Tác giả: Aram Khachaturian.
Tác phẩm: Concerto violin giọng Rê thứ
Thời gian sáng tác: Năm 1940.
Công diễn lần đầu: Ngày 16/11/1940 với David Ostrakh độc tấu và Alexander Gauk chỉ huy USSR State Symphony Orchestra tại phòng hoà nhạc Tchaikovsky tại Moscow.
Độ dài: Khoảng 35 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho David Oistrakh.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro con fermezza
Chương II – Andante sostenuto
Chương III – Allegro vivace
Thành phần dàn nhạc: Violin độc tấu, piccolo, 2 flute, 2 oboe, English horn, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, snare drum, bass drum, cymbals, tambourine, harp và dàn dây.

Khi sáng tác bản concerto violin độc nhất của mình, tâm trạng của Khachaturian vô cùng hân hoan. Ông đã viết: “Tôi viết nhạc như thể đang trên một làn sóng hạnh phúc, toàn bộ con người tôi đang ở trong một trạng thái vui mừng, vì tôi đang chờ đợi sự ra đời của đứa con trai tôi. Và cảm giác này, tình yêu cuộc sống, đã được truyền tải vào âm nhạc”. Trong mùa hè năm 1940, bản concerto violin mà Khachaturian dành tặng cho người bạn thân của mình, nghệ sĩ violin vĩ đại David Oistrakh đã dần thành hình. Oistrakh đã đưa ra những lời khuyên về tổng thể cũng như gợi ý về kỹ thuật theo cái cách mà Joseph Joachim đã làm với bản concerto violin của Brahms, điều này rất có giá trị. Hai người dành cho nhau sự kính trọng sâu sắc. Oistrakh mô tả Khachaturian sở hữu “cảm xúc của một bậc thầy kỹ thuật điêu luyện và đầy cảm hứng” còn nhà soạn nhạc đánh giá những buổi biểu diễn và thu âm bản concerto là trung tâm cho sự nổi tiếng của tác phẩm.

Bản nhạc này là concerto thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Khachaturian, sau bản concerto piano được hoàn thành 4 năm trước đó. Ông yêu thích thể loại này: “Có lẽ tôi khao khát concerto vì phong cách kỹ thuật đầy màu sắc của nó, điều nằm trong cá tính sáng tạo của tôi. Tôi thích nhiệm vụ tạo ra một tác phẩm mà ở đó nguyên tắc vui vẻ của sự cạnh tranh tự do giữa một nghệ sĩ độc tấu tài năng và một dàn nhạc giao hưởng chiếm ưu thế”. Bản concerto violin được hoàn thành trong vòng 2 tháng. Nhà soạn nhạc nhớ lại: “Tôi đã làm việc mà không cần nỗ lực. Đôi khi suy nghĩ và trí tưởng tượng của tôi nhanh hơn bàn tay đang bị một đống ghi chú bao phủ. Các chủ đề đến với tôi quá nhiều đến mức tôi gặp khó khăn trong việc sắp xếp chúng theo một thứ tự nào đó”.

Chương I của bản concerto violin được viết theo hình thức sonata, bắt đầu với một tuyên bố táo bạo của dàn nhạc. Sau đó một motif ngắn gọn trên violin độc tấu dựa trên một điệu dân vũ Armenia được phát triển thành chủ đề chính của chương nhạc. Chủ đề hai mơ màng hơn nổi lên trên nền của flute và dàn dây chơi pizzicato, chủ đề này sẽ còn xuất hiện lại trong chương cuối. Một đoạn độc tấu ngắn của violin dẫn đến sự bùng nổ của dàn nhạc đưa người nghe vào phần phát triển. Âm nhạc ở đây dựa trên chất liệu của 2 chủ đề đã công bố và được mở rộng, khám phá và kết hợp, đỉnh điểm là một cao trào với màn song tấu giữa clarinet và violin. Tiếp đó là một đoạn cadenza dài dành cho nghệ sĩ độc tấu thể hiện nghệ thuật trình tấu điêu luyện của mình. Khachaturian đã viết một đoạn cadenza. Tuy nhiên, Oistrakh đã thay thế nó bằng bản cadenza của riêng mình. Không hề phật lòng mà thậm chí còn cảm kích về điều này, Khachaturian đã viết cho Oistrakh: “Theo ý kiến của tôi, nếu anh không thích bản concerto, anh sẽ không viết một cadenza tuyệt vời đến vậy. Tôi thấy bản của anh hay hơn bản của tôi. Đưa ra các yếu tố và nhịp điệu của chủ đề đầu tiên, anh đã chuẩn bị hoàn hảo cho khán giả cho khán giả để cảm nhận phần tái hiện. Tôi coi anh là một nghệ sĩ violin vĩ đại. Cá tính sáng tạo của anh phản ánh thời kỳ Xô viết và dẫn đầu cho trường phái biểu diễn violin của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi rất vinh dự được khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo của anh”. Ngày nay, bản cadenza của Oistrakh cũng được nhiều nghệ sĩ biểu diễn lựa chọn hơn. Phần tái hiện tóm tắt ngắn gọn và đa dạng các chủ đề trước đó và chương nhạc kết thúc trong một coda đầy năng lượng.

Là người con của đất nước Armenia, lúc đó là một thành viên trong Liên bang Xô viết, Khachaturian rất tự hào về nguồn gốc và di sản của quê hương mình. Âm nhạc của toàn bộ tác phẩm, đặc biệt là chương II lấy cảm hứng rõ rệt từ các điệu múa quyến rũ và những giai điệu đầy ngẫu hứng của người ashug (những người hát rong cổ tại Armenia). Chương nhạc bắt đầu bằng phần độc tấu trang trọng của bassoon và clarinet. Âm nhạc thoáng có màu sắc Trung Đông. Nghệ sĩ độc tấu bước vào với một giai điệu đẹp nhưng đầy ám ảnh trên nền dàn dây chơi tắt tiếng. Khi chủ đề được mở ra chậm rãi, Khachaturian đã trang trí nó bằng rất nhiều hoạ tiết. Có một số hình ảnh tương phản, nhưng tâm trạng chung của chương nhạc là trầm lắng và bâng khuâng cho đến khi toàn bộ dàn nhạc xuất hiện ở gần cuối chương rồi nhanh chóng trả lại không khí êm đềm vả rồi kết thúc thanh thản.

Chương III hoang dã trình bày một loạt các chủ đề khiêu vũ dân gian quay cuồng, là bước đệm cho những đoạn violin solo tuyệt vời thể hiện trình độ độc tấu điêu luyện của nghệ sĩ độc tấu, đặc biệt là kỹ thuật staccato. Chương nhạc được trình bày dưới hình thức rondo, với một không khí sôi động không khỏi khiến chúng ta liên tưởng đến chương cuối bản concerto violin của Brahms được viết ở cùng giọng. Chủ đề từ chương I quay trở lại nhưng cũng được biến đổi thành một điệu nhảy cuồng nhiệt. Hai chủ đề kết hợp mang lại cho tác phẩm một cái kết tuyệt vời và mạnh mẽ. Một chương nhạc quay cuồng với những cơn lốc của chuyển động và kỹ thuật siêu việt.

Năm 1941, tác phẩm đã giành được giải thưởng Stalin và nhanh chóng trở thành một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc cũng như được coi là một trong những concerto violin tiêu biểu của thế kỷ 20. Rất hâm mộ concerto này, nghệ sĩ flute người Pháp nổi tiếng thế giới Jean-Pierre Rampal đã chuyển soạn tác phẩm thành một concerto flute.

Ngọc Tú (nhaccodien.info)