Thông tin chung
Tác giả: Antonín Dvořák.
Tác phẩm: Concerto violin giọng La thứ, Op. 53, B. 96/B. 108
Thời gian sáng tác: Năm 1879-1882.
Công diễn lần đầu: Ngày 14/10/1883 tại Prague với František Ondříček độc tấu violin và Moric Anger chỉ huy National Theatre Orchestra.
Độ dài: Khoảng 30 phút.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro ma non troppo (La thứ)
Chương II – Adagio ma non troppo (Pha trưởng)
Chương III – Finale: Allegro giocoso ma non troppo (La trưởng)
Thành phần dàn nhạc: Violin độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.
Hoàn cảnh sáng tác
Joseph Joachim, nghệ sĩ violin thế kỷ 19 luôn là một nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển của cây đàn violin. Vào thời điểm mà quá nhiều tác phẩm dành cho violin đều coi người chơi như một loại nghệ sĩ biểu diễn xiếc, nhấn mạnh kỹ thuật điêu luyện thay vì những cảm thụ nghệ thuật, Joachim đã trở thành đại diện cho những giá trị âm nhạc cao nhất. Ngay sau khi Joachim công diễn Concerto violin của Brahms, người bạn thân của mình vào ngày 1/1/1879, ông đã liên hệ với Dvořák thông qua nhà xuất bản của cả Dvořák và Brahms, Simrock đề đề nghị Dvořák sáng tác một bản concerto violin. Joachim, nhờ Brahms đã được biết đến âm nhạc cua Dvořák và cảm thấy rất hứng thú. Chính Joachim và một số nghệ sĩ khác là người công diễn đầu tiên sextet của Dvořák.
Quá trình sáng tác bản concerto violin của Dvořák hoá ra khá phức tạp. Ông khởi thảo vào tháng 7/1879 tại lâu đài Sychrov, Liberec. Dvořák mang bản thảo tới Berlin vào cuối tháng theo lời mời của Joachim. Tại đây, Joachim đã đề xuất một số thay đổi, Dvořák tiếp thu và thực hiện những sửa chữa ngay sau đó. Tháng 11, ông gửi lại bản concerto cho Joachim với trang tiêu đề ghi dòng chữ: “Tôi dành tặng tác phẩm này cho bậc thầy Joseph Joachim với sự tôn trọng sâu sắc nhất, Antonín Dvořák”. Trong bức thư kèm theo, Dvořák bày tỏ mong muốn được Joachim cho ý kiến về bản concerto của mình. Joachim trả lời rằng ông sẽ thu xếp thời gian để trả lời càng sớm càng tốt. Không có thêm một lá thư nào kể từ thời điểm đó. Cuối tháng 3/1880, Dvořák đến Berlin thăm Joachim. Không có nhiều thông tin về cuộc gặp mặt giữa hai người và chỉ có thể đoán rằng chúng đã diễn ra không được thuận lợi vì Dvořák đã hầu như viết lại hoàn toàn bản concerto trong tháng 4-5/1880 và gửi lại nó cho Joachim để kiểm tra lại lần nữa. Tuy nhiên, phải hai năm sau ông mới nhận được câu trả lời.
Tháng 8/1982, Dvořák nhận được một bức thư từ Joachim, trong đó nghệ sĩ violin giải thích chi tiết quan điểm của mình và đề xuất những thay đổi. Chủ yếu Joachim đề cập đến phần độc tấu dành cho violin để bảo đảm việc biểu diễn được tốt hơn và sự cần thiết giảm bớt mật độ của dàn nhạc để bảo đảm kết cấu. Dvořák cũng đồng ý với những yêu cầu này và đã đến Berlin vào tháng 9 để họ có thể cùng nhau thực hiện. Dvořák đã viết thư cho Simrock, bày tỏ sự nhẹ nhõm: “Tôi đã chơi bản concerto cho violin với Joachim hai lần. Ông ấy rất thích nó và ông Keller (Robert Keller, cố vấn âm nhạc của Simrock), người có mặt cũng rất vui với tác phẩm này. Tôi rất thoải mái vì vấn đề cuối cùng đã được giải quyết. Vấn đề sửa đổi đã đặt trước nhà Joachim trong suốt hai năm !! Ông ấy sẵn lòng tự mình sửa lại phần violin; Tôi chỉ cần thay đổi một số thứ trong chương cuối và tinh chỉnh phần dàn nhạc ở một số chỗ. Tôi phải trở lại Berlin vào đầu tháng 11; mọi thứ chắc chắn sẽ sẵn sàng vào lúc đó và Joachim sẽ tổ chức một buổi diễn tập cho dàn nhạc tại Học viện”.
Mặc dù các cuộc thương thảo với Joachim đã kết thúc nhưng Simrock, mà cụ thể là Keller vẫn yêu cầu thay đổi thêm trước khi xuất bản. Keller đề xuất tách hai chương đầu riêng biệt, không chơi liên tục (attaca) và rút ngắn lại chương cuối. Dvořák đã chấp nhận sửa lại chương cuối nhưng không đồng ý tách biệt hai chương đầu tiên. Pablo de Sarasate đã ủng hộ quan điểm này và cuối cùng Simrock cũng đồng ý xuất bản tác phẩm. Tuy nhiên, Joachim đã không bao giở biểu diễn bản concerto mà chính ông đã đặt hàng này. So với thời điểm mà Joachim đề nghị với Dvořák, thời gian trôi qua đã được 4 năm và ông dường như mất đi sự nhiệt tình ban đầu đối với tác phẩm. Otakar Sourek, một người viết tiểu sử Dvořák có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này: “Ông ấy còn là giám đốc Học viện Âm nhạc Berlin, một nhạc trưởng, nhà soạn nhạc được kính trọng, hơn thế nữa còn là một nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện và nếu ông ấy vẫn biểu diễn trước công chúng, ông ấy hài lòng với một tiết mục quen thuộc, đã nghiên cứu nhiều năm trước và không hề tỏ ra ham muốn làm việc trên những chất liệu mới. Ban đầu, ông ấy thậm chí không bày tỏ sự sẵn lòng biểu diễn bản concerto của Brahms và đấy là tác phẩm do người bạn thân nhất của ông ấy sáng tác”.
Nghệ sĩ violin trẻ tuổi người Czech František Ondříček coi việc nghiên cứu các tác phẩm của Dvořák là nhiệm vụ trọng đại của cuộc đời mình là người đã giới thiệu bản concerto này tới công chúng sau một thời gian tập luyện dưới sự hướng dẫn của đích thân nhà soạn nhạc. Ondříček sau đó đã tiếp tục biểu diễn tác phẩm này trong các buổi hoà nhạc của mình trên khắp thế giới, góp phần gia tăng đáng kể sự phổ biến của nó với khán giả tại các trung tâm âm nhạc quốc tế lớn.
Phân tích
Chương I
Chương I của bản concerto là sự kết hợp kỳ lạ của hình thức sonata và rondo. Chỉ sau một vài ô nhịp, violin độc tấu giới thiệu luôn chủ đề chính rực rỡ chứa đầy những bước nhảy táo bạo, bỏ qua phần trình bày các chủ đề vốn thuộc trách nhiệm của dàn nhạc như thông lệ. Sự phát triển sau đó của nó trong suốt chương I gần giống như một bản nhạc ngẫu hứng, cùng với hình thức lỏng lẻo của chương nhạc, tạo cho phần này của bản concerto một không khí gần như fantasy. Chủ đề thứ hai mang đến một giai điệu trầm lắng hơn ở giọng song song Đô trưởng nhưng chủ đề một vẫn chi phối hoàn toàn. Sau một cao trào mà có thể miễn cưỡng coi là phần phát triển, chúng ta không nghe thấy phần tái hiện như thông thường mà chuyển đến một cadenza ngắn rồi hướng thẳng tới chương II.
Chương II
Chương II được chơi tiếp nối không ngừng nghỉ có cấu trúc 3 đoạn ABA. Phần mở đầu ở giọng Pha trưởng thanh thoát còn phần tương phản được chơi ở giọng song song Rê thứ đầy sóng gió. Sự trầm ngâm của chương nhạc mang đến một hiệu quả trái ngược với không khí sôi nổi trong chương đầu tiên. Giai điệu chính sâu lắng, như một bài hát gần như chiếm lĩnh toàn bộ chương nhạc. Dàn nhạc chiếm một vị trí quan trọng và trong nhiều thời điểm, violin lại đóng vai trò tô điểm những nốt nhạc hoa mỹ và để dàn nhạc cất lên giai điệu chính. Chất trữ tình bay bổng tuyệt đẹp của chương nhạc này đã khiến nó thường được lựa chọn để biểu diễn như một tác phẩm độc lập vào đầu thế kỷ 20.
Chương III
Chương III là một rondo thể hiện một trong những cách tạo hình vũ điệu dân gian hoàn hảo nhất của Dvořák. Chủ đề chính trong nhịp điệu đảo phách tràn đầy sức sống rõ ràng được truyền cảm hứng từ furiant, một điệu nhảy quen thuộc của Czech. Chủ đề phụ cũng được đảo phách, đóng vai trò tương phản là một dumka, một vũ điệu dân gian khác được đặc trưng với sự thay đổi tâm trạng đột ngột từ u sầu sang hưng phấn tột độ. Một đoạn timpani độc tấu dự đoán sự quay trở lại của chủ đề chính. Tâm trạng hứng khởi và sôi nổi của chương nhạc đưa nó đến gần với những Vũ khúc Slav khiến nó trở thành một trong những cách thể hiện âm nhạc tươi vui nhất của Dvořák.
Dvořák đã không trích dẫn bất kỳ một giai điệu âm nhạc dân gian cụ thể nào nhưng toàn bộ tác phẩm, đặc biệt là chương cuối vẫn mang đậm dấu ấn dân tộc thông qua giai điệu và nhịp điệu của bản concerto. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố đặc trưng Czech với cách bố trí trang trọng sáng tạo đã mang đến cho tác phẩm một hương vị khác thường, mang nhiều tính ngẫu hứng, một bản concerto có lẽ không hoàn toàn phù hợp với gu thẩm mỹ của một người bảo thủ như Joachim, nhưng lại chiếm một vị trí đặc biệt trong các tiết mục dành cho violin.
Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp
Nguồn:
antonin-Dvořák.cz
elginsymphony.org
Bình luận Facebook