“Nghệ thuật phản chiếu những sự vật bên ngoài, chứ không phải cho chúng ta, những kẻ chỉ biết sống trong một thế giới của giai điệu” – Amelita Galli-Curci

 Amelita Galli-Curci với tên khai sinh là Amelita Galli sinh ngày 18 tháng 11 năm 1882 tại thành phố Milan, thành phố mà bà luôn ca ngợi là “Milano xinh đẹp dưới bầu trời Italy trong xanh – bầu trời trong xanh nhất trên thế giới này”. Cô bé Lita xinh xắn có một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc. Cha Lita, ông Erico Galli là một doanh nhân giàu có ở Milan còn mẹ Bellisoni của cô vốn là một phụ nữ quí tộc thuộc dòng dõi công tước de Luna xứ Cadiz, Tây Ban Nha. Bà Enrichetta Bellisoni cũng được sinh trưởng trong 1 gia đình có truyền thống âm nhạc và có quen biết mật thiết với nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng đương thời, cha của bà từng là nhạc trưởng, còn mẹ bà là 1 soprano không kém phần tên tuổi. Chính bà ngoại và mẹ là những người có nhiều lời khuyên hữu ích với Lita khi mới bắt đầu bước vào sự nghiệp ca hát sau này.
 Ngay từ khi mới 1 tuổi, nhiều người kể lại rằng, Lita có thể ngân nga theo tiếng hát ru của mẹ khá chuẩn xác về nhịp và giai điệu. Sinh ra trong gia đình giàu có và có truyền thống như vậy, Lita không chỉ được có mọi điều mà những đứa trẻ thời ấy hằng mơ ước, cô bé còn được thừa hưởng một môi trường giáo dục hoàn hảo, đặc biệt về âm nhạc và văn hoá. Lita được mẹ dạy piano từ năm mới lên 5. Năm 11 tuổi được chính thức học nhạc một cách bài bản. 13 tuổi, Lita học phổ thông tại Học viện Quốc tế đến năm 1901. Chính thời gian này, Lita được học nhiều ngôn ngữ khác và đặc biệt trôi chảy tiếng Anh, Pháp và Đức như bà từng kể lại sau này: “Đối với nghề ca sĩ, sẽ thật may mắn nếu được học nhiều hơn một ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ. Mẹ tôi là người Tây Ban Nha, cha tôi là người Ý, điều này làm cho tiếng Ý và Tây Ban Nha trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Sau đó tại trường, tôi được học tiếng Pháp, Đức và Anh, không chỉ là biết bập bõm vài từ mà là có thể nói và viết thông thạo”. Am hiểu nhiều ngoại ngữ, Galli-Curci luôn nhấn mạnh việc nhả chữ cẩn thận đối với các tác phẩm thanh nhạc nước ngoài, và điều này cũng là bí quyết để bà có thể chinh phục được khán giả ở nhiều quốc gia khác nhau. Cùng thời gian đó, Lita theo học tại Nhạc viện Milan, tại đây, cô bé được học piano, đối âm và lí thuyết âm nhạc. Những kiến thức trong nhưng năm tháng học nhạc từ thời nhỏ giúp Lita có một nền tảng kiến thức âm nhạc vững chắc.
 Năm 1903, Amelita tốt nghiệp với tấm huy chương vàng danh giá của nhạc viện về piano. Sự nghiệp biểu diễn piano mở ra trước mắt cô gái trẻ, Amelita bắt đầu có những recital nhỏ tại Milan và bắt đầu được chú ý. Cô nhận được học bổng tại Liceo Alessandro Marzoni để trở thành giảng viên và nghệ sĩ biểu diễn piano, 2 em trai Giuseppe và Ennco cũng theo học tại nhạc viện. Mặc dù rất thích chơi nhạc của Johann Sebastian Bach, Frederic Chopin và Robert Schumann, nhưng Amelita biết rằng cô chẳng thể nào trở thành 1 nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Thay vào đó, Amelita sớm nhận giọng hát và niềm đam mê ca hát của mình: “… Tôi thuộc về ca hát. Chẳng phải người ta nói rằng mọi người Ý sinh ra đều đã có một giọng hát tuyệt vời sao. Tôi bắt đầu nhận ra mình có một giọng hát và cần phải rèn giũa nó. Tôi thường xuyên hát những ca khúc xinh xắn, dễ nghe, những ca khúc mà ai cũng có thể hát được, những bài hát dân ca đơn giản, tự nhiên của chúng tôi. Nhưng tôi ước tôi có thể làm được hơn thế – có thể thể hiện con người mình qua những ca khúc. Vì thế tôi đã tự luyện tập bằng cách hát những điệu nhạc, những bài Vocalise giữa những bài tập piano. Trong lúc ấy, tôi đọc ngấu nghiến bất cứ quyển sách dạy thanh nhạc nào mà tôi vớ được, rồi tôi cố gắng thực hành những gì mà tôi hiểu và thu lượm được. Trong khi cố gắng thực hiện, tôi tự tìm ra bí quyết cho mình, và đó là lý do tại sao tôi biết chính xác về cơ thể tôi, khi tôi hát, những cơ bắp nào được vận động, và chúng phải được điều khiển ra sao, hoạt động thế nào và tại sao.” Amelita tỏ ra quan tâm đến những bài tập luyện thanh của nhà sự phạm thanh nhạc đại tài Manuel Garcia (người từng là thầy của Jenny Lind và Lilli Lehmann). Bà ngoại – thần tượng thuở nhỏ của Amelita, cũng chỉ bảo giúp đỡ nhiều điều trong việc điều khiển giọng hát, nhưng thực tế, Amelita gần như hoàn toàn là một ca sĩ tự học chứ không qua một trường lớp chính quy nào về thanh nhạc: “Khi tôi luyện tập ca hát, tôi luôn phải tự trả lời bản thân mình. Nếu tôi có mắc phải sai phạm, chính tôi phải tự nhận ra chứ không phải là bất kì một người thầy nào”.
 Năm 1905, sau khi tốt nghiệp trường Liceo Allessandro Marzoni, một sự kiện quan trọng đến với Amelita. Trong một đêm diễn recital vở opera I Puritani (Vincenzo Bellini) tại tư gia, Amelita tham gia biểu diễn một vài trích đoạn. Trong số khách mời có nhà soạn nhạc danh tiếng Pietro Mascagni, một người bạn lâu năm của cha mẹ cô. Sau khi nghe Amelita hát, Mascagni đã hết lời ca ngợi âm sắc đẹp tự nhiên của cô và khuyên: “Cháu có một âm sắc vô cùng độc đáo, đó là một báu vật quí hiếm. Ta có thể nhận ra giọng hát của cháu trong suốt 20 năm nữa dù ở bất cứ nơi đâu và nó còn chưa đựng nhiều điều tiềm ẩn khác nữa. Hãy nhớ, có rất nhiều nghệ sĩ piano có năng khiếu, nhưng không có nhiều ca sĩ như vậy”.  Những lời khuyên bảo của Mascagni tạo nên độc lực mới, giúp Amelita khẳng định niềm tin vào sự lựa chọn của chính mình.
 Thời gian này, công ti của ông Enrico Galli bị phá sản, ông bỏ sang Argentina cùng 2 con trai gây dựng lại sự nghiệp, hai mẹ con Amelita  quyết định ở lại Italy. Ông Enrico không trở về nữa, Amelita không biết rằng sau này cô vĩnh viễn không được gặp lại cha và 2 em trai thân yêu. Gia đình sa sút, Amelita và mẹ bắt đầu gặp những khó khăn về kinh tế, tuy nhiên, Amelita vẫn không sao nhãng việc luyện tập ca hát, cô biết đấy chính là cơ hội và con đường của mình. Với sự luyện tập bền bỉ, đúng cách, Amelita dần phát triển các kĩ thuật thanh nhạc của mình, mở rộng âm vực tới hơn 2 quãng 8 (từ a giáng đến f3), mà âm sắc trong trẻo tự nhiên vốn có hoàn toàn không bị mất đi, một giọng hát phù hợp hoàn hảo với những vai soprano trữ tình màu sắc (lirico coloratura), đặc biệt trong opera belcanto và những tác phẩm opera lãng mạn của Pháp, tất cả đều đã sẵn sàng.
  Mùa thu năm 1906, Amelita được mời hát trong một chương trình nhỏ dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng đang lên. Sau khi nghe Amelita hát, nhận ra giọng hát tuyệt vời của Amelita, ông liền giới thiệu cô cho người bạn là một giám đốc nhà hát opera luôn tìm kiếm những tài năng mới đầy hứa hẹn. Một thời gian sau, Amelita đã nhận được mời biểu diễn chính thức với tổng số tiền nhận được chỉ là 300 lira. Ngày 26 tháng 12 năm 1906, tại nhà hát Trani, Amelita đã có buổi diễn debut trên sân khấu opera chuyên nghiệp bằng vai Gilda trong vở Rigoletto (Giuseppe Verdi). Âm sắc đẹp kì diệu, trong trẻo, mỏng manh như một thiếu nữ mới lớn, những note staccato chính xác, kĩ thuật điều khiền hơi thở hoàn hảo với làn hơi dài không tưởng đã làm nên một Gilda sống động, ngây thơ, đáng thương trên sân khấu. Không một lỗi nhỏ nào trong suốt đêm diễn, những tràng pháo tay không dứt khi Amelita vừa thể hiện xong aria “Caro nome”. Từ một soprano vô danh, Amelita đã vụt sáng như một ngôi sao opera mới tại Italia. Gilda trở thành vai diễn được yêu thích của Amelita, và nó thường xuyên nằm trong kịch mục của Amelita trong suốt 10 năm sau và kể cả sau này. Thành công từ Trani giúp Amelita rộng đường chinh phục các nhà hát khác tên tuổi hơn từ Trieste cho đến xứ Catania, đâu đâu khán giả cũng đón chào Amelita với những tràng pháo tay nồng nhiệt cùng những đóa hoa tươi thắm.
 Năm 1908, 2 năm sau thành công đầu tiên, Amelita lập tức nhận được lời mời thể hiện vai nữ chính Bettina trong buổi công diễn đầu tiên của vở Don Procopio, một trong những tác phẩm thời kì đầu của nhà soạn nhạc nổi tiếng Georges Bizet. Cùng năm ấy, Amelita kết hôn với Luigi Curci – con trai Hầu tước Carlo Curci. Từ đây, Amelita gắn họ chồng vào tên mình, trở thành nghệ danh đến cuối đời: Amelita Galli-Curci. Được chồng ủng hộ, Galli-Curci đã có những chuyến lưu diễn ra khỏi biên giới nước Ý. Năm 1908 tới Ai Cập. Năm 1913, 1914, 1915, lưu diễn tại Tây Ban Nha, đến Bỉ năm 1913, và Nga năm 1914, tuy nhiên đáng kể nhất là những chuyến lưu diễn đến Nam Mĩ. Năm 1910 Galli-Curci bắt đầu đặt chân đến Argentina. Thời gian đầu, Galli-Curci chấp nhận đóng các vai thứ, vai phụ cho đến một hôm soprano người Cu Ba Esperanza Clascenti bị ốm, Galli-Curci được hát thay. Lại là Gilda trong Rigoletto, vai diễn mà Galli-Curci đã thực sự nằm lòng. Khán giả lúc đấy, trước sự xuất hiện của soprano mới toanh, đã lên tiếng la ó, phản đối, nhưng chỉ ngay sau khi Galli-Curci cất giọng, tất cả đều im lăng và khi vừa kết thúc “Caro nome”, những tiếng hoan hô cổ vũ vang dội khắp nhà hát, Galli-Curci phải hát lại ngay trên sân khấu aria này 3 lần. Nam và Trung Mĩ trở thành 1 điểm đến quen thuộc đối với Galli-Curci, bà còn quay trở lại đây 3 lần nữa vào năm 1912, 1915 và 1916. Tháng 6, tháng 8 năm 1915, tại Teatro Colon tại Buenas Aires, Galli-curci có 2 đêm diễn “Lucia di Lammermoor” (Gaetano Donizetti) đáng nhớ với những 2 tên tuổi vĩ đại là tenor Enrico Caruso và baritone Giuseppe de Luca.
 Những chuyến lưu diễn xa khiến tên tuổi của Galli-Curci ngày một nổi tiếng hơn. Tuy vậy, Gallli-Curci không quan tâm đến danh tiếng, hay các nhu cầu về vật chất, tiền tài, điều mà Galli-Curci muốn là được mang tiếng hát đến với mọi khán giả, muốn chinh phục khán giả ở mọi nơi. Trong 1 chuyến lưu diễn vở “Il Barbier di Siviglia” (Gioacchino Rossini) tại Tây Ban Nha, Galli-Curci bị cúm, sốt phát ban và ốm thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, dưới một thân thể mảnh dẻ là một nghị lực phi thường, buổi diễn đã được dự tính trước, Galli-Curci quyết định vẫn biểu diễn khi vừa mới gượng dậy chứ không muốn hủy bỏ. Dù vậy, khán giả thành Madrid như lên cơn sốt sau khi một nàng Rosina “xanh xao trên xe lăn”, thể hiện “Una voce poco fa” không thể tuyệt vời hơn. Nhà văn El Mundo, người có mặt trong đêm diễn hôm ấy đã kể lại: “Cô ấy hát “Una voce poco fa” hoàn hảo tuyệt đối, làm chủ toàn bộ những đoạn lướt note thần sầu, những tràng pháo tay nổ vang dội ngay khi aria vừa kết thúc, kéo dài đến 5 phút làm gián đoạn của cả vở opera, kể từ đó sự cổ vũ của khán giả càng nồng nhiệt hơn”. Dù có một giọng hát mảnh, nhẹ, thiếu kịch tính, nhưng với sự am hiểu ngôn ngữ sâu sắc, kiến thức âm nhạc phong phú, Galli-Curci đã xây dựng cho mình một kịch mục khá đa dạng với những vai coloratura, liric và leggiero trong opera của Đức, Pháp và  Ý như La Traviata, I Puritani, Les Huguenots, La Wally, Un Ballo in Maschera, Pagliacci, Mignon, Hamlet, Der Rosenkavalier
 Tự tin với những thành công đã đạt được, Galli-Curci quay lại Milan, thành phố quê hương mình. Giám đốc Mingardi của Nhà hát La Scala – Milan, một trong những nhà hát danh giá nhất thế giới, nơi mà hầu như bất cứ những ca sĩ opera nào cũng muốn ghi dấu ấn của mình, đã tỏ ra coi thường và nghi ngờ khả năng của Galli-Curci. Ông cho rằng Galli-Curci không thể hát được Amina (La Sonnambula, Bellini) nên chỉ dành cho Galli-Curci 1 vai thứ trong vở. Là người kiêu hãnh và giàu tự trọng, Galli-Curci đã trả lời: “Ngài Mingardi thân mến, đừng bao giờ quên chuyện này, tôi sẽ không bao giờ đặt chân lên nhà hát này một lần nữa” và Galli-Curci đã giữ lời.
 Thất vọng tại quê hương không làm Galli-Curci nản chí, bà trở lại Nam Mĩ năm 1916, lưu diễn qua Uruguay, Brazil, Cu Ba… Rồi từ La Havana, Galli-Curci quyết định sang Mĩ. Những khán giả nồng nhiệt của nước Mĩ vốn không bao giờ từ chối những tài năng nghệ thuật nổi danh từ châu Âu sang, Galli-Curci liên tục được săn đón. Cleofonte Campanini, giám đốc Chicago Opera đã mời Galli-Curci diễn thử trong hai đêm với mức catse 300$ mỗi đêm. Calvin G.Childs, chủ hãng thu âm Victor Talking Machine Company cũng không bỏ lỡ cơ hội mời Galli-Curci thu âm và hào phóng trả một mức lương tương đương với Caruso. Ngày 18 tháng 11 năm 1916, vào đúng dịp sinh nhật thứ 34 của mình, Amelita Galli-Curci đã có buổi diễn debut với khán giả Mĩ, tất nhiên không có lựa chọn nào sáng suốt hơn là với vai Gilda – vai diễn gần như đã được đóng dấu bởi Galli-Curci lúc này. Đêm diễn hoành tráng đã thành công đến nỗi Campanini đã quyết định kí hợp đồng cả mùa diễn với Galli-Curci với mức catse cao gấp 5 lần bình thường: 1500$.
Soprano Mĩ huyền thoại Geraldine Farrar có mặt trong đêm diễn hôm ấy đã thốt lên: “Cô ấy gần như đạt được sự hoàn hảo tới mức con người có thể vươn tới được”. Trước ảnh hưởng của đêm diễn, hãng Victor Records lập tức lại mời Galli-curci thu âm “Caro nome”, và đĩa hát đã bán được hơn 10.000 bản ngay trong lần xuất bản đầu tiên, 1 kỉ lục phát hành thời đó. Galli-Curci trở thành nghệ sĩ được thu âm và có đĩa bán chạy nhất thời bấy giờ, vượt qua cả những Luisa Tetrazzini, Enrico Caruso… 2 năm sau, tại nhà hát Lexington, Amelita quyết định giới thiệu vở opera Dinorah của Giacomo Meyerbeer (nguyên gốc tiếng Pháp là “Le pardon de Ploermel” với khán giả New York. Aria nổi tiếng “Ombra leggiera” (version tiếng Pháp là Ombre legère) đã khiến Amelita được gọi ra khỏi cánh gà đến 24 lần trong tổng số hơn 60 lần khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt trong suốt đêm diễn. Amelita cũng tự nhận rằng Dinorah chính là vai diễn mà bà yêu thích nhất.
 Ở độ tuổi 36, Galli-Curci đã thực sự bước vào độ chín của cả vẻ đẹp ngoại hình cũng như giọng hát. Gương mặt trái xoan, đôi mắt to trong trẻo, sống mũi cao thanh tú, thân hình mảnh dẻ, phong thái tự tin, sang trọng, quý phái, và trên hết là một giọng hát đẹp lóng lánh không chút tì vết đã chinh phục hàng trăm nghìn khán giả nước Mĩ. Mức catse của Galli-Curci tăng lên chóng mặt. Từ năm 1917 đến năm 1920, nhà hát Chicago Opera đã kí hợp đồng với Galli-Curci 2000$ với mỗi lần xuất hiện tại Chicago, 2500$ với mỗi lần xuất hiện tại NewYork và 3000$ cho mỗi chuyến lưu diễn xa. Đó là một mức lương kỉ lục vì ngay cả Carusso thời đấy cũng chưa bao giờ nhận được quá 2500$. Galli-Curci đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, thay thế ngôi vị của Nelie Melba và Luisa Tetrazzini đã chiếm giữ suốt mấy chục năm.
 Không ngoài mong đợi, ngày 14 tháng 11 năm 1921, Galli-Curci đã có đêm diễn ra mắt khán giả nhà hát danh tiếng Metropolitan Opera, New York với vai Violetta (La Traviata) bên cạnh Beniamino Gigli và Giuseppe de Luca. Kể từ đây, cùng với Chicago Opera, Galli-Curci có một thời gian gắn bó dài lâu với Met cho đến tận cuối sự nghiệp. Buổi biểu diễn cuối cùng của Galli-Curci tại đây là với Rosina (Il Barbier di Siviglia) vào ngày 24 tháng 1 năm 1930.
 Amelita Galli-Curci gắn bó với nước Mĩ và cảm thấy đây thực sự là mảnh đất phù hợp với con đường nghệ thuật của mình. Bà quyết định nhập tịch vào Mĩ, tuy nhiên ông Luigi Curci không đồng ý, hai người quyết định li hôn năm 1920, nhưng bà vẫn giữ họ của chồng trong nghệ danh mình. Một năm sau, Galli-Curci lập gia đình với nghệ sĩ piano Homer Samuels, người sau này cũng thường xuyên đệm đàn cho Galli-Curci trong những buổi recital nhỏ. Samuels và Galli-Curci sống hạnh phúc với nhau đến tận khi Samuels qua đời năm 1956.
 Thế mạnh của Galli-Curci là những nốt staccato trong trẻo, những đường legato êm mịn và những đoạn lướt note rõ nét với tốc độ khác thường trong một âm vực khoáng đạt. Những note e3, f3 kết ngân dài sáng rực rõ khiến khán giả và các nhà phê bình thán phục. Nhưng nếu chỉ vậy, Galli-Curci cũng sẽ lẫn với vô vàn những soprano màu sắc tài năng đương thời khác. Galli-Curci là 1 nghệ sĩ cẩn thận, nghiêm túc, bà tìm hiểu vai rất kĩ, phân tích đánh giá mọi khía cạnh tính cách nhân vật mà tác giả muốn nói, từ đó sáng tạo thêm những đoạn cadenza hợp lí, tùy theo từng hoàn cảnh. Bà từng nói rằng, phải mất 4 năm chuẩn bị mới dám diễn Amina trong La Sonnambula. Giọng bẩm sinh của Galli-Curci mảnh, nhẹ, ý thức được điều đó, bà không bao giờ có ý định vượt quá khả năng của mình, không bao giờ kéo căng giọng hát và thậm chí không ngại hát bằng giọng thật để sao cho tạo được cảm giác tự nhiên, gần gũi nhất với khán giả. Để khắc phục điểm yếu ấy, bà chú ý đến việc điều phối hơi thở, điều khiển sắc thái âm thanh to nhỏ, chính bởi vậy, qua những bản thu âm, dường như thấy giọng của Galli-Curci to và dầy hơn bình thường. Về cuối sự nghiệp, vào giữa thập niên 30 vì mắc phải một vài vấn đề về thanh quản, giọng hát của Galli-Curci thực sự gặp khó khăn, bà không thể dễ dàng điều khiển giọng hát một cách linh hoạt như trước nữa, thậm chí những những note cao trong trẻo, nhẹ nhõm cũng trở nên căng thẳng và không còn chính xác. Sau cuộc phẫu thuật không thành công năm 1936, Amelita đành quyết định giã từ sân khấu opera. Khi vào tuổi gần 60, một vài người vẫn mời bà thu âm, bà cũng thử sức, và tuy không thành công nhưng vẫn hóm hỉnh nói: “Khi tôi nghe những bản thu âm của thời kì trước đây, tôi thấy như nhìn về phía đường chân trời, chẳng thể nào vươn tới được, tôi cảm thấy mình thật tầm thường. Nhưng khi so sánh chúng với những bản thu âm của những soprano khác, tôi lại thấy thật đáng tự hào”.
 Sau khi chồng qua đời, Galli-Curci chuyển tới 1 dinh thự nhỏ tại Rancho Santa Fe và La Joll, nơi mà bà cho rằng có thể “trò truyện và âu yếm với cỏ cây”, sống cuộc sống an nhàn tuổi già. Thỉnh thoảng bà mở lớp bồi dưỡng tư cho những soprano trẻ hay thậm chí là cả những prima donna trẻ mới thành danh muốn học hỏi kinh nghiệm. Một lần nọ, hai vợ chồng soprano Joan Sutherland và nhạc trưởng Richard Bonynge đến thăm Galli-Curci. Sutherland tâm sự với Galli-Curci rằng, bà cảm thấy buồn phiền khi nhận được những lời phê bình không thoả đáng khi hát La serenata của Francesco Paolo Tosti. Galli-Curci đã khuyên bảo: “Đừng bao giờ lo lắng về những nhà phê bình. Cứ giả mù như một chú ngựa, phi thẳng và tiến tới ghi bàn, thế là bạn sẽ tiến đến đích, mặc kệ họ”. Sutherland cũng nhận được nhiều lời khuyên bổ ích để phát triển kĩ thuật thanh nhạc từ Galli-Curci. Sau này, Sutherland luôn ca ngợi Galli-Curci như một thần tượng của mình: “Bà là một người phụ nữ cuốn hút nhất mà tôi từng được gặp trong suốt cuộc đời, một con người sống động, cá tính và thật nhiệt tình”.
 Amelita Galli-Curci qua đời ngày 26 tháng 11 năm 1963, chỉ 8 ngày sau lần sinh nhật lần thứ 81, tại La Jolla, California, Mĩ. Sau khi khi qua đời, bà để lại di chúc cho người bạn cùng sống trong những năm cuối đời, dùng toàn bộ tài sản của mình (285,000$) để thành lập những quĩ phát triển tài năng trẻ về nghệ thuật.
 Mặc dù đã qua đời được hơn một nửa thế kỉ, nhưng với những bản thu âm quí hiếm, độc đáo bà để lại, chúng ta có thể khẳng định, Amelita Galli-Curci là một trong số những Coloratura soprano xuất sắc nhất trong lịch sử, một tài năng kiệt xuất làm nên thế hệ vàng của “Golden Ages of Singing” bên cạnh những tượng đài vĩ đại như Nellie Melba, Lotte Lehmann, Lusa Tetrazzini, Ernestine Schumann-Heink, Enrico Caruso, Beniamino Gigli, Rosa Ponselle, Tito Schipa, Lotte Lehmann, Kirsten Flagstad, Giuseppe de Luca, Conchita Supervia, Titta Ruffo, Feodor Chaliapin…
Văn Phương (nhaccodien.info) tổng hợp