Có lẽ một trong những phẩm chất quan trọng của người nghệ sỹ violin chính là cá tính mạnh mẽ. Đối với Gidon Kremer, phẩm chất ấy được thể hiện thật đặc biệt. Nó làm nên cách sống và mục đích nghệ thuật của cuộc đời ông, làm nên sự chân thật và phóng khoáng trong con người ông, và cuối cùng nó góp phần làm nên thành công và danh tiếng lẫy lừng của ông, một trong những nghệ sỹ violin kiệt xuất nhất của thời đại chúng ta. Hình ảnh về người nghệ sỹ này luôn đem đến cho chúng ta một ấn tượng thật hấp dẫn. Sự hấp dẫn đó xuất phát từ tiếng đàn đầy sức mạnh truyền cảm và cũng từ cái vóc dáng hơi gầy gò, già cả, tương phản một cách kỳ lạ với một đôi mắt sáng cương nghị và một nụ cười tươi tắn, hồn hậu, có pha chút tinh nghịch của trẻ thơ.
Gidon Kremer sinh ngày 27 tháng 2 năm 1947 ở Riga (Latvia), là người con duy nhất trong một gia đình gốc Đức – Israel. Cả bố và ông của Gidon đều là những nghệ sỹ violin chuyên nghiệp. Cậu được họ dạy violin từ năm bốn tuổi. Sau những bài học đầu tiên ở nhà, Gidon đến học ở Trường Âm nhạc Riga. Năm 16 tuổi, cậu giành giải nhất một cuộc thi do chính phủ Latvia tổ chức. Hai năm sau đó, Gidon trở thành một trong số ít học sinh được chọn học ở Nhạc viện Moscow, dưới sự dẫn dắt của David Oistrakh.
Giữa David Oistrakh và Gidon Kremer thực sự là có sự khác biệt. Chàng trai Kremer trẻ tuổi thì luôn luôn bùng nổ và dồn mọi sức lực cho cảm xúc, thậm chí trong cả những đoạn cần chơi điềm tĩnh. Về phần mình, Oistrakh là một điển hình tuyệt vời về sự hài hòa. Không phải là Oistrakh không đủ cảm xúc mà là ông luôn chơi với xu hướng đạt đến vẻ đẹp của sự cân đối và hoàn hảo. Tuy nhiên, ngoài sự khác biệt trên, Oistrakh và Kremer cũng có những điểm giống nhau quan trọng. Đặc biệt là họ giống nhau lối chơi giàu màu sắc, phong phú về biểu đạt âm thanh và rất chú trọng đến các chi tiết. Trong các buổi học, Oistrakh thường cầm lấy cây đàn và minh họa một khúc nhạc, Kremer nhớ lại. Đôi tay của người thầy thật ấm áp và chính xác đến kỳ lạ, dường như ông thậm chí không chạm đến cây đàn. Với lợi thế về tài năng sẵn có của mình, Kremer thực sự đã học được rất nhiều điều kỳ diệu từ Oistrakh. Thầy Oistrakh đã luôn coi Kremer là học trò xuất sắc và rất sáng giá của mình. Ông đã gửi Kremer đến cuộc thi Paganini ở Genoa và anh đã chiến thắng. Để nâng cao vị thế của Kremer, Oistrakh đã cho anh tham gia cuộc thi danh giá mang tên Nữ hoàng Elizabeth ở Brussels (1967). Và để củng cố vị trí học trò của mình cả trong lẫn ngoài nước, Oistrakh đã để Kremer thử vận may tại cuộc thi Tchaikovsky ở Moscow (1970). Trong tất cả các cuộc thi này, Kremer đều xuất sắc giành giải nhất (riêng tại Brussels là giải 2). Tài năng của Kremer đã phát triển nhanh đến mức người thầy Oistrakh ngày càng thấy hài lòng và thậm chí còn trở nên rất ngưỡng mộ phong cách chơi không giới hạn của người học trò. Sau này, mỗi khi nhắc đến những người mình yêu quý, Kremer vẫn luôn nhắc đến David Oistrakh đầu tiên. Ba mươi năm sau khi Oistrakh mất, Kremer vẫn coi ông như người cha thứ hai của mình.
Gidon Kremer có mối quan hệ căng thẳng với chính quyền Liên bang Xô Viết, ông đã quyết định rời bỏ nơi này và ông cũng phải chấp nhận mất luôn những khán giả ở đó. Kể từ khi rời Liên bang Xô Viết sang phương Tây, Kremer đã thường xuyên biểu diễn với những dàn nhạc hàng đầu châu Âu và Mỹ cùng với những nhạc trưởng danh tiếng nhất như Leonard Bernstein, Herbert von Karajan, Christoph Eschenbach, Nikolaus Harnoncourt, Lorin Maazel, Riccardo Muti, Zubin Mehta, James Levine, Valery Gergiev, Claudio Abbado, Sir Neville Marriner và những người khác. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian và quan tâm sâu sắc tới nhạc thính phòng. Ông thường chơi với Martha Argerich, Mischa Maisky, Yo-Yo Ma, Valery Afanassiev, Keith Jarrett, Oleg Maisenberg, Vadim Sakharov, Tatyana Grindenko và Thomas Zehetmair.
Gidon Kremer sử dụng một cây đàn Guarnerius del Gesù với cái tên “ex-David” làm từ năm 1730. Ông cũng là tác giả của ba cuốn sách được xuất bản ở Đức, chứa đựng đầy tâm huyết và xu hướng nghệ thuật mà ông đang theo đuổi.
Kremer thu âm khoảng 100 album với các hãng danh tiếng như Deutsche Grammophon, Teldec, Philips, ECM, Sony Classical, EMI Classics và Nonesuch. Những bản thu âm của ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng, bao gồm cả “Grand Prix du Disque” và “Deutsche Schallplattenpreis.” Cùng với Vienna Philharmonic, Kremer đã thu âm Violin concerto cũng như Concerto cho Violin và Cello (với Mischa Maisky chơi cello) của Brahms, Leonard Bernstein chỉ huy. Sau một quá trình tìm tòi nghiên cứu về cách diễn đạt Mozart, Kremer đã thu âm toàn bộ các Violin concerto của Mozart cùng với Vienna Philharmonic và nhạc trưởng Nikolaus Harnoncourt. Ông cũng đã từng chơi các Violin concerto “Bốn mùa” của Vivaldi với English Chamber Orchestra và Serenade của Bernstein với London Symphony Orchestra. Ông cũng đã biểu diễn tất cả những tác phẩm violin kinh điển của các thời kỳ âm nhạc cổ điển và lãng mạn cũng như các tác phẩm nổi bật của thế kỷ 20, kể cả các tác phẩm của Henze, Berg và Stockhausen.
Kremer đã sáng lập nên Liên hoan Âm nhạc Thính phòng Lockenhaus năm 1981. Ở đó, trong một thị trấn rất đẹp của Áo, gần với biên giới Hungary, Kremer đã tập hợp nhiều nhạc công trẻ lại để cùng tìm tòi cách thể hiện những tác phẩm mới và nghiên cứu các tác phẩm kinh điển qua những cách thể hiện mới. Kremer tin rằng, Lockenhaus chính là nơi để cho âm nhạc có thể vượt qua được tất cả những rào cản ngôn ngữ và văn hoá. Từ năm 1992, đoàn nhạc công ở Lockenhaus đã thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới với cái tên Kremerata Musica. Cũng trong những năm 1997 và 1998, Kremer là Giám đốc Nghệ thuật của Musiksommer Gstaad ở Thụy Sỹ, kế vị Yehudi Menuhin. Năm 2002, ông trở thành người chỉ đạo nghệ thuật của một liên hoan mới ở Basel (Thụy Sỹ) mang tên “les muséiques.”
Niềm say mê âm nhạc của Kremer bao quát cả những tác phẩm chuẩn mực như những sonata của Beethoven hay những concerto của Bach đến những sáng tác mới. Kremer đã ủng hộ và bênh vực cho nhiều tác phẩm của những nhà soạn nhạc Nga và châu Âu đương đại. Ông cũng đã trình diễn nhiều sáng tác mới quan trọng, trong đó có những tác phẩm được đề tặng cho ông. Ông từng làm việc rất nhiệt tình với những nhà soạn nhạc như Alfred Schnittke, Arvo Pärt, Sofia Gubaidulina, Valentin Silvestrov, Luigi Nono, Aribert Reimann, Peteris Vasks, John Adams và Astor Piazzolla. Năm 1991, ông là người trình diễn đầu tiên bản Concerto Grosso số 5 của Schnittke với Cleveland Orchestra ở Carnegie Hall.
Trong 30 năm sự nghiệp, Kremer đã thiết lập một danh tiếng trên toàn thế giới như một trong những nghệ sỹ có sức hấp dẫn và sáng tạo nhất ở thế hệ của ông. Sau một quá trình nỗ lực và lao động nghệ thuật không mệt mỏi để có được vinh quang, Kremer đã xác định lại nhiệm vụ âm nhạc của riêng ông. Năm 1996, ông sáng lập Kremerata Baltica, bao gồm những tài năng trẻ sáng giá nhất ở quê hương ông, Latvia. ”Tôi coi nó như một nhiệm vụ văn hóa,” Kremer nói. “Nó giống một nhóm nghiên cứu hơn là một dàn nhạc. Nó cũng là nơi để những nhạc công trẻ tài năng có cơ hội nhìn thấy thế giới.” Ông và Kremerata Baltica đã từng được trao Giải Grammy cho bản thu âm với hãng Nonesuch mang tên “After Mozart” (2001). Họ cũng đã thu các album “Kremerland” (2004) với Deutsche Grammophon, “The Russian Season” (2003), “Happy Birthday” (2003) và một CD các tác phẩm của nhà soạn nhạc Rumani Georges Enescu (2002), cũng với hãng Nonesuch.
“Khi Liên bang Xôviết sụp đổ,” ông nói, “tôi không phải trả lời câu hỏi của những nhà cầm quyền nữa. Tôi tự thấy mình là một người Latvia. Kể từ khi thành lập Kremerata Baltica, tôi nhận ra mình gần với vùng Baltic.” Nhưng Kremer đã không quên quá khứ của ông: “Bây giờ, tôi đang cố gắng xuất hiện như một nghệ sỹ độc tấu cùng Kremerata cùng với Liên bang Xôviết cũ,” ông giải thích, “chúng tôi đã có nhiều buổi hòa nhạc; tôi đang cố gắng làm những việc hợp pháp cho quá khứ của mình.”
Viện Âm nhạc Verbier ở Thụy Sỹ là nơi mà Kremer đã ở trong một mùa hè để trình diễn Violin concerto của Berg. Đây chính là một nơi lý tưởng để có thể tình cờ được nói những câu chuyện thú vị với nghệ sỹ nổi tiếng thế giới. Ở đây, người ta có thể nhìn thấy thần đồng piano Egeny Kissin đi mua giày, nhạc trưởng đại tài James Levine đang ăn tối và có thể có cơ hội uống rượu cùng nghệ sỹ viola danh tiếng Yuri Bashmet trong một quán rượu địa phương nữa.
Kremer không bao giờ nói về các tác phẩm khi ông còn đang trong giai đoạn trình diễn chúng. Ông tỏa sáng như một ngôi sao trong đêm biểu diễn Concerto của Berg, với tất cả câu chuyện ông nói về đạo đức, về việc đi tìm linh hồn trong nghệ thuật. Rõ ràng là ông đã cố gắng giải nghĩa bản Concerto bí ẩn của Berg. Kremer có lẽ không bao giờ nghĩ rằng mình đã quá già để và có thể ngừng sáng tạo, cho dù đó có thể là một công việc đòi hỏi sức trẻ, thời gian, sự miệt mài và niềm đam mê cháy bỏng. Đối với ông: “Sáng tạo là một quá trình mà trong đó bạn luôn tự hỏi chính mình, mọi phút, mọi giờ, và hết ngày này qua ngày khác. Bạn phải mắc những sai lầm; bạn phải đi tìm những sở thích cá nhân – và điều đó vốn là rất phức tạp.”Công việc của ông chính là một cuộc hành trình đi tìm những ý nghĩa sâu sắc của nghệ thuật và rõ ràng là ông luôn muốn những nghệ sỹ trẻ sẽ lại tiếp bước ông trên cái hành trình bất tận ấy.
Cá tính mạnh mẽ của Gidon Kremer không chỉ được thể hiện khi ông chơi nhạc mà còn gắn bó với cả sự nghiệp của ông. Ông luôn luôn đẩy mình vào những thách thức sáng tạo và sự tìm kiếm thiêng liêng những giá trị vẫn ẩn chứa trong những tác phẩm âm nhạc vĩ đại. Mùa xuân năm 2002, Kremer đã lại hoàn thành thêm một công việc đặc biệt. Chỉ trong một buổi chiều, ông đã trình diễn tất cả các Sonata và Partita của Bach viết cho violin độc tấu. Gần đây, ông cũng thu âm lại các tác phẩm này của Bach sau khi đã nghiên cứu chúng thêm một lần nữa. Lần đầu tiên ông thu âm các tác phẩm này cách đây hai thập kỷ. Kremer có lần đã nói: “Chơi nhạc của Bach, bạn sẽ không thể che đậy được mình. Bạn không thể ẩn ra đằng sau âm nhạc của Bach như trong trường hợp những tác phẩm lãng mạn.”
Đối với Kremer, một con người đã từng làm việc với rất nhiều nhạc trưởng lỗi lạc và trình diễn với tất cả những dàn nhạc lớn trên thế giới, vấn đề luôn luôn là đi tìm cái gì đó mới mẻ, cái gì đó đẹp đẽ và cái gì đó thực sự đang sống. Kremer đã và đang tìm kiếm những sức sống mới cho nghệ thuật trình diễn đàn violin bằng tất cả những trải nghiệm của một cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật. Ông viết: “Đôi lúc tôi cũng trở nên trống rỗng. Tôi nhớ lại những ngày học âm nhạc và đạo đức trước đây của mình, mục đích chính cho việc học hành của tôi là luôn làm mọi việc vì một mục đích. Cái đó không đơn giản là đi tìm ‘sự hoàn hảo’, mà là để đem đến cho thính giả một cái gì đó mới mẻ, để mở rộng cái nhìn và tầm hiểu biết của họ. Đây là lý do tại sao tôi đã luôn bám chặt lấy những nhà soạn nhạc nhất định và cũng là lý do tại sao tôi thành lập nên Kremerata Baltica. Tôi phải nói rằng, có rất nhiều những nhạc công tài năng với những tâm hồn đầy cá tính nghệ thuật. Hãy đừng làm điều gì giống như Gidon Kremer của ngày xưa, khi mà anh ta không thích bất cứ thứ gì và không nhìn thấy bất cứ giá trị nào từ những nhạc công trẻ tuổi.”
Ttdungquantum (nhaccodien.info)