Thông tin chung
Tác giả: Claude Debussy.
Tác phẩm: Prélude à l’après-midi d’un faune, L. 86
Thời gian sáng tác: Năm 1894.
Công diễn lần đầu: Ngày 22/12/1904 tại Paris dưới sự chỉ huy của Gustave Doret.
Độ dài: Khoảng 10 phút.
Thành phần dàn nhạc: 3 flute, 2 oboe, English horn, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 harp, 2 crotales và dàn dây.
Hoàn cảnh sáng tác
Debussy đã đạt được sự trưởng thành trong âm nhạc vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 19. Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu ở Pháp, khi những người ủng hộ nghệ thuật thị giác hoàn toàn chấp nhận ánh hào quang dịu dàng của trường phái Ấn tượng, khi các nhà thơ chuyển hướng sang những cách diễn đạt gián tiếp của chủ nghĩa Tượng trưng, khi các nhà soạn nhạc vật lộn với những ưu và nhược điểm của Wagner, và Kinh đô Ánh sáng thậm chí bùng cháy rực rỡ hơn bình thường, tràn ngập niềm vui của Thời kỳ tươi đẹp (Belle Époque). Một số sáng tác của Debussy vào thời kỳ này đã trở thành những kiệt tác, mang tính cách mạng trong sự phát triển của nhạc cổ điển mà trong đó nổi bật nhất chính là Prélude à l’après-midi d’un faune (Khúc dạo đầu cho buổi trưa của thần rừng). Pierre Boulez đã đánh giá đây là bản nhạc khởi đầu cho âm nhạc hiện đại: “Tiếng sáo của thần rừng đã thổi một làn gió mới cho nghệ thuật âm nhạc”. Mặc dù đã sáng tác nhiều bài hát cũng như những tác phẩm dành cho piano trước đó, nhưng phải đến Prélude à l’après-midi d’un faune, đặc trưng và tinh thần âm nhạc của Debussy mới được định hình. Bất chấp việc tác phẩm gây ra một số bối rối cho người nghe vào thời điểm đó, nhà soạn nhạc Alfred Bruneau đã nhận xét: “Đây là một trong những khúc phóng túng cho dàn nhạc tinh tế nhất mà một nhạc sĩ thuộc trường phái nhà soạn nhạc Pháp trẻ sáng tác ra. Tác phẩm này quá tinh tế, than ôi, nó quá tinh tế!”
L’après-midi d’un faune là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Stéphane Mallarmé, được sáng tác vào năm 1865 nhưng chỉ được xuất bản vào năm 1876. Bài thơ miêu tả những trải nghiệm nhục dục của vị Faun (vị thần rừng nửa người, nửa dê trong thần thoại Hi Lạp). Đó là một đoạn độc thoại của Faun, người vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa tại một thung lũng đầy nắng của Địa Trung Hải và cố gắng nhớ lại giấc mơ – hay một cuộc gặp thực sự – với những nàng tiên nữ đa tình. Và rồi Faun lại chìm vào giấc ngủ với hi vọng gặp lại những nàng tiên nữ đó. Đây được coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của Mallarmé và là một dấu son trong chủ nghĩa Tượng trưng của văn học Pháp. Nhà thơ người Pháp Paul Valéry đã đánh giá đây là tuyệt tác trong nền văn học Pháp. Từ năm 1887, Debussy thường xuyên tham dự các buổi tiệc tối thứ Ba hàng tuần tại căn hộ của Mallarmé. Những người khác cũng hay có mặt tại đây là nhà điêu khắc Auguste Rodin, hoạ sĩ Claude Monet, nhà văn Marcel Proust và Valéry. Chắc chắn rằng các cuộc hội ngộ này đã góp phần tạo nên thế giới quan cho Debussy, định hình lâu dài cho khuynh hướng âm nhạc của ông. Các tác phẩm của nhà soạn nhạc bị những đổi mới trong nghệ thuật thị giác và văn học thời bấy giờ tác động rất mạnh mẽ. Đó là giai đoạn mà những cấu trúc trang trọng, khuôn mẫu phải nhường chỗ cho tâm trạng, bầu không khí và màu sắc.
Những phác hoạ đầu tiên của Prélude à l’après-midi d’un faune được Debussy khởi thảo từ năm 1892. Ban đầu ông định sáng tác một tác phẩm gồm ba chương nhạc nhưng rồi đã quyết định gộp làm một, biến bản nhạc thành một thơ giao hưởng. Nhà soạn nhạc đã phản ánh một cách kì diệu ngôn ngữ mơ mơ hồ hồ của Mallarmé bằng một thứ âm nhạc không có nhịp điệu mạnh mẽ, không có cấu trúc rõ ràng, hoà âm tinh tế không tuân theo quy luật của các nhạc sĩ trước đó. Ông đã tận dụng tối đa âm sắc của các nhạc cụ và biến âm nhạc của mình thành thơ, thành một bức tranh âm thanh chân thực. Debussy đã tự nhận xét về tác phẩm của mình: “Âm nhạc của Khúc dạo đầu này là một minh hoạ tự do cho bài thơ tuyệt vời của Mallarmé. Không có nghĩa đây được tuyên bố là sự tổng hợp của nó. Thay vào đó là một chuỗi các cảnh mà những khát khao và ham muốn của thần rừng trôi qua trong cái nóng oi ả của buổi trưa. Sau đó, quá mệt mỏi vì phải theo đuổi những tiên nữ và nữ thần nước nhút nhát, vị thần chìm vào giấc ngủ say, mà trong đó cuối cùng ông ấy cũng thực hiện được giấc mơ chiếm hữu thiên nhiên của mình”.
Phân tích
Khi tác phẩm mở ra, tiếng flute của thần rừng nhẹ nhàng ngân lên motif chính được đảo phách một cách uể oải, với giai điệu là toàn bộ các nốt nhạc bán cung giảm dần, kết thúc bằng một tritone (quãng 4 tăng, hay còn được gọi là quãng của quỷ dữ), hoàn toàn không có thêm nhạc cụ nào khác. Horn tắt tiếng và harp chơi glissando nhẹ nhàng trả lời. Tất cả những yếu tố này góp phần tái tạo nên bầu không khí thơ mộng trong thơ của Mallarmé. Chủ đề chính này sau đó được luân chuyển qua các nhạc cụ khác nhau, biến thành những biến tấu, tạo nên những màu sắc đa dạng trong đó dàn dây chơi tremolo, tạo nên một tấm phông cho màn sương mù u buồn của một buổi trưa.
Tác phẩm không có cấu trúc chính thức, khiến nó có dạng tự do và không có cảm giác thực sự nào về nhịp điệu. Debussy tạo ra các hiệu ứng mong muốn của mình bằng cách đan xen cẩn thận các chủ đề âm nhạc, hoà thanh và tạo ra nhiều màu sắc trên các nhạc cụ khác nhau. Một điều quan trọng nữa cần lưu ý trong Prélude à l’après-midi d’un faune là Debussy không sử dụng giọng chủ, biến tác phẩm trở nên vô cùng sáng tạo và rất biến ảo. Kèn gỗ nắm vị trí chủ đạo trong việc miêu tả và dẫn dắt các chủ đề chính của tác phẩm, đẩy bản nhạc lên đến một cao trào. Chủ đề đầu tiên trở lại, uể oải hơn bao giờ hết, tạo nên một sự xuyên suốt. Và rồi, tiếng cello độc tấu ngân lên, được tiếp nối với oboe và flute. Những âm thanh này được harp chơi những nốt nhạc gần như lặp đi lặp lại và tiếng chuông từ crotales tô điểm để rồi tác phẩm khép lại trong những nốt pizzicato thì thầm. Không khí mơ màng, mông lung luôn được duy trì từ đầu đến cuối. Có lẽ là một sự sắp đặt cố tình của Debusy khi Prélude à l’après-midi d’un faune có tổng cộng 110 ô nhịp, tương ứng với 110 câu thơ hoàn chỉnh trong tác phẩm của Mallarmé.
Valéry cho biết, ban đầu Mallarmé không tỏ ra hào hứng với ý tưởng để bài thơ của mình làm nền cho âm nhạc: “Ông ấy cho rằng chỉ riêng những vần thơ của mình ông là đã đủ và thậm chí với những ý định tốt nhất trên thế giới, là một tội ác thực sự đối với nghệ thuật thi ca khi đặt thơ và nhạc cạnh nhau, kể cả khi đó là thứ âm nhạc tuyệt vời nhất”. Tuy nhiên, sau khi tham dự buổi ra mắt tác phẩm theo lời mời của Debussy, Mallarmé đã viết cho nhà soạn nhạc: “Tôi vừa rời khỏi buổi hoà nhạc, xúc động sâu sắc. Điều kỳ diệu! Sự mình hoạ của anh cho L’après-midi d’un faune, được thể hiện mà không có sự bất hoà nào với tác phẩm của tôi, nhưng thực sự đã đi xa hơn nhiều vào sự luyến tiếc và ánh sáng, với sự khéo léo, gợi cảm và phong phú. Tôi nắm chặt bàn tay anh trong sự ngưỡng mộ, Debussy. Bạn của anh, Mallarmé”. Ngay tại đêm diễn này, khán giả hào hứng đến nỗi nhạc trưởng Gustave Doret phải chơi lại tác phẩm một lần nữa. Tuy nhiên, giới phê bình tỏ ra kém nồng nhiệt hơn nhiều. Le Figaro nhận xét “tác phẩm như vậy rất thú vị để viết nhưng nghe thì không hay chút nào, còn Le Soleil thì đánh giá “người ta thấy tác phẩm không thể tiêu hóa được”. Rõ ràng, Prélude à l’après-midi d’un faune, được rèn giũa tinh xảo mang vẻ đẹp mong manh nhưng đã đi ngược lại mọi xu hướng âm nhạc trong thế kỷ 19, từ Beethoven cho đến Wagner, không thể ngay lập tức chinh phục mọi người nghe.
Prélude à l’Après-midi d’un faune như Busoni đã thốt lên: “Nó giống như một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp, nó mờ dần khi người ta nhìn vào đó”, ngày nay đã trở thành một ví dụ điển hình của trường phái Ấn tượng và là bản nhạc đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hình thành và phát triển âm nhạc cổ điển. Debussy đã sáng tạo ra những quy tắc mới. Sự xuất hiện của nó chính là điềm báo cho một sự cách tân bùng nổ sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ và táo bạo chỉ một vài năm sau đó.
Ngọc Tú tổng hợp
Nguồn:
nyphil.org
sfsymphony.org
pad.philharmoniedeparis.fr
Bình luận Facebook