“Hello, Minnie!”). Cô dạy cho những người thợ đào vàng một bài học từ Kinh thánh (“Dove eravamo?”).
Người lái xe Post Rider đến (“La posta!”) và chuyển một bức điện đề nghị tiết lộ nơi ẩn náu của Ramerrez. Cảnh sát trưởng nói với Minnie rằng anh ta yêu cô (“Minnie, della mia casa”), nhưng Minnie không quan tâm, nhớ lại thời thơ ấu hạnh phúc của mình, vẽ nên một bức tranh về tình yêu lý tưởng (“Laggiù nel Soledad”). Một người lạ xuất hiện trong quán bar, tự giới thiệu mình là Dick Johnson đến từ Sacramento. Minnie nhận ra anh ta là một người đàn ông cô từng gặp trên đường. Rance ghen tuông ra lệnh cho Johnson rời khỏi thị trấn, nhưng khi Minnie tuyên bố rằng cô biết anh ta, những người khác chào đón Johnson. Khi anh ta và Minnie khiêu vũ, Ashby trở lại cùng với Castro, một người trong băng nhóm của Ramerrez. Thấy Johnson, vốn chính là Ramerrez, trong quán rượu, Castro đồng ý dẫn mọi người tới nơi ẩn náu của họ. Sau đó, anh ta thì thầm với Johnson rằng anh ta để mình bị bắt để dụ những người thợ đào vàng rời khỏi quán rượu, trong lúc đó Johnson và băng nhóm của mình sẽ đánh cướp nó. Một người sẽ huýt sáo ra hiệu và khi Johnson trả lời, tất cả sẽ ùa vào. Những người đàn ông khởi hành cùng Castro, và Minnie và Johnson bị bỏ lại một mình. Có tiếng huýt sáo vang lên nhưng Johnson không đáp lại. Minnie kể cho anh nghe về cuộc sống bình dị của mình và cô ấy vẫn đang mong chờ nụ hôn đầu tiên. Minnie cho Johnson xem thùng vàng mà cô và những người thợ đào vàng thay nhau canh giữ. Johnson trấn an cô rằng số vàng sẽ an toàn ở đó. Trước khi rời quán rượu, anh hứa sẽ đến thăm cô. Họ thú nhận tình yêu dành cho nhau. Minnie bắt đầu khóc và Johnson an ủi cô trước khi rời đi.
Màn II
Căn nhà gỗ của Minnie trên núi, tối muộn hôm đó.
Người hầu của Minnie, cô gái da đỏ Wowkle đang hát ru một đứa trẻ và cãi nhau với Billy Jackrabbit, người yêu của mình. Minnie đến và hào hứng chuẩn bị cho cuộc gặp của cô với Johnson. Johnson bước vào nhà của Minnie và cô kể cho anh ấy nghe tất cả về cuộc đời mình. Họ hôn nhau và Minnie đề nghị anh ở lại cho đến sáng vì tuyết bắt đầu rơi. Nghe thấy nhiều tiếng súng, Johnson trốn trong tủ quần áo. Rance và đội thợ đào vàng đến, tiết lộ với Minnie rằng Johnson chính là tên cướp Ramerrez và lo lắng cho sự an toàn của cô. Minnie tuyên bố không biết gì và những người đàn ông rời đi. Sau đó, cô giận dữ đối mặt với Johnson, anh bào chữa về quá khứ của mình và tuyên bố rằng khi gặp cô, anh đã quyết định từ bỏ cuộc sống trước đây. Bị tổn thương sâu sắc, Minnie đuổi anh ta đi. Minnie nghe thấy một tiếng súng, Johnson bị thương, loạng choạng bước vào nhà Minnie và gục xuống, Minnie giấu anh lên gác xép. Rance bước vào nhà của Minnie tìm tên cướp và khi định từ bỏ việc tìm kiếm Johnson thì những giọt máu rơi trên tay anh. Rance buộc Johnson phải leo xuống. Minnie tuyệt vọng đưa ra một đề nghị cho Rance: nếu cô đánh bại anh ta trong một ván poker, anh ta phải để Johnson được tự do; nếu Rance thắng, cô sẽ cưới anh. Giấu một số lá bài trong tất của mình, Minnie gian lận và giành chiến thắng. Rance tôn trọng thỏa thuận và Minnie chạy đến ôm Johnson đang bất tỉnh trên sàn nhà.
Màn III
Trong khu rừng lớn California vào lúc bình minh.
Johnson đã được Minnie chăm sóc sức khỏe trở lại. Một lần nữa trên đường chạy trốn khỏi Ashby, Rance và những người đào vàng, anh cuối cùng vẫn bị bắt trong rừng. Khi anh sắp bị treo cổ, Johnson cầu xin một sự thương xót cuối cùng – đề nghị mọi người không nói với Minnie về việc anh bị bắt và số phận của anh (“Ch’ella mi creda”). Rance rất tức giận, nhưng những người đàn ông khác do dự. Đúng lúc đó, Minnie xuất hiện, cầm theo một khẩu súng lục, đứng chắn trước mặt Johnson để bảo vệ anh. Khi những lời cầu xin tha cho Johnson không có kết quả, cô nhắc những người đàn ông rằng họ nợ cô nhiều như thế nào (“Ah! Ah! E Minnie!”). Những người thợ đào vàng, từng người một chấp nhận lời cầu xin của cô (Chorus “E anche tu lo vorrai, Joe”) và trả tự do cho Johnson. Rance không hài lòng nhưng cuối cùng anh ta cũng nhượng bộ. Những người thợ đào vàng chào tạm biệt Minnie (Chorus “Le tue parole sono di Dio”). Johnson và Minnie cùng nhau rời California để bắt đầu một cuộc sống mới.
Ý kiến phê bình
Buổi biểu diễn đầu tiên của La fanciulla del West diễn tại Metropolitan Opera vào ngày 10/12/1910 với một dàn diễn viên thượng thặng: Emmy Destinn (Minnie), Enrico Caruso (Johnson) và Pasquale Amato (Rance). Đây là lần đầu tiên tại nhà hát này công diễn ra mắt một vở opera trên phạm vi toàn thế giới. Toscanini, nhạc trưởng của chương trình đã nhận xét đây là “một bản thơ giao hưởng tuyệt vời”. Trong La fanciulla del West, rõ ràng ranh giới phân chia các aria, duet, hợp xướng như trong các vở opera trước đây của Puccini đã bị xoá nhoà. Âm nhạc mang chút không khí của Debussy và Richard Strauss, với màu sắc du dương, phức tạp và hiện đại hơn trong hoà thanh. La fanciulla del West cũng tạo dấu ấn đậm nét trong việc xây dựng tính cách của nhân vật nữ chính. Minnie rất mới mẻ trong các tác phẩm của Puccini. Cô mạnh mẽ, quả quyết, không yếu ớt, mong manh, sầu muộn như những nữ chính khác. Minnie cầm súng và nắm giữ số phận mình trong tay.
Puccini coi đây là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của mình, và mong muốn nó trở nên nổi tiếng giống như La Bohème. Tuy nhiên, mặc dù La fanciulla del West nổi tiếng tại Mỹ ngay sau buổi ra mắt nhưng lại không được đón nhận tại châu Âu. Nó được coi là một “thử nghiệm thất bại trong việc hiện đại hoá khiến không ai hài lòng và không đáp ứng được các tiêu chí cho một vở opera thực sự của Ý”. Nhiều nhà phê bình cho rằng âm nhạc của Puccini đại diện cho sự suy giảm và phá vỡ các giá trị thuần túy của Ý. Và sự nổi tiếng đáng kể của ông ở nước ngoài được coi là bằng chứng rằng nhà soạn nhạc đã “cố ý hi sinh tính cách dân tộc để khai thác thương mại rẻ tiền”. Ngày nay, La fanciulla del West đã được đánh giá lại một cách cẩn thận hơn và được coi là một bước tiến của Puccini trong thủ pháp sáng tác và cũng đã được thường xuyên biểu diễn tại châu Âu cũng như trên thế giới.
Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn:
npr.org
interlude.hk
metopera.org
Bình luận Facebook