Thông tin chung

Tác giả: Édouard Lalo.
Tác phẩm: Symphonie Espagnole giọng Rê thứ, Op. 21
Thời gian sáng tác: Năm 1874.
Công diễn lần đầu: Ngày 7/2/1875 tại Châtelet, Paris với Pablo de Sarasate biểu diễn violin và Édouard Colonne chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 33 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng Pablo de Sarasate.
Tác phẩm có 5 chương:
Chương I – Allegro non troppo
Chương II – Scherzando: Allegro molto
Chương III – Intermezzo: Allegretto non troppo
Chương IV – Andante
Chương V – Rondo: Allegro
Thành phần dàn nhạc: Violin độc tấu, piccolo, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, timpani, snare drum, triangle, harp và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác Symphonie Espagnole

Vở opera Carmen của Bizet được coi là đã khơi dậy sự hứng thú và đam mê của người Pháp đối với âm nhạc Tây Ban Nha, nhưng trên thực tế Symphonie Espagnole của Lalo đã làm được điều đó đầu tiên. Tên của tác phẩm này Symphonie Espagnole (Giao hưởng Tây Ban Nha) đã gây ra một số hiểu lầm nhất định. Đây không phải là một bản giao hưởng, trên thực tế nó là một concerto có 5 chương dành cho violin và dàn nhạc.

Mặc dù Lalo có nguồn gốc Tây Ban Nha (tổ tiên ông đã định cư tại miền Bắc nước Pháp từ thế kỷ 16) nhưng có lẽ nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên tác phẩm để đời của mình lại bắt nguồn từ nghệ sĩ violin vĩ đại Pablo de Sarasate. Là một tài năng thiên bẩm, ở Sarasate là sự kết hợp giữa sự duyên dáng, một nền tảng kỹ thuật hoàn hảo và sức quyến rũ trên sân khấu khó ai bì kịp, một phong cách khác biệt với bậc thầy người Đức Joseph Joachim. Nhiều concerto violin đã được dành tặng cho Sarasate (số 2 của Bruch, số 3 của Saint-Saëns) nhưng không một tác phẩm nào phản ánh được rõ rệt nhất phẩm chất của Sarasate và đặc trưng của âm nhạc quê hương Tây Ban Nha như Symphonie Espagnole của Lalo. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng chắc hẳn Lalo đã tham khảo ý kiến của Sarasate trong quá trình sáng tác tác phẩm, bởi trong phần dành cho violin độc tấu sở hữu nhiều giai điệu có thể hát lên được và những hợp âm rải và thang âm sôi nổi, vốn là thương hiệu của Sarasate, thường được ông áp dụng trong các buổi biểu diễn cũng như trong các sáng tác của chính mình.

Sarasate đã công diễn Symphonie Espagnole lần đầu tiên tại Paris vào ngày 7/2/1875, chỉ gần một tháng trước buổi ra mắt tác phẩm vĩ đại nhất của âm nhạc gợi nhớ đến Tây Ban Nha – Carmen của Bizet. Màn thể hiện xuất sắc của Sarasate đã được công chúng và những nhà phê bình tán thưởng nhiệt liệt. Dường như Symphonie Espagnole đã truyền nguồn cảm hứng Tây Ban Nha sang cho những nhà soạn nhạc Pháp khác như Chabrier (España), Debussy (Images) hay Ravel (Rapsodie espagnoleBoléro).

Symphonie Espagnole là một tác phẩm đặc biệt, gồm 5 chương nhạc thay vì 3 như truyền thống nên đôi khi nó được coi như một tổ khúc dành cho dàn nhạc với phần violin độc tấu. Mặc dù tên của các chương nhạc không được đặt theo các điệu nhảy nhưng chúng đều thể hiện các điệu múa dân gian của Tây Ban Nha rất rõ nét, trong đó cấu trúc của các chương đều là những hình thức quen thuộc trong giao hưởng và concerto cổ điển. Bên cạnh chiều sâu âm nhạc với vô số chủ đề quyễn rũ về mặt giai điệu, đồng thời mục đích tác phẩm là viết dành tặng cho Sarasate nên Symphonie Espagnole không thể thiếu những đoạn trưng trổ hấp dẫn, đòi hỏi khắt khe về mặt kỹ thuật của nghệ sĩ trình tấu. Bản thân Lalo cũng là một nghệ sĩ violin nên ông rất biết cách để làm nổi bật cả những giai điệu trữ tình quyến rũ và sự rực rỡ của tác phẩm cũng như tạo được sự cân bằng được giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc.

Phân tích

Chương I

Chương I mở đầu bằng lời tuyên bố mạnh mẽ trên toàn bộ dàn nhạc, có tính chất “giao hưởng” nhất trong các chương của tác phẩm, đặc biệt ở cách nó phát triển hầu hết các chất liệu âm nhạc của mình ngay trong phần giới thiệu khoa trương đầu tiên. Cũng trong phần giới thiệu này xuất hiện nhịp điệu đặc trưng chùm hai với chùm ba theo sau (hoặc ngược lại, chùm hai theo sau chùm ba) tạo nên tính chất Tây Ban Nha rõ ràng cho tác phẩm. Violin độc tấu bắt đầu tham gia từ ô nhịp thứ tư, chơi chủ đề chính của chương nhạc với những chùm ba và từ đó trở đi, tham gia tích cực vào chương nhạc. Chủ đề hai dịu dàng cũng được violin trình tấu, là chất liệu chính cho phần phát triển. Chương nhạc khép lại với một coda có sự phát triển ngắn gọn của chủ đề đầu tiên.

Chương II

Chương II đóng vai trò là một scherzo, là một điệu seguidilla tràn đầy năng lượng đặc trưng rất nổi tiếng của Tây Ban Nha, nhắc chúng ta đến trích đoạn lừng danh trong Carmen. Không khí âm nhạc dịu nhẹ hơn phần mở đầu, được hát lên như một bản serenade với phần violin bay bổng trên nền pizzicato của dàn dây và harp, như gợi nhắc chúng ta về cây đàn guitar, nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha. Phần trung tâm ngắn gọn có tốc độ chậm hơn được xen kẽ giữa tiếng violin độc tấu lướt nhẹ và pizzicato của dàn dây trước khi chương nhạc khép lại với những chất liệu âm nhạc của phần mở đầu.

Chương III

Chương III là một khúc Intermezzo. Vì những lý do đến giờ vẫn chưa khám phá được, trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, chương nhạc này bị bỏ qua khi trình diễn tác phẩm. Thật đáng tiếc khi nó chứa đựng những chất liệu âm nhạc Tây Ban Nha đầy màu sắc và đòi hỏi kỹ thuật cao. Yehudin Menuhin là người đã xoá bỏ thói quen xấu xí này. Chương nhạc mở đầu mạnh mẽ, với tiết tấu chùm ba + chùm hai và một số hoán vị. Một giai điệu violin mượt mà xuất hiện cũng trên cùng chất liệu âm nhạc này. Trong phần trung tâm, âm nhạc trở nên sôi động hơn và trở lại với chất liệu âm nhạc ban đầu trước khi kết thúc chương nhạc trong một hợp âm lớn và đầy ngạc nhiên.

Chương IV

Chương IV mở đầu ở giọng Rê thứ khá u ám với kèn gỗ và kèn đồng. Violin tấu lên một giai điệu bâng khuâng, sau đó trở nên say đắm và rực rỡ hơn để rồi âm nhạc lắng đọng xuống một cách tuyệt vời. Lalo đã chuyển âm nhạc sang giọng Rê trưởng để chuẩn bị cho chương cuối. Violin độc tấu được đẩy lên nốt Rê cao nhất và ở trên đó toả sáng lung linh như một ngôi sao trên nền hợp âm kết thúc của dàn nhạc.

Chương V

Chương V là một rondo, tạo cơ hội cho nghệ sĩ độc tấu khoe khoang trình độ diễn tấu bậc thầy của mình. Âm nhạc vẫn với tiết tấu chùm ba + chùm hai, nhưng được thay đổi trọng tâm, chuyển thành một điệu nhảy habanera cũng đặc trưng không kém. Lalo đã sử dụng một kỹ xảo để hấp dẫn người nghe khi cho dàn nhạc lặp đi lặp lại một đoạn nhạc cho đến khi violin xuất hiện. Âm nhạc tiến về phía trước một cách dồn dập và rực rỡ với những nốt pizzicato dành cho tay trái đầy thử thách nhưng cũng vô cùng hấp dẫn. Tác phẩm kết thúc trong những điệu múa vui tươi, cuồng nhiệt và đầy phấn khích.

Cả CarmenSymphonie Espagnole đều gây ấn tượng rất mạnh đối với Tchaikovsky. Ông đã ca ngợi tác phẩm của Lalo: “sự tươi mới, nhẹ nhàng, nhịp điệu kích thích và những giai điệu được hoà âm tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ”. Symphonie Espagnole cũng chính là nguồn cảm hứng để Tchaikovsky sáng tác lên bản Concerto violin tuyệt vời của mình. Ngày nay, không nhiều tác phẩm của Lalo còn được biểu diễn một cách thường xuyên nhưng Symphonie Espagnole vẫn luôn là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật vô giá và được người yêu âm nhạc thưởng thức và say mê.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
cso.org
sfsymphony.org
nashvillesymphony.org