Tác giả: Anton Bruckner.
Tác phẩm: Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, WAB. 109
Thời gian sáng tác: Nhà soạn nhạc chỉ hoàn thành 3 chương đầu của tác phẩm khi ông qua đời vào năm 1896. Những phác thảo đầu tiên có từ năm 1887. Một số nhà soạn nhạc đã sáng tác chương IV để hoàn thiện bản giao hưởng.
Công diễn lần đầu: Ngày 11/2/1903 tại Vienna, dưới sự chỉ huy của Ferdinand Löwe.
Độ dài: Khoảng 60 phút.
Đề tặng: Bruckner đã dành tặng tác phẩm này cho “Dem lieben Gott” (Chúa yêu dấu).
Tác phẩm dự kiến có 4 chương:
Chương I – Feierlich, misterioso (Trang nghiêm, huyền bí) (Rê thứ)
Chương II – Scherzo: Bewegt, lebhaft (Cảm động, sống động) (Rê thứ); Trio. Schnell (Nhanh) (Pha thăng trưởng)
Chương III – Adagio: Langsam, feierlich (Chậm rãi, trang nghiêm) (Mi trưởng)
Chương IV – Finale: Misterioso, nicht schnell (Huyền bí, không nhanh) (Rê thứ)
Thành phần dàn nhạc: 3 flute, 3 oboe, 3 clarinet, 3 bassoon, 8 horn (horn 5-8 kiêm Wagner tuba), 3 trumpet, 3 trombone, contrabass tuba, timpani và dàn dây.

Chín bản giao hưởng được đánh số của Bruckner đều gây ra sự chia rẽ ý kiến. Chúng đều rất dài, làm căng cứng sức chịu đựng và sự tập trung của các nhạc công. Cấu trúc của chúng khá mơ hồ, với nhiều sự lặp lại đầy ám ảnh, rung chuyển với những sự thay đổi đột ngột và dừng lại vì sự im lặng bất ngờ. Nhưng chúng đều có sự hoà hợp một cách kỳ lạ. Các bản giao hưởng của ông cố gắng trả lời một câu hỏi mà có lẽ chỉ thực sự Bruckner mới hiểu. Dù luôn cảm thấy mình lạc lõng trong cuộc sống nhưng ông đã tạo ra được một vũ trụ thật kỳ lạ. Là một người đàn ông khiêm tốn, đơn giản và không có tham vọng, mong muốn của Bruckner chỉ là một công việc tốt hơn để có được sự ổn định về mặt tài chính. Trong suốt cuộc đời của mình, ông không nhận được bất kỳ khoản thù lao nào cho toàn bộ các bản giao hưởng đã được xuất bản và trình diễn của mình. Bruckner sống chỉ để tạo ra âm nhạc và thờ phượng Chúa trời. Ở độ tuổi trung niên, Bruckner mới chuyển sang sáng tác giao hưởng, thể loại dần dần bị coi là không thời thượng nếu so sánh với thơ giao hưởng và tác phẩm dành cho nhạc cụ độc tấu có giai điệu hấp dẫn, tạo ra được những sức hút mạnh mẽ vào thời điểm cuối thế kỷ 19. Nhưng Bruckner đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực còn lại của mình cho thể loại này.

Kể từ năm 1887, Bruckner đã dành 8 năm cuối cùng của cuộc đời mình để cố gắng hoàn thành bản Giao hưởng số 9 (nếu tính cả 2 bản giao hưởng sáng tác thời kỳ đầu không được đánh số thì đây là bản giao hưởng số 11). Ông quyết định sử dụng giọng Rê thứ yêu thích của mình, thứ mà ông gắn liền với sự hùng vĩ, bí ẩn và trang nghiêm. Bản giao hưởng số 9 ở giọng Rê thứ? Không thể không liên tưởng đến Beethoven. Và không hề chủ quan khi nói rằng đây chính là cội nguồn cho cảm hứng sáng tác của Bruckner. Nhà soạn nhạc đã từng nói: “Đây sẽ là bản giao hưởng cuối cùng của tôi”. Ông đã từng hi vọng: “Bản giao hưởng số 9 sẽ là kiệt tác của tôi. Tôi chỉ cầu xin Chúa rằng ngài hãy cho tôi sống đến khi nó được hoàn thành”. Đáng buồn thay, nếu Bruckner không bị xao nhãng từ việc sửa chữa liên tục các bản giao hưởng trước đó của mình được các sinh viên của ông gợi ý, nhà soạn nhạc sẽ có thời gian để hoàn thành bản giao hưởng số 9 của mình. Bruckner thường xuyên trở thành nạn nhân của những lời chỉ trích và đề xuất của người khác, mặc dù những lời chỉ trích thường vô nghĩa và những đề xuất đôi khi vô lý – đồng thời trái ngược với mong muốn của nhà soạn nhạc. Với tất cả những điều phiền nhiễu không cần thiết này, cộng với sức khỏe ngày một suy yếu và một mối bất an lớn tràn ngập nội tâm, Bruckner cảm thấy rằng mình khó có thể hoàn thành Bản giao hưởng số 9.

Các bản giao hưởng của Bruckner luôn nổi tiếng về độ dài của tác phẩm. Bản số 9 này cũng không phải ngoại lệ. Độ dài của 3 chương đầu tiên đã lên đến một giờ đồng hồ, dài hơn các tác phẩm cùng thể loại đương thời. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây không phải độ dài mà là số lượng ý tưởng âm nhạc mà Bruckner muốn trình bày ở đây. Ngay từ những ô nhịp đầu tiên, các ý tưởng âm nhạc của ông với logic của nó đã bắt buộc bản giao hưởng phải có một quy mô rộng lớn. Trong những cấu trúc lớn như vậy, hình thức sonata quen thuộc trong các bản giao hưởng của Beethoven và Brahms là không phù hợp. Đến cuối năm 1894, Bruckner hầu như đã hoàn thành 3 chương đầu tiên. Ông thốt lên: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trên trái đất này. Tôi đã thực hiện những gì có thể và điều ước cuối cùng của tôi là sáng tác xong bản giao hưởng số 9 này. Ba chương đầu gần như đã hoàn thành. Phần Adagio cũng sắp xong. Chỉ còn lại chương cuối. Tôi tin tưởng rằng cái chết sẽ không tước đi ngòi bút của mình”. Tuy nhiên, trong những năm tháng còn lại, ông mới chỉ để lại hơn 200 phác thảo cho chương IV. Từ đây, chúng ta phần nào nhận ra sự khó khăn của ông khi cố gắng hoàn thành kiệt tác của đời mình. Đôi bàn tay ông đã trở nên yếu ớt, nhà soạn nhạc run rẩy khi viết xuống những nốt nhạc và dường như có một lực cản nào đó khiến ông không thể chắp nối được các suy nghĩ của mình với nhau để hoàn thành công việc. Khi lần đầu tiên cảm nhận được mình sẽ không hoàn thành được tác phẩm, Bruckner đã có ý tưởng để Te Deum, được ông sáng tác vào năm 1884, thay thế cho chương cuối. Nhưng khi ông viết phần chuyển đổi cần thiết để ghép sự trầm lắng của giọng Mi trưởng trong đoạn kết của chương III với phần đầu tươi sáng Đô trưởng của Te Deum, Bruckner nhận ra sự vô ích của ý tưởng mới mẻ này và chấp nhận để lại tác phẩm còn dang dở.

Bruckner bắt đầu chương I bản giao hưởng của mình ở giọng Rê thứ (có những giả thiết cho rằng ông từng dự định kết thúc bản giao hưởng ở giọng Rê trưởng rực rỡ, theo cách mà Beethoven đã thực hiện). Âm nhạc nhanh chóng được chuyển sang Rê giáng trưởng và rồi Mi trưởng – đây sẽ là một cuộc phiêu lưu hoà thanh thú vị và ngạc nhiên. Phần mở đầu chương I này, cũng như các bản giao hưởng khác của Bruckner, đã diễn ra không ngừng nghỉ. Về tổng thể, chương nhạc có 3 chủ đề chính. Ban đầu, thật khó đánh giá về quy mô và phạm vi của chương nhạc cho đến khi ông dẫn dắt chúng ta đến cao trào đầu tiên – một chủ đề dữ dội được thống nhất trên toàn bộ dàn nhạc. Chỉ khi đó chúng ta mới cảm nhận được sự rộng lớn của không gian. Các nhà phân tích âm nhạc thường gặp khó khăn khi cố gắng liên hệ chương I này với hình thức sonata truyền thống vì mặc dù nó có các chất liệu cho phần phát triển và tái hiện nhưng được Bruckner thực hiện một cách rất riêng. Tiếng pizzicato mở đầu cho chủ đề thứ hai chậm rãi mang chất trữ tình hơn. Chủ đề thứ ba, trang nghiêm hơn xuất hiện khi kết thúc phần giới thiệu. Âm nhạc dần dần tiến về phía trước, đạt đến các đỉnh cao trào trong fortississimo (fff) với đỉnh phía sau lại cao hơn đỉnh trước đó. Tiếng timpani rộn lên, báo hiệu phần coda. Cao trào cuối cùng vô cùng mạnh mẽ, thậm chí chói tai và thật khó để xác định đó là ở giọng Rê thứ hay Rê trưởng, dường như Bruckner cho thấy, ông chưa ý định dừng lại mà vẫn muốn tiếp tục tiến tới.

Chương II là một scherzo lắng đọng ở giọng Rê thứ, không hề có sự vui vẻ như tên gọi scherzo ở đây. Âm nhạc được thực hiện lặp lại nhiều lần, như những tiếng đấm lên một cánh cửa dày, có cảm giác như Bruckner bị những cuộc tấn công nào đó ám ảnh. Hợp âm mở đầu khá kỳ quặc, được bộ hơi duy trì trong khi violin chơi các nốt tạo ra hợp âm đó, mơ hồ một cách tuyệt vời. Sau đó toàn bộ dàn nhạc, rất gắn kết trong fortissimo, thiết lập ở giọng Rê thứ. Tâm trạng này gần như được duy trì trong suốt chương nhạc, mặc dù có đôi chỗ oboe xuất hiện, cố gắng tạo ra chút gì đó vui vẻ nhưng phần còn lại của dàn nhạc không hề khoan nhượng. Phần trio, ở giọng xa Pha thăng trưởng, trầm lặng và tinh tế hơn, là một người bạn đồng hành hoàn hảo về tâm trạng và tinh thần cua chương nhạc.

Chương III Adagio đưa chúng ta đến rất gần một sự khủng hoảng về âm điệu mà Schoenberg chắc hẳn sẽ vô cùng thích thú. Đoạn nhạc đầu tiên là một trong những điều hấp dẫn nhất trong toàn bộ tác phẩm, sở hữu hoà âm cực kỳ phong phú. Mặc dù chúng tiến đến Mi trưởng chỉ trong vòng 7 ô nhịp, nhưng dường như Bruckner đã có những tìm tòi vô cùng cách tân trong quá trình đó. Violin mở đầu với 4 nốt nhạc, không một nhạc cụ nào khác đi kèm, mà trong đó có hai nốt không nằm trong giọng Mi trưởng (Đô và La thăng). Phần hoà âm đầu tiên, không thể tin được, là hợp âm Đô trưởng (đối chọi lại một nốt La thăng trong giai điệu). Trong chương nhạc này, chủ đề hai được ông trích dẫn từ “Miserere” trong bản Mass số 1 giọng Rê thứ được sáng tác năm 1864 của mình. Điều này dường như cung cấp một manh mối cho điều nhà soạn nhạc muốn nói: ông cầu nguyện cho lòng thương xót khi phải đối mặt với cái chết, dường như đó là một lời xưng tội cuối cùng với đức Chúa, như chính Bruckner đã từng nói “lời từ biệt cuộc đời cuối cùng” của mình. Trong phần cuối của chương nhạc, những hợp âm gay cấn đẩy âm nhạc lên cao trào như truyền tải nỗi kinh hoàng tột độ đến nỗi trong giây phút, chúng ta nhìn thấy vực thẳm. Một khoảnh khắc im lặng tột độ sau đó. Âm nhạc trở về giọng Mi trưởng, trở nên hài hoà hơn. Chúng ta thấy xuất hiện một số giai điệu quen thuộc, những hợp âm rải thanh thoát trên violin đến từ chương Adagio của bản Giao hưởng số 8 và tiếng horn là những câu nhạc mở đầu cho bản Giao hưởng số 7. Và đó là tất cả những gì được Bruckner hoàn thiện.

Kể từ khi Ferdinand Löwe công diễn ra mắt bản giao hưởng này tại Vienna vào ngày 11/2/1093, đã có nhiều nhà soạn nhạc khác nỗ lực hoàn thành chương IV. Mặc dù Bruckner để lại khá nhiều phác thảo nhưng không may, phần lớn trong số đó đã bị thất lạc cũng như do những người hâm mộ nhà soạn nhạc đánh cắp, coi đó như món quà lưu niệm. Với những gì còn sót lại, cũng như ý tưởng của Bruckner về việc đưa Te Deum thành chương IV của bản giao hưởng cho thấy ông đã lên kế hoạch đây sẽ là sự tổng hợp các chủ đề của toàn bộ những chương trước đó và đẩy lên cao trào, kết thúc bằng một “bài hát ca ngợi Chúa yêu dấu”. Điều này cũng phù hợp với đề tặng “Dem lieben Gott” của ông. Có khá nhiều phiên bản chương IV được những nhà soạn nhạc hoàn thành trên tinh thần đó của Bruckner nhưng phần lớn các nhạc trưởng đều lựa chọn phiên bản chưa hoàn chỉnh ba chương nhạc của nhà soạn nhạc để biểu diễn. Ba chương nhạc này tạo thành một tác phẩm xứng đáng như Bản giao hưởng số 8 “Bỏ dở” của Schubert, người mà Bruckner cũng vô cùng kính trọng. Phần kết yên lặng của chương III cũng trở nên vô cùng tự nhiên như chương cuối của Bản giao hưởng số 3 của Brahms, bản thứ sáu của Tchaikovsky hay bản thứ chín của Mahler. Một tác phẩm dù còn dở dang nhưng vẫn xứng đáng là kiệt tác của Bruckner và kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
cso.org
slsostories.org
james-ross.com
kensingtonsymphonyorchestra.blogspot.com