“Rất ít “ca sĩ của gia đình” được yêu mến đến như vậy và không một cuốn sách nào về lịch sử opera có thể được coi là hoàn chỉnh nếu như thiếu một chương về sự nghiệp chói lọi của cô.” – Tuyên bố của La Scala

Ca sĩ gạo cội giọng mezzo-soprano người Ý Giulietta Simionato là một trong những ca sĩ opera xuất sắc nhất thế giới trong thế hệ của bà. Giống như người bạn thân thiết Maria Callas, Simionato sở hữu khả năng độc đáo trong việc thể hiện các vai diễn, bộc lộ được tính đặc trưng rất khác biệt. Giọng hát của bà không quá mạnh mẽ như các mezzo-soprano khác như Ebe Stignani, Fedora Barbieri hay Fiorenza Cossotto nhưng bà có sự thanh lịch bẩm sinh, chất giọng rất dễ nhận biết với khả năng biến đổi màu âm đa dạng và một âm vực rộng, lên đến 2 quãng 8 rưỡi, bao trùm lên âm vực của giọng soprano và đạt được sự cân bằng hoàn hảo, dải âm trầm đầy đặn, ấm áp và chắc nịch còn dải âm cao thì sáng chói và rực rỡ. Mặc dù không thực sự điêu luyện nhưng kỹ thuật coloratura của bà vẫn rất trôi chảy giúp bà rất thành công trong những vở opera bel canto. Tuy nhiên, Simionato nổi tiếng nhất khi hoá thân vào những vai mezzo-soprano trong các vở opera của Verdi và đặc biệt là Santuzza (Cavalleria rusticana, Mascagni). Ban đầu Mascagni sáng tác vai diễn Santuzza để dành cho giọng soprano và ông không thích mezzo-soprano hát vai này. Nhưng sau khi nghe Simionato hát, ông đã nghi ngờ chính bản thân mình: “Tôi không thể tin được… Tôi đã sai.” Dù sở hữu một vóc dáng nhỏ nhắn (bà chỉ cao hơn 1m50) nhưng với khả năng diễn xuất, hoá thân vào nhân vật đặc biệt xuất sắc, Simionato luôn giành được sự ngưỡng mộ của những người đồng nghiệp và nhạc trưởng vĩ đại trong suốt sự nghiệp của mình.

Giulietta Simionato sinh ngày 12/5/1910 tại vùng Forlì, Romagna trong một gia đình có người cha chịu trách nhiệm quản lý một nhà tù và mẹ là Giovanna, một người phụ nữ rất nghiêm khắc và hiếm khi bày tỏ tình cảm đối với con gái. Tuổi thơ của Giulietta không hề bình yên, cô bé không thực sự hạnh phúc. Ngay khi mới lên một tuổi, trong một lần đùa nghịch, chị gái Regina đã khiến em mình ngã đập đầu xuống đất. Tai nạn đó đã khiến Giulietta bị động kinh, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của cô bé trong vài năm sau đó. Regina đã bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Khí hậu vùng Forlì không tốt đối với sức khoẻ của bà Giovanna nên vài năm sau, cả gia đình đã chuyển về vùng Sardina, quê nhà của bà. Tại đây, ông ngoại của Giulietta sở hữu một điền trang rộng lớn. Giữa cây cối, những con vật nuôi đáng yêu, bầu trời trong xanh và không khí trong lành, sức khoẻ của cô bé đã hồi phục và Giulietta tỏ ra rất yêu thích miền quê này. Tình cảm của cô bé và ông ngoại cũng vô cùng gắn bó, thậm chí còn thân thiết hơn nhiều so với mẹ cô. Ông ngoại tặng cô một con ngựa nhỏ và ngay lập tức Pariggeddu trở thành người bạn đồng hành của cô bé. Hàng ngày Giulietta cưỡi chú ngựa phóng khắp điền trang của ông mình, lắng nghe các bài hát của những người nông dân đang làm việc. Dàn hợp xướng đơn giản nhưng đầy mê hoặc. Đó chính là nơi mà cô bé cảm thấy hạnh phúc nhất, thay vì ngôi nhà thiếu vắng sự ấm áp của tình cảm mà chỉ tràn đầy vẻ lạnh lùng và hà khắc của kỷ luật quân đội. Giulietta thường náu mình trong một căn phòng hẻo lánh nào đó và hát lại những bài hát của người nông dân. Tuy nhiên, việc này cũng vấp phải sự phản đối của mẹ cô, người không thích nghe hát và Regina, luôn chê bai giọng hát xấu xí và chói tai của em gái mình.

Khi Giulietta lên 8 tuổi, vì công việc của người cha, cả gia đình phải chuyển đến Rovigo. Tuy nhiên, vì căn bệnh đau đầu của mình, thỉnh thoảng bà Giovanna vẫn phải quay về Sardina. Tại Rovigo, Giulietta vào học tại trường Nữ tu Mary Child. Trong gia đình cô, không có ai theo đuổi con đường nghệ thuật, không hề có tiền lệ cho việc cô bé sẽ trở thành ca sĩ. Đó là chưa kể đến việc mẹ cô cực lực phản đối. Nhưng những bài hát xứ Sardina của những người nông dân đã khắc sâu trong tâm trí Giulietta và đã tạo nên những đốm lửa nhỏ. Và chính tại Rovigo, nó đã bùng cháy. Những người đầu tiên nhận ra khả năng ca hát của cô bé chính là những nữ tu tại trường Mary Child, trong đó có một người trùng tên với cô, Sơ Giulietta. Chính tại nơi đây, cuộc phiêu lưu âm nhạc kỳ diệu của Simionato đã bắt đầu. Cô bé được học hát và tham gia dàn hợp xướng của trường. Simionato nhớ lại: “Không phải tôi là người phát hiện ra mình có giọng hát mà là những người khác đã nhận ra Chúa ban cho tôi món quà này và kiên quyết thúc đẩy tôi biến nó thành hiện thực. Tôi yêu thích ca hát. Tôi có một đôi tai hoàn hảo và học các bài hát một cách dễ dàng. Trong nhà thì lại không chịu được tiếng hát của tôi, tôi thường phải đóng cửa phòng tắm thật chặt để thoả mãn mong muốn ca hát của mình. Các nữ tu thì dạy tôi hát và khen tôi giỏi. Họ cho tôi tham gia vào các chương trình của họ. Tôi không dám kể với gia đình vì sợ họ sẽ ngăn cản tôi. Tôi hát với cái cách học được từ những người nông dân Sardina, nghĩa là cái miệng mím chặt. Sơ Giulietta nói với tôi: “Nó không tốt”. Đó là giáo viên đầu tiên của tôi. Cô bắt tôi ngậm một cái nút chai và dạy tôi một loạt cách phát âm đơn giản. Hàm của tôi cứng đơ vào buổi tối nhưng chỉ sau vài tuần, tôi đã học được cách phát âm rõ các từ và trở nên thành thạo”.

Khi Giulietta 15 tuổi, tại Rovigo có một dàn hợp xướng lớn và giám đốc dàn nhạc, ông Cremesini được nghe nói về tài năng của cô bé, ông đã cử trợ lý đến gặp bà Giovanna để xin cho Giulietta được tham gia dàn hợp xướng. Bà đã bị sốc: “Con gái của tôi hát? Không bao giờ, tôi thà giết nó còn hơn”. Phản ứng dữ dội và không khoan nhượng của bà bắt nguồn từ việc vào thời điểm đó, quan niệm của vùng Sardina là những người phụ nữ ca hát là những người dễ dãi và đáng khinh. Sợ hãi, trợ lý của ông Cremesini đã phải rút lui. Một năm sau, bà Giovanna qua đời. Mặc dù chưa bao giờ bà Giovanna bộc lộ tình mẫu tử thực sự đối với con gái mình nhưng Giulietta vẫn vô cùng đau khổ vì mất mát đó. Cremesini đã quay trở lại, gặp gỡ cha cô nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Vợ tôi phản đối điều đó và tôi sẽ không đưa ra quyết định mà cô ấy sẽ không bao giờ chấp thuận”. Không nản lòng, một năm sau Cremesini tiếp tục quay trở lại, lần này thiết tha hơn: “Con gái ông có những món quà rất đặc biệt. Thật tiếc khi không nuôi dưỡng chúng. Làm ca sĩ có thể là con đường của cô ấy”. Cuối cùng thì cha cô cũng bị thuyết phục. Tại dàn hợp xướng, dù đã vượt qua những trở ngại từ phía gia đình, Giulietta vấp phải một vấn đề khác không kém phần khó khăn: Sự giáo dục cứng nhắc và lạnh lùng từ phía mẹ mình khiến cô trở nên nhạy cảm hơn. Cô gái trẻ khó hoà nhập với môi trường bên ngoài, luôn cảm thấy bất an, nghi ngờ và sợ hãi. Hát hợp xướng là nghệ thuật của tập thể. Sự hoản hảo chỉ đạt được khi làm việc cùng nhau và cố gắng cùng nhau loại bỏ các khiếm khuyết. Với trạng thái tâm lý của Giulietta, cô gần như không thể tham gia được vào dàn hợp xướng. Thật may mắn, xung quanh cô là những người tài năng và thấu hiểu. Họ dần dần giúp cô hoà nhập được với môi trường mới: “Tại đây có nhiều học sinh giỏi khác. Sau một thời gian, tôi đã vượt qua tất cả bọn họ”. Cùng với dàn hợp xướng, tại Teatro Sociale, Rovigo, năm 1927, lần đầu tiên Giulietta được đóng trong một vở opera khi cô vào vai Hansel trong vở opera Hansel và Gretel của Engelbert Humperdinck và sau đó là vở opera hài Nina non fare la stupida của Giorgio Giacchetti.

Rovigo là một thành phố nhỏ và tất cả mọi người đều nhận thấy Giulietta cần một không gian to lớn hơn. Cô được giới thiệu tới Ettore Lucatello, một giảng viên thanh nhạc nổi tiếng lúc đó. Ấn tượng trước giọng hát của Giulietta, Lucatello đã đồng ý nhận cô làm học trò mình: “Tôi sẽ chỉ cho em một số câu chuyện lãng mạn và chúng ta sẽ tổ chức một số buổi hoà nhạc. Sẽ chỉ có em và em là nhân vật chính”. Lucatello đã trở thành giảng viên thanh nhạc thực sự đầu tiên của Giulietta. Lucatello đã thực hiện lời hứa của mình, ông đã tổ chức cho cô một số buổi biểu diễn tại Venice, giúp cô làm quen với việc xuất hiện trước công chúng. Sau đó, cô tiếp tục hát tại Padua, Montagnana, Udine và Cividale. Bước ngoặt đến với sự nghiệp của Giulietta vào năm 1933. Tình cờ đọc được trên một tờ báo về cuộc thi thanh nhạc sắp diễn ra ở Teatro Comunale, Florence, cô hỏi ý kiến Lucatello và ông đồng ý cho cô tham gia. Lên đường tới Florence, Giulietta nhận ra mình phải đối đầu với 384 đối thủ cạnh tranh khác. Họ đều có người nhà đi cùng trong khi cô chỉ có một mình. Ban giám khảo gồm nhiều tên tuổi lớn, trong đó nổi bật có nhà soạn nhạc Umberto Giordano, nhạc trưởng Tullio Serafin và soprano Rosina Storchio, Madama Butterfly đầu tiên trong lịch sử. Bản thân Giulietta cũng rất bất ngờ khi thấy cuối cùng chính mình là người giành chiến thắng. Khi cô lên nhận giải, Storchio đã xúc động nói: “Hãy luôn hát như thế này, cô gái, đừng bao giờ thay đổi”.

Một tương lai rộng mở tưởng chừng như chào đón cô gái 23 tuổi. Những người quen biết cô đều nghĩ Simionatto sẽ khởi đầu một sự nghiệp tuyệt vời, bản thân cô cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, đó lại là một quãng thời gian chờ đợi lên đến 14 năm. Rất nhiều đau khổ và nước mắt trong giai đoạn đó. Nhớ lại về quãng thời gian này, Simionato từng phải thốt lên: “Nếu tôi phải làm lại tất cả, tôi sẽ không trở thành ca sĩ. Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều”. Trước khi trở về Rovigo, cô đến gặp Serafin. Vị nhạc trưởng tài ba đã khen ngợi: “Cô thực sự giỏi. Cô sẽ có một sự nghiệp tuyệt vời. Cô nên học vai Cenerentola (La Cenerentola, Gioachino Rossini) vì cô sinh ra để hát vai đó”. Sau đó ông khuyên cô nên tới thử giọng ở La Scala và gửi gắm cô tới một người bạn ở đó. Từ Rovigo, Simionato lên đường đến La Scala – thánh đường opera. Khi cô nói rằng Serafin giới thiệu cô đến, mọi người ở đó đã lắng nghe cô. Người bạn của Serafin khen ngợi giọng hát của cô nhưng cho rằng cô quá trẻ. “Hãy trở lại đây sau hai năm nữa”, ông ta khuyên cô. Mùa thu năm 1935, một lần nữa Simionato lên đường đến Milan. Lần này cô đã được nhận. Khi đó cô chưa nhận biết được tầm quan trọng và sự vĩ đại của La Scala nhưng cô biết đó là một nhà hát uy tín và có thể giúp cô trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, tại đây tính cách của Simionato một lần nữa ngăn cản cô hoà nhập với nhà hát. Cô nhút nhát, dè dặt và sợ hãi. Khi tập hát, Simionato không thể hiện được cảm xúc. May thay, nhạc trưởng Gino Marinuzzi đã hiểu và thông cảm: “Simionato giống như một que diêm ướt, cô ấy không thể toả sáng ở lần đầu tiên”. Ngày 29/1/1936, cuối cùng thì cô cũng có vai diễn đầu tiên của mình tại La Scala dù chỉ là một vai nhỏ trong Suor Angelica (Giacomo Puccini). Cô được ký hợp đồng chính thức với nhà hát và hi vọng vào một tương lai xán lạn.

Tuy nhiên, sau đó là 11 năm đằng đẵng cô gắn bó với La Scala mà hầu như không có được một vai diễn thực thụ nào. Hoạ chăng chỉ là một vài vai diễn rất nhỏ với dăm ba câu hát trong cả vở opera hoặc thậm chí là diễn viên “đúp 3”, “đúp 4” (là người dự bị thứ ba, thứ tư cho vai diễn, chỉ được biểu diễn khi diễn viên và người thay thế chính đều không thể ra sân khấu). Tình trạng này đã xúc phạm đến niềm kiêu hãnh và làm hỏng những ước mơ của cô đồng thời bào mòn đi lòng tự tin và nhân cách của cô gái trẻ. Simionato thường tự nhủ: “Mình chả là gì cả” và khóc trong tuyệt vọng. Mặc dù vậy, cô vẫn được trả lương và cô không đủ năng lực để làm công việc khác cũng như thiếu can đảm để đến với những nhà hát khác. Cô đành ở lại và hi vọng vào một điều thần kỳ: “Bất cứ điều gì có thể, tôi đã tự làm. Tôi chỉ có một mình và phải hát để sống”. Sau này, khi lý giải về hoàn cảnh lúc đó của mình, Simionato cho rằng do tình hình chính trị. Chủ nghĩa Phát xít đang bao phủ nước Ý và cô thiếu người đỡ đầu nên không được giao vai diễn. Tình trạng tồi tệ của Simionato đã chấm dứt vào cuối năm 1946 khi Serafin trở thành giám đốc nghệ thuật của La Scala. Ông không quên cô gái trẻ năm nào và Simionato đã có được những vai diễn của mình. Ngày 17/4/1947, cô hát trong Dorabella (Così fan tutte, Wolfgang Amadeus Mozart) và sau đó là Carmen (Carmen, Georges Bizet) cùng Giacomo Lauri-Volpi và đặc biệt là vào tháng 10, cô toả sáng với Mignon (Mignon, Ambrose Thomas) cùng Giuseppe di Stefano. Simionato ngay lập tức trở thành ngôi sao toả sáng lấp lánh trên bầu trời La Scala. Sau đêm diễn, những cuộc điện thoại, những bức thư, những bông hoa được gửi tới tấp tới cô. Sự nghiệp của Simionato “bùng nổ” theo đúng nghĩa đen. Kể từ đó, cô không có được một giây phút nghỉ ngơi nào.

Cô liên tục có được vai diễn tại La Scala đồng thời nhận được lời mời từ khắp những nhà hát nổi tiếng khác trên toàn thế giới. Simionato di chuyển liên tục, thường biểu diễn 80, 90 buổi trong năm, một mức trung bình khá cao nếu so với những ca sĩ khác. Năm 1948, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Arrigo Boito, nhạc trưởng Arturo Toscanini thực hiện chương trình biểu diễn cùng La Scala để tưởng nhớ nhà soạn nhạc. Simionato được giao vai Rubria trong màn III và IV vở Nerone. Antonio Votto chịu trách nhiệm tập luyện cùng các ca sĩ tại nhà của Toscanini. Lần đầu giáp mặt một tượng đài như Toscanini, Simionato đã rất bối rối. Cô không thể hát chính xác phần của mình. Toscanini đã đến bên cô: “Cô gái, trong cảnh này phải có sự thanh thản tuyệt đối. Rubria đang chết nhưng cô ấy không sợ chết. Giọng hát của cô ấy phải được nghe thấy một cách tuyệt đối. Nội tâm phải bình tĩnh”. Simionato đã hát lại phần của mình. Toscanini quay lưng lại và đi về phía cửa sổ. Một lúc sau, ông quay lại: “Brava. Arrigo hẳn sẽ thích phần của cô”. Sau buổi tập, Votto nói với cô: “Tôi tin rằng chưa có ca sĩ nào khiến Toscanini rơi nước mắt như cô đã làm”. Năm 1949, lần đầu tiên Simionato gặp Callas và họ đã trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Tuy nhiên, với tính cách hướng nội, hiếm khi Simionato chủ động liên lạc với Callas, một điều mà sau này cô đã hối tiếc: “Maria rất nổi tiếng, rất được săn đón và tôi luôn sợ làm phiền cô ấy… Chỉ sau cái chết của cô ấy, tôi mới nhận ra rằng, nếu tôi ở gần cô ấy hơn, cô ấy sẽ bớt đi nỗi cô đơn”. Simionato cũng trở thành khách mời thường xuyên tại Salzburg Festival, nơi cô có cơ hội được cộng tác với Vienna State Opera và những nhạc trưởng hàng đầu như Karl Böhm hay Herbert von Karajan.

Simionato lần lượt xuất hiện tại nhiều nhà hát danh tiếng như Covent Garden vào năm 1953 và xuất hiện tại Mỹ lần đầu cùng năm tại San Francisco trong Charlotte (Werther, Jules Massenet). Ngày 26/101959, bà lần đầu ra mắt khán giả Metropolitan Opera trong Azucena (Il Trovatore, Giuseppe Verdi) bên cạnh Carlo Bergonzi, Antonietta Stella và Leonard Warren. Winthrop Sargeant đã nhận xét trên The New Yorker: “Sự chói sáng đến từ Simionato… Cô đã hát quá hoàn mỹ và diễn xuất quá thuần thục, điều khiến cô trở thành trung tâm của đêm diễn, thường xuyên tạo ra những yếu tố kịch tính chỉ xuất hiện ở những nghệ sĩ ưu tú nhất”. Tuy nhiên, bà không gắn bó nhiều với Metropolitan Opera mà lại cộng tác khá chặt chẽ với Lyric Opera of Chicago mà bà xuất hiện lần đầu vào năm 1954 trong Adalgisa (Norma, Vincenzo Bellini) bên cạnh Callas. Giọng hát của Simionato có màu âm hơi tối nhưng bà sở hữu một kỹ thuật thanh nhạc xuất sắc với âm vực rất rộng. Điều này khiến một số nhà phê bình âm nhạc coi bà là “người có hai giọng hát”. Một điểm nổi bật đáng chú ý nữa là Simionato khả năng diễn xuất đỉnh cao, điều phân biệt bà với những ca sĩ đương thời, nhiều người trong số họ chỉ biết đứng trên sân khấu và hát. Với sự đa dạng trong giọng hát của mình, danh mục biểu diễn của bà khá đồ sộ, lên đến hơn 50 vai diễn trong các vở opera. Simionato thường chia sự nghiệp của mình ra thành 4 mảng: Đầu tiên là các vở opera bel canto của Rossini, Bellini và Gaetano Donizetti; hai là các vai nặng hơn trong các tác phẩm của Verdi; ba là các vai trữ tình như Mignon hay trong opera của Mozart, Richard Strauss; cuối cùng là các vở versimo (Carmen cũng được bà xếp vào mảng này). Bà cũng thực hiện thu âm hơn 20 vở opera, chủ yếu với hãng Decca.

Không còn nghi ngờ gì, Simionato đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất của thời đại mình. Bà đã trở thành nữ hoàng tại La Scala, vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, bà đã không từ bỏ và cuối cùng đã giành được rất nhiều vinh quang. Dù rất nổi tiếng, nhưng bà không hề cư xử như một ngôi sao. Bà vẫn luôn giản dị, tránh xa những sự phô trương: “Tôi là một người đơn giản. Tôi chưa bao giờ có tham vọng lớn và không muốn tạo ra những sự giật gân. Tôi hài lòng dù chỉ với những thứ ít ỏi”. Thật bất ngờ khi đầu năm 1966, khi giọng hát vẫn còn đang vô cùng tuyệt vời và ở trên đỉnh cao của danh vọng, Simionato tuyên bố giã từ sự nghiệp biểu diễn với vai Servilia (La Clemenza di Tito, Mozart) tại La Scala mà bà chỉ học trong vài ngày. Các buổi biểu diễn cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm lần đầu bà xuất hiện tại nhà hát này. Lý giải cho nguyên nhân của mình, sau này Simionato cho biết: “Tôi đang sống thanh bình và rất tươi đẹp trong cuộc sống riêng tư của mình. Và tôi muốn thưởng thức nó một cách trọn vẹn nên tôi đã từ bỏ ca hát. Đúng là trong sự nghiệp tôi đã có những vinh quang, được những nhà phê bình khó tính nhất thừa nhận, có được sự nổi tiếng nhưng trong đó có bao nhiêu nước mắt. Do đó tôi muốn rời khỏi sân khấu, ngay cả khi giọng hát của tôi vẫn còn hoàn hảo, để tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc này”. Sau đó, bà chỉ xuất hiện trên sân khấu trong những dịp hiếm hoi, như buổi tưởng nhớ Callas vào ngày 16/10/1977 hay hát aria “Non so più” trong vai Cherubino (Le nozze di Figaro, Mozart) trong đêm diễn tôn vinh Böhm, nhạc trưởng đã chỉ huy đêm diễn Cherubino đầu tiên của bà 32 năm trước đó. Năm 1995, một buổi lễ kỷ niệm 85 năm ngày sinh của bà đã được tổ chức ở La Scala. Dù rời xa sân khấu, nhưng Simionato vẫn gắn bó với opera bằng cách làm giám khảo trong các cuộc thi thanh nhạc và dạy hát. Một số tên tuổi nổi tiếng từng có thời gian theo học với bà gồm có Shirley Verrett hay Paata Burchuladze.

Ngày 5/5/2010, một tuần trước ngày sinh nhật lần thứ 100 của mình, Simionato qua đời tại nhà riêng ở Rome. Một cuộc đời đầy vinh quang nhưng cũng nhiều nước mắt đã nằm xuống. Giọng hát của Simionato thật sự là một món quà của thượng đế. Bà đã hát bằng cả tâm hồn. Đối với bà, nghệ thuật có lẽ là “để sống”. Và với niềm khát khao đó, trong nhiều năm, Simionato đã trở thành người xuất sắc nhất nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương nhất. Từng bị rất nhiều thứ cản trở, bà đã phải chịu đựng một cách khủng khiếp. Simionato đã phải cố gắng từng chút một để bộc lộ và hoàn thiện bản thân. Những sự đau khổ đã để lại vết thương sâu đến mức, khi đánh giá sự tồn tại của bản thân, khi kết thúc cuộc hành trình vinh quang, bà lại nhớ đến những thất bại nhiều hơn là thành công. Với những người say mê opera, giọng hát của Simionato thực sự là một báu vật. Dù bà đã ra đi nhưng những di sản của bà vẫn sẽ mãi được trân trọng và giữ gìn.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
bruceduffie.com
tonyassante.com
belcantosociety.org
washingtonpost.com