“Ngay ngã tư giữa thiên tài vĩ đại và doanh nhân âm nhạc là nơi vị nhạc trưởng đặc biệt này có chỗ đứng của mình.” – Kurt Blaukopf

Là một trong những nhạc trưởng đặc biệt nhất thế kỷ 20, Leopold Stokowski đã cống hiến một sự nghiệp kéo dài gần 70 năm với ước tính hơn 7.000 buổi biểu diễn. Cùng với những thành tựu hiển hách, Stokowski cũng để lại một di sản đầy phức tạp và khó giải thích nhất trong lịch sử. Điều này không chỉ vì tuổi tác, nguồn gốc gia đình, giọng nói và thậm chí tên tuổi của ông là những vấn đề được công chúng suy đoán lúc này hay lúc khác, mà bởi vì sự nghiệp của Stokowski có vẻ nghịch lý ở nhiều khía cạnh. Trở thành nhạc trưởng của Cincinnati Symphony Orchestra khi hầu như chưa có bất kỳ một kinh nghiệm chỉ huy dàn nhạc nào, Stokowski đã dần dần khẳng định mình là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của thời đại với đỉnh cao là tạo ra “âm thanh Philadelphia” trong những năm tháng gắn bó với Philadelphia Orchestra mà sau đó Eugene Ormandy đã tiếp tục duy trì và phát triển. Stokowski nổi tiếng với việc thay đổi tổng phổ của các nhà soạn nhạc theo ý thích chủ quan của mình, thậm chí thêm cả nhạc cụ vào để tạo ra âm thanh mà ông mong muốn. Ông quan tâm đến công nghệ và tham gia trực tiếp vào quá trình thu âm, thử nghiệm những gì được coi là tiên tiến nhất. Trong lĩnh vực này, Stokowski là người tiên phong. Fantasia, một bộ phim hoạt hình công phu do Walt Disney sản xuất với sự hỗ trợ đắc lực của Stokowski đã góp phần chứng minh sự tác động mạnh mẽ của một phim âm nhạc. Trong những năm tháng đỉnh cao của cuộc đời, Stokowski nổi tiếng và giàu có không kém gì một ngôi sao Hollywood.

Leopold Anthony Stokowski sinh ngày 18/4/1882 tại Marylebone, phía bắc London trong một gia đình có người cha Kopernick là một thợ mộc mang dòng máu Ba Lan và Scotland còn mẹ, bà Annie-Marion Moore có nguồn gốc Ireland. Ngay từ nhỏ, Leopold đã thể hiện năng khiếu âm nhạc thiên bẩm của mình khi vào năm 1896, khi chỉ mới 13 tuổi, cậu đã trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất của Royal College of Music. Leopold học organ và trở thành bạn đồng môn của Ralph Vaughan Williams. Sau này khi tới Mỹ, Stokowski đã chỉ huy 6 trong tổng số 9 bản giao hưởng của người bạn mình. Cậu cũng hát trong dàn hợp xướng của Nhà thờ St. Marylebone Parish và sau đó trở thành trợ lý organ cho Ngài Walford Davies tại nhà thờ Temple. Năm 1888, Leopold trở thành thành viên của Royal College of Organists, một tổ chức có trụ sở tại London với các thành viên trên khắp thế giới được thành lập với mục đích thúc đẩy và nâng cao khả năng chơi organ và âm nhạc hợp xướng. Năm 1902, Leopold trở thành nghệ sĩ organ và chỉ huy hợp xướng tại nhà thờ St. James’s, Piccadilly. Cậu cũng ghi danh tại Queen’s College, Oxford và giành được bằng cử nhân âm nhạc tại đây vào năm 1903.

Năm 1905, Stokowski chuyển đến làm việc với tư cách nghệ sĩ organ và chỉ huy hợp xướng tại nhà thờ St. Bartholomew, New York. Tại đây, Stokowski trở nên rất nổi tiếng trong giáo dân, trong đó có Olga Samaroff, người sẽ trở thành vợ ông vào năm 1911. Stokowski cũng bắt đầu chuyển soạn nhiều tác phẩm cổ điển của những nhà soạn nhạc danh tiếng cho organ, một công việc cũng góp phần tạo nên tên tuổi của ông sau này. Nhưng Stokowski không định mãi mãi gắn bó với cây đàn organ và nhà thờ, ông quyết tâm trở thành một nhạc trưởng và vào năm 1908, Stokowski cùng Olga trở lại châu Âu để tìm kiếm cơ hội của mình. Hai người đến Paris và Stokowski bắt đầu theo học các lớp về chỉ huy dàn nhạc. Cuối năm 1908, tình cờ biết được Cincinnati Symphony Orchestra đang tìm kiếm một nhạc trưởng mới, Olga, vốn là một nghệ sĩ piano nổi tiếng lúc bấy giờ, người có những mối quan hệ rộng rãi đã liên hệ với Bettie Holmes, chủ tịch của dàn nhạc để giới thiệu Stokowski và ông đã nhận được một cuộc phỏng vấn vào ngày 22/4/1909. Dường như buổi gặp gỡ chưa đưa ra được tín hiệu tích cực nào bởi vì khi đó Stokowski chưa từng một lần đứng trên bục chỉ huy. Một lần nữa Olga lại ra tay giải cứu. Bà đã tự bỏ tiền túi để tổ chức một buổi hoà nhạc cùng Colonne Orchestra tại Paris vào ngày 12/5/1909 do Stokowski chỉ huy và bà chơi Concerto piano số 1 của Peter Ilyich Tchaikovsky. Lucien Wulsin thành viên của hội đồng Cincinnati Symphony Orchestra có mặt trong buổi biểu diễn để trực tiếp thẩm định tài năng của Stokowski. Ngày 18/5/1909, ông tiếp tục có màn ra mắt khán giả London trong buổi hoà nhạc cùng New Symphony Orchestra tại Queens’ Hall. Thành công của những chương trình này đã góp phần khiến hội đồng của Cincinnati Symphony Orchestra đã quyết định nhận Stokowski làm nhạc trưởng của dàn nhạc kể từ mùa diễn 1909-1910 và ông đã buổi biểu diễn đầu tiên tại đây vào ngày 26/11/1909. Ông đã thành công ngay lập tức vào trong khoảng thời gian gắn bó với dàn nhạc cho đến năm 1912, Stokowski không ngừng nỗ lực cải thiện kỹ năng chỉ huy của mình và xây dựng một danh mục tác phẩm rộng lớn. Mặc dù khi đến với Cincinnati Symphony Orchestra với kinh nghiệm chỉ huy dàn nhạc vô cùng ít ỏi nhưng bằng tài năng, sự bền bỉ và khả năng lãnh đạo thiên bẩm đã giúp Stokowski thành công nhanh chóng. Ngay từ những buổi hoà nhạc đầu tiên, Stokowski đã thể hiện quan điểm âm nhạc của mình bằng cách kết hợp các tác phẩm kinh điển trong quá khứ với những bản nhạc đương đại.

Là người có tham vọng và chưa bao giờ ngần ngại đối đầu với bất kỳ ai, những mâu thuẫn giữa Stokowski và dàn nhạc bắt đầu xuất hiện. Ông muốn mở rộng biên chế dàn nhạc, kéo dài mùa diễn và thực hiện nhiều hơn các chuyến lưu diễn tới các thành phố khác nhưng vấp phải sự phản đối từ hội đồng. Sau những xung đội không thể hoà giải, tháng 3/1912, Stokowski giận dữ, yêu cầu được giải phóng khỏi hai năm còn lại trong hợp đồng. Tuy nhiên, dàn nhạc đã không đồng ý và cuối cùng phải chấp nhận khi báo chí vào cuộc rộng rãi. Đây là một sự khẳng định cho sự nhất quán của Stokowski trong các ý tưởng âm nhạc của mình, mọi sự phản đối sẽ vấp phải cuộc đối đầu công khai và không nhân nhượng của ông. Stokowski rời Cincinnati vào ngày 12/4/1912 để tới Munich, nơi có một biệt thự của hai người mà ông cùng Olga thường đến nghỉ vào mùa hè. Stokowski đã tới Munich trước tuy nhiên Olga bất ngờ dừng chân tại New York để đàm phán và ký hợp đồng với ban giám đốc của Philadelphia Orchestra cho việc Stokowski trở thành giám đốc âm nhạc. Và vào ngày 12/10/1912, ông có buổi hoà nhạc đầu tiên tại đây, khởi đầu cho một thành công vang dội và cộng hưởng mà cả hai phía, người nhạc trưởng và dàn nhạc đều được hưởng lợi. Stokowski đã đạt được những thành tựu và sự công nhận lớn nhất tại đây.

Stokowski nhanh chóng trở nên nổi tiếng, bao gồm cả những hành động không giống ai như việc ném tổng phổ xuống sàn sân khấu để chứng tỏ rằng mình không cần chúng để chỉ huy dàn nhạc hay thử nghiệm các bố trí ánh sáng khác nhau trong khán phòng, chủ yếu tập trung vào đầu và tay của nhạc trưởng, nhằm tạo ra những hiệu ứng mang tính kích thích và tạo sự ấn tượng đối với người chỉ huy. Ông cũng được ghi nhận là nhạc trưởng đầu tiên bố trí chỗ ngồi cho dàn nhạc theo cách phổ biến nhất hiện nay áp đụng, đó là violin 1 và 2 ở cùng nhau về phía bên trái nhạc trưởng trong khi cello và double bass ở phía đối diện. Stokowski cũng là một trong những người tiên phong không sử dụng đũa chỉ huy, chỉ dùng đôi bàn tay với những động tác duyên dáng để thôi miên khán giả và tạo ra phép thuật của riêng mình. Ông chính là tác giả của “âm thanh Philadelphia” huyền thoại. Nền tảng của nó là một thứ âm thanh có tông màu sang trọng, ấn tượng và sự chú ý chính xác đến màu sắc. Stokowski chính là người đi tiên phong trong việc sử dụng kỹ thuật “free bowing”, tạo ra một giai điệu trên bè dây đồng nhất, phong phú (free bowing là kỹ thuật mà các thành viên của bộ đây đồng loạt kéo vĩ qua lại trên các dây đàn theo hướng dẫn của nhạc trưởng, tạo ra âm thanh sâu hơn nhưng dễ khiến các nhạc công lạc nhịp. Free bowing hiếm khi được sử dụng ngày nay và cũng chấm dứt tại Philadelphia Orchestra khi Eugene Ormandy lên thay Stokowski). Ông luôn duy trì free bowing trong suốt sự nghiệp chỉ huy của mình, với bất cứ dàn nhạc nào. Danh tiếng của ông lên rất cao, có thể nói Stokowski là nhạc trưởng đầu tiên trở thành ngôi sao thực thụ. Ông cũng thiết lập một tình bạn thân thiết với Sergei Rachmaninov, là nhạc trưởng trong các buổi ra mắt bản Giao hưởng số 3 và Rhapsody trên chủ đề Paganini của Rachmaninov (với chính nhà soạn nhạc đảm nhiệm phần piano).

Một trong những di sản không thể không nhắc tới của Stokowski là việc ông thu hút được một lượng lớn người hâm mộ, trong đó phải kể đến Edward Bok và đặc biệt là vợ, Mary Louise, người thừa kế một khối tài sản kếch xù từ người cha, nhà xuất bản danh tiếng Cyrus Curtis. Chính Stokowski là người đã khuyên Mari Louise thành lập Curtis Institute of Music vào ngày 13/10/1924, một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt nhất trên thế giới. Ông cũng trở thành một trong những người hướng dẫn nghệ thuật cho trường và tuyền dụng các giảng viên cũng như sinh viên tại đây làm thành viên của Philadelphia Orchestra. Vô cùng ngưỡng mộ tài năng của Stokowski, Mari Louise cũng trở thành một nhà tài trợ lớn cho dàn nhạc, ủng hộ việc mở rộng biên chế, tăng cường các buổi tập luyện và biểu diễn cũng như bảo lãnh toàn bộ khoản thâm hụt của Philadelphia Orchestra trong vòng 5 năm. Tháng 7/1914, khi đang cùng Olga đi nghỉ tại Munich, vụ việc ám sát Đại công tước Ferdinand, người thừa kế ngai vàng Áo-Hung đã gây ra một cuộc chiến tranh và hai vợ chồng chỉ kịp rời đi với bản Giao hưởng số 8 của Gustav Mahler. Stokowski đã phải mất rất nhiều công sức trong việc thuyết phục ban giám đốc dàn nhạc công diễn tác phẩm này lần đầu tiên tại Mỹ vào ngày 2/3/1916. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử, với số tiền dàn dựng khổng lồ lên đến 17.000 đô la (con số khổng lồ vào thời điểm đố). Nhưng sư chú ý của công chúng cũng lớn đến mức những chiếc vé chợ đen được chào bán với giá 1.000 đô la. Nhu cầu thưởng thức bản giảo hưởng này lớn đến nỗi nhiều buổi biểu diễn bổ sung đã được thêm vào. Hai chuyến tàu đã chở toàn bộ 1.200 người tham gia vào dự án này từ Philadelphia đến New York cho buổi hoà nhạc vào ngày 9/4/1916 tại Metropolitan Opera. Những chương trình như vậy đã góp phần tạo nên danh tiếng lớn lao cho cả Stokowski và Philadelphia Orchestra trên phạm vi toàn nước Mỹ. Ngày 24/10/1917 là một sự kiện lịch sử khác đã xảy ra với Philadelphia Orchestra và Stokowski khi họ thực hiện bản thu âm đầu tiên của mình trong tổng số gần 500 bản với RCA Victor trong các Vũ khúc Hungary số 5 và 6 của Johannes Brahms.

Stokowski cũng rất nổi tiếng trong việc sửa đổi các tác phẩm theo ý muốn chủ quan của mình. Ví dụ như trong Overture-Fantasy Romeo và Juliet của Tchaikovsky, ông đã kết thúc tác phẩm trong lặng lẽ, dựa theo một bức thư trong đó nhà soạn nhạc đã đề cập đến phương án này khi được Mily Balakirev gợi ý. Còn trong bản Giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” của Antonín Dvořák, ông đã thêm vào tam-tam, một nhạc cụ không có trong tổng phổ. Stokowski giải thích một cách đơn giản: “Tôi thấy cần phải có thêm một màu sắc mới, một cao trào”. Ông cũng cho biết thêm về những suy nghĩ của mình: “Bạn phải nhận ra rằng Beethoven và Brahms không hiểu về nhạc cụ, Debussy, Ravel và Mozart thì có”. Một trong những điều luôn khiến khán giả của nhạc cổ điển nhớ tới Stokowski là ông là nhạc trưởng trong bộ phim hoạt hình Fantasia được Walt Disney sản xuất vào năm 1940. Trong bộ phim này, ông đã chỉ huy 7/8 tác phẩm, giúp khán giả, đặc biệt là những em bé cảm thấy nhạc cổ điển thật gần gũi và dễ hiểu qua sự kết hợp giữa âm nhạc và những thước phim minh hoạ sống động. Bản thân Stokowski cũng xuất hiện trong bộ phim qua cảnh nói chuyện và bắt tay nổi tiếng với chú chuột Mickey.

Ngày 2/1/1936, Stokowski tuyên bố ông sẽ không còn là giám đốc âm nhạc của Philadelphia Orchestra sau một số mâu thuẫn với dàn nhạc. Ormandy được bổ nhiệm làm đồng chỉ huy với ông. Stokowski chính thức giã từ cương vị của mình vào năm 1938. Trước đó ông đã hoàn thành một trong những mơ ước của mình khi cùng với Philadelphia Orchestra là dàn nhạc đầu tiên thực hiện một chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mỹ và Canada trong năm 1936 với 33 buổi hoà nhạc tại 27 thành phố trong 35 ngày. Sau khi rời Philadelphia Orchestra, Stokowski đã thành lập All-American Youth Orchestra với tiền túi của mình bằng cách thử việc khoảng 1.000 nhạc công trẻ trong độ tuổi từ 18-25 trên phạm vi toàn nước Mỹ. Cùng dàn nhạc, ông đã thực hiện nhiều chuyến biểu diễn tới Nam Mỹ cũng như trên khắp nước Mỹ và Canada. Cách lựa chọn chương trình đã mang đến cho All-American Youth Orchestra sự mới mẻ và thú vị, được các nhà phê bình và khán giả đón nhận. Stokowski đã có một kế hoạch dài hơi cho dàn nhạc, tuy nhiên, Thế chiến thứ hai nổ ra và nhiều nhạc công phải nhập ngũ, dẫn đến việc All-American Youth Orchestra bị giải tán vào năm 1942. Thời gian này, Arturo Toscanini có mâu thuẫn với ban giám đốc của NBC Symphony Orchestra, dàn nhạc vốn được thành lập để phục vụ chính Toscanini, và Stokowski được mời làm người thay thế. Cùng dàn nhạc, ông đã biểu diễn rất nhiều các tác phẩm đương đại, trong đó có những bản nhạc lần đầu tiên được xuất hiện tại Mỹ.

Năm 1944, theo đề nghị của thị trưởng New York, Fiorello La Guardia, Stokowski đã góp phần thành lập New York City Symphony Orchestra, một dàn nhạc có nhiệm vụ phục vụ tầng lớp trung lưu với giá vé ưu đãi và giờ biểu diễn thuận tiện. Tuy nhiên, tiếp tục xuất hiện những mâu thuẫn và Stokowski chia tay dàn nhạc chỉ sau một năm làm việc. Năm 1945, ông thành lập Hollywood Bowl Symphony Orchestra nhưng dàn nhạc này cũng chỉ tồn tại sau hai năm. Sau một thời gian ngắn cộng tác với New York Philharmonic dưới cương vị nhạc trưởng khách mời chính, năm 1951, Stokowski bắt đầu sự nghiệp quốc tế của mình bằng chuyến biểu diễn tại Anh cùng Royal Philharmonic sau lời mời của Thomas Beecham. Ông cũng thực hiện bản thu âm đầu tiên với một dàn nhạc bên ngoài nước Mỹ khi cùng Philharmonia Orchestra trình tấu Scheherazade của Nikolai Rimsky-Korsakov. Trong mùa hè này, Stokowski thực hiện chuyến lưu diễn tại nhiều nước châu Âu, thiết lập một lịch trình được ông duy trì trong hơn 20 năm sau đó: mùa hè chỉ huy tại châu Âu và mùa đông được sử dụng để làm việc với những dàn nhạc tại Mỹ. Năm 1955, Stokowski trở thành giám đốc âm nhạc của Houston Symphony Orchestra, một việc làm được coi như sự tái khởi động trong việc tìm kiếm lại vinh quang trên nước Mỹ và vẫn tiếp tục vị thế của một nhạc trưởng vô địch trong việc biểu diễn và thu âm các tác phẩm âm nhạc đương đại. Tháng 2/1960, dưới lời mời của Ormandy, Stokowski đã quay lại với Philadelphia Orchestra kể từ ngày 3/4/1941. Sau 19 năm, ông cho biết: “Đó là một bài học lớn đối với tôi khi biết rằng trong cuộc sống, điều bất ngờ sẽ xảy ra. Đôi khi thật bi thảm và đôi khi lại hạnh phúc như lúc này”. Hiếm khi xuất hiện trên sân khấu opera, Stokowski có màn xuất hiện đáng nhớ tại Metropolitan Opera vào ngày 24/2/1961 trong Turandot (Giacomo Puccini) với dàn diễn viên hùng hậu Birgit Nilsson, Franco Corelli và Anna Moffo. Ngay trước đó, ông đã bị gãy xương hông khi chơi đùa với các con trong căn hộ của mình.

Stokowski nổi tiếng là một người trăng hoa, phù phiếm và rất tỉ mỉ trong những việc liên quan đến tiền bạc. Ông có tất cả 3 đời vợ và rất nhiều những mối tình khác, trong đó đặc biệt phải kể đến mối quan hệ với diễn viên nổi tiếng Greta Garbo vào cuối những năm 1930. Stokowski cũng nổi tiếng về việc luôn phủ nhận độ tuổi thật và nguồn gốc của mình. Ông từng nhiều lần làm người phỏng vấn mình bối rối khi cãi lại những thông tin chính xác mà họ đã đưa ra, luôn cho rằng mình sinh năm 1887 trong khi thực tế là 1882 và phủ nhận nguồn gốc Ireland của mẹ mình. Nhạc cụ đưa ông đến với nước Mỹ là organ nhưng Stokowski tự hào về vốn kiến thức của mình đối với các nhạc cụ: “Khi lần đầu tiên tôi đến với Philadelphia Orchestra, tôi tới Paris vào mỗi mùa hè để nghiên cứu một nhạc cụ mới. Tôi đã học trumpet, trombone, tuba, mọi thứ. Tôi không muốn làm phiền người chơi của mình bằng cách yêu cầu họ làm điều gì đó trái với bản chất của nhạc cụ của họ”. Một trong những tranh cãi khác đối với di sản của Stokowski là những bản chuyển soạn của ông đối với âm nhạc Johann Sebastian Bach. Ông đã tạo ra một thứ âm nhạc gốc của Bach nhưng màu sắc là của thế kỷ 20 và khẳng định rằng Bach sẽ làm như vậy nếu nhà soạn nhạc sống trong thời đại này, một ý kiến đã khiến nhiều người bất bình, cho rằng đã phá hỏng hoàn toàn thứ âm nhạc phức điệu tinh tế của thời kỳ Baroque. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đã có nhiều nghệ sĩ organ đã phát triển phong cách chuyển soạn của Stokowski như cho một dàn nhạc giao hưởng thay vì quan tâm đến các đặc điểm tự nhiên của nhạc cụ mà Bach đã sáng tác.

Với việc New York Philharmonic đã chuyển địa điểm biểu diễn đến Lincoln Center, trong Stokowski cháy bỏng mơ ước có một dàn nhạc giao hưởng mới, năng động, trẻ trung chiếm giữ Carnegie Hall. Ngày 26/4/1962, ở độ tuổi 80, American Symphony Orchestra, dàn nhạc được Stokowski bỏ tiền riêng của mình thành lập đã có buổi biểu diễn đầu tiên. Tuy gặp một số trục trặc trong thời gian đầu tiên nhưng dàn nhạc đã hoạt động tốt theo đúng tôn chỉ mục đích của Stokowski là cung cấp những chương trình có giá vé vừa phải, giúp âm nhạc tiếp cận được với nhiều khán giả hơn đồng thời thoả mãn của ông về việc lựa chọn tác phẩm. Dàn nhạc hoạt động theo phương thức không ký hợp đồng lâu dài, các nhạc công được thuê theo từng buổi hoà nhạc. American Symphony Orchestra là một trong những dàn nhạc trẻ tuổi và đa chủng tộc nhất nước Mỹ lúc đó. 100 nhạc công với độ tuổi trung bình 34, có 34 người là nữ, 4 người da đen và 4 người châu Á. Ông chia tay dàn nhạc vào tháng 5/1972 để trở về Anh. Ngày 22/5/1975, Stokowski có lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng trong Liên hoan âm nhạc Vence, miền nam nước Pháp trong các tác phẩm chuyển soạn từ âm nhạc Bach của mình. Sức khoẻ không tốt buộc ông chỉ có thể thu âm. Ông qua đời ở tuổi 95 vào ngày 13/9/1977 tại Nether Wallop, Hampshire vì một cơn đau tim. Chỉ ít ngày trước đó, ông vừa hoàn thành bản thu âm cuối cùng của mình với bản giao hưởng của Georges Bizet và Giao hưởng số 4 “Italian” của Felix Mendelssohn cùng National Philharmonic. Stokowski được chôn cất tại East Finchley, London.

Ở Stokowski, chúng ta thấy hình ảnh của một vị nhạc trưởng độc nhất vô nhị, rất không đáng tin cậy, gây ra rất nhiều tranh cãi nhưng luôn truyền tải được ngọn lửa và quyền lực của mình với sự thôi thúc của một người dường như trẻ hơn thực tế 50 tuổi. Ông là người tiên phong trong số các nhạc trưởng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới công nghệ thu âm. Stokowski từng khẳng định: “Hệ thống âm thanh nổi 4 kênh sẽ là một bước tiến dài” nhưng không ngần ngại giải thích thêm: “Nhưng hãy nhớ rằng: một bản ghi âm có thể cho bạn không gì khác ngoài ảo giác về một buổi biểu diễn”. Sự nghiệp của ông dường như đã qua thời kỳ đỉnh cao cùng thời điểm khi Stokowski chia tay Philadelphia Orchestra nhưng tình yêu của ông với âm nhạc, lòng say mê và nhiệt huyết chưa bao giờ mất đi ngay cả khi ông đã cận kề cái chết. Stokowski đã được công nhận với tư cách là cha đẻ của các tiêu chuẩn dàn nhạc hiện đại. Ông sở hữu một món quà thực sự kỳ diệu là trích xuất ra những âm thanh tuyệt vời từ các tác phẩm hạng hai và luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để các bản thu âm có được chất lượng tốt hơn. Những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Mỹ, cho các tác phẩm của thế kỷ 20 và công nghệ ghi âm chính là di sản quý giá nhất mà Stokowski đã để lại.

Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
nytimes.com
stokowski.org
theguardian.com