Thông tin chung

Tác giả: Franz Schubert.
Tác phẩm: Giao hưởng số 9 giọng Đô trưởng “Lớn”, D. 944
Thời gian sáng tác: Trong khoảng thời gian 1824-1826.
Công diễn lần đầu: Ngày 21/3/1839 với Felix Mendelssohn chỉ huy tại Leipzig Gewandhaus.
Độ dài: Khoảng 60 phút.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Andante – Allegro ma non troppo – Più moto (Đô trưởng)
Chương II – Andante con moto (La thứ)
Chương III – Scherzo. Allegro vivace – Trio (Đô trưởng – La trưởng)
Chương IV – Finale. Allegro vivace (Đô trưởng)
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, 3 trombone, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Là người hâm mộ Beethoven cuồng nhiệt, trong Schubert luôn mang trong mình khao khát cháy bỏng nối tiếp bậc tiền bối, trở thành nhà soạn nhạc hàng đầu. Và để được khán giả Vienna của những năm 1820 công nhận ở khía cạnh này, Schubert phải là tác giả của những bản giao hưởng vĩ đại. Cho đến năm 1824, Schubert được ghi nhận là tác giả của 6 bản giao hưởng hoàn chỉnh. Chúng đều là những tác phẩm có giai điệu nổi bật, hoà thanh có những bước ngoặt táo bạo nhưng hợp lý và được tô vẽ bằng nhiều hoạ tiết nhịp nhàng. Tuy nhiên, ở đó vẫn tồn tại những dấu vết của sự chưa trưởng thành của nhà soạn nhạc: sự mâu thuẫn giữa kinh nghiệm và ngây thơ, xung đột chưa được giải quyết giữa kịch tính và trữ tình cũng như sự luyến tiếc nhạt nhoà với quá khứ. Ngày 7/5/1824, bản giao hưởng số 9 của Beethoven lần đầu được công diễn. Và chỉ ít lâu sau đó, Schubert bắt tay vào sáng tác một bản giao hưởng mới, mà ngày nay chúng ta được biết là bản số 9 “Great” của nhà soạn nhạc.

Dường như bản giao hưởng số 9 của Beethoven đã tạo ra một hướng đi mới cho Schubert. “Great” đã trở thành tác phẩm khí nhạc đồ sộ nhất của Schubert, có độ dài lên đến khoảng 60 phút, vượt xa khỏi những gì cùng thể loại trước đó của nhà soạn nhạc. Cùng với đó là sự đa dạng về cảm xúc, nhịp điệu và màu sắc của dàn nhạc. Không sử dụng giọng hát nhưng Schubert đã cách tân hơn Beethoven khi sử dụng trombone trong toàn bộ các chương nhạc, đồng thời giao cho chúng những nhiệm vụ quan trọng lớn lao khi để các nhạc cụ này đảm nhiệm nhiều chủ đề quan trọng. Schubert đã bày tỏ lòng tôn kính với Beethoven khi trích dẫn một nét nhạc trong chương cuối bản giao hưởng số 9 của Beethoven vào chương IV tác phẩm này của mình. Có lẽ Schubert đã nhận ra rằng bên cạnh lòng ngưỡng mộ đối với Beethoven, ông đã có đủ lòng can đảm để đi trên con đường khác với bậc tiền bối vĩ đại.

Giao hưởng số 9 được Schubert hoàn thành vào tháng 10/1826. Ngay sau đó, ông đã gửi bản thảo tổng phổ của mình tới Hiệp hội Âm nhạc Áo với lời bày tỏ hy vọng rằng “ý định cao cả là hỗ trợ nỗ lực nghệ thuật của tôi nhiều nhất có thể. Tôi mạo hiểm, với tư cách là một nghệ sĩ bản địa, cống hiến cho họ tác phẩm này, bản giao hưởng của tôi, và khen ngợi nó một cách lịch sự nhất trong sự bảo trợ của họ”. Ban đầu, Hiệp hội Âm nhạc Áo tỏ ra hào hứng với tác phẩm. Họ đã chuyển cho Schubert 100 florin. Tuy nhiên, chỉ sau một buổi tập, mọi việc đã bị dừng lại “do độ dài và khó của nó”. Bản giao hưởng đã không được biểu diễn và gửi trả lại cho tác giả. Tuy nhiên, sự từ chối dường như phản ánh tác phẩm bị đánh giá không đáp ứng thị hiếu của công chúng mà Hiệp hội có nghĩa vụ phải thực hiện. Tác phẩm đã bị chìm vào quên lãng kể từ đó. Tháng 3/1838, mười năm sau khi Schubert qua đời, Schumann đã ghé thăm Ferdinand, anh trai của Schubert và được Ferdinand giới thiệu bản giao hưởng số 9. Trong bức thư gửi cho Clara, Schumann cho biết: “Anh đã tìm thấy một bản giao hưởng dài tuyệt vời”. Tác phẩm mặc dù được được Mendelssohn công diễn ra mắt tại Leipzig vào ngày 21/3/1839 nhưng vẫn chưa được đón nhận nhiệt tình. Ngay cả các nhạc công thời điểm đó cũng mệt mỏi với độ dài cũng như tư duy mới lạ của bản giao hưởng.

Phân tích

Schubert thực sự đã có nhiều cách tân trong bản giao hưởng này của mình. Điều đầu tiên là trong cách sử dụng giọng. Xuyên suốt tác phẩm, giọng trung tâm của tác phẩm cách nhau một quãng ba thay vì quãng năm như truyền thống. Ông không phải nhà soạn nhạc đầu tiên thực hiện điều này nhưng là người sử dụng chúng với tần suất cao nhất. Ta có thể lấy ví dụ ở chương I, sau chủ đề một ở giọng Đô trưởng, khi chuyển sang chủ đề hai, thay vì giọng Son trưởng như truyền thống lại là giọng Mi thứ. Táo bạo nhất là ở chương III, trong các bản giao hưởng trước đó, đây là vị trí của một minuet hay scherzo, mang đến một sự thư giãn nhẹ nhàng cho khán giả trước khi bước vào chương kết nhiều màu sắc. Mặc dù cũng được ghi chú là scherzo nhưng Schubert lại mang đến một bầu tâm trạng khác hẳn. Đó là một chương nhạc có hình thái sonata đầy đủ và có sắc thái mãnh liệt hơn tất cả những gì trước đó.

Chương I

Chương I mở đầu bằng tiếng horn hào hùng như từ xa vang vọng lại, kéo dài tám ô nhịp. Nó không chỉ đóng vai trò như một chủ đề thống nhất mà quan trọng hơn, bộc lộ toàn bộ phẩm chất của bản giao hưởng, bao gồm trong đó bản rút gọn của tất cả phần trình bày, phát triển và tái hiện. Bè dây nối tiếp liền mạch với những chùm ba nhịp nhàng, là đặc điểm chính của chương nhạc này. Một nét giai điệu lấy từ chủ đề của horn xuất hiện trên bè kèn gỗ. Một chủ đề khác xuất hiện trên các nhạc cụ dây bè trầm. Phần Andante tiếp tục với những khám phá về chủ đề và tiếp nối sự nhịp nhàng. Càng về cuối, những gợi ý về chủ đề chính của phần Allegro càng được bộc lộ. Phần Allegro này được bắt đầu với dàn dây, trumpet và timpani, được hỗ trợ bằng những chùm ba của kèn gỗ. Chủ đề hai xuất hiện trên kèn gỗ với bè horn thể hiện những chùm ba nhịp nhàng. Âm nhạc được đẩy lên cao trào ở giọng Đô trưởng. Và rồi, Schubert đã điều chuyển sang giọng Mi thứ. Một chủ đề thứ ba được triển khai trên oboe và bassoon với tiếng đệm khéo léo bằng những hợp âm rải của violin. Âm nhạc trở nên trầm ngâm hơn, pha chút u sầu. Màu sắc trở nên phong phú hơn khi bè trombone có những đoạn độc tấu của riêng mình, được chiết xuất từ chủ đề horn mở đầu. Trong tổng phổ, Schubert ghi chú phần trình bày phải được lặp lại, một chỉ dẫn không phải lúc nào cũng được các nhạc trưởng tuân theo.

Trong phần phát triển, hai chủ đề chính được làm phong phú hơn một cách hài hoà. Chúng được từ từ đẩy đến một cao trào khác cho đến khi xuất hiện một đoạn chen ở giọng La trưởng trên bè thấp của dàn dây, dẫn đến phần tái hiện. Tất cả các chủ đề chính đều được trình bày lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Âm nhạc giàu sức sống nhưng không có sự đẩy nhanh về tốc độ, tạo thành một chuyến tham quan bình thản đến phần coda được ghi chú Più moto (Chuyển động nhiều hơn). Phần này được bắt đầu bằng chủ đề hai được chơi trên dàn dây. Cường độ được chuyển về piano, duy trì trong vòng bốn ô nhịp và được tăng dần lên. Với sự tư tin tuyệt vời, chương nhạc khép lại với chủ đề horn đầu tiên được chơi trên toàn bộ dàn nhạc.

Chương II

Chương II là chương chậm của bản giao hưởng, được chơi ở nhịp 2/4 và có bóng dáng của một hành khúc, được cho là chịu ảnh hưởng từ chương II của bản Giao hưởng số 7 của Beethoven. Chương nhạc được chia thành 4 phần: La thứ, Pha trưởng, La thứ, La trưởng với mỗi phần có một chủ đề chính. Đây là một trong những chương nhạc hấp dẫn nhất của Schubert, mang âm hưởng của một bài hát được mở rộng, thể loại mà nhà soạn nhạc là bậc thầy tối cao. Chủ đề đầu tiên vui nhộn, được giao cho oboe đảm nhiệm. Sau đó là sự gia nhập của clarinet, violin và viola, dần dần được đẩy đến một cao trào. Âm nhạc dần trở nên nghiêm khắc hơn, cường độ giảm dần. Chủ đề thứ hai xuất hiện, mang không khí uể oải hơn, vẫn là sự tham gia của oboe, được clarinet hỗ trợ. Giai điệu này chỉ xuất hiện trong vòng sáu ô nhịp cho đến khi được thay thế bằng chủ đề thứ ba, được chơi trên dàn dây, sôi nổi, mang màu sắc của hành khúc. Hai chủ đề này được phát triển, làm phong phú thêm cho đến khi âm nhạc trở nên khẽ khàng hơn trong cường độ piano, trực tiếp dẫn đến chủ đề cuối cùng, dành cho bassoon, violin 2 và double bass, trữ tình nhưng mạnh mẽ hơn. Chượng nhạc kết thúc bằng một hợp âm trầm lắng, được tăng cường bằng sự ấm áp đến từ bè trombone.

Chương III

Schubert đã nối bước Beethoven trong việc chuyển chương III từ hình thức minuet sang scherzo. Đây là một chương nhạc tràn đầy năng lượng ở giọng Đô trưởng, được mở đầu bằng dàn dây chơi staccato. Cường độ được đẩy lên cao. Đặc điểm đáng chú ý của chương nhạc là dàn dây đều được chơi đồng âm, hoặc gần như vậy. Một đặc trưng nữa là điệu waltz liên tục xuất hiện, điều khá đặc biệt khi Schubert có xu hướng ưa thích ländler hơn. Âm nhạc mang sắc thái quyến rũ và vui vẻ trong hình hài của một sonata hoàn chỉnh. Chủ đề hai ở giọng Son trưởng, trữ tình hơn. Phần trình bày được lặp lại và được thay đổi đột ngột sang giọng La giáng trưởng khi bước vào phần phát triển. Âm nhạc bước vào một hành trình mới, trong đó hai chủ đề đóng vai hai người khách, luân chuyển qua nhiều giọng khác nhau với hai tiết tấu khác nhau, một nhanh một chậm. Trong phần tái hiện, chủ đề một được trình bày dịu dàng hơn trên kèn gỗ thay vì thô ráp như trước đó, được nối tiếp bằng chủ đề hai trên violin một trong điệu waltz dịu dặt, được đối đáp đầy thơ mộng từ bè dây thấp hơn. Tuy nhiên, điệu waltz này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, nhường chỗ cho phần coda sôi động, lấy cảm hứng từ chủ đề mở đầu chương nhạc nhưng được hoà âm phong phú hơn. Phần scherzo kết thúc trong hai hợp âm sforzando ở giọng Đô trưởng.

Dàn nhạc lặng đi, chỉ còn lại horn giữ một nhạc duy nhất. Phần trio ở giọng La trưởng bắt đầu. Bộ hơi giới thiệu một chủ đề mới, trữ tình, trôi chảy, cho thấy khả năng tuyệt vời trong việc sáng tạo giai điệu của Schubert. Trombone có một số khoảnh khắc tuyệt vời tại đây. Clarinet kết thúc phần trio một cách nhẹ nhàng và đăm chiêu và sau đó, phần scherzo được lặp lại toàn bộ.

Chương IV

Chương IV mạnh mẽ vượt qua tất cả những gì trước đó của Schubert. Chương nhạc ở nhịp 2/4, có hình thức sonata và hướng dẫn người nghe tập trung ngay lập tức vào hợp âm Đô trưởng trên ba quãng tám, được tạo thành từ ba nhóm nhạc cụ khác nhau. Dàn dây lặp lại và biến thành màn phô trương của toàn bộ dàn nhạc. Chủ đề đầu tiên xuất hiện trên oboe và bassoon, cách nhau một quãng ba, là một đường legato sâu rộng, có thể hát lên được. Âm nhạc chuyển sang giọng Son trưởng, bè horn giới thiệu chủ đề hai, đơn giản với bốn nốt nhạc, trở thành nền tảng chính cho toàn bộ chương nhạc. Chủ đề này được Schubert sử dụng liên tục thông qua cách chuyển giọng, tăng cường hoà thanh và thay đổi nhịp điệu. Bè dây tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt. Âm nhạc được đẩy tới một cao trào như để giải phóng toàn bộ năng lượng được tích tụ. Phần trình bày nhỏ dần, xa dần, nhẹ nhàng, hạnh phúc. Và khi phần phát triển bắt đầu, bất ngờ xuất hiện chủ đề thứ ba, kéo dài bốn ô nhịp, được bắt nguồn từ một giai điệu trong chương IV bản Giao hưởng số 9 của Beethoven, trình tấu trên clarinet với sự hỗ trợ từ dàn dây. Không khí trở nên căng thẳng hơn cho đến khi bốn nốt nhạc của chủ đề thứ hai xuất hiện trở lại đạt đến một cao trào nhỏ rồi dần biến mất. Schubert dẫn dắt người nghe vào phần tái hiện, với âm thanh phô trương ở đầu chương nhạc. Nhưng ở đây, âm nhạc thay vì giọng Đô trưởng theo truyền thống đã được nhà soạn nhạc chuyển sang Mi giáng trưởng. Giọng chủ chỉ trở lại đột ngột khi chủ đề hai với bốn nốt nhạc được tái hiện, lần này mạnh mẽ hơn. Ánh hào quang rực rỡ đã xuất hiện, bè dây tiến về phía trước như một cơn lốc. Toàn bộ dàn nhạc, được kèn đồng dẫn dắt đã khép lại tác phẩm trong huy hoàng ở giọng chủ Đô trưởng.

Trên bản thảo gốc của bản giao hưởng, Schubert đã ghi chú Tháng 3/1828. Chính điều này đã khiến giới học thuật lầm tưởng trong nhiều năm rằng đây là thời điểm hoàn thành bản giao hưởng. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau đó đã chỉ ra Schubert bắt đầu phác thảo tác phẩm của mình vào năm 1824 và hoàn thành vào năm 1826. Cho đến ngày nay, ý nghĩa của Tháng 3/1828 vẫn chưa được xác định. Những gì còn lưu giữ phản ánh sự lao động cật lực của Schubert với nhiều đoạn bị gạch bỏ và thay thế hơn bất cứ một tác phẩm nào khác của nhà soạn nhạc. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Schubert không thể thu hút được sự chú ý của công chúng. Ông không phải là một nghệ sĩ biểu diễn trong khi các tác phẩm của nhà soạn nhạc hiếm khi được xuất bản, cho dù đó là những lied có quy mô khiêm tốn chứ đừng nói đến thể loại đồ sộ như các bản giao hưởng. Tác phẩm này cũng có chung số phận như vậy. Phải đến năm 1849, nó mới được Breitkopf & Härtel xuất bản. Qua nhiều ấn phẩm khác nhau, bản giao hưởng này từng được đánh số 7, 8 và thậm chí là 10. Schubert không đặt tên cho tác phẩm của mình. “Great” – Lớn được chỉ định nhằm mục đích phân biệt với bản giao hưởng số 6 “Little” – Nhỏ có cùng giọng Đô trưởng của nhà soạn nhạc. Giá trị của bản giao hưởng số 9 này đã không được công nhận mãi cho đến thế kỷ 20. Bernard Shaw từng tự tin khẳng định: “chưa bao giờ bực mình hơn với một tác phẩm được viết ra giấy như thế này”.

Ngày nay, tác phẩm này của Schubert được đánh giá là một sự nối tiếp tuyệt vời Giao hưởng số 9 của Beethoven. Lập luận logic kịch tính, quyết liệt của người Đức đã được nhường chỗ cho lối kể chuyện nhẹ nhàng và cuốn hút của nhà soạn nhạc trẻ người Áo. “Great” đang đứng ở ngã ba đường: Sự chú ý đến hình thức và cấu trúc đánh dấu đây là bản giao hưởng cuối cùng của thời kỳ Cổ điển còn nội dung trữ tình và tính sử thi của nó hướng thẳng tới chủ nghĩa Lãng mạn. Không chỉ có vậy, đó còn là một tác phẩm tuyệt vời theo đúng nghĩa và là một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đầy rẫy những tinh hoa của Schubert.

Ngọc Tú tổng hợp
Nguồn:
bhso.org.uk
sfsymphony.org
theguardian.com