Mô hình dàn nhạc thuộc một đài phát thanh rất phổ biến trong thế kỷ 20. Nó được lập ra để thực hiện các chương trình hoà nhạc được lên lịch phát sóng định kỳ trên đài phát thanh. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời của truyền hình, các dàn nhạc như vậy đã ngày càng trở nên ít ỏi. Tuy nhiên, bất chấp dòng chảy của thời gian, vẫn có một dàn nhạc của đài phát thanh trụ vững và duy trì được chất lượng biểu diễn ở đẳng cấp cao nhất. Đó là Bavarian Radio Symphony Orchestra (tên tiếng Đức Symphonieorchester des Bayerischen Rundfunks). Được thành lập từ năm 1949, Bavarian Radio Symphony Orchestra có trụ sở tại Munich đã phát triển thành một dàn nhạc nổi tiếng quốc tế, sở hữu những nhạc công hàng đầu, thu hút được nhiều nhạc trưởng và nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Dàn nhạc thường xuyên tổ chức các chuyến lưu diễn và tạo ra được âm thanh Đức độc đáo, đặc trưng nhờ vào việc lựa chọn nhạc công cũng như nhạc trưởng chính khắt khe. Là một trong hai dàn nhạc hoạt động dưới sự bảo trợ của Bavarian Broadcasting, một đài phát thanh và truyền hình dịch vụ công (dàn nhạc còn lại là Munich Radio Orchestra), Bavarian Radio Symphony Orchestra thường xuyên tổ chức các chương trình hoà nhạc của mình tại phòng hoà nhạc của Gasteig, Cultural Centre hay Herkulessaal, Munich Residenz.

Năm 1948, Tổng công ty phát thanh truyền hình Bavaria đề nghị nhạc trưởng Eugen Jochum thành lập một dàn nhạc. Jochum là một nhạc trưởng rất có uy tín, từng nhiều lần cộng tác với Berlin Philharmonic, lúc này đang hoạt động âm nhạc tại Munich và rất nổi tiếng với những bản giao hưởng của Anton Bruckner. Ban giám đốc đã rất tín nhiệm và giao toàn quyền thành lập dàn nhạc cho Jochum, thể hiện qua nội dung trong hợp đồng: “Ông được uỷ quyền để thực hiện mọi hành động mà ông cho là cần thiết trong việc xây dựng và giáo dục dàn nhạc này. Ai trở thành nhạc trưởng, chỉ huy khách mời hoặc nhạc công dàn nhạc do Giáo sư Eugen Jochum và Giám đốc dàn nhạc quyết định”. Ngày thành lập dàn nhạc là 1/7/1949, Jochum đã cố gắng tuyển chọn các nhạc công xuất sắc nhất thời kỳ bấy giờ, bao gồm thành viên của các nhóm tứ tấu đàn dây Koeckert và Freund. Ngay từ đầu, Bavarian Radio Symphony Orchestra được hướng tới không phải chỉ là một dàn nhạc thu âm cho đài phát thanh mà còn để biểu diễn trước công chúng. Jochum được biết đến như một nhạc trưởng nóng tính, người ít khi dành cho các nhạc công của mình những lời nói thân thiện. Với Bavarian Radio Symphony Orchestra, ông luôn duy trì một mục tiêu cao nhất: Trở thành một dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Và dưới nghị lực, kinh nghiệm và uy quyền không thể tin được của ông, Bavarian Radio Symphony Orchestra đã nhanh chóng đạt được điều đó. Nhà phê bình Walter Panofsky đã miêu tả dàn nhạc là “một trong những món quà nghệ thuật đẹp nhất và quan trọng nhất của thời kỳ hậu chiến”.

Trọng tâm âm nhạc của Jochum với dàn nhạc là các bản giao hưởng của Bruckner, tác phẩm của những nhà soạn nhạc thời kỳ Cổ điển Vienna và âm nhạc tôn giáo đồng thời ông cũng rất quan tâm đến chuỗi chương trình hòa nhạc “musica viva”. Musica viva là một sự kiện âm nhạc được nhà soạn nhạc người Đức Karl Amadeus Hartmann thành lập vào năm 1945 với mục đích giới thiệu âm nhạc đương đại tới khán giả. Bavarian Radio Symphony Orchestra đã duy trì truyền thống này, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình, từ đó dẫn đến việc nhiều những nhà soạn nhạc được mời đến để chỉ huy chính những tác phẩm của mình. Ta có thể kể đến Igor Stravinsky, Darius Milhaud, Paul Hindemith, Pierre Boulez, Witold Lutosławski, Krzysztof Penderecki, Heinz Holliger, Luciano Berio hay gần đây là Karlheinz Stockhausen và Peter Eötvös. Juchum giữ cương vị nhạc trưởng chính của dàn nhạc cho tới năm 1960. Trong mười một năm gắn bó tại đây, Jochum đã chỉ huy dàn nhạc trong nhiều chuyến lưu diễn bên ngoài nước Đức và từ đó củng cố danh tiếng của dàn nhạc. Sau khi rời Bavarian Radio Symphony Orchestra, Jochum trở thành nhạc trưởng tại Concertgebouw Orchestra nhưng vẫn thường xuyên cộng tác cùng dàn nhạc với vai trò nhạc trưởng khách mời.

Thay thế Jochum là nhạc trưởng người Czech Rafael Kubelík. Kubelík gắn bó với Bavarian Radio Symphony Orchestra trong mười tám năm và là nhạc trưởng giữ vị trí này lâu nhất trong lịch sử dàn nhạc. Cùng nhau, họ đã tạo nên “kỷ nguyên tuyệt vời Kubelík”, một giai đoạn rất hữu ích trong lịch sử của dàn nhạc. Kubelík biết cách mê hoặc giới mộ điệu bằng niềm đam mê và chuyên môn nghệ thuật của mình. Dưới sự chỉ huy của ông, Bavarian Radio Symphony Orchestra đã vươn lên thành một dàn nhạc “vận hành trơn tru, tự tin về mặt kỹ thuật với âm thanh tuyệt vời”. Là một người Czech, không có gì ngạc nhiên khi Kubelík mở rộng danh mục biểu diễn của dàn nhạc với các tác phẩm của Bedřich Smetana, Antonín Dvořák và Leoš Janáček. Ông cũng là một người ủng hộ cho âm nhạc đương đại. Kể từ thời Đức quốc xã, âm nhạc của Gustav Mahler hầu như không được biểu diễn. Dưới sự chỉ huy của Kubelík, Bavarian Radio Symphony Orchestra là dàn nhạc Đức đầu tiên thu âm trọn bộ các bản giao hưởng của Mahler.

Kubelík cũng là một người dũng cảm, dám bày tỏ các quan điểm chính trị của mình. Khi Luật phát thanh truyền hình Bavaria mới chuẩn bị được thông qua vào năm 1972, trao cho Nhà nước nhiều quyền hơn đối với các cơ quan phát thanh truyền hình dịch vụ công. Kubelík đã đe dọa sẽ không gia hạn hợp đồng, vì ông không thể đồng ý làm việc với dàn nhạc trong hoàn cảnh như vậy. Sự phản đối của ông đã thành công: luật được sửa lại và Kubelík tiếp tục ở lại cương vị của mình cho đến năm 1979. Cách tiếp cận âm nhạc đầy cảm xúc và máu lửa của ông đã giành được sự ủng hộ của tất cả các nhạc công và biến kỷ nguyên Kubelík trở thành một trong những sự kết hợp tốt đẹp giữa một nhạc trưởng và dàn nhạc. Sau khi rời dàn nhạc vào năm 1979, Kubelík còn tiếp tục làm nhạc trưởng khách mời trong một vài năm sau đó.

Người được Bavarian Radio Symphony Orchestra mời làm nhạc trưởng tiếp theo của dàn nhạc là nhạc trưởng người Liên Xô Kirill Kondrashin, lúc này đã rời khỏi đất nước quê hương và là nhạc trưởng khách mời của Concertgebouw Orchestra. Tuy nhiên, Kondrashin đã đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 7/3/1981 khiến mọi việc phải huỷ bỏ.

Vị trí nhạc trưởng chính của Bavarian Radio Symphony Orchestra để trống cho đến năm 1983 khi dàn nhạc bổ nhiệm nhạc trưởng người Anh Sir Colin Davis. Ông bắt đầu cương vị mới của mình với buổi chỉ huy Missa solemnis của Ludwig van Beethoven và nhận được thành công rực rỡ. Trọng tâm trong danh mục biểu diễn của Davis với dàn nhạc là âm nhạc Cổ điển Vienna cũng như của những nhà soạn nhạc Anh như Edward Elgar, Michael Tippett và Ralph Vaughan Williams. Được coi là một trong những nhạc trưởng hàng đầu thế giới với các tác phẩm của Hector Berlioz và Jean Sibelius, Davis cũng mang chúng đến với khán giả Munich, vốn dĩ chưa quen thuộc lắm với những nhà soạn nhạc này.Trong chín năm làm nhạc trưởng, Davis đã củng cố vị trí của Bavarian Radio Symphony Orchestra như một dàn nhạc hàng đầu thế giới. Davis khẳng định dàn nhạc không chỉ dành cho khán giả tại Munich mà còn trên khắp vùng Bavaria khi thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn tại Hof, Würzburg, Passau và Augsburg. Ngoài khoảng 35 buổi biểu diễn trước công chúng mỗi năm, Davis và dàn nhạc còn có những chuyến lưu diễn tại Mỹ và Nhật Bản và tham gia vào các buổi phát thanh và ghi hình. Davis cũng tích cực tham gia các lễ hội âm nhạc “Regensburger Frühling” và “Sommerkonzerte zwischen Donau und Altmühl”. Davis cũng rất quan tâm làm việc với những nhạc công trẻ. Ông thường xuyên làm việc với BR-Orchesterakademie Ingolstadt mới được thành lập, biểu diễn cho học sinh và sinh viên. Tháng 5/1992, ông chia tay Bavarian Radio Symphony Orchestra theo đúng cách mà ông bắt đầu làm việc cùng dàn nhạc với một buổi biểu diễn Missa solemnis của Beethoven. Ông luôn được dàn nhạc nhớ đến như là một nhạc trưởng tài năng, dễ chịu và đầy đam mê. Năm 1993, Davis được Bavarian Radio Symphony Orchestra trao tặng huân chương Karl Amadeus Hartmann, ghi nhận những đóng góp của ông.

Năm 1993, chỉ huy người Mỹ Lorin Maazel trở thành nhạc trưởng tiếp theo của Bavarian Radio Symphony Orchestra. Luôn được coi là một trong những nhạc trưởng tài năng nhất trong thế hệ của mình, các nhà phê bình và nhạc công luôn ngưỡng mộ ông vì trí nhớ phi thường, cảm thụ âm nhạc, kỹ thuật sử dụng đũa chỉ huy và phong cách an toàn. Nghệ sĩ double bass của dàn nhạc Otmar Kopold cho biết: “Ông ấy chắc chắn là một thiên tài – thiên tài với mọi nghĩa của từ này. Với kỹ thuật hoàn hảo của mình, ông ấy đã truyền tải cảm giác an toàn không thể lay chuyển cho dàn nhạc”. Maazel nổi tiếng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong các buổi luyện tập và biểu diễn vì ông ấy tin rằng “không ai có thể diễn giải cảm xúc mà không có nền tảng kỹ thuật an toàn tuyệt đối”. Và Maazel cũng yêu cầu mức độ chuyên nghiệp tương tự từ các nhạc công trong dàn nhạc. Dưới sự hướng dẫn của ông, họ học cách làm việc nhanh chóng và chăm chú, linh hoạt hơn, nhờ đó họ có thể tự mình thực hiện một tiết mục lớn trong thời gian ngắn nhất. Và bất chấp những yêu cầu kỹ thuật cao như vậy, Maazel vẫn cố gắng biến mọi buổi hoà nhạc thành một trải nghiệm có một không hai. Cũng như những người tiền nhiệm, Maazel tích cực thực hiện những chuyến lưu diễn. Một điểm nhấn đặc biệt trong nhiệm kỳ của Maazel, khi Bavarian Radio Symphony Orchestra và Jerusalem Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Maazel đã biểu diễn bản Giao hưởng số 7 “Bảy cánh cổng của Jerusalem” của Penderecki vào ngày 9/1/1997 tại Jerusalem nhân dịp kỷ niệm 3.000 năm thành lập thành phố. Cùng với dàn nhạc, Maazel đã tạo ra một cột mốc quan trọng khi tổ chức các chương trình hoà nhạc quy mô lớn, tập trung vào các tác phẩm của duy nhất một nhà soạn nhạc. Những dự án kiểu này rất hiếm vì không có nhiều nhạc trưởng dám mạo hiểm trình bày một chuỗi hoà nhạc tập trung như vậy – một thách thức đối với tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, khán giả Munich đã tán thưởng và nhiệt tình hưởng ứng với trọn bộ các tác phẩm giao hưởng của Beethoven (1995 và 2000), Johannes Brahms (1998), Richard Strauss (1998), Wolfgang Amadeus Mozart và Bruckner (1999) cũng như Franz Schubert (2001). Maazel chia tay dàn nhạc và khán giả Munich với trọn bộ các bản giao hưởng của Mahler vào năm 2002.

Tháng 3 năm 2000, Bavarian Radio Symphony Orchestra thành lập Học viện dàn nhạc. Học viện nhận trách nhiệm đào tạo các sinh viên trẻ tài năng trên khắp thế giới trong một khoá đào tạo 2 năm. Qua hơn 20 năm, các sinh viên của học viện được chuẩn bị toàn diện cho sự phát triển trong tương lai của họ: được tham gia các buổi diễn tập và hoà nhạc của Bavarian Radio Symphony Orchestra, nhận các bài học từ chính những thành viên trong dàn nhạc, được rèn luyện về mặt thể chất cũng như tinh thần để có được thể trạng tốt nhất trước các buổi biểu diễn, nghiên cứu, tập luyện và biểu diễn các tác phẩm hoà tấu thính phòng. Trọng tâm chính của công việc này là để khai thác và trau dồi tiềm năng của những nhạc công trẻ năng động trước những thách thức khi làm việc trong một dàn nhạc hàng đầu thế giới. Sinh hoạt và làm việc tại đây khác hẳn với công việc của một sinh viên trong nhạc viện. Đó là việc nâng cao tinh thần đồng đội trong một tập thể hơn 100 thành viên, thông thạo nhanh chóng nhiều thể loại âm nhạc, đối diện với áp lực về mặt thời gian và yêu cầu về sự hoàn hảo và cách để dàn trải nguồn lực trong nhiều dự án khác nhau. Nhiều sinh viên thuộc Học viện dàn nhạc của Bavarian Radio Symphony Orchestra sau này đã trở thành thành viên của Berlin Philharmonic, Leipzig Gewandhaus Orchestra, London Symphony Orchestra và chính Bavarian Radio Symphony Orchestra.

Bavarian Radio Symphony Orchestra luôn cổ vũ, khuyến khích những người trẻ tuổi. Dàn nhạc luôn đồng hành cùng ARD International Music Competition, một cuộc thi âm nhạc cổ điển được thành lập từ năm 1952 dưới sự hậu thuẫn của Bavarian Broadcasting, được tổ chức hàng năm. Cuộc thi có nhiều hạng mục dành cho nhạc cụ, hát, hoà tấu thính phòng, được thay đổi theo từng năm. Ngoài ra, Bavarian Radio Symphony còn duy trì một loạt các chương trình hướng dẫn những người trẻ tuổi với nhiều hoạt động được thiết kế hướng tới mục tiêu cuối cùng là mang thế hệ trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển.

Nhạc trưởng người Latvia Mariss Jansons đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía các nhạc công của Bavarian Radio Symphony Orchestra để trở thành nhạc trưởng tiếp theo của dàn nhạc. Một chương mới của dàn nhạc được mở ra vào tháng 10/2003. Ngay lập tức Jansons đã thành công trong việc tạo ra một bầu không khí theo tiêu chuẩn nghệ thuật cao nhất và gắn kết tình cảm chặt chẽ với dàn nhạc. Ông thường xuyên nhận được đánh giá tích cực về các buổi biểu diễn của mình ở Munich cũng như trong nhiều lần xuất hiện với tư cách khách mời tại các kinh đô âm nhạc hàng đầu của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Jansons đặc biệt chú trọng đến các tác phẩm của Beethoven, Bruckner, Mahler, Strauss và Dmitri Shostakovich. Bavarian Radio Symphony Orchestra nổi tiếng với âm thanh ấm áp được tạo ra từ thời Kubelík, Maazel đã huấn luyện dàn nhạc về sự chính xác còn Jansons đã hợp nhất cả hai yếu tố này và nâng bản sắc của dàn nhạc lên một tầm cao mới. Nhờ ông, dàn nhạc một lần nữa phát triển vượt lên trên chính nó. Jansons cho biết về dàn nhạc: “Bavarian Radio Symphony Orchestra không chỉ xuất sắc – nó không có bất kỳ điểm yếu nào. Các nhạc công vô cùng nhiệt tình và ngẫu hứng, họ chơi mọi buổi hoà nhạc như thể đó là buổi hoà nhạc cuối cùng của họ. Họ cung cấp mọi thứ, hơn 100 phần trăm. Tôi với tư cách là một nhạc trưởng, dàn nhạc này giống như lái một chiếc Rolls-Royce. Họ có thể làm mọi thứ”.

Trong công việc, Jansons có một phong cách làm việc mạnh mẽ, đầy cống hiến cho nghệ thuật, ảnh hưởng từ nền âm nhạc Nga giàu cảm xúc. Tuy nhiên, về mặt cá nhân, ông khiêm tốn và tránh xa mọi thứ ồn ào. Nghệ sĩ violin của dàn nhạc Wolfgang Gieron nhận xét: “Jansons là một hiện tượng đối với tôi: ông ấy đã chỉ huy từ rất lâu rồi, nhưng trên bàn làm việc, ông ấy vẫn say mê như ngày đầu tiên. Jansons là một nhạc trưởng nghiêm túc và sâu sắc, người luôn cố gắng giữ cho ngọn lửa tiếp tục bừng cháy”. Dưới sự dẫn dắt của Jansons, Bavarian Radio Symphony Orchestra đã lọt vào danh sách những dàn nhạc hàng đầu thế giới: trong bảng xếp hạng dàn nhạc năm 2008 của tạp chí âm nhạc Anh “Gramophone” (vị trí thứ 6) và trên tạp chí âm nhạc Nhật Bản “Mostly Classic” năm 2010 (vị trí thứ 4). Trong nhiệm kỳ của mình, Jansons thúc đẩy việc đề nghị với chính quyền địa phương xây dựng một phòng hoà nhạc mới thay thế cho khán phòng cũ có chất lượng không tương xứng. Kế hoạch cuối cùng được đưa ra là một phòng hoà nhạc mới sẽ được xây dựng ở phía đông thành phố và mở cửa vào năm 2024. Jansons đã ký hợp đồng với dàn nhạc tới thời điểm này. Tuy nhiên, ông đã qua đời vào ngày 1/12/2019. Buổi hoà nhạc cuối cùng của ông với dàn nhạc chỉ mới diễn ra vài tuần trước đó, vào ngày 8/11/2019 tại Carnegie Hall.

Bên cạnh những nhạc trưởng chính của dàn nhạc, Bavarian Radio Symphony Orchestra còn thường xuyên nhận được sự cộng tác của các nhạc trưởng khách mời tài năng trên khắp thế giới. Bavarian Radio Symphony Orchestra là dàn nhạc Đức duy nhất có được sự tham gia chặt chẽ trong nhiều năm liền của Leonard Bernstein. Ngoài ra những cái tên như Carlos Kleiber, Charles Munch, Ferenc Fricsay, Otto Klemperer, Karl Böhm, Günter Wand, Georg Solti, Carlo Maria Giulini, Kurt Sanderling, Wolfgang Sawallisch và Bernard Haitink đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ cùng dàn nhạc trong quá khứ. Ngày nay, Riccardo Muti, Esa-Pekka Salonen, Franz Welser-Möst, Yannick Nézet-Séguin, Herbert Blomstedt, Daniel Harding là những đối tác quan trọng của dàn nhạc.

Ngày 3/1/2021, Bavarian Radio Symphony Orchestra đã ký một hợp đồng 5 năm với nhạc trưởng người Anh Sir Simon Rattle, người từng có nhiều năm là giám đốc của Berlin Philharmonic, bắt đầu từ mùa diễn 2023-2024. Rattle lần đầu cộng tác với dàn nhạc từ năm 2010 với vở oratorio Das Paradies und die Peri của Robert Schumann. Ratte nhận xét về dàn nhạc khi ký hợp đồng: “Tính nhân văn khiến dàn nhạc này trở nên đặc biệt. Sự ấm áp và dịu dàng – Tôi hoàn toàn bị cuốn hút khi đến với một dàn nhạc lớn khác với Berlin Philharmonic và hiểu được có bao nhiêu dàn nhạc Đức khác nhau”.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn: br-so.com