Tác giả: Sergei Prokofiev
Tác phẩm: Peter and The Wolf (Peter và chó sói), Op. 67
Thời gian sáng tác: năm 1936
Công diễn lần đầu: ngày 2/5/1936 tại Nhà hát Thiếu nhi Moscow
Thời lượng: khoảng 25 phút
Tổng phổ:
– Bộ gỗ: flute, oboe, clarinet giọng La, bassoon
– Bộ đồng: 3 horn giọng Fa, trumpet giọng Si thứ, trombone
– Bộ gõ: timpani, triangle, tambourine, cymbal, castanet, snare drum, bass drum
– Bộ dây: violin 1 và 2, viola, violoncello và double bass
Cốt truyện
Cậu bé Peter sống cùng ông nội trong một ngôi nhà dựng giữa khoảng rừng thưa. Câu chuyện, diễn biến trong khoảng 25 phút trên bãi cỏ xanh rộng lớn quanh nhà, được Prokofiev kể bằng lời dẫn chuyện như sau:
 
Một hôm vào lúc sáng sớm, Peter mở cổng ra ngoài dạo chơi trên bãi cỏ. Chú chim nhỏ bạn của Peter đậu trên cành cây cao hót líu lo vui sướng: “Hoàn toàn yên ả!” Rồi một con vịt sống tại sân nhà lạch bạch đi tới. Lợi dụng cơ hội Peter quên không đóng cổng, vịt cũng ra ngoài để đi bơi trong một cái ao gần đó.
 
Nhìn thấy vịt, chú chim nhỏ bay xuống bãi cỏ đậu cạnh vịt và nhún vai: “Chị là loại chim gì mà lại không biết bay?” Vịt vặc lại: “Anh là loại chim gì mà lại không biết bơi?” Chúng cãi cọ nhau, vịt nhảy xuống ao còn chim nhỏ đi lại quanh quẩn trên bờ.
 
Bỗng Peter để ý thấy con mèo của mình đang bò qua bãi cỏ định rình bắt hai con vật đang bận cãi vã. Được Peter báo động, chú chim nhỏ bay tới chỗ an toàn trên một cây cao còn vịt thì bơi ra giữa ao và giận dữ kêu quàng quạc với mèo. Mèo đi quanh gốc cây, nghĩ ngợi: “Liệu có đáng trèo lên một cây cao thế không? Lúc mình trèo tới nơi thì con chim đã bay mất rồi.”
 
Ông nội Peter xuất hiện và quở mắng cháu vì tội bỏ nhà đi chơi: “Đây là một nơi nguy hiểm. Nhỡ chó sói mò ra khỏi rừng thì sao, lúc ấy cháu sẽ làm gì hả?” Peter cãi lại ông: “Những cậu bé như cháu không sợ chó sói đâu.” Ông nội lôi Peter về nhà rồi khóa cổng lại.
 
Chẳng bao lâu sau, một con sói xám to từ rừng mò tới thật. Trong nháy mắt mèo trèo thoắt lên cây. Vịt la lên quang quác và trong lúc bị kích động nó đã dại dột nhảy ra khỏi ao. Sói đuổi theo, bắt kịp và chỉ bằng một miếng đã nuốt chửng vịt. Lúc này mèo ngồi trên một cành cây, chú chim nhỏ đậu trên một cành cây khác cách xa mèo. Còn chó sói đi quanh gốc cây, nhìn mèo và chim bằng con mắt thèm thuồng.
 
Suốt thời gian đó Peter đứng sau cánh cổng khóa, quan sát toàn bộ diễn biến mà không hề sợ hãi. Cậu chạy vào nhà tìm được một sợi dây thừng rồi mau chóng trèo lên tường rào. Lần theo một cành cây mọc chìa sát bức tường rào, Peter nhẹ nhàng leo lên cái cây có mèo và chim.
 
Peter bảo chim bay quanh đầu chó sói để làm sói rối trí. Trong lúc đó cậu hạ thòng lọng xuống, luồn vào đuôi chó sói. Sói cố gắng thoát ra song Peter đã buộc chặt đầu kia của dây thừng vào cây. Sói càng dãy dụa thì thòng lọng càng thắt chặt.
 
Mấy người thợ săn đã lần theo vết sói ló ra khỏi rừng và sẵn sàng ngắm bắn. Song từ trên cây Peter kêu lên: “Đừng bắn! Cháu và chim nhỏ đã bắt được sói rồi. Giờ hay giúp chúng cháu mang sói về vườn thú.”
 
Câu chuyện kết thúc bằng một cuộc diễu hành thắng lợi. Peter đi đầu, sau cậu là mấy người thợ săn dẫn theo chó sói, tiếp theo là con mèo và ông nội của Peter đang càu nhàu: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Peter không bắt được sói? Lúc đó sẽ thế nào?”
 
Chim nhỏ bay ở phía trên và chiêm chiếp vui vẻ: “Peter và tôi mới dũng cảm làm sao! Hãy nhìn xem chúng tôi bắt được gì này!” Và nếu lắng nghe một cách thật chăm chú, bạn sẽ nghe thấy tiếng vịt kêu quàng quạc từ trong bụng sói. Vì trong lúc đói, sói đã nuốt chửng con vịt sống.
Tác phẩm được chú ý bởi rất nhiều lý do, nhưng những điểm nổi bật nhất của nó là phần tổng phổ chuẩn mực cực kì phù hợp cho thiếu nhi được chơi bởi những nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng. Các nhạc cụ này được nâng cao vai trò để trở thành đặc biệt hơn bởi chúng đại diện cho chính những nhân vật trong câu chuyện.
Theo Prokofiev, tính cách của nhân vật phải được mô tả sao cho thật dễ hiểu bằng những đặc trưng riêng (hay còn gọi là leitmotif – âm hình chủ đạo). Đó là âm thanh trong sáng của sáo flute cho tiếng chim, tiếng rền như sấm của trống định âm thay cho tiếng súng trường của những người thợ săn dũng cảm, cô vịt kêu quạc quạc thể hiện bằng tiếng kèn oboe, mèo là tiếng kèn clarinet, kèn bassoon thay lời ông nội, chó sói xuất hiện với bộ 3 kèn horn Pháp, những người thợ săn là trống lục lạc – còn được miêu tả bằng tiếng gió thổi qua cánh rừng. Và cuối cùng là cậu bé Peter được thể hiện bằng âm thanh của bộ nhạc cụ dây khi êm ái mơ màng khi dứt khoát và mạnh mẽ.
Bản nhạc gồm 3 phần, kết cấu gần giống như thể thức sonata phóng túng, nhưng các chủ đề phát triển rất tự nhiên, phần hoà âm được dẫn dắt và gợi mở bởi hành động của các nhân vật trong câu chuyện. Một cách hài hoà và êm ái, nó mở đầu và kết thúc bằng gam đô thứ, nhưng chứa đựng rất nhiều đoạn chuyển đột ngột, cũng là một trong những nét đặc sắc trong phong cách sáng tác của bản thân nhà soạn nhạc.
Phần mở đầu giới thiệu các nhân vật chính với thính giả nhỏ, để chuẩn bị cho các diễn biến tiếp theo. Phần 2 – được coi là phần phát triển – bao gồm những hoạt động thú vị nhất của câu chuyện, được mở đầu bằng sự xuất hiện của con sói hung dữ, cảnh sói ăn thịt cô vịt và cuối cùng bị cậu bé Peter bắt trói.
Chủ đề về Peter lấn át và vượt trội hẳn lên, được nhấn ngay từ đoạn mở đầu và kết nối khéo léo với các chủ đề phụ – các nhân vật phụ xung quanh. Sự pha trộn này cũng được gắn kết chặt chẽ với những tình tiết kịch tính, đi kèm với lời thoại ngắn gọn và sắc nét của người dẫn truyện. Cảnh cuối cùng chính là phần tổng kết cho toàn bộ câu chuyện về cậu bé Peter, những nhân vật quan trọng nhất cùng xuất hiện trong hình ảnh của một đoàn diễu hành chiến thẳng. Ở đây, chủ đề mở đầu về cậu bé Peter xuất hiện trở lại được biến tấu bằng một hành khúc khải hoàn vui nhộn.
Peter và Chó sói sẽ mãi mãi là một tác phẩm âm nhạc cổ điển và được yêu mến bởi thiếu nhi trên toàn thế giới. Màu sắc rực rỡ của thiên nhiên trong khu rừng với những con thú sinh động, ngộ nghĩnh và cậu bé Đội viên dũng cảm là một món quà mà một người lớn đã say sưa viết tặng các em, với niềm mong muốn các em có thể làm quen với âm nhạc cổ điển, cũng vốn thuần khiết như tâm hồn thơ trẻ vậy.
Peter và chó sói được biểu diễn lần đầu cho những khán giả thiếu nhi là đội viên tiền phong trong lễ kỉ niệm Ngày quốc tế lao động năm 1936 tại Moscow, nước Nga. Mười năm sau, năm 1946, Walt Disney sản xuất phiên bản phim hoạt hình của câu chuyện. Phiên bản này có thay đổi một số chi tiết so với bản gốc của Prokofiev. Ở phiên bản hoạt hình Walt Disney, các nhân vật được đặt tên: chim Sasha; vịt Sonia, mèo Ivan, các thợ săn Misha, Yasha và Vladimir. Chi tiết khác biệt nhất là vịt không hề bị chó sói nuốt chửng: trong cuộc đuổi bắt vịt, sói chỉ đớp được mấy chiếc lông vịt mà thôi.
Viết cho thiếu nhi nhưng phần âm nhạc của Peter và chó sói được soạn một cách công phu đủ khiến người lớn cũng thích thú nghe. Cả trẻ em và người lớn đều hồ hởi trước bài học rút ra từ câu chuyện: bạn không thể trở thành anh hùng nếu không mạo hiểm.
Ngọc Anh & Hương Giang (nhaccodien.info) tổng hợp