Berlioz đã sống thêm bốn năm nữa. Trong quãng thời gian ấy ông thường xuyên chìm trong những cơn đau cấp tính; nhưng thoạt đầu cuộc đời vẫn ưu ái ông. Cuốn Hồi ký được gửi tới nhà in vào đầu năm 1865, và ông đã bận rộn cả mùa xuân để đọc bản in thử và sửa lỗi. Cuốn sách được in bằng tiền túi của ông. Việc in ấn được hoàn tất vào tháng 7, và 1200 bản đã được cất giữ tại văn phòng của ông ở Nhạc viện. Một số bản được tặng riêng cho gia đình và những bạn bè thân thiết; phần còn lại sẽ được con trai ông phát hành sau khi cha qua đời. Louis, bấy giờ là thuyền trưởng trên một tàu buôn hải quân, thỉnh thoảng đến Paris nghỉ phép, khiến cha mình thêm vui. Thi thoảng – nhưng không quá thường xuyên – Bezlioz tới phòng hòa nhạc hay Nhà hát Opéra: để nghe nhạc thính phòng của Beethoven do Joachim và những người bạn biểu diễn; để xem vở Don Giovanni; một lần còn để cầm đũa chỉ huy, cũng là lần cuối cùng ông chỉ huy ở Paris; và để nghe khúc ouverture Những thẩm phán tự do và bản thất tấu trích từ vở Những người thành Troie được bốn ngàn khán giả tán thưởng. Carvalho đã bàn về việc phục dựng vở Những người thành Troie ở Carthage, nhưng Berlioz cả quyết phản đối “một lò mổ tươi sống”:

“Tác phẩm quá lớn mà nhà hát thì quá nhỏ và trang bị rất kém. Tôi thà không cho biểu diễn gì cả còn hơn là cho biểu diễn trong tình trạng như vậy. Chúa ơi! Tại sao không thể để tôi ra đi trong yên bình? Tôi không thể và sẽ không có bất cứ điều gì để làm với giới đạo diễn, bầu sô, thương gia hay lái buôn – những chủ hiệu tạp hóa đủ mọi loại được ngụy trang dưới những tên gọi khác nhau.”

Mặt khác cũng có tin tức về các buổi công diễn âm nhạc của ông ở nước ngoài khiến ông phấn chấn tinh thần. Tháng 12 năm 1866 ông đã đến Vienne để chỉ huy Tội đày địa ngục của Faust ở Redoutensaal. Vài tờ báo đã tỏ ra thù địch (có lẽ phần nào là do Herbeck, người chuẩn bị dàn nhạc và dàn hợp xướng, dính dáng vào một trong những mối thù thường kỳ trong giới âm nhạc thành Vienne), và rõ ràng là Berlioz, dù đang ốm yếu bởi bệnh tật, đã chứng kiến các buổi diễn tập đầy mệt mỏi; nhưng buổi hòa nhạc lại thành công vang dội. Trước đó không lâu, ông đã giúp giám sát việc phục dựng vở Alceste của Gluck ở Nhà hát Opéra, một trải nghiệm mà tại thời điểm đó khiến ông ngập tràn hạnh phúc.

Hơn hết thảy, mối quan hệ với Estelle như sợi chỉ níu giữ cuộc đời ông. Dần dà bà cũng chấp thuận làm bạn với ông. Ông mời bà đến Geneva mỗi dịp hè. Giữa những cuộc gặp gỡ là thư từ qua lại. Mỗi tháng ông viết cho bà một lá thư, có khi thường xuyên hơn. Mỗi lần nhận được hồi âm từ bà gần như là một niềm vui sướng lớn lao. “Thật không phải khi tôi lại viết thư cho bà vào hôm nay”, một bức thư mở đầu, “Thế là sớm quá. Thứ lỗi cho tôi, tôi không thể chịu đựng hơn nữa”. Bức thư kết thúc: “Thật là một buổi tối hạnh phúc khi được ngồi đây bên bếp lửa để viết thư cho bà”. Phần tái bút của một lá thư khác: “tôi đã mở phong bì, tôi phải nói chuyện tiếp với bà. Nhưng có gì để nói nữa đây? Chỉ là tôi cảm thấy rằng, nếu tôi giữ bức thư thêm vài giờ nữa thì nỗi cô đơn của tôi càng bị dồn nén lâu hơn”. Đó là một niềm vui mà ông không lường trước được: “Tôi có thể sẽ chết mà không được gặp lại bà lần nào nữa”.

Nhưng thời gian đã cạn dần. Căn bệnh của ông đang thắng thế. Ông dùng laudanum với liều ngày càng cao hơn nhưng không những chẳng thể giúp ông dịu bớt đau đớn mà còn khiến đầu óc ông mụ mẫm và chậm chạp đi. Một đòn chí mạng đến với ông vào mùa hè năm 1867, Louis qua đời do bệnh sốt vàng da ở Havana, hưởng dương 32 tuổi. Trong bức thư cuối cùng còn sót lại mà Berlioz gửi con trai mình có những lời tiên tri: “Louis yêu dấu, ta biết làm gì đây nếu thiếu con?” Giờ đây ông vội vã cắt đứt mọi mối quan hệ còn lại có thể ràng buộc ông với cuộc đời. Một tuần sau khi nhận được tin dữ ông đến văn phòng của mình tại thư viện Nhạc viện, trút hết một hòm đầy những thư từ, những bài báo được cắt ra, những trích dẫn hay các di vật khác về đời sống cá nhân cũng như công chúng của ông, và đốt toàn bộ. Mùa thu năm ấy ông đến thăm Estelle, người phụ nữ vừa mới mất đi đứa con trai. Họ gặp nhau lần cuối vào ngày 9 tháng 9.

Mùa đông năm 1867–68 chứng kiến sự bùng nổ cuối cùng của năng lượng phi thường từng có ở ông. Ông đến Nga và tổ chức tám buổi hòa nhạc ở St Petersburg và Moscow cho một lượng khán giả đông đảo và đầy huyên náo. Trên bục chỉ huy một cái gì đó của quyền lực xưa cũ và ngọn lửa nhiệt huyết được hồi sinh. Ông chỉ huy các tác phẩm của Gluck, Mozart, Weber, và bốn bản giao hưởng của Beethoven (các số 3–6). Âm nhạc của chính ông ban đầu không được dự tính trong bất kì buổi biểu diễn nào ngoại trừ buổi diễn cuối cùng, nhưng ông đã bị thuyết phục để thêm vào một số tác phẩm. Chính bằng Harold ở Ý và các trích đoạn từ RoméoFaust mà sự nghiệp của ông với tư cách nhạc trưởng và nhà cách tân âm nhạc kết thúc. Sau khi trở về ông đã đến thăm vùng Riviera yêu dấu của mình, nơi hấp dẫn bởi ánh mặt trời chiếu rọi và tiếng gọi từ quá khứ. Trong lúc leo xuống biển ở Monte Carlo ông bị ngã đập đầu lên đá, choáng váng và chảy máu. Một hai ngày sau đó ở Nice ông lại bị ngã nghiêm trọng hơn do đột quỵ, ông nằm li bì trên giường cả tuần lễ cho đến khi cảm thấy đủ khỏe để thực hiện hành trình trở lại Paris. Ngay sau đó, tai họa ập đến với người bạn già của ông, Humbert Ferrant. Gã trai trẻ tên thường gọi là Blanc-Gonnet, người mà Ferrant và vợ ông nhận nuôi khi còn là một cậu nhóc, đã sát hại bà Ferrant và biến mất cùng số nữ trang của bà. Gã bị bắt và xử chém. Ferrant cũng qua đời sau đó vài hôm.

Trong những tháng cuối đời, Berlioz giống như một cái bóng biết đi. Nhà phê bình Blaze de Bury (con trai cựu thù Castil-Blaze của ông), gặp ông vào một buổi tối khi đang trên đường từ Học viện về, đã thấy “như một bóng ma hiện hình, xanh xao, lom khom, run rẩy; ngay cả đôi mắt của ông, đôi mắt linh lợi, tuyệt vời đó cũng đã bớt phần lấp lánh”. Có những lúc ông sợ mình đã nhầm, rằng thiên hướng của mình chỉ là ảo ảnh. Henri Maréchal, khi hồi tưởng lại những cuộc trò chuyện của mình với Berlioz vào thời gian đó, đã tin chắc rằng khả năng về sự thay đổi thị hiếu ở Paris, sự ưa thích âm nhạc của ông sau khi ông qua đời, là một cái gì đó ông không còn dự liệu được nữa: sự kết thúc, và khi nó đến, có thể sẽ là cáo chung cho tất cả, ít nhất là tại Pháp. Điều đó đã đến vào đầu năm 1869. Ông liệt giường vào tháng 1 và chìm dần vào hôn mê. Bạn bè đến thăm – gia đình Damckes, Saint-Saens, Ernest Reyer – và ông ngồi dậy để chào họ; nhưng ông không nói được và chỉ có thể mỉm cười. Mẹ vợ ông và bà Charton-Demeur, nàng Dido của ông, ở bên cạnh khi ông trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 8 tháng 3 năm 1869. Theo lời Reyer, lời cuối cùng ông thốt ra là: “Cuối cùng họ cũng chơi nhạc của tôi”.

David Cairns
Nguyễn Tuấn Anh dịch

David Cairns là một trong những chuyên gia hàng đầu về Berlioz trong thời đại chúng ta. Hai tập tiểu sử Berlioz đáng tin cậy của ông, Berlioz: The Making of an Artist (London, 1989; tái bản có sửa chữa 1999; bìa mềm 2000) và Berlioz: Servitude and Greatness (London, 1999, bìa mềm 2000) đã giành được các giải thưởng uy tín Whitbread (hạng mục tiểu sử) và Samuel Johnson (phi hư cấu). Cả hai tập đều được dịch sang tiếng Pháp [Tập 1, Berlioz. La Formation d’un artiste (Paris, Fayard, 2002) và Tập 2, Servitude et Grandeur (Paris, Fayard, 2002)]. Các ấn phẩm khác về Berlioz của David Cairns bao gồm bản dịch tiếng Anh The Memoirs of Hector (1969; ấn bản mới 2002) cũng những đóng góp cho nhiều cuốn sách và tạp chí chuyên ngành.