“Ca hát rất vui! Tôi luôn rất thích ca hát. Khoảnh khắc trước khi lên sân khấu là khoảnh khắc khủng khiếp nhất. Hàng ngàn điều xuất hiện trong tâm trí bạn. Bạn cần phải ra ngoài và làm hài lòng khán giả. Bạn cần phải làm những gì bạn đã học. Bạn có rất nhiều câu hỏi trong đầu trước khi ra ngoài và sau đó bạn bắt đầu. Ngay khi tôi bắt đầu, tôi rất thích nó. Tôi như có cuộc sống thứ hai vậy. Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm ơn Chúa đã ban cho tôi món quà này.” – Renata Scotto

Nhắc đến Renata Scotto là chúng ta đang nói tới một soprano nổi bật của thế giới trong những năm 60 và 70 của thế kỉ 20. Đó là người nghệ sĩ sở hữu nghệ thuật thể hiện cá nhân mà rất ít ai khác có thể đạt được. Bà sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, không bao giờ chịu thoả hiệp và luôn giành được chiến thắng trên con đường mà mình đã chọn. Không có được một giọng hát thiên thần, kỹ thuật thanh nhạc không hề nổi trội, vóc dáng thấp bé chẳng thể thu hút được nhiều ánh mắt của khán giả nhưng thần thái và diễn xuất tuyệt vời của Scotto đã khiến khán giả và giới phê bình bỏ qua tất cả những khuyết điểm trong giọng hát của bà, như Harold C. Schonberg từng nhận xét: “Giọng của cô ấy có thể hơi khô cứng và hiếm khi cô ấy hát aria mà không mắc một số khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là khi cô ấy hát, đó một tâm hồn nhạy cảm hoạt động và một cá tính mạnh mẽ bộc lộ.” Chính nhờ những đặc điểm này mà Scotto được so sánh với Maria Callas, người mà Scotto ngợi khen là vĩ đại hơn tất cả. Cũng chính nhờ Callas rút lui khỏi vai diễn Amina (La sonnambula, Vincenzo Bellini) mà Scotto được gọi thay thế để từ đó trở thành một ngôi sao quốc tế vào ngày 3/9/1957 ở tuổi 23. Kể từ đó, cái tên Scotto đã toả sáng rực rỡ, đóng góp thêm một vì tinh tú vào bầu trời opera thế giới.

Renata Scotto sinh ngày 24/2/1934 tại Savona, một thị trấn công nghiệp nằm ven biển Ligura, Địa Trung Hải. Cha của cô, ông Gino là một cảnh sát giao thông và mẹ, bà Santina là một thợ may. Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, ông Gino ở lại Savona còn Renata cùng mẹ và chị gái Luciana sơ tán đến Tovo San Giacomo, một thị trấn nhỏ không cách Savona quá xa vào năm 1940. Tovo San Giacomo là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của Scotto, đó là nơi bà có được những người bạn đầu tiên cũng như được rước lễ lần đầu. Bà Santina đã cố gắng bảo vệ các cô con gái của mình khỏi những nỗi đau chiến tranh và giấu đi những phiền muộn lo lắng để họ có được một tuổi thơ thanh bình và hạnh phúc. Renata là một cô bé hiếu động, nghịch ngợm, có nhiều bạn nam hơn bạn nữ và thường xuyên chơi bóng đá cùng họ, dù không có giày và tất. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của cô chính là ca hát. Renata hát bất cứ khi nào có thể, từ bậu cửa sổ nhà, trên đường phố và ven bờ suối Maremola khi cùng mẹ giặt quần áo. Scotto hồi tưởng: “Tôi không biết một vở opera nào cả. Tôi hát những bài hát tôi nghe trên radio. Nhưng vào thời đó, họ phát những bài hát nổi tiếng được các giọng ca opera hay nhất biểu diễn, như Beniamino Gigli hát Mamma và Tito Schipa hát Vivere. Lúc đó tôi không hề hay biết, nhưng họ là những giáo viên dạy hát đầu tiên của tôi!”. Renata hát cho những người hàng xóm nghe và họ cảm ơn bằng những chiếc kẹo, một điều khá xa xỉ trong bối cảnh thiếu thốn lúc bấy giờ. Cô bé đã nhanh chóng cảm nhận được sự yêu mến của khán giả: “Tôi muốn trở thành một ngôi sao và là người dẫn đầu”. Tính mục đích của Scotto đã được khẳng định ngay từ lúc này: “Bạn thấy đấy, tôi chưa bao giờ hát chẳng vì điều gì trong đời mình”.

Cuộc thế chiến kết thúc, cả gia đình Renata đoàn tụ tại Savona. Người đầu tiên nhận ra tài năng ca hát của Renata là người chú họ, ông Salvatore, một ngư dân. Cô thường xuyên hát trên thuyền của ông, “để thu hút cá”. Chính ông đã thuyết phục cha mẹ cô để Renata đến Milan theo học thanh nhạc. Và dù không hề khá giả nhưng Salvatore chính là người đã chi trả tiền cho cháu của mình. Trước khi Renata lên đường, Salvatore đã đưa cô đến Teatro Chiabrera, Savona để thưởng thức vở opera lần đầu tiên trong đời: “Con phải biết opera là gì vì nếu con trở thành ca sĩ, đây sẽ là thế giới của con”. Đó là Rigoletto (Giuseppe Verdi) với Titto Gobbi đóng vai chính. Scotto nhớ lại: “Đó là một cảm xúc đặc biệt đối với tôi và trải nghiệm đó đã để lại dấu ấn trong tôi mãi mãi. Cứ như thể tôi không có đủ tai và mắt để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của nó. Đối với tôi, việc các ca sĩ opera vừa hát vừa diễn dường như là điều tuyệt vời nhất trên đời và tôi nhận ra rằng đây chính là điều tôi muốn làm trong cuộc đời mình… Gobbi ca sĩ vĩ đại và Gobbi diễn viên vĩ đại đã khiến tôi quyết định đêm đó rằng mình sẽ trở thành một ca sĩ opera”. Mọi thứ diễn ra thật nhanh chóng. Ở tuổi 13, Renata lên đường tới Milan để theo đuổi ước mơ của mình với tiền của chú Salvatore và những lời chúc phúc của bố mẹ.

Tại Milan, Scotto ban ngày học hát và piano, buổi tối về sống trong tu viện Canossian dành riêng cho các vị nữ tu. Đó là một giai đoạn rất vất vả với cô. Buổi sáng thức dậy vào lúc mặt trời mọc, làm lễ, sau đó là những bài học. Chiều chủ nhật nào Renata cũng đến La Scala để chứng kiến cách thức một vở opera được vận hành ra sao. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô kiếm thêm thu nhập bằng cách may vá hoặc công việc dọn dẹp. Mô tả lại cuộc sống tại Canossian, Scotto cho biết “ở đâu đó giữa nhà tù và một trường mẫu giáo rất khắc khổ”. Chính những đức mẹ bề trên tại tu viện lại giảng dạy cho cô về sự tầm thường của âm nhạc thế tục và nhiều bản nhạc của Scotto đã bị lấy đi mất. Năm 18 tuổi, Scotto đã có được vai diễn đầu tiên của mình, đó là Violetta (La traviata, Verdi). Cô đã hát tại chính quê hương của mình Savona vào đúng đêm Giáng sinh. Trong hàng ghế có khán giả có người chú Salvatore, ông đã rất tự hào và hạnh phúc về cô cháu của mình. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau Salvatore đã qua đời và việc ông không thể chứng kiến những thành công sau đó của Scotto chính là một nỗi buồn lớn trong cuộc đời Scotto. Giành giải nhất trong một cuộc thi thanh nhạc, phần thưởng của cô chính là vai Violetta tại Teatro Nuovo, Milan.

Một bước tiến đáng kể trong sự nghiệp của Scotto diễn ra vào ngày 7/12/1953 khi cô lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu La Scala với vai Walter trong La Wally (Alfredo Catalani) với hai siêu sao Renata Tebaldi và Mario del Monaco đóng vai chính. Nhạc trưởng là Carlo Maria Giulini. Trong buổi thử giọng, sau khi chứng kiến tài năng của cô, Victor de Sabata đã nhận xét: “Hãy quên phần còn lại đi”. Tuy nhiên, không phải không có những hoài nghi. Walter là một vai trouser (nữ ca sĩ vào vai nam giới) trong khi vóc dáng của Scotto quá nhỏ bé (cao khoảng 1m50). Khi hát, cô phải đeo một chiếc mũi giả. Tuy nhiên, kết thúc đêm diễn, chính Scotto mới là ngôi sao sáng nhất. Trong khi Tebaldi và del Monaco mỗi người chỉ nhận được bảy lần gọi ra chào khi hạn màn thì Scotto nhận được đến 15 lần, nhiều hơn cả hai vai chính cộng lại. Ngay sau chiến thắng này, La Scala đã mời cô hát trong những vai phụ tại đây. Tuy nhiên, cô đã từ chối. Sở hữu cá tính mạnh mẽ: “Các vai chính ở các nhà hát nhỏ hơn sẽ tốt hơn vai thứ tại La Scala. Tôi sẽ là một prima donna hoặc không gì cả”. Trong những năm sau đó, Scotto thu thập thêm kinh nghiệm biểu diễn và mở rộng kịch mục của mình bằng việc biểu diễn trên khắp nước Ý. Thành công đã đến nhưng Scotto vẫn tỉnh táo: “Thành công quá bất ngờ. Tôi chưa sẵn sàng về mặt kỹ thuật. Thiên nhiên đã ban cho tôi một giọng hát hay, nhưng nó cần được rèn luyện, trau chuốt. Chính Alfredo Kraus, người đã trở thành bạn tôi, đã đưa tôi đến gặp thầy của anh ấy, Mercedes Llopart. Tôi từ chối những lời mời làm việc, muốn tiếp tục việc học và hoàn thiện kỹ thuật hát bel canto của mình”.

Bước đột phá lớn trong sự nghiệp của Scotto đến vào ngày 3/9/1957 khi cô được chính Callas giới thiệu để thay thế bà hát trong Amina (La sonnambula) tại liên hoan Edinburgh. Bất kể việc Scotto chưa từng hát Amina trước đó cũng như chỉ được thông báo trước vài ngày, đêm diễn đã thành công rực rỡ. Đó gần như là một kỳ tích, khi hạn màn, Scotto được khán giả mời ra chào liên tục đến hơn 10 lần và chỉ khi nhạc trưởng bước lên sân khấu thì cô mới được “buông tha”. Bản thân Callas cũng dành cho người đàn em của mình những lời ngợi khen tốt đẹp. Sự nghiệp quốc tế của Scotto chính thức bắt đầu từ thời điểm này. Trong giai đoạn này, cô là một nhân tố tích cực trong việc phục hưng những vở opera bel canto mà Callas là người khởi xướng. Cùng với đó là những vở opera của Verdi và Giacomo Puccini. Ngày 3/5/1958, Scotto ra mắt tại Vienna State Opera trong Gilda (Rigoletto) bên cạnh Aldo Protti, Gianni Raimondi và Fiorenza Cossotto. Cô lần đầu hát tại Mĩ vào ngày 2/11/1960 tại Lyric Opera of Chicago trong Mimì (La bohème, Puccini). Kinh nghiệm sống của cô, của mẹ cô đã khiến Mimì chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt: “Tôi sẽ hiểu nỗi tuyệt vọng ngọt ngào của Mimì và niềm hạnh phúc của cô ấy khi nhớ đến cô thợ may Santina khi bà làm việc và hát”. Một trong những vai diễn khác cũng gắn liền với con đường nghiệp thuật của Scotto là Madama Butterfly (Madama Butterfly, Puccini). Cô đã hát nó trong buổi ra mắt của mình tại Covent Garden (10/9/1962) và Metropolitan Opera (13/10/1965). Raymond Ericson của New York Times đã dành cho cô những lời có cánh sau màn trình diễn: “Cô ấy thấp, hơi bụ bẫm, với khuôn mặt tròn rất biểu cảm. Cô ấy có giọng hát trữ tình màu sắc, với âm lượng tương đối nhỏ, nhưng có thể truyền tải cả khán phòng lớn nhờ âm sắc tập trung. Và cô ấy là một diễn viên hoàn hảo cả về giọng hát lẫn sự dịch chuyển”.

Metropolitan Opera là địa chỉ quen thuộc của Scotto. Tại đây, bà đã hát hơn 300 buổi trong 26 vai diễn. Tuy nhiên, để có được sự nổi tiếng đó, Scotto đã phải trải qua một quãng thời gian dài đấu tranh vất vả. Vị tổng giám đốc mạnh mẽ và rất khó tính Rudolf Bing chỉ đồng ý cho bà hát trong những vở opera quen thuộc như La traviata, Madama Butterfly, L’elisir d’amore (Gaetano Donizetti) và Lucia di Lammermoor (Donizetti). Mọi lời đề nghị về “cơ hội, sự phát triển và thử thách mới” đều bị bỏ qua: “Xin lỗi, thưa cô, cô sẽ phải đợi đến lượt mình”. Phản ứng lại, Scotto chỉ thực hiện những gì đã được cam kết trong hợp đồng và từ chối tất cả những gì ngoài đó. Nổi tiếng là một ngôi sao có cá tính mạnh mẽ. Scotto không hề ngần ngại đương đầu với những ông chủ đầy quyền lực hay những đồng nghiệp kì cựu. Tại một buổi biểu diễn L’elisir d’amore cùng Giuseppe di Stefano tại Bergamo vào năm 1963, trong một màn song ca, di Stafano đã bỏ mặc bà giữa màn song ca để gặm một quả táo. Ở cảnh kế tiếp, thay vì một cái véo má nhẹ nhàng như trong kịch bản, Scotto đã tát thẳng vào mặt di Stefano. Ngay cả người bạn thân thiết, từng có quãng thời gian lớn lên cùng nhau Luciano Pavarotti cũng không thoát khỏi những chỉ trích. Trong một buổi biểu diễn La Gioconda (Amilcare Ponchielli) tại San Francisco Opera, Pavarotti được cho là đã gạt các ca sĩ khác ra để ra chào khán giả trong và sau buổi biểu diễn, Scotto tức giận vì người bạn mình đã tạo ra phong thái của một ca sĩ vĩ đại và đối xử với bà như thể chỉ ở đó để đi cùng với ông. Trong phòng thay đồ, Scotto đã buông ra một lời tục tĩu mà không may, camera đã ghi lại. Bà đã không nói chuyện với Pavarotti trong vòng một thập kỷ. Scotto khẳng định: “Trong opera, ca sĩ phải được nhắc đến trước hết. Tôi đã nhiều lần thảo luận, đôi khi đánh nhau và tôi luôn thắng”.

Sau khi Bing nghỉ hưu và James Levine trở thành giám đốc âm nhạc của Metropolitan Opera, Scotto đã tìm thấy người bạn tri kỉ của mình trong opera. Sự hợp tác giữa hai người bắt đầu vào năm 1974 khi Scotto hát Elena (I vespri siciliani, Verdi) dưới sự chỉ huy của Levine. Levine đã trở thành người bảo trợ cho Scotto và bà đã dành những lời trân trọng tới vị nhạc trưởng tài ba này: “Với anh ấy, cuối cùng tôi giống như được bay vậy. Tôi đã tìm ra con đường của mình. Bởi vì anh ấy muốn khám phá tôi nhiều như tôi muốn khám phá tôi, anh ấy muốn khai thác khả năng của tôi”. Levine ngợi khen Scotto: “Renata là hậu duệ trực tiếp của những giọng soprano Ý vĩ đại, đầy biểu cảm”. Scotto đã mở rộng danh mục biểu diễn của mình. Bà đã hát trong Vitellia (La clemenza di Tito, Wolfgang Amadeus Mozart), Berthe (Le prophète, Giacomo Meyerbeer) hay Francesca (Francesca da Rimini, Riccardo Zandonai). Cùng với đó là những vai diễn giàu sức mạnh hơn của Verdi như Lady Macbeth (Macbeth), Leonora (Il trovatore), Amelia (Un ballo in maschera). Thậm chí sau này, Scotto còn đương đầu với những thử thách nặng nề hơn nữa như Kundry (Parsifal, Richard Wagner), Klytämnestra (Elektra, Richard Strauss) hay thậm chí là Người đàn bà trong Erwartung (Arnold Schoenberg). Tổng cộng, Scotto có tới hơn 100 vai diễn trong toàn bộ sự nghiệp của mình.

Scotto không hề sở hữu một giọng hát đẹp theo phong cách truyền thống. Đó là chưa kể, khi hát những nốt cao, âm thanh đôi khi bị biến dạng thành tiếng the thé, mang lại cảm giác chói tai cho khán giả. Chính vì vậy mà những người chỉ trích đọc trại tên bà thành Renata Screecho (Screech trong tiếng Anh có nghĩa là tiếng kêu thất thanh). Nhưng điều mà bà mang lại là sự hoá thân thực sự vào từng vai diễn và một âm sắc khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ ai khác. Sherrill Milnes đã nhận xét: “Cô ấy có màu giọng độc đáo. Ngay cả khi bạn không hiểu ngôn ngữ, bạn vẫn cảm nhận được điều đó. Cô ấy cũng sẽ hy sinh vẻ đẹp giọng hát để truyền tải được ngôn từ hoặc cảm xúc”. Còn Plácido Domingo thì thán phục: “Renata là người gần gũi nhất mà tôi từng làm việc cùng với một ca sĩ diễn viên thực thụ. Có một sự nhấn mạnh, một cảm xúc mà cô đặt đằng sau mỗi từ ngữ cô ấy định diễn giải”. Bản thân Scotto cũng nhấn mạnh về cách tiếp cận nghệ thuật của mình: “Tôi thích một nốt không hay trong giọng nói của mình hơn là sự hoàn hảo chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chính vì phong thái mang chủ nghĩa kịch tính mãnh liệt này vào từng vai diễn, mà Scotto luôn được mang ra so sánh với Callas, người có nhiều sự tương đồng với bà đến kì lạ. Chính điều này đã mang tới sự phản ứng tiêu cực từ những người hâm mộ Callas. Trong buổi biểu diễn I vespri siciliani vào ngày 7/12/1970 tại La Scala, mở màn cho mùa diễn mới, Callas có mặt trong khán phòng và được tôn vinh nhiệt liệt dù bà đã chia tay sân khấu trước đó còn Scotto bị la ó, chế giễu. Bất kể việc Callas đã gửi hoa đến phòng thay đồ và đứng dậy chúc mừng Scotto sau khi kết thúc vở opera, Scotto vẫn dành những lời nói nặng nề tới người đàn chị: “Callas muốn làm hại tôi nhưng cô ấy không thành công. Trên thực tế, tôi rất muốn cô ấy lên sân khấu và hát I vespri cho tôi nghe… Tôi tự hỏi cô ấy có thể làm được gì, tội nghiệp! Ngày nay cô ấy không hát nữa và có lẽ cô ấy tin rằng có thể vực dậy thành công của mình bằng cách sai lầm và khá thảm hại này”. Năm 1981, những người hâm mộ Callas tiếp tục la ó Scotto và hô vang “Brava Callas! Brava Callas!” khi bà xuất hiện trong Norma (Norma, Bellini) tại Metropolitan Opera. Nhiều người quá khích đến nỗi nhân viên an ninh phải áp giải họ ra ngoài sân khấu. Báo chí cũng không đứng về phía Scotto. Donal Henahan đã viết trên New York Times: “Scotto có thể nổi những âm thanh nhẹ nhàng phía trên khuông nhạc khá đẹp mắt và khi âm nhạc nằm ở khu trung âm thoải mái nhất của cô, âm sắc của cô sẽ lan tỏa khắp căn nhà một cách tuyệt vời. Nhưng khi buộc phải hát hết mình ở âm khu cao, ngữ điệu và kỹ thuật thanh nhạc đã bỏ rơi cô. Cô ấy hát dưới cao độ, lắp bắp và run rẩy. Cô ấy đã gặp khó khăn trong việc thực hiện những đoạn nhạc hoa mỹ, tập trung nỗ lực giọng hát và kịch tính của mình để xây dựng một loại cường độ thô thiển mà nhanh chóng trở nên mệt mỏi”. Sau này, Scotto thú nhận bà đã khóc trong phòng thay đồ và nghĩ: “Tôi tự hỏi liệu nó có thực sự xứng đáng hay không và tôi thực sự đã nghĩ đến việc rời đi, rời khỏi buổi biểu diễn, rời Met, rời New York. Tôi rất muốn cơn ác mộng này kết thúc”.

Năm 1984, Scotto cho xuất bản cuốn tự truyện Scotto: Hơn cả một Diva, chứa đựng khá nhiều những lời chê trách đồng nghiệp, càng củng cố thêm tính cách của bà. Trên thực tế, Scotto đơn giản chỉ là biết giá trị của bản thân mình và yêu cầu nó được công nhận. Vào năm 1987, Scotto giảm dần những buổi biểu diễn và bắt đầu một công việc mới, trở thành đạo diễn opera. Tác phẩm đầu tiên được bà dàn dựng chính là Madama Butterfly trên sân khấu Metropolitan Opera, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử vừa hát và đạo diễn tại đây. Bà cũng tham gia giảng dạy tại Accademia Nazionale di Santa Cecilia, Juilliard School và một số nơi khác. Nhiều ca sĩ nổi tiếng từ là học trò của Scotto như Renée Fleming, Anna Netrebko và Deborah Voigt. Voight đánh giá: “Điều thực sự ấn tượng nhất là bà không cố gắng đặt dấu ấn của mình lên đó. Bà đã dẫn dắt tôi vượt qua điều này và giúp tôi tìm ra con đường của mình qua vai diễn và Tosca của tôi, khác với của Renata Scotto”. Scotto cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của diễn xuất đối với một ca sĩ: “Tôi làm việc rất nhiều về cơ thể với các học sinh. Ngôn ngữ cơ thể phải đi kèm với giọng hát và lời nói. Cơ thể đang chuyển động theo giọng nói và biểu cảm. Nó phải liên quan đến sự giao tiếp của ngôn ngữ. Bàn tay rất quan trọng để giúp biểu cảm nhưng không quá nhiều. Nó thực sự là thước đo cho mọi thứ bạn phải sử dụng”. Cùng với chồng, nghệ sĩ violin của La Scala, Lorenzo Anselmi, bà chia sẻ thời gian tại hai nơi. Hai người kết hôn vào năm 1960 và có với nhau một người con trai, một cô con gái. Ông Anselmi đã giã từ sự nghiệp, tập trung vào công việc quản lý cho vợ mình. Đó là mối tình duy nhất của Scotto, bà rất trân trọng những gì mà Anselmi đã dành cho mình: “Quyết định lớn nhất của người đàn ông là từ bỏ sự nghiệp để cống hiến hết mình cho vợ”. Năm 2002, Scotto lần cuối cùng xuất hiện trên sân khấu với tư cách ca sĩ, kết thúc một sự nghiệp kéo dài 50 năm.

Scotto qua đời ngày 16/8/2023 ở tuổi 89 tại quê nhà Savona. Nhớ về bà, ta liên tưởng đến một viên kim cương. Khi mang nó ra trước ánh sáng, nó sáng lấp lánh. Nhưng như hầu hết mọi viên kim cương khác, nó có tì vết. Giọng hát của Scotto toả ra một sức quyến rũ thật đặc biệt, nó không nằm ở vẻ đẹp thuần khiết, ở kỹ thuật thanh nhạc mà ở sự hoá thân kinh ngạc trong từng vai diễn và sự li kì khủng khiếp được tạo ra để thể hiện cảm xúc của các nhân vật như chính Scotto cho biết: “Một ca sĩ phải mang lại cảm xúc cho khán giả và để làm được điều đó, bạn phải là một nghệ sĩ biểu diễn hoàn thiện, không chỉ là một ca sĩ giỏi hay một diễn viên giỏi”. Cùng với đó là tinh thần không thoả hiệp, đương đầu và chiến thắng trước mọi chướng ngại vật để đạt được mong muốn của mình. “Tính cách có giá trị hơn giọng hát”, lời nhận xét của Schonberg về Scotto là vô cùng chính xác. Tất cả những điều đó đã tạo nên một Scotto độc đáo của nền opera thế giới.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:
nytimes.com
gramilano.com
telegraph.co.uk
theguardian.com