Những điệu valse chưa bao giờ mất đi sức lôi cuốn độc đáo của chúng đối với những người chơi piano, cả ở nơi công cộng lẫn chốn riêng tư. Sự nhịp nhàng, sự phong phú về giai điệu, khả năng gợi lên những tâm trạng rõ ràng, khả năng tái tạo bầu không khí sôi nổi, nhớ nhung hay uể oải của chúng đã được sử dụng như một sự quyến rũ khôn tả với bao thế hệ người yêu nhạc.
Valse là một trong những thể loại mà Frédéric Chopin đã sáng tác trải dài suốt cuộc đời mình. Những điệu valse của Chopin có rất ít điểm chung với những điệu valse của Schubert, lại càng khác so với những điệu valse thành Vienna của Lanner hay gia đình Strauss – những người sáng tác cho một lượng khán thính giả đông đảo.
Những điệu valse thành Vienna xa lạ với tư chất tinh tế của Chopin đến nỗi sau thời gian ở Vienna, ông viết: “Do bản tính, tôi đã chẳng thu được gì từ những điệu valse thành Vienna và vì thế tôi vẫn chẳng thể chơi được valse.”
Đúng như nhận xét của Arthur Hedley rằng “Những điệu valse của Chopin chưa bao giờ có ý dành cho những con người trần tục khiêu vũ cả”, valse của Chopin là để dành cho những phòng khách của giới quý tộc. Chúng là những tác phẩm tinh xảo mà trong đó, ẩn chứa đằng sau cái lộng lẫy và vẻ quyến rũ là những cảm xúc sâu xa hơn thế.
Valse đặc trưng Chopin thường rơi vào hai kiểu: mang vẻ trang hoàng nhã nhặn và rực rỡ hoặc mang vẻ sầu muộn. John Ogdon gọi những điệu valse của Chopin là “những đồ trang sức sáng giá nhất trong các salon lớn nhất của thời đại.”
Bản Valse giọng La giáng trưởng Op. 69/1 là một trong số những tác phẩm thể loại valse chỉ được xuất bản sau khi Chopin qua đời. Trên bản thảo viết tay của tác phẩm có dòng chữ “Pour Mlle Marie” (Tặng cô Maria).
Không nhiều tranh cãi như trường hợp “Thư gửi Elise”của Beethoven, người ta đã tìm ra chính xác người được đề tặng. Đó là Maria Wodzińska, một trong những người phụ nữ từng “chiếm giữ” trái tim Chopin trước khi trái tim này được chị gái ông đưa về tổ quốc Ba Lan.
Chopin soạnbản valse vào ngày 24/9/1835 tại Dresden. Trên hành trình qua Saxony để về Paris năm đó, Chopin tình cờ gặp lại gia đình một người bạn. Cô con gái của họ, Maria Wodzińska, cô bé mà ông đã biết 5 năm trước khi còn ở Ba Lan, giờ đây đã trở thành một thiếu nữ.
Chopin mau chóng phải lòng Maria, người không những xinh đẹp mà còn có tài năng âm nhạc và nghệ thuật. Chopin đã tặng bản valse cho Maria trong dịp đó. Sau này tác phẩm được mang biệt danh “L’adieu” (Lời từ biệt).
Đây không phải là quà tặng âm nhạc duy nhất của Chopin dành cho Maria. Trong thời gian chinh phục, ông còn gửi tặng Maria bản Étude giọng Fa thứ Op. 25 No. 2 mà ông soạn tại Paris tháng 1/1836 và nhắc đến như “một khắc họa tâm hồn Maria” cùng 7 ca khúc nghệ thuật phổ thơ Ba Lan.
Vào tháng 9/1836, khi trở lại từ Dresden sau kỳ nghỉ cùng gia đình Wodzińskis tại một thị trấn suối khoáng, Chopin đã cầu hôn Maria và nàng chấp thuận. Thoạt tiên, mẹ của Maria cũng ủng hộ dự định hôn nhân này với điều kiện Chopin phải quan tâm đến sức khỏe của mình hơn nữa.
Song đám cưới đã bị trì hoãn mãi mãi. Lý do mẹ của Maria đưa ra là tuổi tác còn non trẻ của Maria và sức khỏe mong manh của Chopin. Đúng là mùa đông năm đó Chopin quá ốm yếu, thậm chí còn có tin đồn ở Warsaw rằng ông đã qua đời.
Khi Chopin còn sống, công chúng không hề biết rằng Chopin và Maria Wodzińska từng đính hôn, những người viết tiểu sử Chopin mãi sau này mới phát hiện ra bí mật đó. Những thư từ mà Chopin trao đổi với Maria và mẹ cô được ông cho vào một phong bì lớn, bên ngoài đề chữ Ba Lan “Moja bieda” (Nỗi đau buồn của tôi).
Dù chuyện không thành với Maria Wodzińska là một trải nghiệm đau buồn của Chopin nhưng Valse “Lời từ biệt” rõ ràng được Chopin soạn từ trước khi nảy sinh tình cảm với Maria. Về mặt âm nhạc, tác phẩm diễn cảm này không đặc biệt nổi bật so với một số bản valse khác của Chopin. Có lẽ đây mới là lý do chính khiến tác giả không cho xuất bản tác phẩm này khi còn sống.
Ngọc Anh (nhaccodien.info)